Lão nông Ba Liêm chinh phục vùng đất khó
Dù tuổi cao nhưng ông Trần Thanh Liêm (Ba Liêm), nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sau khi về hưu vẫn tiếp tục gắn bó với mảnh vườn tại vùng rừng U Minh Hạ. Ông đã khẳng định cho mọi người thấy rằng, trên vùng đất khó này hoàn toàn có thể trồng cây ăn trái nếu quyết chí làm giàu.
Lẽ ra khi về nghỉ hưu, nhiều người chọn cho mình một cuộc sống an nhàn tuổi già thì ông Ba Liêm lại chọn cách gắn bó với nông dân. Ông cho biết, ngày xưa, khi còn làm công tác Mặt trận, tiếp xúc nhiều với nông dân, ông luôn tâm niệm phải làm một công việc gì đó thực tế thì dân mới tin và làm theo. Chính vì vậy, ngay khi còn là cán bộ, ông đã thuê một mảnh đất để thử làm vườn. Đến ngày về hưu, năm 2008, ông mua hẳn mảnh đất rừng 7 ha tại Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh để trồng cây ăn trái, chăn nuôi kết hợp trồng rừng.
Ông Ba Liêm tự tay lắp hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái..
Đến thăm vườn của ông Ba Liêm vào những ngày cuối vụ quýt. Ông rất phấn khởi vì tiếp tục có một năm thắng lợi. Trúng mùa được giá, chỉ riêng cây quýt mang về cho ồng doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Nhiều năm liên tiếp mô hình kinh tế vườn của ông khẳng định được hiệu quả và cho lợi nhuận.
Ông Ba Liêm chia sẻ: “Năm rồi số quýt thu được trên 50 tấn và tính giá thị trường thì tôi có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Thu nhập từ cá, heo rừng cũng gần 100 triệu đồng. Tính ra thu lãi 1 ha đất cũng trên 200 triệu đồng”.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông đã trải qua không ít thất bại. Hàng ngàn gốc quýt mới trồng 2 vụ đầu đều bị chết. Không nản lòng, ông nhờ kỹ sư của Trường Đại học Cần Thơ tư vấn kỹ thuật. Ông đúc kết kinh nghiệm rằng, muốn trồng cây ăn trái ở vùng rừng U Minh phải lấy đất thật sâu từ 5 m trở lên mới thoát khỏi tầng phèn. Cách làm này vừa lấy được đất tốt, vừa có nước ngọt để tưới cây và ao nuôi cá. Đồng thời, để có vốn chờ thu hoạch cây ăn trái, những năm đầu ông trồng hoa màu xen canh để “lấy ngắn nuôi dài”.
Video đang HOT
Ông Ba Liêm cho biết: “U Minh đang chứa đựng tiềm năng rất lớn, nếu được bố trí tốt, được khơi thông, được hướng dẫn kỹ thì hộ nông dân nào cũng có thể làm giàu được. Những năm qua, dù cây rừng mag lại hiệu quả kinh tế, nhưng thời gian của cây rừng dài trong khi diện tích đất còn lại bà con phát huy chưa tốt. Tôi nghĩ, với diện tích từ 1-3 ha được chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hoàn toàn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, thu nhập 200-300 triệu đồng/ha đối với người dân U Minh. Tuy nhiên, người dân cần vượt qua thử thách ban đầu”.
Từ khi về hưu, ông đã trở thành nông dân thứ thiệt. Ngoài thuê vài người làm thì nhiều việc do chính ông đảm nhiệm. Ngày chúng tôi đến, ông đang đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho mảnh vườn hơn 4 ha của mình, kinh phí hơn 140 triệu đồng. Song, theo ông, đầu tư hệ thống này chỉ cần 1 năm sẽ hoàn vốn do đỡ tốn nhân công mà lại tiết kiệm được lượng nước tưới.Ông Trần Huy Quang, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh, cho biết: “Mô hình trồng cây ăn trái kết hợp của ông Ba Liêm rất hiệu quả. Chính vì vậy, trong các lớp tập huấn, Hội Nông dân huyện tổ chức cho hội viên đến học cách trồng cây ăn trái của ông. Nhiều hộ áp dụng thành công”.
Thu nhập hơn tỷ đồng mỗi năm, nhưng ông không có ý định dừng lại. Hiện ông Ba Liêm đang trồng thêm một số cây trồng khác như: bưởi, vú sữa, cam, tiêu, thanh long, kết hợp nuôi cá, heo rừng. Bên cạnh nguồn thu chính là 5.000 gốc quýt, các loại cây trồng, vật nuôi khác cũng mang về cho ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông cũng đang tính toán để đầu tư thử nghiệm làm du lịch sinh thái.
Ông Ba Liêm tâm đắc: “Tôi cho rằng, nếu chúng ta tổ chức tốt, ngoài việc canh tác sản xuất thì có thể tạo ra một sản phẩm đó là du lịch sinh thái miệt vườn. Tuy nhiên, cách làm này cần có sự góp sức chung của cộng đồng, cả xóm, cả làng cùng làm sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Trong từng gia đình cần được huấn luyện cách sống, một cách độc đáo riêng đặc trưng của U Minh”.
Dám nghĩ, dám làm, lão nông Ba Liêm đã vượt qua nhiều khó khăn để cây đơm hoa, kết trái trên vùng đất khó. Mặc dù đạt được nhiều thành công, nhưng ông không nhận mình là nông dân sản xuất giỏi. Cái mà ông quan tâm là làm sao nhân rộng mô hình, có vốn để bà con mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư vườn cây ăn trái để cùng ông làm giàu ở vùng rừng U Minh Hạ./.
Theo danviet
Ngày đêm căng mắt giữ rừng U Minh Hạ
Hàng chục ngàn ha rừng ở U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau đang đối mặt với nguy cơ cháy do tình hình khô hạn nghiêm trọng. Trên vọng gác cao hàng chục mét so với mặt đất, những cán bộ kiểm lâm đang ngày đêm căng mắt giữ rừng.
Dự báo cháy cao
Ông Đỗ Văn Đồng - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết: Tình hình khô hạn năm nay đến sớm hơn và có thể kéo dài hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 1 tháng. Do đó diện tích rừng tại U Minh Hạ và rừng cụm đảo là đối tượng dễ bị cháy cao.
Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, toàn lâm phần rừng tràm Cà Mau có diện tích hơn 43.00ha. Trong đó, hơn 20.300ha được dự báo cháy cấp III, gần 23.000ha dự báo cháy cấp II; và đặc biệt hiện có 163ha rừng chuyển từ báo cháy cấp III lên cấp IV (cấp nguy hiểm).
Những người "lính canh" luôn túc trực trên vọng gác cao hơn 18m để căng mắt giữ rừng. Ảnh: Hoàng Hạnh
Tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, Phó Giám đốc vườn - ông Lê Thanh Dũng cho biết: "Hiện tại, mức nước ở khu vực cấm nghiêm ngặt còn 1,9m (tính từ mặt nước đến đáy kênh), ở phân khu phục hồi sinh thái mức nước còn trữ được 2,05m. Điều đáng lo ngại là mức nước thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 30cm, nguyên nhân là do nắng nóng liên tục trong những tháng đầu mùa khô, cộng với việc gió mạnh làm cho lượng nước trên lâm phần bốc hơi nhanh".
Túc trực 24/24 giờ
Có mặt tại trạm Kinh Đứng trong lâm phần Vườn quốc gia U Minh Hạ vào những ngày này mới thấy hết sự khổ cực và tinh thần giữ rừng của anh em làm nhiệm vụ tại đây.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, UBND tỉnh Cà Mau liên tiếp ban hành các văn bản đề nghị phối hợp tốt công tác phòng cháy chữa cháy mùa khô năm 2016, nghiêm cấm mọi hành vi vào rừng khi không có nhiệm vụ; triển khai các phương án ứng phó kịp thời khi sự cố cháy xảy ra...
Trên đường dẫn chúng tôi vào trạm Kinh Đứng, anh Quách Văn Tường (27 tuổi) chia sẻ: Chỉ có những con người thật sự yêu rừng mới có thể gắn bó và giữ được rừng. Với mức lương không đáng là bao, nhưng tôi quyết gắn bó đời mình với công việc này, vì lẽ đơn giản tôi yêu và muốn bảo vệ màu xanh của những cánh rừng bạt ngàn nơi đây.
"Mùa khô năm nay ác liệt quá, nên từ hôm tết đến nay tôi không có thời gian về thăm vợ con. Hôm nay bà ấy chở theo thằng con trai 3 tuổi vào rừng thăm tôi, và đây là lần đoàn tụ, hạnh phúc có thể nói là hiếm hoi của gia đình tôi" - Trạm trưởng Nguyễn Đình Dũng bộc bạch.
Ông Lê Thanh Dũng cho biết thêm: "Để kịp thời giữ rừng, đôi khi bữa cơm của anh em canh rừng được nấu vội 3 phần sống, 7 phần chín, nhưng ai cũng nêu cao tinh thần và hăng say làm việc. Vườn đã triển khai 5 tổ máy bơm cùng lực lượng xuống ứng trực tại những khu vực có nguy cơ cháy cao, bố trí lực lượng túc trực trực 24/24 giờ ở các chòi canh lửa, mỗi chòi canh từ 4 đến 5 người".
Còn ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cà Mau cho biết, là đơn vị có diện tích rừng có nguy cơ cháy cao công ty đã tập trung mọi nguồn lực để phòng cháy chữa cháy trong mùa khô năm 2016.
Theo Danviet