Làng ven hồ
Là nhà khách thuộc Sở Ngoại vụ, cơ quan chúng tôi đứng chân bên Hồ Tây bốn mùa lộng gió.
Nhìn sang bên kia hồ là Nghi Tàm, Quảng An.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Ai đã từng một thoáng thả hồn theo sóng nước Hồ Tây, với mây trời bảng lảng, sóng nước mênh mang. Vẻ đẹp thiên nhiên khoáng đạt dù “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” trăm năm trước không còn nhưng như vẫn còn đây: “Dừng chân đứng lại trời, non nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta”( Bà Huyện Thanh Quan). Có ăn, có ở đây mới cảm nhận được hết tâm tình đất và người làng ven hồ.
Ngày chủ nhật được nghỉ, tôi vẫn thường thả bộ đi dạo trong làng. Một ngôi làng đẹp, hiền hòa nằm sát ngay mép nước Hồ Tây. Nơi đây, tự hào về những chiếc cổng làng đẹp nhất Kinh kỳ, những đình chùa bao năm vẫn tồn tại để kể cho đời sau những câu chuyện lịch sử ông cha. Đường vòng, ngõ nhỏ lát gạch cổ kính đan xen mảng tường gạch rêu phủ xanh, cùng những bụi cây râm bụt, sói, ngâu và tán lá lộc vừng. Những ngôi nhà thấp xây từ đầu thế kỷ trước mang bóng dáng một Hà Nội xưa. Thú vị là ngồi quán cóc nâng chén trà sen nóng, cùng chuyện trò với người dân trong làng. Gọi là quán nhưng có khi chỉ một chiếc bàn nhỏ, mấy chiếc ghế đôn bày ra ngay trước hiên nhà. Làng được hình thành từ lâu đời, thuộc vùng Kẻ Bưởi. Một vùng đất gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long, Hà Nội. Làng ở bên hồ, có bề dầy văn hóa lịch sử mà dấu xưa còn đó trong những di tích đền chùa, miếu mạo. Trước đây, vùng này có ít ruộng nằm ven Hồ Tây nên chỉ có một bộ phận nhỏ làm ruộng kết hợp với thả sen. Phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề đánh cá, làm giấy, dệt vải lĩnh. Còn đó những bể xi măng ngâm bột giấy. Bột giấy sau khi được chày giã mịn cho vào bể ngâm nước, dùng gậy đảo, đánh thật tơi bột, xúc lên làm thành tờ giấy. Rồi đến công đoạn nén, ép cho thật kiệt nước, phơi hong. Có câu ca : “Ai ơi đứng lại mà trông/kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bồi” là nói về công việc làm giấy dó, một nghề có từ xa xưa. Danh nhân Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí: “Phường Yên Thái huyện Quảng Đức làm giấy”. Trong bài “Phú tụng Hồ Tây” Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn cũng nói về nghề làm giấy: “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng/Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”. Và ở đây từng có câu hát đối đáp rất thơ: “Vì em làm giấy cho người chép thơ”. Tiếng chày giã giấy nhọc nhằn, dư âm vẫn còn đâu đó; các ông, bà bên ấm trà vẫn bảo: “Cái ngày xưa ấy nhọc nhằn nhưng tươi vui trên hương trời sắc nước Hồ Tây”. Người làng tự hào nghề làm giấy nổi tiếng dù bây giờ nghề làm giấy dó chỉ còn trong ký ức người già.
Làng cũng làm nghề dệt vải lĩnh như các làng lân cận. Lĩnh vùng Bưởi vốn nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục vụ đất Kinh kỳ mà còn bán ra nước ngoài: “…Lĩnh Bưởi, chổi Phùng/Lụa vân Vạn phúc/Nhiễu vùng Mỗ bên”.
Video đang HOT
Bước dạo trong con ngõ nhỏ quanh co, nơi đây mỗi viên gạch, hay mỗi nét hoa văn trên mái cổng làng đều gợi nhớ bóng dáng đất Kinh thành Thăng Long. Cây lộc vừng xanh um cổ thụ hay dáng nhà cổ xưa kia còn lưu giữ những câu chuyện làng, chuyện lối ngõ có tiếng chuông chùa ngân nga. Khi đặt bàn tay lên bức tường rào rêu phong còn nghe vọng lại tiếng chày giã giấy như nhịp sống chậm rãi trong điệu hát văn dịu dặt: “Xem kìa Yên Thái như kia/giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh/đầu chợ Bưởi điếm cầm canh/người đi kẻ lại như tranh họa đồ”.
Những năm 1990, làng ven hồ cũng đang tự vật mình chuyển đổi ngành nghề. Các hợp tác xã làm giấy, trồng rau xanh hay đánh bắt hải sản thu hẹp, rồi giải thể. Nhưng sáng sớm hay chiều muộn vẫn thấy thấp thoáng bóng người quần áo ướt sũng, mang dụng cụ vợt lưới, cào ốc, bắt trai hến hình như cho thỏa nỗi nhớ nghề.
Vào làng ven hồ những ngày giáp tết mới thấy hết sự đầm ấm thân thương của tình nghĩa làng. Bên sân giếng cảnh con múc nước cho mẹ rửa lá dong, đãi đỗ; rồi các nhà hẹn nhau nấu chung nồi bánh chưng. Trên con đường lát gạch, các bà các chị đi chợ về có thêm bó cành đào nhỏ mua sớm đặt lên bàn thờ thắp hương ngày ông Táo về trời. Không khí tết nhộn nhịp ùa vào từng ngõ nhỏ bình yên, dù chỉ vừa hai người đi tránh nhau.
Cứ nhìn nhà cửa liền nhau, dầy như nêm cối, đủ biết người dân ở đây sống với nhau thuận hòa, chung thủy. Họ là những người lao động hiền lành, chân chất. Sáng chiều ra vào làng gặp nhau với tiếng chào hỏi thân thiết. Ngày nay, cuộc sống thay đổi nhưng các giá trị truyền thống vẫn được người dân giữ gìn bảo tồn nét riêng đặc sắc của vùng đất Kinh thành Thăng Long.
Những kẻ vọng hoài
Ra phố bởi đau đáu về làng, về làng để rồi thao thức phố. Ra đi hay ở lại. Hay ra đi là để trở về. Có lẽ cả hai điều đó, sẽ cứ mãi trở trăn day dứt trong mỗi con người gốc gác từ quê ra phố...
Ở nơi mà ta sống, có lẽ, mỗi người sẽ cất giữ một góc riêng nhỏ bé của lòng mình. Có thể khắc ghi kỷ niệm, có thể vì vẻ đẹp, hay gợi nhớ một câu chuyện, một bóng dáng, nhắc ta nhớ về gốc gác xứ sở, cái chốn mà từ đó mình ra đi hay nơi nào mình đã đến, trong những cuộc đi dằng dặc của đời người.
Tôi hay ngồi cái quán có tên nghe rất cũ, trên con phố cũng thâm u cũ kỹ nơi thành phố mà tôi sống, cái thành phố đang còn ăm ắp những niềm xưa nỗi cũ, hiển hiện những dấu vết cổ xưa. Khi là trong tiết xuân giăng mắc bụi mưa trên những tàng cây âm u, lặng nhìn mái cổ phong rêu xô nghiêng thẫm ướt, tấm voan trắng ngời hoa sưa phập phồng trên những vòm xanh xao xuyến tiếng chim. Khi là trong tiết thu trời trong nắng mật, cây lá vàng lên thổn thức gợi mùa.
Anh bạn nhà thơ hay cùng tôi ngồi ở đó, cũng trầm mặc xù xì xưa cũ và ầng ậng nỗi niềm như những tàng cây đã trăm năm trùm bóng lên con phố thâm u. Chúng tôi đều gốc gác nhà quê ở phố. Chúng tôi hay nói về những điều xưa cũ, bây giờ khó mà có thể hiển hiện trong nhịp sống gấp gáp của đô thị thời công nghệ. Những con người chúng tôi thân biết, hay nhắc nhớ, cũng thường mang nặng dấu ấn xa xưa trong hình dung. Những con người của hiện tại, ngày ngày hiện diện mưu sinh trên con phố này, ấn tượng đến độ chúng tôi phải chú ý, phải gặp, phải tìm cách chuyện trò, cũng vậy. Họ tái hiện trên phố những hình ảnh gợi thương gợi nhớ nơi quê nhà chúng tôi, vừa như mang ký ức, vừa như sống động trong hiện tại, mà nôn nao tiềm ẩn vẻ đẹp của những lát cắt vọng hoài.
Lúc này, tiết trời đương độ giao cảm, trên con phố ấy, lá vàng sớm chiều không ngơi ngớt, lao xao vấn vít kể chuyện mùa thu. Nhắm mắt lại, tôi cũng có thể mường tượng những khoảnh thềm thênh thang đốm nắng, như đang được rắc lên muôn vàn ngà ngọc.
Con đường vàng phai trong veo ngọt lịm nắng mật ong, sẽ như một phố xưa cổ tích, hay một nẻo đường mơ, một khung trời thương nhớ. Thấp thoáng bóng tà áo dài, những người Hà Nội/ sống ở Hà Nội, đến đây để ghi nhớ thời khắc đẹp đẽ của thanh xuân. Hay đơn sơ những gánh mùa thu vàng hươm thơm lựng, sấu dầm, thị sáp, ổi đào, ổi mỡ, cốm non... khẽ khàng nghiêng vai ai đó mà đậu xuống. Phố bỗng ùa vui gió lá, các cô nàng rối rít, kịp vuốt lại mái tóc, tạo dáng điệu đà chớp nhanh một kiểu ảnh, trước khi bắt lấy hít hà xoa xuýt mùi hương mùa thu thơm lựng lòng tay. Hay sẽ rực rỡ và nên thơ, lại cũng thơm tho và tươi tắn, những xe đạp chở đầy mùa hoa Hà Nội. Gương mặt rám nắng chị gánh trái cây bán dạo, từng đôi mắt u buồn người em gái đạp xe bán hoa tươi, đôi tay vụng về lóng ngóng của những người đàn ông bối rối như lần nào cũng là lần đầu chạm tới một nhành hoa, hẳn là mua để tặng, lúc này mới chỉ hỏi mua thôi, mà trông họ đã ngại ngùng.
Chúng tôi mấy kẻ vọng hoài, hay lưu luyến với những người bán hoa rong lòng phố. Dù chỉ bởi mưu sinh mà họ đến con phố u hoài này, thì hình ảnh của họ, vẫn gợi lên trong chúng tôi nhiều lát cắt của ký ức. Họ và phố, từ bao giờ đã làm nên một phố hoa.
Anh bạn nhà thơ của tôi nhà ở gần phố hoa. Chúng tôi hay ngồi phố đó cũng vì anh có thói quen đi bộ ngang qua mỗi chiều để rèn luyện sức khỏe, anh bảo vậy. Nhưng tôi đồ rằng, những người phụ nữ che kín đôi gò má thanh xuân dưới khẩu trang và vành nón lá, có gì gần gũi gợi thương đến những ký ức ruộng vườn, hình bóng quê nhà của anh. Đôi khi tôi bắt gặp anh rủ rỉ gần một xe hoa, chẳng biết anh nói điều gì, cả mấy người họ cùng cười mủm mỉm. Anh có lẽ ít mua hoa, tôi đoán thế. Mấy chị hàng hoa chắc cũng biết thế, bởi họ đã quá quen cái dáng hao gầy lững tha lững thững mỗi ngày anh đi lại ở phố này. Nhưng thấy anh, họ tươi tắn và lấp lánh, như thể anh là khách quen đã nhiều lần mua hớ, hay anh như là người thân...
Tôi bảo với họ rằng, đấy, bởi các cô mà tôi nhớ phố. Nhớ những ngày Hà Nội nín lặng giãn cách vì Covid-19, nhiều ngày không ra phố, không gặp các cô, cứ bồn chồn không yên trong dạ. Không biết, những người chị người em đã bao năm qua chỉ biết miệt mài đẩy xe hoa vào con phố ấy, giờ họ đang làm gì nhỉ, để cùng gia đình mình đi qua những ngày lánh dịch lo âu phấp phỏng và đầy khó khăn.
Cô hàng hoa bảo, ra phố, cô lại nhớ làng. Bán bông thược dược, lòng cô nhớ Tết, những cái Tết của một thời xa, đâu có nhiều loài hoa như bây giờ, chỉ với thược dược nhiều sắc màu và tím vi-ô-let, điểm xuyết mấy ngồng hoa lay-ơn. Trời ạ, cô khiến tôi cũng đang cồn cào mà nhớ cái góc vườn nhỏ bé nhà tôi, vì bên cạnh có một bể xây bị dò nước nên góc vườn ấy lúc nào cũng ẩm. Từ mùa xuân, mẹ tôi kiếm đâu về mấy cọng gầy guộc cành già hoa cúc, lúc ấy mẹ bảo chẳng rõ là cúc gì, cứ trồng thôi. Rồi thì vùi vào đất ấy, chăm bẵm tưới tắm qua mùa hè nắng nung thì cành cúc gầy queo ngày nào đã trở nên một bụi cây xanh biếc. Bên cạnh nó lại có thêm một vài củ lay-ơn tựa như cái củ hành tây, vài củ thược dược thì như củ khoai lang vậy, cũng được dúi qua dúi loa vào lòng đất ẩm. Thế mà chúng nó lên mầm, khỏe khoắn đâm chồi, nảy lộc. Và khi xấp xới gió thu tháng mười xong mùa gặt hái, thì cả cúc và thược dược cùng nhau lốm đốm nụ đinh, cả nhà trầm trồ và hồi hộp. Quê tôi chẳng có một cánh đồng cúc kim cúc chi trắng ngời bông mây hay xuộm vàng hanh nắng như ở quê cô đâu, chỉ một góc thân thương với vài cụm hoa nhỏ nhoi ấy thôi, cũng đã đọng đầy da diết lắm rồi!
Đấy, cô hàng hoa bảo, nhắc tháng mười lại nhớ đã thu, hoa cúc khiến cô nhớ những ngày tháng mười ở làng. Cái tháng mười đến lạ. Người quê nào cũng thấy thương về tháng mười, nhắc nhớ về nó. Hà Nội tháng mười còn có mùa hoa cúc mi, cô nhớ không, năm nào tôi cũng mua cúc mi của cô suốt từ cuối tháng mười qua tháng mười một, sang đầu tháng mười hai vẫn cứ còn lưu luyến. Cúc mi bây giờ cũng được mang về quê cô trồng lác đác rồi đấy. Tôi đang mường tượng về ngôi làng xanh mướt của cô chạy dọc bãi sông. Mùa này, cả một dải đồng cúc chi, cúc kim vàng hươm nắng mật, xen lẫn những dải cúc mi trắng muốt, nao nức thơm trong từng ngọn gió mang theo hơi thu dịu mát, thổi dọc dài sông bãi về tận cửa sổ nhà cô. Một mùa thơm xôn xao, lấp lánh màu vui trong ánh mắt mỗi người dân nhọc nỗi đất đai đến ngày thu hái. Hoa đơm lên mùi hương của đất xới lên, của công sức mồ hôi đổ xuống, của những ước mơ bình dị bay xa. Cô bảo, nhớ mùi của hoa cúc phơi trong nắng hanh, hoang hoải nôn nao đằm ấm.
Mỗi sớm, thức dậy từ nhà trọ chạy xe lên chợ Quảng Bá lấy hoa vào phố, những người bán hàng rong như cô lại một lần được tắm gội ký ức, mùi thơm của những miền quê. Đôi lúc họ muốn bỏ phố về nhà, trồng lúa, trồng hoa, nhớ phố thì chở hoa thẳng từ quê nhà vào phố. Nhưng mới nghĩ thế thôi, họ lại tham công tiếc việc, lại nhớ những khách quen mỗi ngày đem lại cho họ niềm vui mua bán. Cuộc mưu sinh lại hối thúc từ trong sâu thẳm những lo toan, gánh vác của một người vợ, người mẹ, người con.
Quê cô trồng cúc chi, cúc kim mỗi năm một vụ, ở phố, quanh năm cô rong ruổi với mười hai mùa hoa Hà Nội, đành rằng hoa cũng từ khắp miền quê được đưa về. Nhưng nhờ vào nhu cầu lớn của người thành phố, năng lực giao thương thuận tiện của đô thị, mà những người bán hàng rong như cô có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Ở giữa nỗi nhớ thương dằn dọc về chốn quê nhà, giữa những lo toan dằng dặc và cơ hội có thể cải thiện đời sống khó nghèo, con người ta đã phải lựa chọn.
Nên con phố ấy trở thành nỗi nhớ. Ra phố bởi đau đáu về làng, về làng để rồi thao thức phố. Ra đi hay ở lại. Hay ra đi là để trở về. Có lẽ cả hai điều đó, sẽ cứ mãi trở trăn day dứt trong mỗi con người gốc gác từ quê ra phố, cho dù để mưu sinh, để lập nghiệp, để xa quê dài lâu hay chỉ trong ngắn hạn rồi sẽ về lại với xuất xứ của mình. Nỗi nhớ theo bước chân mỗi người trong hành trình đi tìm kiếm, gầy dựng cho những nhu cầu bình dị hay mơ ước cao xa của cuộc sống, cứ thăm thẳm dặm dài trong cuộc đời dằng dặc những âu lo, vất vả, lại không tránh khỏi có lúc đau buồn, cả nỗi truân chuyên xen lẫn những nguồn vui nâng đỡ.
Cuộc sống cứ mở ra và khép lại, tâm hồn con người ta, lúc an vui lại có khi héo hắt, đều sẽ đọng thành một khối mềm ký ức, luôn chỉ muốn đập cánh, cùng nhau bay đến những bến bờ của hương xưa và bóng cũ. Chúng ta là những kẻ vọng hoài...
Hồ Tây, Quảng An và Hà Nội ngày nay Từ một hồ tự nhiên, hồ Tây đang biến thành một hồ đô thị, theo nghĩa là đồng thời xảy ra sự suy giảm đa dạng sinh học, đô thị hóa cảnh quan, suy giảm chất lượng nước. Nói cách khác, hồ đang dần chỉ còn là một vũng nước lớn, được bao bọc bởi bê tông của đô thị... Hồ Tây ......