Lãnh đạo thế giới ngần ngại làm Trump phật ý
Đề cập tới bầu cử Mỹ, Bộ trưởng Đất đai Nhật Kazuyoshi Akaba hoài nghi về “hình mẫu của nền dân chủ”, nhưng nhanh chóng xóa tweet.
“Một tổng thống đương nhiệm lại đưa ra những lời cáo buộc gian lận bầu cử và tuyên bố sẽ ‘không bao giờ nhượng bộ’”, Bộ trưởng Akaba hôm 10/11 viết trên Twitter và được truyền thông nước này dẫn lại. Ông thậm chí còn đặt câu hỏi rằng đây là hình thức “độc tài” kiểu gì.
“Hình mẫu cho nền dân chủ của chúng ta đã đi đâu rồi”, Bộ trưởng Akaba viết tiếp, trước khi xóa bài đăng. Động thái của ông phần nào thể hiện phản ứng của cộng đồng quốc tế trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, bình luận viên Adam Taylor của Washington Post nhận xét.
Nhiều lãnh đạo thế giới nhanh chóng gửi lời chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi ông được dự đoán giành hơn 270 phiếu đại cử tri hôm 7/11. Tuy nhiên, một tuần sau khi kết quả được công bố, chỉ có vài quan chức trên thế giới lên tiếng về việc Tổng thống Donald Trump từ chối nhận thua và cáo buộc có gian lận bầu cử trên diện rộng nhưng không đưa ra bằng chứng xác thực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 4/11. Ảnh: AFP .
Những người công khai chỉ trích cách phản ứng của Trump phần lớn là các quan chức đã rời nhiệm sở, hoặc không nắm giữ vị trí chủ chốt trong chính phủ. Trả lời CNN hôm 9/11, Thị trưởng London Sadiq Khan bày tỏ lòng ngưỡng mộ “đẳng cấp và sự lịch thiệp” mà các chính trị gia Mỹ từng thể hiện trong quá khứ khi họ thất cử, đồng thời cho biết ông không ngạc nhiên với việc Trump từ chối nhận thua.
Akaba, một trong những quan chức nước ngoài cấp cao hiếm hoi chỉ trích phản ứng của Trump trước kết quả bầu cử, sau đó giải thích với báo giới rằng ông xóa tweet bởi không muốn “bị hiểu lầm”, bày tỏ nỗi buồn “vì sự chia rẽ mà cuộc bầu cử gây ra”, trong khi ông luôn coi Mỹ là nước “tiên phong của nền dân chủ”.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm 7/11 chúc mừng Tổng thống đắc cử Biden sau khi truyền thông Mỹ công bố kết quả. Hầu hết đồng minh của Mỹ cũng đã gửi thông điệp tương tự, bao gồm cả những lãnh đạo thân thiết với Trump tại Israel và Arab Saudi.
Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Nhật Katsunobu Kato cho biết “chưa có gì được quyết định” về thời gian điện đàm giữa Suga và Biden, nói thêm rằng họ đang sắp xếp “thời điểm thích hợp”. Nhiều lãnh đạo thế giới chưa gửi lời chúc tới Biden, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, và phần lớn vẫn giữ im lặng về Trump.
Video đang HOT
“Tôi không có vai trò gì trong việc đánh giá quá trình bầu cử Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu hôm 10/11, một ngày sau cuộc điện đàm giữa ông với Biden. Nhiều lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu cũng đã điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ, nhưng họ chỉ đưa ra những lời ẩn ý về Trump, thay vì chỉ trích công khai việc Tổng thống không nhận thua theo truyền thống.
Phát biểu sau cuộc điện đàm với Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Tổng thống đắc cử có “góc nhìn mới mẻ” về quyền lực Mỹ. Phát biểu này của Johnson bị một website cánh hữu diễn giải là “lời mỉa mai kém khôn khéo” đối với Tổng thống thất cử. Tại một cuộc họp ở Hạ viện hôm 11/11, Johnson cũng đã gọi Trump là “tổng thống tiền nhiệm”.
Dù Biden đã hội đủ phiếu đại cử tri với cách biệt lớn trước Trump (290 so với 217 phiếu), Tổng thống Mỹ và nhiều người ủng hộ ông vẫn tuyên bố cuộc bầu cử “còn lâu mới chấm dứt”. Trump từ chối thừa nhận thất bại, tiến hành một loạt vụ kiện thách thức kết quả bầu cử, cáo buộc có tình trạng gian lận trên diện rộng và khẳng định ông “có rất nhiều chứng cứ”.
Tuy nhiên, các luật sư của Trump đến nay chưa đưa ra được những chứng cứ thuyết phục về tình trạng gian lận bầu cử diện rộng, khiến nhiều đơn kiện của họ bị tòa án liên bang bác bỏ. Dù vậy, trong bài đăng trên Twitter hôm 10/11, Trump vẫn tuyên bố: “Chúng ta sẽ chiến thắng”.
Giới quan sát nhận định do thời gian từ nay đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ khá dài, các đồng minh của Mỹ có lẽ ngần ngại “làm phật ý” chính quyền Trump trong những tuần cuối cùng của ông tại Nhà Trắng.
“Trump vẫn là Tổng thống trong hai tháng nữa, nên ông ấy có thể hành động nếu bị chỉ trích”, Erik Brattberg, giám đốc chương trình châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định. ” Đối với các lãnh đạo châu Âu, việc công khai chỉ trích Trump bây giờ đơn giản là không mang lại lợi ích gì . Thay vào đó, họ sẽ nói ẩn ý và bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ dưới thời Biden”.
Andrea van Vugt, cố vấn chính sách đối ngoại cho cựu thủ tướng Canada Stephen Harper, cho biết quyết định chúc mừng Biden trong bối cảnh Trump không có dấu hiệu nhượng bộ là một tình huống “vô tiền khoáng hậu”.
“Các lãnh đạo có thể đưa ra rất nhiều phát ngôn mang tính chất ngoại giao về vấn đề này, nhưng tôi chắc rằng chẳng ai muốn cân nhắc hành động quyết liệt hơn khi Trump vẫn chưa bỏ cuộc”, cựu cố vấn đánh giá.
Nga khoe dàn vũ khí trên oanh tạc cơ chiến lược
Nga trưng bày bộ ba oanh tạc cơ chiến lược cùng các loại tên lửa hành trình và bom hạng nặng trang bị cho chúng tại căn cứ Engels.
Bộ Quốc phòng Nga tuần trước công bố hình ảnh sự kiện tổng kết hoạt động tại căn cứ không quân Engels, nơi đóng quân của các oanh tạc cơ chiến lược mạnh nhất biên chế nước này.
"Ảnh chụp chính diện máy bay cùng dàn vũ khí hùng hậu rất thường gặp trong hàng không quân sự, nhằm phô diễn sức mạnh cũng như chào hàng cho các đối tác tiềm năng. Tuy nhiên, rất hiếm khi Nga công bố hình ảnh kiểu này với lực lượng oanh tạc cơ chiến lược, nhất là khi xuất hiện tên lửa hành trình tàng hình hiện đại nhất của Moskva", bình luận viên Thomas Newdick của Drive nhận xét.
Máy bay Tu-160 cùng dàn tên lửa Kh-55SM và Kh-101/102. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga .
Mở đầu là oanh tạc cơ siêu âm Tu-160 cùng hai hàng tên lửa hành trình cận âm. Mỗi phi cơ được trang bị hai giá phóng tên lửa dạng ổ xoay, mang được tối đa 12 quả đạn các loại.
Gần máy bay nhất là 12 tên lửa hành trình cận âm Kh-55SM, được Liên Xô phát triển từ thập niên 1970 và biên chế trong thập niên 1980, cũng là nền tảng để Trung Quốc, Iran phát triển nhiều mẫu tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và máy bay.
Kh-55 có khả năng bay bám địa hình ở độ cao cực nhỏ và cơ động liên tục để tránh bị phát hiện cũng như bắn hạ. Các cánh lái của tên lửa được gập vào thân để tiết kiệm không gian, cho phép chúng nằm gọn trong khoang vũ khí của Tu-160. Tên lửa có khả năng đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 2.500 km, mang được thêm hai thùng dầu phụ dọc thân để tăng tầm bắn lên gần 3.000 km.
Các quả đạn xuất hiện trong hình dường như là phiên bản Kh-55SM mang đầu đạn hạt nhân với sức mạnh tương đương 200.000 tấn thuốc nổ TNT, do chúng không có cánh ổn định phía trước như biến thể mang đầu đạn thông thường. Một số tên lửa Kh-55SM đã được Nga hoán cải thành phiên bản Kh-555 phi hạt nhân, trang bị nhiều công nghệ giúp tăng khả năng xuyên phá lưới phòng không và độ chính xác cao gấp 5 lần mẫu nguyên bản.
Hàng phía trước là các tên lửa hành trình tàng hình Kh-101/102, bản nâng cấp sâu từ dòng Kh-55 và đóng vai trò là "át chủ bài" của không quân chiến lược Nga hiện nay.
Kh-101/102 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với đầu dò quang - điện tử, cũng như cập nhật vị trí và đường bay qua vệ tinh. Kíp lái oanh tạc cơ có thể thay đổi mục tiêu và đường bay quả đạn sau khi phóng. Tên lửa đạt tầm bắn tới 5.000 km, có khả năng đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn 5 m.
Tên lửa được trang bị một động cơ turbine phản lực, cho phép chúng bay hành trình với vận tốc 700 km/h, sau đó lao tới mục tiêu với tốc độ tối đa 970 km/h. Diện tích phản xạ radar chỉ 0,01 m2 cùng độ cao hành trình chỉ 30-70 m khiến Kh-101/102 rất khó bị phát hiện bởi những hệ thống cảnh giới mặt đất.
Mỗi quả Kh-101 được trang bị đầu đạn nặng 400 kg, bao gồm các loại nổ mạnh (HE), xuyên phá hoặc nổ chùm, trong khi Kh-102 sử dụng đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương 250.000 tấn thuốc nổ TNT.
Tương tự dòng Tu-160, oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS cũng xuất hiện với dàn tên lửa hành trình Kh-55SM và Kh-101/102.
Oanh tạc cơ Tu-95MS cùng tên lửa Kh-55SM và Kh-101/102. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga .
Nhiệm vụ ban đầu của Tu-95 là thả bom hạt nhân không điều khiển. Nó liên tục được không quân Liên Xô và Nga sử dụng trong gần 65 năm, bất chấp nhiều oanh tạc cơ mới hơn được thiết kế, biên chế và loại biên hoàn toàn. Một phần lý do nằm ở khả năng nâng cấp, chỉnh sửa liên tục để đáp ứng mọi nhiệm vụ do không quân đặt ra.
Tu-95MS/MSM là biến thể mới nhất, được phát triển để trở thành bệ phóng tên lửa hành trình tầm xa. Mỗi chiếc được trang bị một giá phóng ổ xoay với 6 quả đạn, cùng 4 giá treo dưới cánh cho phép mang theo 8 tên lửa Kh-55SM hoặc Kh-101/102, nhiều hơn hai quả so với Tu-160.
Oanh tạc cơ siêu âm Tu-22M3 được trưng bày cùng dàn bom không điều khiển có khối lượng 500-3.000 kg. Đây đều là những mẫu bom được phát triển từ thời Liên Xô, không được trang bị hệ thống dẫn đường và có độ chính xác thấp khi thả từ độ cao lớn.
Máy bay Tu-22M3 cùng các loại bom thông thường. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga .
Không quân Nga không giới thiệu tên lửa siêu thanh Kh-22, loại vũ khí có nhiệm vụ hủy diệt nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ dựa vào tốc độ lớn, mang được đầu nổ thông thường nặng 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân mạnh tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Dòng Kh-22 là vũ khí chính của oanh tạc cơ Tu-22M3 với tầm bắn tới 600 km, nhưng có nhiều nhược điểm, nhất là khả năng kháng nhiễu kém. Nga đang dần loại bỏ Kh-22 và chuyển sang biên chế mẫu Kh-32 hiện đại hóa được trang bị radar và hệ thống dẫn đường quán tính mới, tăng cường khả năng kháng nhiễu, mang được nhiều nhiên liệu và sử dụng động cơ mạnh hơn, cho phép tăng tầm bắn đến gần 900 km.
Phi đội Tu-22M3 chưa từng triển khai tên lửa Kh-22 hay Kh-32 trong chiến đấu, nhưng đã nhiều lần tham gia không kích bằng bom thông thường. Trong chiến dịch quân sự tại Syria, mỗi chiếc Tu-22M3 thường thả 10-12 quả bom loại 250 kg hoặc 6 quả loại 500 kg. Một máy bay Tu-22M3 cũng từng ném bom FAB-3000 nặng hơn 3 tấn trong chiến dịch này.
Trung Quốc 'nuôi mộng' Trump tái đắc cử Trump luôn nói Trung Quốc muốn ông thất cử và Biden trở thành tổng thống, nhưng Bắc Kinh lại cho thấy họ mong Trump đắc cử nhiệm kỳ hai. Mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump không ngừng leo thang căng thẳng, từ cuộc chiến thương mại, cuộc chiến đổ lỗi Covid-19, cho tới nhiều vấn đề khác...