Lão ‘gàn’ bỏ tiền túi lắp loa cảnh báo đường sắt
“Bà con chú ý, tàu lửa qua đường ngang!” – Đó là âm thanh phát ra từ hệ thống loa cảnh báo do anh Nguyễn Minh Lễ (48 tuổi, ngụ khu phố 5, phường Phú Thạnh, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) tự chế, nhằm thông báo cho người dân biết tàu lửa sắp qua khu vực này để mọi người né tránh.
Một chiếc loa được anh Lễ lắp đặt ngay tại nơi giao nhau giữa đường sắt với đường ngang dân sinh.
Ước muốn của người đàn ông thiện tâm này là tất cả các đường ngang dân sinh qua đường sắt đều được lắp loa cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Hệ thống loa cảnh báo tự chế
Đến đầu khu phố 5, hỏi thăm nhà anh Nguyễn Minh Lễ, người thì tíu tít chỉ đường với câu hỏi: “Anh Lễ lắp loa cảnh báo an toàn đường sắt chứ gì?”, người thì bảo: “Anh Lễ này hay lắm! Anh nên đến nhà để biết, xã hội mình còn nhiều người tốt lắm!”.
Ngôi nhà của anh Lễ nằm cạnh con đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt tại khu phố 5. Ở khoảnh chái bên hiên nhà, anh Lễ đang ngồi trực trước hệ thống âm ly, máy phát mà mình tự lắp đặt để cảnh báo an toàn đường sắt cho người dân.
Khách hỏi chuyện, người đàn ông với gương mặt hiền lành, phúc hậu cười bảo, vì sinh sống ở đây đã lâu nên hiểu được tâm trạng của bà con rất e ngại khi đi qua các đường ngang dân sinh giao với đường sắt không rào chắn. Khi qua lại thường bị khuất tầm nhìn, không có tín hiệu cảnh báo nên nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
“Đã có trường hợp một cụ ông khi đi qua đường ngang chẳng may va chạm với tàu hỏa và tử vong. Xuất phát từ nguyện vọng để bà con đi qua lại được an toàn hơn, tôi tâm nguyện muốn làm một hệ thống cảnh báo cho bà con. Và rồi tôi cũng thực hiện được”, anh Lễ bộc bạch.
Theo anh Lễ, hệ thống loa cảnh báo của anh hoạt động theo cơ chế nhận tín hiệu bằng micrô từ chuông cảnh báo của ngành đường sắt tại khu vực có rào chắn cách nhà anh gần 1.000m, truyền về máy chủ.
Ngay sau đó, anh sẽ bật âm ly, truyền câu: “Bà con chú ý, tàu lửa qua đường ngang!” được ghi sẵn trong thẻ nhớ, truyền đến 4 loa phóng thanh công suất lớn được đặt ở những đường ngang đông người qua lại để cảnh báo cho bà con thận trọng quan sát khi đi ngang qua đường sắt. Đều đặn từ 5 – 20h mỗi ngày, những chiếc loa đều phát ra âm thanh cảnh báo liên tục mỗi khi chuẩn bị có tàu lửa đi qua.
Video đang HOT
Anh Lễ kiểm tra hệ thống phát tín hiệu cảnh báo an toàn đường sắt tại nhà.
“Nhìn hệ thống khá thô sơ thế thôi nhưng tôi đã nghiên cứu suốt 3 tháng ròng rã. Tôi phải tìm mua từng thiết bị, sau đó lắp đặt lại với kinh phí trên 10 triệu đồng. Mới đầu thí nghiệm, hệ thống trục trặc nên tôi cũng nản. Nhưng nghĩ tới cảnh bà con mình qua lại đường sắt hàng ngày mà không được cảnh báo, tai nạn luôn rình rập nên tôi lại quyết tâm làm đến cùng. Cuối cùng thì công sức của tôi cũng được đền đáp, hệ thống phát âm thanh cảnh báo đến giờ hoạt động đã được 3 tháng và rất ổn định”, anh Lễ cho biết.
Hệ thống này còn khá thô sơ, hoạt động thủ công nên đòi hỏi lúc nào cũng phải có người túc trực để bật máy phát âm thanh. Để san sẻ công việc cùng với anh Lễ, anh Nguyễn Duy Thạnh (37 tuổi, hàng xóm anh Lễ, giáo viên trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, ở xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) cũng không quản ngày đêm túc trực ở nhà anh Lễ để phát loa cảnh báo.
“Tôi thấy mô hình rất hiệu quả vì nhiều lúc bà con đi qua đường ngang không để ý tàu hoặc bị khuất tầm nhìn. Có những cái loa này phát lên, mọi người biết, dừng lại, đi qua đúng thời gian và an toàn. Các em học sinh nghe loa nhiều lần nên cũng quen. Bây giờ, các em nghe tiếng loa phát là dừng lại, chờ tàu chạy qua mới đi qua đường sắt. Tôi dự định sẽ tuyên truyền mô hình này trong nhà trường để tất cả các em học sinh đều biết”, anh Thạnh chia sẻ.
Đồng hành cùng với anh Lễ không thể thiếu những người trong gia đình. Chị Trương Thị Lụa (47 tuổi, vợ anh Lễ) bảo, lúc đầu, khi anh bắt đầu nghiên cứu làm hệ thống này, chị cũng phàn nàn vì tốn thời gian. Nhưng khi hệ thống đi vào hoạt động, giúp cho bà con qua lại an toàn, chị cũng thấy vui nên lúc rảnh là phụ anh ngồi trực máy. Các con của anh chị cũng hào hứng với công việc đầy tính nhân văn này.
“Bây giờ, cả nhà tôi cùng tham gia túc trực để bật máy phát mỗi khi anh lễ vắng nhà. Nhiều lúc rảnh rỗi, bà con hàng xóm cũng qua thay phiên nhau túc trực nên không khí vui vẻ lắm. Tất cả vì sự an toàn, vì cái chung nên ai cũng vui vẻ và hào hứng”, chị Lụa tâm sự.
Mong muốn mô hình được nhân rộng
Qua 3 tháng sử dụng, thấy hệ thống phát huy hiệu quả nên người dân ở đây vô cùng phấn khởi. “Hệ thống loa cảnh báo của anh Lễ rất hữu ích cho người dân ở địa phương. Bà con đi qua đi lại được cảnh báo nên an toàn hơn. Trước đây, tôi rất lo sợ mỗi khi mấy đứa cháu nhỏ của tôi đi ngang qua đường sắt, nhưng từ khi có hệ thống loa cảnh báo của anh Lễ, tôi yên tâm hơn vì tụi nhỏ đã tự ý thức được việc phải dừng khi nghe loa phát cảnh báo. Tôi mong muốn trong thời gian đến mô hình này được nhân rộng để mọi người được an toàn hơn khi đi qua các đường ngang dân sinh tự phát”, bà Trần Thị Tình (64 tuổi, ngụ khu phố 5) cho biết.
Dẫn chúng tôi ra khu vực treo những chiếc loa cảnh báo ở gần đường sắt, anh Lễ bảo, chỉ 4km đường sắt qua khu phố 5 nhưng có khoảng 15 đường ngang dân sinh tự phát qua đường sắt với lưu lượng người và phương tiện qua lại đông đúc. Trong khi đó, hệ thống loa phóng thanh cảnh báo của anh sáng chế ra không ảnh hưởng đến tín hiệu của ngành đường sắt nên anh mong muốn trong thời gian tới chính quyền và ngành chức năng hỗ trợ để nhân rộng.
“Mỗi lần nhắc đến hệ thống loa cảnh báo, bà con ở đây đều tấm tắc ngợi khen nên tôi rất vui. Nếu được chính quyền và ngành chức năng hỗ trợ, tôi sẽ hướng tới tất cả 15 đường ngang dân sinh đều được lắp loa cảnh báo; đồng thời nghiên cứu phát triển hệ thống này vận hành tự động”, anh Lễ cho biết.
Về vấn đề này, ông Ngô Trung Dự – Cung trưởng Cung đường Đông Tác, Công ty Đường sắt Phú Khánh, cho biết: “Việc mở các đường gom dân sinh và lắp thiết bị cảnh báo là rất khó khăn ở những tuyến đường ngang. Hệ thống loa cảnh báo như của anh Lễ đã góp phần nâng cao ý thức người dân khi qua đường sắt. Đơn vị đang kiến nghị cấp trên có những đánh giá mức độ hiệu quả, an toàn; bước đầu ghi nhận đây là mô hình hiệu quả, có thể nhân rộng”.
Theo ông Nguyễn Y Tam – Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh, đoạn đường sắt đi qua phường Phú Thạnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông vì hệ thống đường ngang dân sinh khá dày. Hiện ngành đường sắt chỉ mới làm đường gom ở một số đoạn. Chính vì thế, hệ thống loa cảnh báo tàu lửa tại các đường ngang dân sinh giao với đường sắt của anh Lễ đã phần nào đảm bảo được an toàn giao thông cho người dân mỗi khi qua đây.
Việc làm của anh Lễ đã đem lại niềm vui, an toàn cho người dân khi tham gia giao thông qua đường sắt. Trước khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng và chính quyền địa phương, hệ thống loa cảnh báo của anh vẫn hoạt động liên tục, góp phần giảm thiểu tai nạn đường sắt, một thực trạng liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.
“Hiện nay, lượng người qua khu vực phường Phú Thạnh rất lớn, nhất là giờ tan học của học sinh. Khi ngành đường sắt chưa thể lắp đặt hệ thống cảnh báo ở tất cả tuyến đường, việc lắp đặt hệ thống loa cảnh báo của anh Lễ thật đáng trân quý, biểu dương.
Với một tấm lòng vì người khác, với sự kiên trì, không quản ngại khó khăn, anh Lễ không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho người dân, mà đó còn là hình ảnh đẹp khiến mỗi chúng ta thêm yêu và tin tưởng vào những giá trị thầm lặng trong cuộc sống”, ông Tam cho biết.
Theo baophapluat
Ngành đường sắt muốn 'xử nóng' 352 đường ngang
Sau những tai nạn dồn dập diễn ra tại các đường ngang, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang rốt ráo cải tạo, sửa chữa 352 đường ngang biển báo thành đường ngang có lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác trong giai đoạn 2019-2020.
Đường ngang tự phát luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt
Hoàn thành 100 đường ngang cần chắn tự động trong năm 2018
Trước đó, theo Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép VNR cải tạo bổ sung 452 đường ngang biển báo thành có lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác, kinh phí dự kiến là 816,2 tỷ đồng.
Nhờ có nguồn vốn đó, năm 2018, kinh phí được bố trí để thực hiện nâng cấp, cải tạo 100 đường ngang (trong tổng số 452 đường ngang) là 170 tỷ đồng. VNR đã triển khai đấu thầu toàn bộ và sẽ hoàn thành trước vào cuối năm nay. Số kinh phí chưa được bố trí để thực hiện việc nâng cấp cải tạo 352 đường ngang còn lại và trả nợ khối lượng thi công là 646,2 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo VNR, số đường ngang còn lại nếu được bố trí vốn kịp thời, VNR sẽ triển khai và hoàn thành ngay trong năm 2018-2019. Vì vậy, VNR kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết, cân đối bố trí đủ 646,2 tỷ đồng trong năm 2018-2019 để thực hiện chuẩn bị đầu tư đảm bảo tiến độ nâng cấp, cải tạo 352 đường ngang còn lại.
Trước đó, VNR đã tiến hành rà soát, chọn lọc ưu tiên thực hiện nâng cấp cải tạo 100 đường ngang tại khu vực đông dân cư, có mật độ người và phương tiện qua lại lớn; các đường ngang có tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Với 100 đường ngang, ngành đường sắt dự kiến kinh phí thực hiện bình quân từ 1,68-2,2 tỷ đồng/một đuờng ngang sẽ góp phần tăng cường đảm bảo an toàn tại các đường ngang biển báo là điểm đen về tai nạn giao thông.
VNR đề xuất phương án thực hiện gộp từ 3-5 đường ngang thành một công trình (theo địa bàn quản lý tuyến đường sắt địa phương), dự kiến 100 đường ngang lập thành 20 công trình tương ứng với 8,4 tỷ đồng/một công trình.
Loay hoay với đường ngang tự phát
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, theo tính toán, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.
Theo ông Minh, Luật Đường sắt năm 2017 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2018, đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở (đường ngang dân sinh) qua đường sắt đồng thời quy định chi tiết và phân rõ chịu trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý hàng nghìn điểm đen đường sắt.
Đáng quan ngại, theo thống kê của VNR, hiện mạng lưới đường sắt Việt Nam có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó đường ngang chính tắc có 1.519, còn lại là 4.200 lối đi tự mở (chiếm 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt). Hiện nay, đường sắt chỉ có 654 rào chắn và gác chắn ở các đường ngang, hơn 800 đường ngang chưa có. Đây là những điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình cho biết, đúng là rất khó kiểm soát tai nạn giao thông tại các đường ngang, bởi lẽ, số lượng lớn đường ngang bất hợp pháp quá lớn, cộng với ý thức của người tham gia giao thông không tốt.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan dứt khoát phải xóa sổ đường ngang bất hợp pháp; quyết liệt triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt đồng thời lưu ý không chỉ sử dụng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ để xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mà trong năm 2019 cần tính toán để lại phần lớn tiền xử phạt vi phạm giao thông cho địa phương để xử lý điểm đen và hộ lan cho đường sắt.
Trí Anh
Theo vietnamfinance
Tàu lửa chạy như thế nào khi vào tâm bão giật cấp 15? Những hành khách có lịch trình đi qua khu vực tâm bão giật trên cấp 15 cần cân nhắc trước khi đi tàu. Ga Sài Gòn cho biết, những hành khách có lịch trình đi qua khu vực tâm bão giật trên cấp 15 cần cân nhắc trước khi đi tàu vì các tàu có thể phải dừng hoặc chuyển tải dọc đường...