Lãnh đạo Bắc Ninh: Không có chuyện “ép” các trường về nguồn cấp thực phẩm
Trước nghi vấn vì sao 19 trường mầm non cùng lấy nguồn thực phẩm từ công ty TNHH Hương Thành, liệu có chịu sức ép nào từ cấp trên, ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành ( Bắc Ninh) cho biết, huyện đã giao quyền tự chủ cho các nhà trường. Không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc phòng GD&ĐT can thiệp.
Chiều 19/3, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộn Y tế) chủ trì cuộc họp báo, thông tin vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn và các vấn đề liên quan đến thực phẩm trường học do công ty Hương Thành cung cấp tại Bắc Ninh.
Không lưu mẫu thực phẩm là vi phạm pháp luật
Khi phóng viên đặt vấn đề về vi phạm an toàn thực phẩm trường học, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho rằng, không riêng ở Bắc Ninh, thời gian qua, nhiều đơn vị vi phạm an toàn thực phẩm trong trường học.
Trong đó, thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quy định rõ, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Cơ quan y tế chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn, khám sức khỏe, tập huấn và các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn trường học, trực tiếp giám sát và thực hiện phải là người đứng đầu của cơ sở giáo dục.
Phụ huynh học sinh Trường mầm non Thanh Khương ứa nước mắt khi hai con dương tính với sán lợn
Ngay chỉ thị số 13- CT-TTg Của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm, cũng nêu rất rõ về điều này. Rộng hơn nữa đó là về vấn đề an toàn thực phẩm, không chỉ trong trường học mà ở các địa phương, người đứng đầu tỉnh đó phải chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Về câu hỏi, hiện không còn mẫu thực phẩm để xét nghiệm xem có sán hay không nên không thể tìm ra nguyên nhân thì phải xử lý ra sao? Ông Phong cho hay, nếu cơ sở nào vi phạm về quy định lấy mẫu, quy định về nguồn gốc cung cấp thực phẩm, vi phạm quy định về vệ sinh trang thiết bị…, sẽ bị xử lý.
“Nếu lưu được mẫu thực phẩm nhưng kết luận mẫu đấy không có sán chăng nữa, cơ sở đó vẫn bị xử lý nếu vi phạm các quy định khác nếu vi phạm như: nguồn gốc cung cấp thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị…
Còn kể cả khi có mẫu lưu nhưng đã nấu chín, đừng nghĩ đến chuyện xét nghiệm sán vì sẽ không ra kết quả”, ông Phong cho hay.
Video đang HOT
Cục trưởng cũng cho biết thêm, các mẫu thực phẩm chín kĩ, chỉ có thể xét nghiệm ra các độc tố kim loại nặng hoặc các tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật mà nhiệt không phân hủy được, gây ngộ độc, hoặc các vi sinh quá trình bảo quản không đảm bảo vệ sinh. Không ai đi tìm kiếm xét nghiệm các yếu tố về ấu trùng và kí sinh trùng trong các thực phẩm chín.
Không thể xét nghiệm được sán lợn gạo khi thực phẩm đã chín. (ảnh minh họa)
Không có chuyện “ép” cung cấp thực phẩm
Trả lời phóng viên về việc, sau khi phát hiện thực phẩm có sán lợn ở Trường mầm non Thanh Khương, công ty Hương Thành được phát hiện đã chuyển địa điểm và đổi tên, liệu có phải trốn tránh trách nhiệm?
Ông Phong cho rằng, không nên đánh đồng giữa việc vi phạm an toàn thực phẩm và việc người dân đang hoang mang.
“Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước có thể khẳng định quan điểm, việc vi phạm an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm. Dù đơn vị đó thay tên đổi họ như thế nào, nếu đã vi phạm cũng phải xử lý đến nơi đến chốn”, ông Phong khẳng định.
Trước nghi vấn vì sao 19 trường cùng lấy nguồn thực phẩm từ công ty TNHH Hương Thành, liệu có chịu sức ép nào từ cấp trên, ông Lê Văn Nho, Phó chủ tịch huyện Thuận Thành, cho biết huyện đã giao quyền tự chủ cho các nhà trường.
Việc Công ty TNHH Hương Thành cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non là do 19 hiệu trưởng tự quyết định. Không có chuyện lãnh đạo huyện hoặc phòng GD&ĐT can thiệp.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phong cho rằng, nếu công ty đảm bảo an toàn thực phẩm thì cung cấp cho 100 trường là chuyện bình thường, còn không đảm bảo thì dù một trường cũng không được.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Vụ học sinh nhiễm sán lợn: Lộ diện đơn vị cung cấp thực phẩm cho công ty Hương Thành
Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Bắc Ninh có báo cáo về đơn vị cung cấp một số thực phẩm cho công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành - nơi cung ứng thực phẩm cho 22 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Những trường này hiện đang có học sinh xét nghiệm sán lợn.
Chiều 19/3, tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh tiếp tục diễn ra cuộc họp với các ban ngành về vụ việc học sinh nhiễm sán lợn.
Theo công bố kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc tại công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành ngày 14/2/2019 và ngày 20/2/2019 cho thấy, nguồn thịt lợn được lấy từ 2 đơn vị của hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (thôn Văn Quan, xã Trí Hải, Thuận Thành, Bắc Ninh) và hộ kinh doanh Trần Văn Đát (khu Đồng Tháp Vàng, thôn Chân Tảo, xã Phú Thị, Gia Lâm, TP. Hà Nội).
Cả 2 cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP).
Học sinh xét nghiệm sán lợn tại trường mầm non Thanh Khương
Cụ thể, kết quả truy xuất tại hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải trong 2 ngày 14/2 và 20/2, số thịt lợn được mua từ hộ kinh doanh Phạm Thị Hạnh (thôn Tư Thế, xã Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh). Hộ nhà bà Phạm Thị Hạnh đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thịt lợn tươi do Chi Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bắc Ninh cấp ngày 31/5/2017.
Đối với Hộ kinh doanh Trần Văn Đát - đơn vị thứ hai cung cấp thịt cho công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội tiếp tục điều tra, truy xuất nguồn gốc theo quy định.
Trước tình hình trên, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, đã thành lập đoàn giám sát điều kiện ATTP tại tất cả các trường mầm non, tiểu học có bếp ăn trên địa bàn huyện Thuận Thành.
Trong quá trình thực hiện, đoàn đã tuyên truyền hướng dẫn các điều kiện đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể, giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm, giám sát ATTP từ khâu nhập nguyên liệu, sơ chế và chế biến suất ăn.
Đến ngày 15/3/2019, đoàn đã kiểm tra giám sát hướng dẫn 23/23 trường mầm non có tổ chức ăn bán trú.
Trong thời gian tới, đơn vị này tiếp tục tăng cường giám sát các điều kiện đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn, đặc biệt bếp ăn tập thể ở các trường.
Được biết, đơn vị có thẩm quyền, chức năng kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, đánh giá hồ sơ năng lực của các công ty cung ứng thực phẩm là Ban quản lý ATTP của tỉnh.
Trao đổi với PV Dân trí, một thành viên của Đội thanh tra ATTP liên huyện có trụ sở tại huyện Thuận Thành lý giải, công ty Hương Thành được Ban quản lý ATTP của tỉnh cấp phép.
Trường mầm non Thanh Khương, nơi xảy ra sự việc.
Theo kế hoạch, định kỳ mỗi đơn vị sẽ được kiểm tra vệ sinh ATTP một lần kể cả phía trường học cũng như cty cung ứng thực phẩm.
Cũng theo cán bộ này, công ty Hương Thành có trụ sở ở TP Bắc Ninh nhưng trước đây từng thành lập một chi nhánh ở xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành để tiện giao thực phẩm cho các trường. Sau đó lại xin rút giấy phép ở địa chỉ này.
Khi kiểm tra vấn đề ATTP theo định kỳ, công ty này thu mua thực phẩm đủ các nguồn ở những nơi có đủ điều kiện ATTP.
Tuy nhiên, theo người này việc kiểm tra truy xuất nguồn đang gặp khó khăn cố hữu vì ngoài giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện được cơ quan chức năng cấp phép, đơn vị chỉ biết dựa vào nguồn ghi chép, lưu trữ thu mua thực phẩm từ những nguồn nào. Ví dụ, họ lấy thực phẩm từ nhà A, B và nhà C nhưng rồi gom về. Vì vậy, nếu tắc một khâu nào trong số đó, đơn vị kiểm tra cũng khó khăn khi chỉ dựa vào lòng tin là chính.
Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên đây, xuất phát từ việc cuối tháng 2/2019, sau khi một clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng và món thịt gà được "tố" là ôi thiu tại trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt, lo ngại học sinh tại trường ăn phải món thịt lợn nhiễm sán.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Phụ huynh bức xúc yêu cầu khởi tố Hiện đã có hơn 200 học sinh nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh. Nhiều phụ huynh bức xúc, đồng thời gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu khởi tố. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội), nếu biết lợn bị dịch bệnh nhưng không tiêu hủy mà vẫn chế biến cho học sinh...