Lập bếp chống dịch nấu những suất cơm nghĩa tình, không để chốt đói, chốt vắng
Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, hàng ngàn chốt kiểm soát được dựng lên khắp các thôn làng, khu phố, lực lượng đoàn viên thanh niên đã tham gia bám chốt, nấu những suất cơm nghĩa tình.
Đoàn viên xã Thượng Mỗ (H.Đan Phượng, Hà Nội) chuẩn bị những suất cơm cho chốt chống dịch. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.Hà Nội đã cho thiết lập hàng ngàn chốt kiểm soát tại khắp các thôn làng, khu phố để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Đây cũng là thời gian lực lượng áo xanh đoàn viên hăng hái “xông trận”, tham gia bám chốt, chống dịch.
Anh Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện đoàn Đan Phượng (Hà Nội), cho biết từ khi thực hiện giãn cách xã hội, Huyện đoàn Đan Phượng đã hỗ trợ đoàn viên tại tất cả các chốt kiểm soát trên địa bàn để cùng tham gia chống dịch, không ngại khó khăn.
Lực lượng đoàn viên tham gia gác chốt, chống dịch. ẢNH NGUYỄN ĐẠT
Thời gian đầu, nhiều gia đình còn lo lắng vì con em trực chốt, tiếp xúc với nhiều người, thậm chí đã có những đoàn viên đo thân nhiệt cho F0 và phải cách ly chống dịch, tuy nhiên sau khi nhận thức được hành động của con mình giúp ích cho xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh nên đều đồng tình, ủng hộ.
“Nhiều xã, lực lượng đoàn viên đang là chủ chốt, phối hợp với các bên liên quan để bám chốt chống dịch. Đã có đoàn viên phải cách ly vì tiếp xúc F0 nhưng sau khi hoàn thành cách ly, các bạn lại xông pha ra chốt chống dịch, không quản nguy hiểm, khó khăn”, anh Sơn nói.
Đoàn viên xã Thượng Mỗ nấu cơm cho lực lượng gác chốt chống dịch. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Ngoài bám chốt, đoàn viên tại nhiều chi đoàn còn triển khai mô hình “suất cơm nghĩa tình”. Có chi đoàn làm bánh, bún chả, trà sữa, nấu cháo,… có chi đoàn lại nấu cơm, mang tận nơi cho lực lượng tại chốt để họ yên tâm chống dịch.
Là một trong những chi đoàn thực hiện “bữa cơm nghĩa tình”, trưa 16.8, các đoàn viên Đoàn xã Thượng Mỗ (H.Đan Phượng) đã tập trung tại địa điểm để chuẩn bị hàng chục suất cơm trưa cho lực lượng gác chốt.
Bếp nấu ăn của Đoàn xã Thượng Mỗ được trưng dụng từ một quán cà phê. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Anh Nguyễn Văn Đạt, Bí thư Đoàn xã Thượng Mỗ, cho biết từ khi có lệnh giãn cách, chính quyền đã thiết lập 20 chốt cứng, 7 chốt mềm để kiểm soát người dân ra vào địa bàn, và cũng từ đó, lực lượng đoàn viên vừa bám chốt, vừa xây dựng nhiều kế hoạch để ủng hộ lực lượng bám chốt, không để chốt vắng, lực lượng bám chốt bị đói.
Theo anh Đạt, thời điểm dịch hoành hành, cũng là lúc tinh thần đoàn kết của người dân được bộc lộ rõ rệt nhất. Sau lời kêu gọi, người dân cả xã đã ủng hộ kinh phí để thực hiện chương trình “bữa cơm nghĩa tình” cho lực lượng chống dịch.
Kinh phí do nhân dân đóng góp, và đoàn viên trở thành đầu bếp. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Để bữa ăn không nhàm chán, bữa sáng, các đoàn viên sẽ làm bún chả; trưa và tối nấu những suất cơm nóng với đầy đủ rau, thịt mang tới tận chốt chống dịch.
“Mỗi bữa, chúng tôi chuẩn bị 60 suất ăn cho lực lượng bám chốt, bữa sáng khoảng 1,5 triệu đồng, bữa trưa và tối là 3 triệu đồng, toàn bộ kinh phí này được người dân ủng hộ”, anh Đạt nói.
Mỗi ngày, Đoàn xã Thượng Mỗ chuẩn bị 3 bữa, sáng bún chả, trưa tối là cơm. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Anh Đạt cho biết, ngoài nấu cơm cho chốt chống dịch, những hôm có lực lượng y tế về tiêm vắc xin, các cán bộ công an về làm nhiệm vụ, Đoàn xã Thượng Mỗ đều chuẩn bị những suất ăn để lực lượng yên tâm làm nhiệm vụ.
“Bếp chống dịch” của Đoàn xã Thượng Mỗ là một quán cà phê rộng mát, được người dân hỗ trợ làm nơi nghỉ ngơi, nấu ăn cho lực lượng bám chốt.
Tại đây, các đoàn viên người nhặt rau, người thái thịt, kho cá,… chuẩn bị những suất ăn đủ dinh dưỡng đúng giờ, đúng bữa để lực lượng yên tâm gác chốt, chống dịch.
Những suất cơm đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khoẻ cho lực lượng chống dịch. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Khoảng 11 giờ 30, những suất cơm được chuyển đến tận chốt để đảm bảo lực lượng chống dịch được ăn đúng bữa. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Đoàn viên Đoàn xã Liên Hồng (H.Đan Phượng) làm bánh bao, trà sữa cho lực lượng gác chốt. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Những chiếc bánh bao nóng được vận chuyển tới các chốt chống dịch trong đêm. ẢNH TRẦN CƯỜNG
Bà xã sắp mất, người đàn ông run rẩy khai 'di biến động dân cư': CSGT mời đi ngay
Câu chuyện khai di biến động dân cư tại các chốt kiểm soát chống dịch Covid-19 nội thành TP.HCM được rất nhiều người quan tâm.
Sáng nay, tại chốt kiểm soát Q.Bình Thạnh, người đàn ông luống tuổi run rẩy cầm bút khai 'di biến động dân cư' mãi chẳng xong. Rơm rớm nước mắt, ông nói: 'Bà xã đang nằm BV Gia Định, sắp mất rồi...', CSGT ngậm ngùi mời ông đi tiếp...
Ông S. tay run khai mãi không xong tờ di biến động dân cư vì tâm trạng rối bời
Những hạn chế trong việc khai báo di biến động dân cư tại các chốt kiểm soát chống dịch trong nội thành TP.HCM đã được Công an TP.HCM sớm cập nhật và kịp thời ra quyết định tạm ngưng khai báo trong chiều nay.
Sáng nay, dù là ngày chủ nhật cuối tuần, nhưng lực lượng trực ở chốt kiểm soát cũng vất vả để kiểm tra đủ các loại giấy tờ, quét mã QR của người dân đã khai báo di biến động dân cư. Đa số người dân đến chốt mới quét mã khai báo gây ra tình trạng đông đúc, dồn cục bộ tại các chốt kiểm soát. Để giải quyết tình trạng trên, chốt kiểm soát trên đường Phan Văn Trị của Q.Gò Vấp phải tạm xả chốt.
Sau đó, lực lượng trực chốt này chuyển sang kiểm tra nghiêm ngặt giấy ra đường, các trường hợp không có lý do chính đáng đều bị phạt. Riêng với khai báo di biến động dân cư, người dân được nhắc nhở chụp lại mã để lần sau cần ra đường thì khai báo trước ở nhà.
Không khai nổi vì...
Khoảng 10 giờ 10 phút, tại chốt kiểm soát Q.Bình Thạnh trên đường Phan Đăng Lưu (đoạn giao nhau với Nguyễn Công Hoan); ông Huỳnh Kim S. (60 tuổi, ngụ Q.5) cúi gằm mặt xuống yên xe, trên tay ông cầm cây bút run rẩy khai báo di biến động dân cư nhưng khai mãi chẳng xong. Chiếc mũ bảo hiểm che hết cả đôi mắt của người đàn ông da ngăm đen, tóc điểm bạc. PV cúi xuống để nhìn gương mặt ông được rõ hơn và hỏi thăm ông có gặp khó khăn gì trong khai báo hay không.
Khi biết ông đang vội vào viện thăm bà xã, CSGT vội vàng nói ông không cần khai báo, mời ông tiếp tục hành trình
Ông S. rưng rưng: "Giờ tui vô Bệnh viện Gia Định, thăm bà xã sắp mất rồi...". Nói tới đây, ông chẳng kìm được nước mắt, lại cúi gằm mặt, tay nắm chặt vào cây bút trên tay, cố giữ bình tĩnh để viết tiếp.
PV Thanh Niên đã báo với CSGT trực chốt trường hợp của ông S., nghe xong, CSGT cũng ngậm ngùi, nhanh chóng mời ông S. tiếp tục lưu thông, không cần khai báo và không quên dặn: tới chốt nào bị chặn lại ông cứ trình bày lý do để được đi đến BV nhanh nhất có thể.
Q.Bình Thạnh huy động quân số đông gấp 3 để thực hiện kiểm tra di biến động dân cư tại chốt kiểm soát
Không giữ được bình tĩnh, ông S. bối rối tìm chìa khóa xe, trong lúc ấy, ông kể: "Bả bệnh gan, mà ở nhà ban đầu không biết, phải mua thuốc trên mạng. Vừa mua xong là người ta gửi tới, chưa kịp uống là đau quá chịu không nổi nên đưa vô BV chiều hôm qua. Sáng nay, nhỏ cháu ngồi ở trỏng báo mẹ sắp mất rồi nên tôi phải vào viện ngay".
Nhìn dáng người đàn ông mảnh khảnh phóng xe vụt đi, CSGT và công an trực chốt đều ngậm ngùi nhìn theo, cầu mong ông kịp gặp bà xã lần cuối, BV cách chốt chỉ 200 mét...
Shipper dù thành thạo công nghệ nhưng cũng loay hoay khai báo ở chốt
Lúc sáng, tại chốt kiểm soát của này, người dân khi qua chốt đều bắt buộc phải khi di biến động dân cư, kể cả lúc đông xe. Sau khi khai báo xong, người dân nộp lại giấy hoặc trình mã QR rồi đi qua chốt, lực lượng chốt trực không kịp quét mã để xác nhận.
Chỉ khai báo "di biến động dân cư" ở các chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ
Tạm ngưng khai báo di biến động dân cư
Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, từ ngày hôm qua, Q.Bình Thạnh đã phải huy động gấp 3 lần quân số để tham gia kiểm tra di biến động dân cư tại 3 chốt kiểm soát. Các lực lượng gồm: Công an quận, CSGT, trật tự đô thị, dân quân tự vệ, tình nguyện viên,... Mỗi người một việc, nhưng từ sáng đến trưa ai nấy đều tất bật vì hết người này hỏi, đến người kia thắc mắc.
Người thì chăm chăm vào điện thoại...
Một cán bộ trực chốt tại đây cho hay, từ sáng đến khoảng 10 giờ, dù lượng xe có đông nhưng chưa xả chốt lần nào. Riêng với trường hợp là nhân viên y tế, chốt giải quyết để lực lượng này qua nhanh do mỗi ngày đều đã khai báo tại các đơn vị.
Tại đây, ngoài kiểm tra mã quét của người dân, CSGT và tình nguyện viên cũng cầm nhiều bản khai giấy để người dân khai báo. Cũng chính vì vậy mà những tiếng í ới liên tục ở chốt: "Anh ơi cho em mượn cây viết", "Anh ơi cho em xin tờ khai",... Có cả trường hợp đi qua 3 - 4 lượt cán bộ trực mới xin được tờ khai bản giấy.
Người thì cặm cụi khai báo giấy
Trước chốt kiểm soát, người thì cắm cúi viết, người thì nhìn chăm chăm vào điện thoại, tập trung khai báo di biến động dân cư. Một người dân thở dài: "Thấy khó khăn quá. Tôi có đầy đủ giấy thông hành, CMND rồi. Nãy giờ 10 phút vẫn chưa khai xong bản giấy đây".
Trao đổi với PV, một lãnh đạo công an quận tại TP.HCM thừa nhận, cả lực lượng trực cũng thấy "khó khăn" khi phải kiểm tra di biến động dân cư. Theo vị này, thông thường lực lượng trực chốt đã phải căng mình kiểm tra mình giấy ra đường, sàng lọc giấy nào được, giấy nào không đã rất mất thời gian rồi.
Lực lượng chức năng toát mồ hôi hướng dẫn khai báo di biến động dân cư
Còn khai báo di biến động dân cư, vị này chia sẻ: "Người dân đâu phải ai cũng xài điện thoại di động, mà xài rồi chưa chắc đã đăng ký 3G. Tới chốt khai báo thì hỏi xin 3G, wifi, không có lại đứng đó viết bản khai giấy, lúc vắng vẻ không sao, chứ 10 người như vậy là tập trung đông rồi. Giờ chúng tôi kiểm tra hết từng người thì xe dồn đông, mà cho xe qua thì người dân lại ra đường đông".
Trong khi đó, một cán bộ trực chốt ở khu vực quận trung tâm khác cũng bộc bạch: "Người dân chưa khai di biến động dân cư ở nhà, ra chốt đứng khai là thấy mất thời gian rồi. Tới khi lực lượng trực chốt quét mã QR, đâu phải quét là xong, mà quét xong còn phải đọc lại xem đúng thông tin không, lộ trình thế nào, tốn thời gian lắm".
Người dân và cả lực lượng chức năng đều tâm sự "khó khăn" khi phải khai báo di biến động dân cư
Các trường hợp qua chốt Bình Thạnh sáng 15.8 đều phải khai báo di biến động dân cư
Đến chiều nay 15.8, nhiều chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM đã tạm ngừng việc khai báo di biến động dân cư.
Trao đổi nhanh với PV Thanh Niên, lãnh đạo Công an Q.Bình Thạnh cho biết tạm ngưng kiểm tra mã QR khai báo di biến động dân cư của người dân qua chốt kiểm soát theo Chỉ đạo của Ban giám đốc của Công an TP. Lãnh đạo Công an Q.Tân Bình cũng cho biết, trong 2 ngày đầu triển khai kiểm tra di biến động dân cư, chốt kiểm soát của Tân Bình cũng đông nhưng ổn định. Sáng cùng ngày, lực lượng chốt trực Q.Tân Bình không kiểm tra nội dung này đối với người thi hành công vụ, lực lượng y tế, lực lượng tham gia phòng chống dịch.
Tuy nhiên, lãnh đạo Công an Q.Tân Bình cũng cho biết, từ đầu giờ chiều các chốt trên địa bàn quận đã ngưng kiểm tra nội dung này đối với tất cả người đi đường. Các chốt kiểm soát vẫn kiểm tra nghiêm ngặt giấy ra đường, CMND/CCCD và xử phạt nghiêm người ra đường không có lý do chính đáng.
Tương tự, một lãnh đạo Công an Q.7 cũng cho biết, việc khai báo di biến động dân cư hiện nay chỉ thực hiện tại 12 chốt kiểm soát cửa ngõ, các chốt nội thành tạm ngưng theo chỉ đạo mới nhất của Công an TP.HCM
Bản tin Covid-19 ngày 15.8: TP.HCM giãn cách xã hội đến 15.9, bối rối ở chốt kiểm tra di biến động dân cư
Những suất cơm nghĩa tình trên biên giới xứ Lạng Theo sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, từ cuối tháng 5/2021 đến giữa tháng 7/2021, tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận hơn 8.000 người dân từ các vùng dịch trở về địa phương và thực hiện cách ly bắt buộc đối với những trường hợp chưa đủ thời gian cách ly ở vùng dịch. Các tình nguyện viên...