Lào: Đồng kíp mất giá hơn 37% so với USD, giá xăng tăng hơn 60%
Tờ Thời báo Viêng Chăn (Vientiane Times) ngày 6/10 dẫn báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết từ tháng 1 – 8/2022, đồng nội tệ của Lào ( tiền kíp) đã giảm 37,4% giá trị so với USD và 32,9% so với đồng baht Thái Lan.
Nhân viên ngân hàng đếm đồng kíp Lào. Ảnh: TTXVN phát
Theo báo trên, đồng kíp tiếp tục giảm giá có liên quan đến sự chênh lệch cung cầu về ngoại tệ, gây áp lực gia tăng đối với các nhà nhập khẩu và làm tăng lạm phát. Việc đồng kíp yếu đang có tác động xấu đến nền kinh tế Lào, đẩy giá sản phẩm lên cao và gây thêm khó khăn cho người nghèo.
Theo ADB, tỷ lệ lạm phát hàng năm trong tháng 8/2022 ở mức cao nhất trong 22 năm là 30%. Tỷ lệ trung bình là 15,5% trong tám tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, từ tháng 1 – 9/2022, giá dầu diesel tăng 90,3% và giá xăng tăng 62,3%.
Lạm phát gia tăng và nợ công cao của nước này đã làm tăng áp lực kinh tế và tài chính đối với Lào.
Để giải quyết vấn đề này, hồi tháng 6/2022, Chính phủ Lào đã tăng dự trữ ngoại hối cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu và phát hành thư tín dụng để tích lũy nguồn cung cấp nhiên liệu.
Đồng thời, Ngân hàng trung ương Lào đã phát hành trái phiếu tiết kiệm trị giá 5.000 tỷ kíp, để giảm thanh khoản quá mức trong nền kinh tế và tăng cầu đối với đồng kíp.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương Lào, chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, nước này đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại kỷ lục với 166 triệu USD, tăng so với mức 114 triệu USD của tháng 7/2022. Giá trị thương mại hai chiều giữa Lào và các nước đạt 1,02 tỷ USD, không bao gồm xuất khẩu điện.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Lào trong tháng 8/2022 bao gồm khai khoáng và sản phẩm giấy, cao su, phân bón, quần áo, đồ uống, đường và giày dép, trong khi các mặt hàng nhập khẩu chính của nước này là nhiên liệu, thiết bị cơ khí và xe cộ.
Báo cáo của ADB cũng cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Lào đã giảm một nửa xuống còn 280 triệu USD trong nửa đầu năm nay.
Lạm phát tại Lào đạt mức cao nhất trong 22 năm qua
Cục Thống kê Lào cho biết tỷ lệ lạm phát tính theo năm của nước này đã tăng từ mức 23,6% trong tháng 6/2022, lên 25,6% vào tháng 7/2022. Đây là mức lạm phát cao nhất từng được ghi nhận tại Lào kể từ năm 2000.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào ngày 23/3/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo Cục Thống kê Lào, giá thực phẩm, chăm sóc y tế, giao thông và hàng tiêu dùng đều tăng mạnh trong những tháng gần đây. Nguyên nhân chính là do giá nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu khác tăng vọt cùng với sự mất giá của đồng kip.
Bất chấp các nỗ lực của Chính phủ Lào trong việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái tiền tệ, đồng kip vẫn tiếp tục giảm giá. Đây được cho là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề, khi hầu hết các doanh nghiệp đều định giá sản phẩm của họ dựa trên ngoại tệ, đặc biệt là đồng baht Thái Lan và USD. Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu cao và giá nhiên liệu cao cũng đã đẩy chi phí sản xuất lên, khiến hầu hết mọi thứ đều đắt đỏ hơn.
Theo Cục Thống kê Lào, chi phí thực phẩm và đồ uống không cồn tại Lào trong tháng Bảy đã tăng 5,2% so với tháng trước và 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo đã tăng hơn 20,7%, giá thịt lợn tăng 24,9%, giá gia cầm tăng 22,5%, trong khi giá trứng, pho mát và sữa đã tăng tới 35,9%.
Trong khi đó, chi phí trong lĩnh vực liên lạc và vận tải đã tăng 1,1% theo tháng và 53,2% theo năm. Cụ thể, giá nhiên liệu và phương tiện, thiết bị vận tải lần lượt tăng 106,5%, 54,3% và 63,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí chăm sóc y tế và thuốc men tăng 8,7% theo tháng và 37% theo năm. Giá hàng hóa và dịch vụ so với cùng kỳ năm 2021 đã tăng 25,6%, trong đó giá hàng hóa gia dụng tăng 22,4%, giá cả khách sạn và nhà hàng tăng 19%.
Lào là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Đông Nam Á, chủ yếu do nước này nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Việc nhu cầu ngoại tệ ngày càng tăng, để đáp ứng nhu cầu thanh toán hàng hóa nhập khẩu và trả nợ, đang khiến đồng kip thêm mất giá.
Bên cạnh đó, việc một số loại cây trồng có xu hướng giảm vào mùa mưa, gây thiếu hụt nguồn cung cũng làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường.
EU lo ngại các nguy cơ từ việc áp dụng trần giá khí đốt Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rằng việc áp dụng trần giá khí đốt nói chung sẽ phức tạp và gây ra những nguy cơ về an ninh năng lượng. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên kêu gọi Brussels can thiệp để kiềm chế giá nhiên liệu...