Lão kình ngư 40 năm “cướp cơm” của…. Hà Bá dưới chân cầu Long Biên
Gần 40 năm qua, người đàn ông này vẫn lặng lẽ gắn bó với công việc không giống ai của mình đó là: Vớt xác người chết dưới sông Hồng và cứu người nhảy cầu tử tự.
Nhiều người vẫn gọi vui ông Nguyễn Đăng Được (SN 1946 trú tại Long Biên, Hà Nội) bằng cái tên ông Được “hiệp sỹ” hay “người cướp cơm của Hà bá”.
30 năm ăn cơm dương gian làm việc âm phủ
Căn nhà của lão kình ngư đặc biệt này nằm lẫn với những nóc nhà nổi dập dềnh trên mặt nước, rách rưới và liêu xiêu trong gió sông Hồng. Để tìm được đường đến đây, chúng tôi phải băng qua những con đường đất ngoằn nghèo, với những đám cỏ lau rậm rạp, cao đến gần đầu người.
Nhà của ông Được thực chất là một chiếc thuyền nan, được chắp vá tạm bợ bằng những mảnh tôn sắt với chi chít vải bạt và những tấm áp phích quảng cáo để che nắng mưa. Lão “kình ngư” nhỏ thó, đen đúa nhưng có đôi mắt tinh anh và khuôn mặt rắn rỏi. Ông Được cho biết, có lẽ do sống quen với cảnh sông nước nên ông luôn có linh cảm đặc biết với những xác chết dưới lòng sông.
Bất kể trời nắng hay mưa, nắng nóng hay gió lạnh đến tê người, chỉ cần biết thông tin có người nhảy cầu tử tự, ông Được đều bất chấp nguy hiểm, một thân một mình chèo chiếc thuyền thúng cũ mèm đuổi theo rồi lao xuống dòng sông, cứu lấy những người mà trong những lúc quẫn trí đã tìm đến cái chết để giải thoát cuộc đời.
Đến bây giờ nhẩm tính, lão “kình ngư” cũng không nhớ nổi đã vớt được bao nhiêu xác người, cứu được bao nhiêu người có ý định tự tử. Chỉ biết rằng đã có hàng trăm lần, ông Được ngụp lặn dưới đáy sông Hồng, kiên trì mò mẫm tìm người gặp nạn.
Nhớ về cơ duyên đến với công việc không giống ai của mình, ông Được kể lại: Cách đây gần 30 năm, một nhóm học sinh cấp 2 rủ nhau đi tắm sông Hồng, không may một cậu bé trong nhóm bị tụt xuống hố cát rồi nhanh chóng bị dòng nước hung dữ cuốn đi. Ròng rã cả ngày trời, gia đình nạn nhân thuê người ngụp lặn khắp sông Hồng tìm kiếm nhưng thi thể cậu bé vẫn “bặt vô âm tín”.
Như linh tính mách bảo, khi ông Được chèo thuyền qua vị trí cháu bé gặp nạn thì bất ngờ thấy một đầu người nhô lên khỏi mặt nước: “Cảm giác lạnh toát, đặc biệt là mùi xác người khiến tôi ớn lạnh. Người chết trên bờ nhìn đã sợ, người chết dưới nước toàn thân trắng bệnh, dập dờ, chân tay thường co quắp, mắt mở trừng trừng và gần như biến dạng hoàn toàn khiến ai yếu bóng vía có thể bị ảm ảnh, sợ hãi đến ngất lịm. Lần ấy phải lấy hết can đảm, tôi mới dám tiến tới gần và kéo xác cậu bé vào bờ”. Cũng kể từ đó, vớt xác người chết như một cái “nghiệp” gắn với cuộc đời ông lão kình ngư này.
Hễ thấy tử thi nổi trên sông là ông Được dùng sợi dây buộc vào chân nạn nhân rồi từ từ kéo vào bờ. Với những trường hợp xác chết bị ngâm nước lâu ngày, ông Được phải vừa dòng dây, vừa dùng tay đẩy họ vào bờ.
Theo ông Được, vớt xác người chết ngoài “cái duyên” còn đòi hỏi phải có kỹ thuật đặc biệt để tránh bị Hà Bá mang đi. Biển nước mênh mông, gặp dòng nước chảy, xác trôi theo, nên việc đầu tiên phải làm là xác định vị trí, thời điểm xác chìm, đoán con nước lên, xuống, chảy về đâu để khoanh vùng tìm kiếm. Thông thường, với những người chết đuối thì theo quy luật 3 ngày xác sẽ nổi, phụ nữ sẽ dang hai tay, ngửa mặt còn nếu nạn nhân là đàn ông thì sẽ nằm úp.
Video đang HOT
Tự nhận mình là người thần kinh thép và quen với cảnh chết chóc nhưng không ít lần, ông Được phải uống vài chén rượu để lấy dũng khí trước khi bắt đầu công việc.
Ông Được nhớ lại thời điểm năm 2011 khi đi tìm thi thể cô gái N.T.H (20 tuổi, Hà Nội) gieo mình xuống sông Hồng. Đã qua 3 ngày, mà thi thể cô gái vẫn chưa chịu nổi. Với kinh nghiệm của mình, ông Được chèo thuyền xuôi về khu vực Thái Bình “đón lõng” nhưng lạ lùng là mặc dù đã dùng móc câu để rà nát cả khúc sông mà vẫn không có bất cứ dấu hiệu nào.
Trong lúc cả đoàn người định buông xuôi quay về thì ông Được bất ngờ tìm thấy thi thể cô gái vướng trong một bụi lau gần đó. Khuôn mặt nạn nhân bị biến dạng hoàn toàn và lộ hẳn ra một bào thai chừng 5 tháng tuổi. Cảnh tượng kinh hoàng ấy khiến người nhà nạn nhân cũng sợ hãi không dám lại gần. Không ngại ngần, ông Được xé áo buộc ngang mũi rồi cứ thể từ từ kéo thi thể vào bờ.
Dân thuyền chài kiêng kị cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra, bởi họ quan niệm phải đền mạng khi cướp miếng cơm của Hà Bá. Riêng ông Được lại khác, mỗi lần vớt được xác người, ông lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, chứ chưa bao giờ có ý định “bỏ mặc” nạn nhân giữa dòng sông lạnh lẽo.
Ông Nguyễn Đăng Được – kình ngư chuyên vớt xác ở sông Hồng
Biệt tài “ngửi hơi”… người sắp chết của lão kình ngư
Không những vớt xác người, mỗi khi thấy có người thơ thẩn, buồn bã có ý định tự tử là ông Được lại tìm đến khuyên nhủ, động viên. Thậm chí, rất nhiều trường hợp đã được ông Được cứu sống khi vừa gieo mình xuống dòng sông Hồng.
Gần đây nhất, cuối năm năm 2012, một đôi bạn trẻ do bị gia đình phản đối chuyện tình cảm đã tìm cách tự vẫn. Mặc dù trời đang vào đợt lạnh cắt da cắt thịt nhưng nghe thấy tiếng kêu thất thanh của những người trên cầu, ông Được vội chèo chiếc thuyền nan rồi nhanh chóng lao mình xuống dòng nước đang cuồn cuộn, chảy xiết.
“Rất may do có mặt kịp thời nên tôi vẫn tóm được cả hai trong tình trạng ngoi ngóp. Chỉ chậm chút thôi là nạn nhân mất mạng như chơi vì dòng nước quá lạnh và uống no nước”. Lần ấy, không những không được cảm ơn, mà ông Được còn bị “nạn nhân mắng xối xả” vì “tội dám” không để họ chết. Ông Được buồn bã nhớ lại: “Vừa ngoi ngóp lên bờ, cậu con trai quay sang tôi hét lớn: “ Sao ông lại cứu bọn tôi, ai mượn ông cứu? Sao không để cho bọn tôi chết”.
Lần khác, một người đàn ông chừng 40 tuổi do mâu thuẫn gia đình nên đã ôm hai đứa con nhảy cầu Chương Dương tử tự. Hai đứa trẻ, một đứa chừng 3 tuổi, một đứa chừng 5 tuổi. Nghe thấy tiếng trẻ con khóc thét, ông Được lao ra giữa dòng sông: “Lúc đó, hai đứa trẻ bám vào vai tôi, thấy thế ông bố cũng hốt hoảng bám theo. Do bơi ngược dòng nên tôi tưởng mình cũng chết theo họ. May mà lúc đó, công an cho ca nô ra cứu cả bốn người nên tất cả đều thoát nạn…”.
Có những nạn nhân được ông cứu giúp, gặp cảnh cơ nhỡ ông đều sẵn sàng cưu mang, vét sạch tiền trong túi để giúp người hoạn nạn tìm đường về quê hương. Đối với những xác chết trôi sông “vô thừa nhận”, ông Được đều tắm rửa sạch sẽ cho xác chết, rồi cặm cụi đi xin gạch, xi măng, quan tài về chôn cất cho nạn nhân.
Cả cuộc đời cơ cực của ông Được đều gắn liền với những chuyện chết chóc, lão kình ngư này không coi đây là công việc bởi chẳng ai kiếm tiền trên thân xác những người đã chết. Với ông làm việc tốt cũng đồng nghĩa với việc đang “tích đức, tạo phúc” cho con cái và chính bản thân mình.
Xuân Ngọc – Hà Trang
Theo Dantri
Người đàn ông bại liệt trong căn nhà khoá cửa sẽ vào Viện Dưỡng lão
Trong thời gian tới, để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình và đảm bảo cho việc dưỡng bệnh, ông Đàm Quang Anh sẽ được đưa vào Viện dưỡng lão của thành phố Hà Nội.
Thông tin về một người đàn ông 60 tuổi, bị bệnh bại liệt trong căn nhà khóa kín cửa tại phường Chương Dương - Hà Nội được Dân trí phản ánh đã nhận được nhiều sự chia sẻ, phản hồi của bạn đọc. Nhiều ngày qua, căn nhà số 26 - nơi ở của người đàn ông khốn khổ này luôn có nhiều nhóm tình nguyện tìm đến giúp đỡ.
Bản thân bà Loan và con gái cũng đã quay trở lại căn nhà ba tầng để tiện chăm sóc ông Quang Anh. Tiếp chúng tôi trong dáng vẻ mệt mỏi vì thiếu ngủ, bà Loan cho biết vừa thuê người làm vệ sinh, tắm rửa cho ông Anh. Mấy ngày qua, áp lực dư luận cùng với những mâu thuẫn gia đình khiến cho bà bị sốc và suy sụp nặng về tinh thần. Con gái bà Loan là Đ.T.P cũng rơi vào trạng thái trầm cảm và phải nghỉ làm vì quá mệt mỏi.
"Bỏ mặc ông Anh là do sự rối trí nhất thời"
Nghẹn ngào nước mắt bà Loan cho rằng nguyên nhân "để mặc" ông Quang Anh trong căn nhà khóa kín cửa là do sự từ chối, bất hợp tác và không muốn giúp đỡ của chính ông Anh: "Để đến cơ sự này tôi cũng đã rơi vào bế tắc. Tôi không hề muốn để ông ấy sống một mình nhưng quả thật chúng tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Bản thân tôi bị bệnh sốt huyết dạ dày nên mỗi lần ngửi thấy mùi này là đều nôn thốc, nôn tháo chính vì thế tôi buộc phải chuyển ra ngoài ở để đảm bảo sức khỏe. Nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề là do ông Quang Anh luôn đe dọa và có những lời lẽ xúc phạm đến tôi cũng như con gái. Phía đằng nội nhà ông Anh "chối bỏ" không quan tâm, giúp đỡ gì lại luôn đặt điều tiếng không hay cho tôi".
Bình thường, mỗi ngày bà Loan đều tranh thủ mang thức ăn về cho ông Anh nhưng hai tuần gần đây, sức khỏe yếu nên cách ngày bà mới về tiếp tế. Việc vệ sinh cho ông Quang Anh cũng không được thường xuyên do không có tiền thuê người giúp việc. Theo bà Loan cuộc hôn nhân giữa bà và ông Anh không được hạnh phúc, trong nhiều năm, bà chưa bao giờ được đối xử như một người vợ đúng nghĩa. Bản thân ông Anh bị bệnh bại liệt từ năm 2007 do di chứng của căn bệnh viêm tủy sống, gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không khỏi.
Kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, gánh nặng đè lên vai bà Loan do những khoản nợ tiền chạy chữa cho chồng ngày càng nhiều lên. Việc để "mặc" ông Anh trong căn nhà khóa kín cửa để tự xoay sở, theo bà Loan là sự "rối trí nhất thời" và bế tắc do không tìm được cách giải quyết sự việc một cách thỏa đáng: "Mâu thuẫn gia đình tích tụ từ lâu và ngày một lớn, phía đằng nội hắt hủi, không quan tâm nên tôi đã chuyển ra ngoài để tránh sự mệt mỏi, áp lực cho gia đình".
Gặp lại chúng tôi, tình hình sức khỏe của ông Quang Anh đã khá hơn nhiều, ông Anh vui vẻ cho biết vừa được tắm rửa và thay ga đệm mới. Khi được hỏi về mong muốn của mình, ông Anh ngập ngừng cho biết muốn được chuyển đến trung tâm bảo trợ xã hội sống nốt quãng đời còn lại vì không muốn làm phiền đến mọi người xung quanh. Hiện tại do nằm quá lâu một chỗ nên phần thịt ở lưng ông Anh đã thối rữa một mảng lớn, rụng dần và liên tục rỉ nước vàng. Nếu không được chữa trị và chăm sóc kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bi kịch của một gia đình
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Chi Linh - phó chủ tịch phường Chương Dương cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, lãnh đạo phường đã có mặt, triệu tập người thân của ông Đàm Quang Anh để tìm hiểu rõ sự việc: "Ngay trong tối ngày 18/10/2013 đích thân tôi đã xuống làm việc với bà Tạ Thị Bích Loan - vợ của ông Quang Anh. Chính quyền địa phương cũng đã cử cán bộ Y tế xuống kiểm tra tình hình sức khỏe cũng như hướng dẫn bà Loan cách chăm sóc, làm vệ sinh cho ông Quang Anh. Đúng là hai tháng gần đây bà Loan và con gái chuyển ra ngoài, không ở cùng ông Quang Anh. Tuy nhiên, việc bỏ đói thì chưa chính xác vì bà Loan vẫn về tiếp tế đồ ăn cho ông Anh. Trước hoàn cảnh éo le, khó khăn của gia đình, chúng tôi cũng đã quyết định trợ giúp đột xuất cho gia đình ông Anh hai triệu đồng...".
Cũng theo ông Linh, trong buổi làm việc với gia đình, chính quyền địa phương đã yêu cầu phía nội nhà ông Anh có mặt để cùng giải quyết sự việc nhưng nhận được sự bất hợp tác: "Chúng tôi đã yêu cầu bà Loan phải chuyển về chăm sóc ông Anh, có mặt ở nhà nhiều nhất có thể chứ không thể để một người ốm đau, bại liệt phải tự vật lộn chăm sóc mình như thế được...".
Về nguyên nhân khiến ông Quang Anh "bị bỏ mặc" không ai chăm sóc theo ông Linh xuất phát từ nhiều phía, sâu xa do hoàn cảnh kinh tế khó khăn và những mâu thuẫn nội bộ trong gia đình tích tụ từ lâu. Bản thân ông Anh lại không hợp tác và luôn chửi mắng vợ con nên khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lớn.
Tuy không ở cùng nhưng hàng ngày bà Loan vẫn tiếp tế bánh, sữa và đồ ăn cho ông Quang Anh đầy đủ. "Mọi vấn đề phải nhìn từ nhiều khía cạnh, theo tôi trong chuyện này tất cả mọi người đều có một phần lỗi. Giá như ông Quang không có những lời lẽ xúc phạm vợ con và bà Loan bình tĩnh giải quyết thì có lẽ mọi chuyện cũng không trầm trọng đến mức độ này".
Ông Linh cũng cho rằng dư luận nên có những phán xét khách quan, công bằng và không nên có những bình luận ác ý đối với vợ con ông Anh bởi suy cho cùng họ cũng là những người đáng thương hơn là đáng giận: "Bà Loan là một phụ nữ nhẫn nhịn, cam chịu. Tuy nhiên sự chịu đựng của ai cũng có giới hạn, bản thân bà phải sống trước nhiều áp lực của gia đình nên có những suy nghĩ tiêu cực cũng là điều dễ hiểu. Ngay bản thân con gái của ông Anh cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để thoát khỏi sự trầm cảm do những mâu thuẫn gia đình trước đây...".
Ông Linh cũng cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sắp tới chính quyền sẽ làm thủ tục để chuyển ông Anh vào trung tâm bảo trợ xã hội. Đây cũng là nguyện vọng của gia đình cũng như bản thân ông Đàm Quang Anh mong muốn.
Xuân Ngọc - Hà Trang
Theo Dantri
Hà Nội: Người đàn ông bại liệt bị bỏ mặc trong ngôi nhà khóa cửa Sự việc xảy ra tại khu phố 8, phường Chương Dương (Hà Nội) từ nhiều tháng nay. Nhiều người muốn vào giúp đỡ vì thấy người đàn ông này có dấu hiệu bị bỏ đói nhưng đành bó tay bất lực vì ngôi nhà đã khóa trái cửa. Một người hàng xóm gần nhà ông Anh cho biết, mấy ngày nay họ nghe...