Lãnh đạo TIG không thể “mua đỡ” giá cổ phiếu
Tại cuộc hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư do CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long ( TIG – sàn HNX) phối hợp với Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) tổ chức chiều ngày 25/9, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TIG giải đáp nhiều thắc mắc của nhà đầu tư, các tổ chức tư vấn…
Ông Nguyễn Phúc Long (đứng) chia sẻ với nhà đầu tư
Liên quan đến nguyên nhân giá cổ phiếu TIG thấp (chốt phiên giao dịch ngày 25/9 có giá 3.700 đồng/cổ phiếu), ông Long cho hay, do lãnh đạo tập trung kinh doanh, không để ý đến giá cổ phiếu, đồng thời, TIG thiếu các nhà đầu tư tổ chức, dài hạn, mà đa phần là nhà đầu tư nhỏ lướt sóng.
Ngoài ra, ảnh hưởng chung thị trường bởi giai đoạn giảm giá của nhiều cổ phiếu đầu cơ, cũng khiến cho giá cổ phiếu TIG rơi dần.
“Lãnh đạo không thể đứng ra mua đỡ giá cổ phiếu khi nhận thấy chưa đúng thời điểm để đảm bảo khả năng sinh lời. Chúng tôi nỗ lực kinh doanh hiệu quả để hỗ trợ cho giá cổ phiếu tăng trưởng bền vững…”, ông Long nói.
Hé lộ kết quả kinh doanh quý III/2019, lãnh đạo TIG cho hay, dự kiến trong kỳ TIG đạt 80 tỷ đồng doanh thu, 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy lợi nhuận 9 tháng mới đạt hơn 50% so với kế hoạch đề ra, nhưng TIG dự báo sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay.
Trong đó, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản, mà trọng tâm là dự án Vườn Vua, một phần đến từ dự án Khu nhà vườn liền kề TIG Đại Mỗ và mảng kinh doanh hàng điện gia dụng. Diện tích Dự án Vườn Vua và khu vực khoáng nóng Thanh Thuỷ, Phú Thọ đã tăng từ 85 ha lên hơn 100 ha thông qua phương thức mua đất của dân.
Trả lời câu hỏi vì sao tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TIG những năm trước thiếu ổn định, ông Long cho biết điều này xuất phát từ đặc thù hoạt động của một công ty đầu tư. Khi rơi vào giai đoạn triển khai dự án, có khi phải mất 2-3 năm mới có doanh thu, nhưng khi có doanh thu thì tương đối ổn định; và khi có lợi nhuận lại triển khai dự án khác, nên đương nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cũng trả lời thắc mắc về việc nhiều dự án bất động sản triển khai chậm, gồm cả cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là các biến động về cơ chế, chính sách, khiến cho thủ tục triển khai dự án phải thay đổi nên mất khá nhiều thời gian.
Về vấn đề vốn đầu tư cho hai dự án điện gió mà TIG đang có kế hoạch triển khai ở Quảng Trị là Dự án Nhà máy điện gió Thăng Long Hướng Sơn 1 và Nhà máy điện gió Thăng Long Hướng Sơn 2 có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, ông Long cho biết, Công ty không gặp nhiều khó khăn về thu xếp vốn.
Theo ông Long, vì đặc thù của lĩnh vực đầu tư này là các đơn vị cung cấp thiết bị đã cơ bản hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị lắp đặt, đồng thời các ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn, nên TIG chỉ phải thu xếp một lượng vốn đối ứng không nhiều.
Để có nguồn vốn đối ứng này, TIG đã làm việc với công ty chứng khoán tư vấn phương án phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, do lãi suất huy động lên khoảng 12- 13% là khá cao, nên TIG chưa triển khai phát hành, mà vẫn đang sử dụng các nguồn vốn có chi phí rẻ hơn. TIG sẽ thực hiện huy động vốn trái phiếu và vay khi đến thời điểm cần sử dụng.
“Hiện thủ tục triển khai hai dự án đã hoàn thành 70-80%, nên dự kiến năm 2020 sẽ thi công, để đưa vào vận hành trong năm 2021 – 2022…”, ông Long nói. Thời gian qua việc triển khai dự án chỉ gặp vướng mắc về quy hoạch của ngành điện, nay đã được tháo gỡ.
Tân Văn
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Bất động sản TP HCM sẽ "thông" trở lại?
Khơi thông tình trạng "tê liệt" đối với thủ tục cấp phép dự án bất động sản mới tại TPHCM là mục tiêu hàng đầu của cuộc gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản và lãnh đạo thành phố vừa diễn ra.
Chủ trì hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh "Trong giải quyết hồ sơ dự án, không để tình trạng người đứng đầu trả lời không biết làm thế nào, chuyên viên không trình lên cấp trên do chưa biết phải làm sao".
Nguồn cung giảm sút nghiêm trọng
Kể từ khi nguyên Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cùng một số quan chức TP bị khởi tố bắt tạm giam liên quan đến đất đai từ cuối năm ngoái đến nay, tình trạng không ai dám kí dự án mới tại TP HCM đã khiến thị trường thiếu nguồn cung nghiêm trọng.
Báo cáo về tình trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, 3 tháng đầu 2019, các doanh nghiệp bất động sản lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được xem xét, giải quyết kịp thời. Điều này làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở trên địa bàn TP HCM bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến thị trường về lâu dài.
Cụ thể trong quý 1/2019, Sở Xây dựng phê duyệt số lượng dự án giảm đến 63%; cấp 8.472 giấy phép xây dựng (kể cả khu vực nhà dân và dự án) giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh hưởng do khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Cty Quốc Cường Gia Lai cho biết, hiện nay Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công. Thậm chí trong số 150 ha này, một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố.
Gỡ khó thế nào?
Thời gian qua các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP HCM gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý cho dự án bất động sản một phần có nguyên do từ việc nhiều cán bộ quản lý nhà đất sợ trách nhiệm, không dám làm.
Phán ánh về vấn đề này bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng hiện nay, nhiều chuyên viên ở các Sở ban ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo. Nhân viên không trình hồ sơ thì trưởng phòng và lãnh đạo Sở không thể ký.
Liên quan đến vấn đề này Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết thời gian qua, chính quyền TP đang rất áp lực với việc xử lý những sai phạm vừa qua liên quan đến đất đai. Và cũng rất áp lực với với sự yếu kém của một số cán bộ, nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc. TP đã làm việc với Thành ủy để có thể điều chuyển ngay những cán bộ yếu kém, không dám làm việc.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận khuyết điểm về những chậm trễ của chính quyền TP HCM, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như khó khăn cho công việc kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS thời gian qua.
Liên quan đến các vướng mắc về thủ tục, tại hội nghị Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cho biết làm thủ tục cần có quy trình, trách nhiệm của ai, ở đâu cần phải tiếp tục hoàn thiện.
"Quy trình nào cũng phải có thời hạn giải quyết, sở, ngành và cả Văn phòng UBND TP phải có qui định về thời hạn nhất định hoàn thành ký, trả lời hồ sơ. Làm không được thì phải báo lên trên, khó thì mời liên ngành thảo luận, phức tạp quá báo Thành uỷ cho chủ trương, không được nữa báo ra Chính phủ, Quốc hội. Phải nhìn nhận thẳng thắn, cái gì làm được cho doanh nghiệp thì làm tốt hơn, cái gì yếu kém thì cần sửa chữa."- Bí thư Nhân yêu cầu.
Ở một khía cạnh khác nhằm tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc trong tình trạng hiện nay, Luật sư Trương Thị Hoà -Phó chủ tịch HoREA cho biết, hiện nay có những quy định của pháp luật không đồng bộ, chồng chéo nhau. Vì vậy, phải có một bộ phận riêng là các chuyên viên, chuyên gia tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong pháp lý.
Về thủ tục hành chính,là những vướng mắc phổ biến hiện nay, nếu tháo gỡ cho doanh nghiệp thì chính là tháo gỡ cho công dân có nhà, nhất là những đối tượng có thu nhập thấp. Bà Hoà cũng cho biết, các vướng mắc tập trung đa số vào vấn đề tiền sử dụng đất, tức liên quan đến tài chính. Liên quan đến đất công thì tài chính càng vướng mắc, cần những người chuyên môn để tháo gỡ.
Theo Công Thương
Diễn đàn doanh nghiệp
Nhận định thị trường phiên 26/9: Chờ giá cổ phiếu điều chỉnh xuống các vùng hỗ trợ sâu hơn Với sự sụt giảm của thanh khoản cùng với mức giảm biên độ nhỏ, thị trường đã và đang cho thấy sẽ tiếp tục dao động theo xu hướng sideway trước khi các cổ phiếu vốn hóa lớn tích lũy đủ để tăng trở lại. Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số công ty...