“Lang vườn” phán chuyện Bao Thanh Thiên!
Người Việt có câu “quá mù ra mưa” nhưng ở thời công nghệ số, xu hướng biến tướng đang bị một số kẻ lạm dụng và cổ súy, ấy là chưa mù, không mù cũng cố tìm cách vống ra mưa.
Mục đích “tạo mưa”, tạo bão dư luận được nhân danh dưới lớp áo bảo vệ pháp lý song thực chất là âm mưu kích động, chia rẽ phá hoại. Đáng tiếc, một số người vô tình hoặc cố ý cũng đã “thổi lửa” gây phức tạp tình hình.
Kể từ sau vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), chuyện án oan, sai được các đối tượng chống đối bám lấy để cổ súy, kích động cho xu hướng cực đoan, đặc biệt những vụ án có bị án tử hình, chung thân hiện đang được cơ quan chức năng xem xét lại (vụ tử tù Hồ Duy Hải ở Long An, Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, Hàn Đức Long ở Bắc Giang…). Các vụ án này đã qua các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, có trường hợp phải giám đốc thẩm (vụ Lê Bá Mai), Chủ tịch nước đã bác đơn ân xá (tử tù Hồ Duy Hải)…
Vụ Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “giết người”. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong và sau quá trình xét xử, do cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan khác phát hiện tình tiết mới hoặc sai sót, những vấn đề chưa được làm rõ trong các cấp xét xử trước đó cũng như đơn kêu oan của bị cáo, thân nhân bị cáo nên cấp có thẩm quyền đã quyết định cho kiểm tra lại một cách thận trọng, chặt chẽ nhất.
Điều 10, Bộ luật tố tụng hình sự về xác định sự thật của vụ án quy định: “Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
Đối với các bị án tử hình càng được xem xét, đánh giá hồ sơ, tài liệu một cách toàn diện, lật đi lật lại, đảo bảo chứng cứ vững chắc nhất. Với tính chất hệ trọng như vậy, không chỉ phía cơ quan tiến hành tố tụng mà các cơ quan giám sát, trực tiếp là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban chuyên trách đã theo dõi chặt chẽ những bị án tử hình còn có đơn kêu oan hoặc có những vấn đề khác cần phải làm rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa những vụ án này vào diện theo dõi, giám sát, cùng việc giám sát chuyên đề về oan, sai trong tố tụng hình sự…
Tất cả những điều đó cho thấy quy trình chặt chẽ và trách nhiệm cao của các cơ quan lập pháp, tư pháp trước vấn đề hệ trọng liên quan quyền công dân, đặc biệt là quyền sống.
Qua báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày 10/4 vừa qua cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra từ những năm trước, đến nay có vụ đã được giám đốc thẩm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, vi phạm về thủ tục tố tụng như vụ Lê Bá Mai; bản án phúc thẩm sau cùng năm 2013 có hiệu lực pháp kết án Lê Bá Mai tù chung thân về tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” là có căn cứ, không sai.
Đối với vụ Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “giết người” và “cướp tài sản” có những vi phạm về thủ tục, hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xem xét. Đối với các vụ được nhiều cử tri quan tâm như vụ: Huỳnh Văn Nén bị kết án chung thân về tội “giết người” và “cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức bị kết án chung thân về tội “giết người”; vụ Hàn Đức Long bị kết án tử hình về tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”; vụ Đỗ Thị Hằng bị kết án về tội”mua bán phụ nữ”, đến nay chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng đã xác định có những vi phạm trong điều tra, truy tố, xét xử.
Như vậy, các vụ án này đang được điều tra lại, chưa có kết luận bị oan, có vụ qua nhiều lần xét xử đã kết luận không oan (vụ Lê Bá Mai). Thế nhưng trên nhiều diễn đàn xuất hiện những bài viết, bình luận theo cách quy kết oan sai, một số truyền tải cái gọi là “thư kêu gọi hỗ trợ quốc tế” hay kêu gọi tổ chức quốc tế lên tiếng can thiệp đòi thả bị án tử hình, từ đó hô hào đả phá cơ quan tiến hành tố tụng. Thậm chí từ chỗ tự quy chụp oan sai rồi “ngâm cứu” ra nguyên nhân do… chưa quy định quyền im lặng trong luật! Thật lạ lùng, vụ án chưa có kết luận nào khẳng định oan sai cả và cũng không có kết luận nào nói bức cung, nhục hình, việc khai báo của bị can, bị cáo là rõ ràng, không hiểu những tác giả bàn phím luận ở đâu ra nguyên do quyền im lặng để gán vấy vào những vụ án cụ thể này?
Video đang HOT
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Trưởng đoàn giám sát, về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Đối với những trường hợp bị oan, báo cáo khẳng định “đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố”.
Cần khẳng định, để xảy ra oan, sai dù có nguyên do chủ quan, khách quan song đều nằm ngoài ý muốn của cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng ta nhận thức rõ rằng, việc để xảy ra oan sai dù ở bất kỳ mức độ nào và dù đối với trường hợp nào cũng là tồn tại trong lĩnh vực tố tụng và việc khắc phục, đi đến hạn chế tới mức thấp nhất là một yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Đó cũng chính là nguyên tắc thực thi luật pháp đặt quyền con người ở mức cao nhất để phấn đấu và đảm bảo mức tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, không có nước nào đảm bảo được tuyệt đối, không có nước nào không để xảy ra oan, sai trong tố tụng. Tại Mỹ, nơi nhiều người coi “mẫu hình luật pháp” thì oan sai vẫn xảy ra với nhiều vụ nghiêm trọng. Do bị bức cung, Stanley Wrice bị kết án oan những 100 năm tù vì tội hiếp dâm, gây bạo lực có vũ trang, bắt người trái phép và đã phải thụ án oan suốt 31 năm mới được trả tự do.
Đầu năm 2015, tòa án của Mỹ cũng buộc phải tuyên bồi thường cho Ricky Jackson, người đã phải ngồi tù oan gần 40 năm vì tội giết người và mới được trả tự do hồi cuối năm ngoái…
Chỉ có duy nhất bị cáo mới biết mình có thật sự oan hay không và chỉ cơ quan tiến hành tố tụng mới có chức năng pháp lý để kết luận có hay không việc bị oan, sai.
Còn với không ít “anh hùng bàn phím”, chẳng luật sư cũng không phải thân nhân, mọi sự chỉ nghe hơi nồi chõ, gõ lọc cọc ở mấy chữ cái mà luận ra cái chuyện oan, sai tử tù này, vụ việc kia rồi phán xét oan khiên như thánh tướng thì hẳn Bao Thanh Thiên cũng… vái thua!
Theo Công An Nhân Dân
Vụ án "Cướp gỗ huê": Tại sao 14 bị can tiếp tục kêu oan?
Kể từ khi CQĐT Công an tỉnh Quảng Bình ra quyết định khởi tố vụ án cách đây gần 3 năm, 15 bị can trong Vụ án đã đồng loạt làm đơn gửi cơ quan chức năng để kêu oan. Mới đây, liên tục nhận được đơn "cầu cứu" của các bị can trong vụ án "cướp gỗ huê" gây chấn động dư luận tại Quảng Bình.
Bất thường và gian lận trong tố tụng?
Vụ án "cướp gỗ huê" tại tỉnh Quảng Bình đã kéo dài gần 3 năm nay. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và tòa án nhân dân (TAND) nhiều lần trả lại Hồ sơ, đã khiến có nhiều hoài nghi trong dư luận về sự bất thường của vụ án. Lá đơn kêu oan lần này đến với báo Đời sống & Pháp luật khi một bị can đã qua đời trong một tai nạn giao thông, nên chỉ còn 14 bị can cùng ký tên.
Các bị can tiếp tục kêu oan.
Năm 2012, cả tỉnh Quảng Bình đã nóng lên về câu chuyện 3 cây gỗ sưa đỏ (hay gọi là huê) có giá hàng trăm tỷ đồng được phát hiện tại khu vực Hung Trí thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Sự việc càng nóng hơn khi CQĐT Công an huyện Bố Trạch và Phòng CSĐT tội phạm về trật tự Xã hội (PC45) Công an tỉnh này đã bắt giữ, khởi tố 15 đối tượng. Nhiều ý kiến cho rằng, CQĐT đã vội vàng nhận định và buộc tội 15 người trên có hành vi cướp tài sản (gỗ huê).
Trong đơn kêu oan của các "bị can" cho thấy: Trước đó, vào cuối tháng 4/2012, Quảng Bình rộ thông tin, nhóm của Phạm Văn Thắng trú tại xóm Thanh Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã phát hiện 3 cây huê tại Hung Trí thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Nguyễn Văn Hiệu đã rủ một số lái buôn lên xã Xuân Trạch (Bố Trạch) tìm gom huê về xuôi tiêu thụ. Tại đây, nhóm của Hiệu gặp nhóm của Phạm Văn Toàn và được biết, nhóm này vừa gom được 7 gùi gỗ huê (khoảng 400kg) từ 3 cây gỗ trên.
Nhóm của Hiệu đặt vấn đề mua lại số gỗ huê trên của Toàn. Lúc đầu, Toàn ra giá 1,2 tỷ đồng. Trong quá trình thương thảo, Hiệu có nói, nếu không bán sẽ báo kiểm lâm và công an lên thu giữ, nên nhóm của Toàn đồng ý bán lại số gỗ trên với giá 750 triệu; trong đó, 150 triểu trả tiền công gùi. Tổng số tiền 600 triệu, nhóm của Hiệu mới có và đưa trước cho Toàn 390 triệu, còn nợ 210 triệu đồng.
Sau đó, nhóm của Hiệu giao cho Ngô Xuân Thiện (thường gọi là Bốn) mang trả số tiền trả nợ cho Toàn. Tuy nhiên, do cá độ bóng đá, cờ bạc nên Thiện mất hiết tiền, chưa có trả đành dây dưa. Khoảng thời gian này, Toàn đã nhiều lần tìm đến Hiệu để đòi tiền nhưng Hiệu nói, đã đưa cho Thiện rồi.
Biết sự việc, một điều tra viên (xin giấu tên) đã tìm gặp Toàn, thuyết phục làm đơn tố cáo nhóm của Hiệu cướp gỗ sưa. Khoảng 20 ngày sau, CQĐT Công an huyện Bố Trạch đã triệu tập cả nhóm của Hiệu đến làm việc, rồi khởi tố bị can các đối tượng về tội Cướp tài sản và giao cho Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Bình thụ lý.
Các bị can đồng loạt kêu oan
Trong suốt thời gian điều tra, các bị can nhất quyết khẳng định, họ không hề có hành vi cướp số gỗ trên. Đơn của họ đều được chuyển về Cơ quan CSĐT, Phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Bình. Tiếc thay, cơ quan này không hề có một phản hồi nào cho các bị can cũng như gia đình họ. Không những thế, CQĐT vẫn nhất quyết đề nghị truy tố các "bị can" trên về tội Cướp tài sản theo Khoản 4, Điều 133 của BLHS (mức án từ 18 năm tù đến tử hình).
Thời gian điều tra của vụ án cứ nhùng nhằng, kéo dài suốt 2 năm nhưng không có kết quả. Nhiều lần, VKSND và TAND tỉnh Quảng Bình đã trả lại hồ sơ, đề nghị CQĐT xem xét, bổ sung chứng cứ.
Hồ sơ vụ án
Tháng 4/2014, nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật đã trở lại Quảng Bình, gặp các cơ quan tiến hành tố tụng của vụ án trên để làm rõ. Lãnh đạo và các điều tra viên thuộc Phòng PC45 đều từ chối làm việc(!?). Tại VKSND tỉnh, ông Trần Trường Phi, Phó Viện trưởng (phụ trách kiểm sát án hình sự) đã thẳng thắn, thừa nhận những sai sót trong quá trình điều tra cũng như kết luận vụ án. Ông Phi cho biết, VKSND tỉnh đã nhiều lần trả lại hồ sơ cho CQĐT vì không đủ chứng lý để buộc tội các bị can.
Trước đó, TAND tỉnh cũng đã tiếp tục trả lại hồ sơ khi cho rằng: Không có nạn nhân nào bị đe dọa, đánh đập để cướp gỗ huê. Thông qua việc chia chác tiền cho thấy, có việc mua bán trao đổi chứ không phải là cướp. Có nhiều mâu thuẫn trong lời khai giữa bị can và bị hại; không có đối chất...
Ông Trần Trường Phi còn đặt ra nghi ngờ tính trung thực của bản kết luận trước đó của CQĐT khi cho rằng: Vô lý đến mức, sau 20 ngày bị hại mới tố cáo vì điều tra viên đến nhà thuyết phục. Thậm chí, họ đang quay lại tìm nhau để đòi số tiền nợ chưa trả hết. Tang vật liên quan của vụ án thì chẳng thu được gì.
Ông Ngô Văn Xảo, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình bất bình về nội dung kết luận của CQĐT trong vụ án này. "Tôi có hàng chục năm làm thẩm phán và lãnh đạo tòa, nhưng chưa bao giờ gặp một vụ án mà CQĐT làm ẩu và liều lĩnh đến như vậy. Sao có vụ cướp gì mà lạ lùng thế, bằng chứng, tang vật thì chẳng có gì. Quy cho người ta tội cướp, tôi thấy quá coi thường pháp luật", ông Xảo nói.
Bị can Nguyễn Văn Hiệu nói: "Đến lúc này chúng tôi thực sự hoang mang, chúng tôi đã từng đi mua bán gỗ từ rất lâu rồi, nhưng khi mua bán số gỗ huê từ anh Toàn lần này, chúng tôi lại bị bắt tạm giam. Khi được cho tại ngoại, chúng tôi cũng đã kêu oan rất nhiều nơi nhưng vẫn không được giải quyết".
Bị can Hồ Xuân Thiện cho biết: "Tôi và Toàn quen biết và làm ăn với nhau trước đó cũng 4 năm rồi, nên tôi là người trả giá và trả tiền cho Toàn, nhưng khi tôi chưa kịp trả hết số tiền còn lại cho Toàn thì tôi bị công an bắt giam. Thực sự, tôi không cũng không hiểu nổi tại sao lại như vậy nữa".
Đối với bị can Nguyễn Ngọc Hoàn, gần 3 năm qua là thời gian mà gia đình anh phải vượt qua mọi thử thách để tồn tại. Con gái đang học lớp 10 đòi bỏ học vì đám bạn trêu chọc là con gái của một thằng tù, vợ chồng anh thì mấy lần tái hợp vì không chịu nổi sức ép của dư luận. "Tôi là người thường xuyên đi rừng nên khi nghe tin có cây gỗ huê bị đốn hạ rồi thì chúng tôi vào xem có gì nữa không để vào mua lại bán kiếm lời thôi. Nhưng không ngờ mua bán lời lãi không được bao nhiêu lại phải chịu thêm cái án tù", Hoàn buồn bã phân trần.
Sau loạt bài đầu tiên được đăng tải trên báo Đời sống và Pháp luật về nghi vấn có oan sai trong vụ án "cướp gỗ huê" tại Quảng Bình, VKSND tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình trả hồ sơ, làm rõ những nội dung báo đã nêu. "Yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình kiểm tra vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 1A, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi", văn bản của VKSND tối cao ghi rõ.
Có tuyên vô tội?
Sau khi VKSND trả hồ sơ lần thứ 3, CQĐT đã có kết luận bổ sung và toàn bộ Hồ sơ vụ án "cướp gỗ huê" đã được chuyển đến TAND tỉnh Quảng Bình chờ xét xử tiếp (dự định ngày 24/11) tới đây. Ông Dương Hữu Lực, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình cho biết: "Hiện, chúng tôi đang xem xét để đưa vụ án ra xét xử, vì hiệu lực trả hồ sơ 2 lần của tòa đã hết. Nếu tòa xem xét hồ sơ, không đủ cơ sở để kết tội. Kết luận bổ sung của CQĐT cũng không làm rõ được yêu cầu thì tòa có thể sẽ tuyên vô tội".
Ông Dương Hữu Lực, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình: "Tòa có thể sẽ tuyên vô tội".
Vẫn giữ nguyên quan điểm ngay từ khi bắt đầu vụ án, luật sư Ngô Đức Thịnh (Văn phòng luật sư Thịnh Đức) cho rằng: "Vụ án sẽ vẫn mãi bế tắc nếu không làm rõ được số tiền 390 triệu mà Phạm Văn Toàn đã nhận được từ nhóm của Hiệu. Rõ ràng là không thể nào đi cho một số tiền lớn như vậy mà không có trao đổi mua bán. Và tại sao cơ quan điều tra không thu lại số tiền 390 triệu mà Toàn đã lấy, đây số tiền của việc mua bán gỗ trái phép cơ mà. Nếu Tòa xử các bị can vào tội Cướp tài sản thì Tòa đã không thận trọng trong quá trình xem xét vụ án và sẽ rơi vào một vụ án oan sai"
Sau nhiều lần xin lịch làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, mới đây ông Lê Xuân Hòa, Viện Phó VKSND tỉnh Quảng Bình đã đưa ra một câu ngắn gọn: "VKSND tỉnh Quảng Bình quyết định truy tố các bị can trong vụ án Nguyễn Văn Hiệu và đồng bọn can tội Cướp Tài sản". Tuy nhiên, khi PV hỏi cơ sở nào để VKS đưa quan điểm như vậy thì ông Hòa đã từ chối trả lời và cho rằng, ông có quyền không trả lời báo chí(!?).
Được biết, trong bản kết luận điều tra bổ sung của cơ quan điều tra mới đây không làm rõ được nhiều tình tiết mà tòa án và viện kiểm sát đã yêu cầu. Nói đúng hơn là không có gì mới so với bản kết luận điều tra trước đây. Những nghi vấn về việc các điều tra viên trong vụ án cố tình vòi tiền, làm sai lệch hồ sơ, cho bị can ký vào khống chỉ vào bản khai...vẫn còn bị bỏ ngõ.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Vụ án Huỳnh Văn Nén: 'Oan sai nghiêm trọng hơn vụ Nguyễn Thanh Chấn' "Vụ án Huỳnh Văn Nén oan sai nghiêm trọng hơn vụ án Nguyễn Thanh Chấn, không chỉ có ông Nén bị oan, mà chín người khác trong đại gia đình vợ ông ta cũng bị kết tội oan, bị cáo Nguyễn Thị Nhung, chị ruột vợ ông ấy đã chết khi chưa được minh oan" - LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm...