Làng nhạc Việt 2017: Bolero trỗi dậy và cuộc tranh cãi bất tận về ca sĩ hát hay – hát dở
2017 khép lại bằng một năm tràn ngập scandal của làng nhạc Việt. Dẫu vậy, trong những cơn cuồng nộ u tối nhất, vẫn có điểm sáng chói lòa, đáng để ghi nhận.
Làng nhạc Việt năm 2017 rộn ràng những cuộc tranh cãi, khi thì Tùng Dương khơi mào cho trận chiến Bolero, lúc lại là Chi Pu khiến showbiz điên đảo bởi phát ngôn “từ hôm nay hãy gọi tôi là ca sĩ”.
Chưa bao giờ làng nhạc Việt ồn ào vì yếu tố chuyên môn đến thế. Cũng chưa bao giờ giới nghệ sĩ chỉ trích, chê bai nhau công khai và nặng nề vì những câu chuyện liên quan đến nghề ca sĩ như năm 2017 vừa rồi.
Năm 2017 chứng kiến những cuộc tranh cãi bất tận của giới ca sĩ về âm nhac.
Bolero sống lại, Mỹ Tâm lập kỷ lục bán CD truyền thống
2017 là thời điểm Bolero bùng nổ. Từ ca sĩ mới nổi cho đến người đã có vị trí sao hạng A đều đổ xô đi hát Bolero.
Điều này phản ánh dòng chảy âm nhạc thời đại mới có sự đảo chiều đầy thách thức. Những giai điệu da diết, ngọt ngào, đi sâu vào tiềm thức của một bộ phận khán giả bất ngờ sống lại với cách thể hiện mới hơn, phá cách hơn.
Đi đầu trong lớp ca sĩ hoạt động mạnh với Bolero chính là “ông hoàng nhạc Việt” – Đàm Vĩnh Hưng. Bằng liveshow Sài Gòn Bolero và Hưng, Mr. Đàm đã thiết lập nên những điều không tưởng.
Chẳng những tái hiện hình ảnh Sài Gòn xưa bằng âm nhạc, Đàm Vĩnh Hưng còn góp phần đưa Bolero đến gần với khán giả hai miền Nam – Bắc. Sau Đàm Vĩnh Hưng, Giang Hồng Ngọc tung Album Bay về thời gian, Dương Triệu Vũ tung Album Nhạc tình muôn thưở 2 – Yêu cô đơn như tình nhân, Thủy Tiên cũng kịp góp vui bằng Album Đôi mắt người xưa.
Đàm Vĩnh Hưng.
Không hoành tráng như Đàm Vinh Hưng, Thủy Tiên hay Dương Triệu Vũ, các ca sĩ thế hệ sau này như Hằng Bingbong, Tố My tham gia “phong trào” làm sống lại Bolero bằng cách ra mắt những MV Đừng xa em đêm nay, Chờ người, Mưa rừng…
Chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm, hàng loạt sản phẩm âm nhạc về Bolero được giới thiệu đến công chúng. Hay có, dở có, tất cả tạo nên một mảng màu rực rỡ trong bức tranh âm nhạc năm 2017.
Giang Hồng Ngọc.
Thủy Tiên.
Một điểm sáng cần ghi nhận nữa là nỗ lực phá bỏ kỷ lục views youtube của các ca sĩ trẻ. Nếu như trước đây, con số 1 triệu views/tuần/MV đã là mơ ước của nhiều người thì đến thời điểm hiện tại, 2 ngày đạt 1 triệu views hoặc 3 ngày đặt 2 triệu views là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Thậm chí, những MV hàng trăm triệu views như Lạc trôi, Phía sau một cô gái, Bống bống bang bang, Nơi này có anh, Chúng ta không thuộc về nhau, Vợ người ta cũng đua nhau xuất hiện.
Sau một khoảng thời gian, khoảng cách lật đổ kỷ lục views lại càng được kéo gần. Cứ dăm ngày bảy bữa, giới truyền thông lại phao tin có một ca sĩ nào đó vừa lập con số views cho MV cực khủng.
Dòng chảy số hóa âm nhạc cùng xu hướng nghe – xem online đã thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt ở showbiz Việt. Ngoài chuyện ra những sản phẩm chỉnh chu, hút người nghe, các ca sĩ còn chạy đua quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm bằng những cách thức khác nhau.
Khi thì mang chuyện đời tư ra “chào hàng”, lúc lại “đá đểu” đồng nghiệp nhằm lôi kéo sự chú ý về phía mình.
Đã có lúc, người ta tưởng rằng CD truyền thống thực sự đã chết. Bởi thay vì bỏ vài trăm ngàn đồng ra mua 1 chiếc đĩa, nay khán giả có thể dễ dàng nghe nhạc online chỉ với vài cái click chuột nhẹ nhàng.
Mỹ Tâm làm sống lại CD truyền thống với Album Vol 9.
Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, Mỹ Tâm đã làm sống lại thói quen nghe nhạc bằng CD truyền thống. Tháng 12/2017, Mỹ Tâm bất ngờ ra mắt Album Vol 9 với 12 bài hát được phối theo phong cách hiện đại, trẻ trung.
Những bài này gồm: Đừng hỏi em, Cô ấy là ai, Anh chưa từng biết, Nếu có buông tay, Đau thế mà, Mong cho anh, Lạnh lùng, Muộn màng là từ lúc, Biết khi nào gặp lại, Nếu anh đi, Chuyện buồn, Đâu chỉ riêng em.
Cùng với đó, nữ ca sĩ cũng tổ chức 2 đêm diễn hoành tráng tại Hà Nội – TP.HCM. Hàng ngàn khán giả đã có mặt tại các khu vực biểu diễn và cùng Mỹ Tâm làm nên những điều không tưởng. Mỹ Tâm cho biết, ngay ngày đầu tiên công bố Album, cô đã bán được hơn 5.000 CD.
Bất ngờ hơn nữa, số lượng này theo thống kê chỉ là con số bán trực tiếp tại buổi kí tặng đĩa, chứ chưa hề tính đến CD đã được bán online trước đó. Tính đến hiện tại, 12.000 đĩa phát hành đợt đầu đã được tẩu tán sạch. 2.000 đĩa in lần thứ 2 cũng “bốc hơi” trong phút chốc.
Cơn sốt Mỹ Tâm và CD truyền thống lan rộng đến mức giới nghệ sĩ cũng xôn xao. Từ Đông Nhi, Isaac cho đến Duy Khánh, Thiên Minh đều hào hứng khoe trên facebook cá nhân rằng đã có trong tay chiếc đĩa xịn của Mỹ Tâm.
Đến cả Trường Giang – một trong những nghệ sĩ hài ăn khách nhất hiện tại cũng phải mượn mạng xã hội để xin xỏ Mỹ Tâm tặng cho mình 1 chiếc đĩa có chữ ký tay.
Hàng loạt cuộc tranh cãi về âm nhạc làm rúng động showbiz
Bức tranh âm nhạc 2017 đầy màu sắc bởi dấu ấn của Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Bolero và những bản hit triệu views. Tuy nhiên, cùng với đó, vô số cuộc tranh cãi vô tiền khoáng hậu cũng đã nổ ra.
Chưa bao giờ làng nhạc lại sục sôi vì yếu tố chuyên môn đến thế. Cũng chưa bao giờ người ta đặt câu hỏi về ranh giới giữa ca sĩ hát hay – ca sĩ hát dở và những khác biệt trong gu thưởng thức âm nhạc giữa 2 miền Nam – Bắc.
Tùng Dương gây bão bằng phát ngôn “già trẻ gái trai cứ đắm đuối hát Bolero thì đó là sự thụt lùi”.
Nghệ thuật không đúng – không sai, chỉ có cảm xúc là quyết định mọi thứ. Trong tất cả những trận “đấu võ mồm” căng thẳng giữa các nghệ sĩ, vô vàn lời nói dao găm, có sức sát thương nặng nề đã được phóng ra.
Bolero trỗi dậy đi cùng với phát ngôn “già trẻ gái trai cứ đắm đuối hát Bolero thì đó là sự thụt lùi” của Tùng Dương. Giữa thị hiếu khán giả đang lên, nam ca sĩ đình đám bất ngờ chia sẻ quan điểm như “vỗ vào mặt” những ca sĩ đang theo đuổi dòng nhạc này.
Ngay lập tức, Đàm Vĩnh Hưng – Vũ Hà – Quang Lê – Lệ Quyên đã lên tiếng phản đối. Người gọi Tùng Dương là ghen ăn tức ở, kẻ lại chê trách, miệt thị Tùng Dương bằng lời lẽ nặng nề.
Đàm Vĩnh Hưng ngay lập tức đáp trả và mắng Tùng Dương ích kỷ.
Đàm Vĩnh Hưng cho rằng việc Bolero sống lại trong những năm gần đây là một quy luật tất yếu. Khi còn người nghe, ắt hẳn dòng chảy Bolero vẫn còn tồn tại.
Việc thụt lùi hay sáng tạo là dựa vào quan điểm của từng người, không phải cứ hát dòng nhạc “hàn lâm, chuyên môn” mà quên mất thị hiếu khán giả.
Ca sĩ có sức ảnh hưởng là ca sĩ được công chúng đón nhận, chứ không phải chỉ thỏa mãn sự sáng tạo và cái tôi khác biệt của riêng mình.
Bên cạnh đó, người ủng hộ Tùng Dương lại ra sức bênh vực và cho rằng nam ca sĩ chỉ đang chỉ ra một thực trạng khách quan trong làng nhạc, ấy là tất cả mọi người đều đua nhau hát Bolero mà chẳng màn đến giá trị cốt lõi của nó.
Cũng từ đây, quan điểm về khoảng cách giữa âm nhạc hàn lâm đại diện cho miền Bắc với âm nhạc bình dân đại diện cho miền Nam cũng được mổ xẻ.
Khi Thanh Lam đứng về phía Tùng Dương và đưa ra nhận định “nhiều ca sĩ miền Nam chẳng học hành gì, chỉ nổi tiếng nhờ truyền thông”, cơn cuồng nộ âm nhạc lại một lần nữa dâng trào.
Chưa có bao giờ người nghe nhạc cả nước lại xôn xao vì những quan điểm âm nhạc trái chiều nhiều đến thế!
Thanh Lam.
Cuộc tranh cãi về Bolero vừa lắng dịu, Chi Pu đã nối tiếp thị phi bằng tuyên bố chắc nịch: “Từ hôm nay hãy gọi tôi là ca sĩ”.
Trước khi chính thức tung ra MV Từ hôm nay – Feel like Ooh, Chi Pu cũng từng nhiều lần khoe giọng trong các chương trình truyền hình và phim ảnh.
Tuy nhiên, việc cô nàng đầu tư hàng đống tiền cho việc sản xuất MV và tấn công làng nhạc với danh xưng ca sĩ thực thụ lại gây ra phản ứng ngược.
Chi Pu.
Đa phần khán giả trung lập đều cho rằng Chi Pu chưa đủ sức làm ca sĩ, bởi chất giọng của cô nàng khá yếu, mỏng. Nếu như không có sự hỗ trợ của kỹ thuật phòng thu, Chi Pu sẽ sớm lộ ra khuyết điểm.
Và y như rằng, trong tất cả những chương trình để Chi Pu hát live, người xem đều ngỡ ngàng vì chất giọng quá tệ của cô nàng. Chi Pu xinh đẹp, điều này đúng!
Chi Pu có sự đầu tư nghiêm túc, kỹ càng trong chuyện ra MV, điều này chưa bao giờ sai. Chỉ có duy nhất một điều, Chi Pu quá vội vàng trong việc theo đuổi con đường ca hát.
Nhận ra điều này, Văn Mai Hương – Hương Tràm – Uyên Linh – Hải Yến – Quốc Thiên đã đồng loạt tấn công cô gái trẻ. Hết dùng lời lẽ đá xéo, Văn Mai Hương – Hương Tràm lại công kích trực diện và khẳng định rằng cảm thấy xúc phạm nghề ca sĩ khi Chi Pu cầm micro.
Văn Mai Hương.
Hương Tràm.
Không chịu thua “phe đối lập”, Chi Pu tiếp tục tung ra 3 sản phẩm âm nhạc gồm Cho ta gần hơn, Em sai rồi anh xin lỗi em đi, Talk to me để khẳng định quyết tâm làm ca sĩ đến cùng. Sự “cứng rắn”, mạnh mẽ này tiếp tục làm làng nhạc dậy sóng.
Cứ mỗi lần Chi Pu ra mắt MV mới là một lần làng nhạc nổi lên lời khen – tiếng chê ồ ạt. Dẫu vậy, vượt qua mọi áp lực, Chi Pu vẫn không ngừng tiến tới.
Điều Chi Pu đang làm tạo nên những tiền đề chưa từng có trong showbiz Việt. Cô gái sinh năm 1993 mặc kệ hàng vạn dao găm đang nhắm vào mình, cứ lặng lẽ theo đuổi con đường ca hát như mục đích ban đầu đã đề ra.
2017 khép lại bằng một năm tràn ngập scandal của làng nhạc Việt. Dẫu vậy, trong những cơn cuồng nộ u tối nhất, vẫn có điểm sáng chói lòa, đáng để ghi nhận.
Dòng chảy âm nhạc cứ vận động không ngừng, người nghệ sĩ muốn được khán giả nhớ mặt đặt tên, điều tiên quyết vẫn là cống hiến, chăm chỉ và chân thành với khán giả.
Theo Helino
Thủy Tiên nói về việc hát Bolero: "Hát như ngày xưa thì bảo chưa tới, hát hiện đại thì lại bảo sai, nói chung kiểu gì cũng nói được"
Nữ ca sĩ Thủy Tiên chia sẻ suy nghĩ về những ý kiến trái chiều khi cô chuyển mình hát Bolero - dòng nhạc xưa đang được nhiều ca sĩ trẻ Vpop thử nghiệm.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, Vpop chứng kiến hàng loạt những cuộc chuyển mình của các ca sĩ từ dòng nhạc trẻ trung, sôi động sang trữ tình - bolero. Từ những trường hợp chỉ đơn thuần là thử sức trong cuộc thi cho tới việc đầu tư công phu, ra mắt cả một album nhạc toàn Bolero. Sự "đổ bộ" của quá nhiều nghệ sĩ trẻ sang dòng nhạc này trở thành mối nghi ngại của khán giả khi có những giọng hát chưa thực sự phù hợp, bị nhận xét là làm mất tinh thần của Bolero.
Một trong những nghệ sĩ vừa có bước ngoặt chuyển mình sang Bolero khiến khán giả bất ngờ đó là Thủy Tiên với album "Đôi mắt người xưa". Khán giả dễ tính thì dành lời động viên cho sự đổi mới của nữ ca sĩ, người khó tính thì dành nhiều đánh giá khá gay gắt về giọng hát của cô. Cùng trò chuyện với Thủy Tiên để hiểu rõ hơn về cơ duyên đến với bolero của nữ ca sĩ và những khó khăn cô gặp phải khi thể hiện dòng nhạc này.
Vì sao chị quyết định chuyển sang dòng nhạc tưởng như không liên quan gì đến hình tượng từ trước tới giờ đã theo đuổi?
Thực ra việc tôi chọn bolero ở thời điểm này cũng bắt đầu từ khán giả của mình. Một số dịp đi diễn, tôi thỉnh thoảng vẫn hát một vài ca khúc Bolero để phù hợp với các sân khấu có những người lớn tuổi yêu cầu được nghe. Một số người còn mong muốn mua những sản phẩm âm nhạc nào có những bài như vậy. Vậy nên tôi mới suy nghĩ chắc mình cũng nên làm một album Bolero để những lúc cần thiết có thể phục vụ khán giả.
Dự án này là một sự cân nhắc kỹ lưỡng chứ chẳng phải không biết lượng sức mình, cố đấm ăn xôi hay thấy người ta hát nhiều như trào lưu mà nhảy vào. Tôi nghĩ rằng mình không quá non, cũng đủ trải nghiệm để hát Bolero.
Theo chị, vì đâu Bolero lại tạo thành cơn sốt?
Tôi không biết lý do vì đâu nhưng tôi cảm nhận nó là một dòng nhạc hay, đặc biệt là phần lời cực kỳ đẹp và thơ mộng. Nếu bạn hiểu được sâu sẽ thấy câu chuyện mà nhạc sĩ họ kể bằng âm nhạc có ẩn ý rất sâu xa. Tôi nghĩ đó là lý do đến bây giờ vẫn còn người nghe, mặc dù thời đại đã không còn giống như ngày xưa nữa.
Chị nói gì trước nhận định Bolero là sự thụt lùi cho âm nhạc?
Tại sao cứ phải tôn vinh những cái mới và nghĩ rằng cái của mình mới là tốt nhất, hay nhất, còn của người khác qua thời rồi thì vứt đi? Rõ ràng là Bolero phải có gì đó thì mới quay trở lại thành trào lưu. Nếu như mình yêu cái đẹp thì mình sẽ nhận thấy trong đó có những điều để mình nghe và cảm nhận. Âm nhạc thiên về cảm nhận thôi chứ âm nhạc không phải quyết định đạo đức hay thời đại thụt lùi, đừng cảm nhận âm nhạc như vậy.
Những bạn thích Rock, thích nhạc trẻ, thích Dance, thích những gì hiện đại thì người ta không thích Bolero là đúng. Nhưng những người lớn tuổi bây giờ họ cũng đâu có nghe được nhạc trẻ. Xã hội này mỗi người sẽ có một nhu cầu, mỗi dòng nhạc sẽ có một thị trường khác nhau. Và ca sĩ khi hát dòng nhạc nào là để phục vụ cho đối tượng khán giả của dòng nhạc đó. Với Bolero, mình cảm nhận nó đẹp thì nghe, còn không thì lựa chọn khác.
Nhiều người cho rằng ca sĩ trẻ hát Bolero, khiến dòng nhạc này đang bị xào nấu lung tung, mất chất, chị quan điểm thế nào?
Đôi khi có số đông họ quen theo kiểu cũ rồi và khó chấp nhận cái mới. Mỗi thời đại sẽ có màu sắc âm nhạc khác nhau và quan điểm hay dở khác nhau. Ở tầm của tôi cũng khá là trẻ để hát bolero nên tôi cần hát theo cách cảm nhận có chút hiện đại của mình. Đó cũng là cách đưa khán giả trẻ của mình đến với dòng nhạc đẹp này. Chứ nếu tôi hát theo cách cũ, chưa chắc đã được chấp nhận.
Tôi có một đặc điểm là khi mà làm cái gì thì không nghe cái đó nhiều. Khi nghe nhiều quá sẽ bị ảnh hưởng đến sự sáng tạo và nó sẽ không có gì mới. Bình đã cũ rồi mà rượu cũng cũ luôn thì không nên. Đã thay đổi rồi thì để cho cái màu sắc và cảm xúc của mình quyết định chứ đừng có quá nghe nhiều quá mà bị ám vào mình thì mình sẽ không có gì đặc biệt và thay đổi.
Hát như ngày xưa thì bảo chưa tới, hát hiện đại thì lại bảo sai. Nói chung là kiểu gì cũng nói được, vậy thì quan trọng nhất là làm thế nào để mình thoải mái và tự tin nhất là được.
Có không ít đánh giá tiêu cực về giọng hát của chị, như trong cách xử lí, nhả chữ và lấy hơi còn yếu và phô. Chị nói sao?
Về kĩ thuật, tôi sẽ tiếp nhận những ý kiến khen chê. Tuy nhiên, tôi biết phân tích đâu là đúng, đâu là sai chứ không thể nào chỉ nghe số đông. Có thể là mọi người không đánh giá cao về khả năng của tôi, nhưng vì tôi cũng được đào tạo từ Cao đẳng văn hóa nghệ thuật khoa thanh nhạc nên tôi biết yếu điểm của mình ở đâu và ưu điểm của mình ở đâu. Dù một nốt nào hát sai tôi cũng biết được.
Thanh nhạc có một điểm là đôi khi bạn cố tập, cũng chỉ tới được 50%-60% cái hay đó thôi. Đó là trường hợp của người có năng khiếu đó. Còn có những người không có khiếu thì không cách nào tập được. Giống như khi tôi đi dạy các bé nhỏ, có những câu luyến con nít làm được thậm chí còn hay hơn mình, trong khi tôi tập kiểu gì cũng không được. Bởi vậy thanh nhạc là cái gì đó tự nhiên lắm và giọng hát học hành chưa chắc đã gây được cảm xúc mạnh bằng cái tự nhiên.
Chị đối mặt với áp lực từ những lời khen chê thế nào?
Tôi đón nhận rất bình thản. Hồi trước còn trẻ, tôi cũng thường có tâm lý sợ sệt, làm bất cứ gì cũng lo lắng suy nghĩ xem cảm xúc của người ta như thế nào. Ở thời điểm này, tôi không còn quan tâm đến người khác nghĩ về mình như thế nào. Tôi chỉ quan tâm mình muốn làm cái gì, muốn sống đúng với cá tính của mình nhiều hơn một chút.
Nói thế không phải tôi bất cần khán giả. Mà chỉ là lứa tuổi này, tôi không còn suy nghĩ về cảm giác lo sợ cái này cái nọ nữa. Tôi cảm thấy thoải mái hơn với những lựa chọn của mình và thậm chí mình còn có thể thông cảm với những người có những nhận định không tốt không hay về mình. Bởi tôi làm đủ lâu trong nghệ thuật để biết mình bắt buộc phải chấp nhận với những chuyện tranh cãi, ý kiến trái chiều.
Khi chị chia sẻ với Công Vinh về dự án hát Bolero, phản ứng của anh như thế nào?
Thực sự anh Vinh cũng lo lắm, vì hát Bolero không đơn giản, phải có chất giọng để luyến láy được ra đặc thù kiểu miền Tây. Anh cũng lo sợ tôi hát không được ủng hộ hay bị thị phi này nọ.
Nhưng tôi không sợ. Bởi vì khi có một hậu phương vững chắc thì chẳng sợ gì hết, lỡ thua trận thì về nhà đóng cửa chứ có gì đâu. Tôi nghĩ trên đời này người ta chỉ sợ khi làm điều gì sai xấu và không có một hậu phương vững chãi phía sau, không có đường lùi mà thôi.
Vì sao chị chọn Công Vinh là người tư vấn bài vở?
Khi bắt tay thực hiện dự án này, tôi tham khảo ý kiến chồng, vì anh nghe Bolero rất nhiều. Tôi biết anh có cảm xúc với nó, và tôi chỉ thích nghe góp ý chân thật nhất của khán giả chứ không thích nghe từ những người đặt nặng chuyên môn quá sâu. Bởi người có học hành về dòng nhạc đó, họ sẽ có tư tưởng bảo thủ. Mà người nghe sau khi mình ra ra sản phẩm lại không phải là họ mà là những khán giả. Khán giả chỉ nghe bằng cảm xúc. Họ thấy hay thì là hay, chứ không cần biết sai hay không sai.
Cho nên là thậm chí không chỉ sản phẩm Bolero này mà tất cả các đĩa trước cũng vậy. Tôi để cảm xúc quyết định chứ không để kĩ thuật quyết định. Ngay cả việc thử âm thanh, tôi cũng chọn nghe trên máy dở nhất, vì đa số khán giả bình dân của mình sẽ nghe bằng những cái máy đó chứ không thể nào đi nghe bằng máy chuyên nghiệp. Vì vậy, đôi khi mọi người nghĩ phải chuyên nghiệp thì mới làm được nhưng mà người tính đâu bằng trời tính được, khán giả là người quyết định chứ chuyên môn không quyết định được gì hết.
Bolero là cuộc dạo chơi hay con đường nghiêm túc về sau?
Tôi bắt đầu từ khán giả thì kết thúc cũng sẽ bằng khán giả. Nếu người ta không thích thì mình cũng không cách gì hát được. Vậy nên tôi làm việc với tâm thế chuyên nghiệp nhưng thoải mái, không đặt nặng vấn đề phải đạt được cái gì trong sự nghiệp. Ở thời điểm này, tôi không kì vọng gì cả. Tôi chỉ làm những gì khiến mình vui vẻ và khán giả nghe thấy thích, như vậy là đủ.
Có thời gian Thủy Tiên nói âm nhạc chữa lành những vết thương. Lúc đấy chị chịu đựng những gì?
"Nhật ký" hay "Một giờ sáng" là những sáng tác để tôi che giấu những tổn thương của mình. Tôi nhớ lần mình sáng tác ca khúc "Giấc mơ diệu kì" - tựa đề gốc là "Không thể giết chết em" - vừa viết mà nước mắt vừa rơi đầy quyển tập. Tôi viết trong tức tưởi vì nghĩ về những việc mà tôi bị chửi oan trong khi tôi không làm sai đến mức mọi người ác độc với mình như vậy.
Thời điểm đó làm gì người ta cũng bàn tán nói ra nói vô, giống như mình là người có số thị phi vậy, thậm chí đến thở thôi người ta cũng ghét. Lúc đó tôi cảm tưởng như cả thế giới đang chống lại mình. Đến mức mà tôi tự kỉ và nghĩ mình chắc không đi hát được nữa, tôi sẽ giải nghệ vào một ngày rất sớm.
Sau qua khỏi giai đoạn đó rồi thì tôi tĩnh tâm nhìn nhận rằng những lời khen chê nó chỉ tồn tại ở thời điểm đó rồi thì ai cũng quên. Tôi để sự trưởng thành cất lại những yếu đuối đằng sau để không điều gì làm mình tổn thương được nữa. Dĩ nhiên cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn.
Thủy Tiên thời làm nhạc phim rất hot, bài nào cũng hit. Còn bây giờ không mang nhiều cảm xúc như xưa. Chị cảm thấy thế nào khi nghe điều này?
Tôi nghĩ rằng mỗi giai đoạn trong đời người viết nhạc sẽ là một cảm xúc khác nhau. Lúc tôi viết bài hát hay nhất là lúc tôi cô đơn nhất. Ở tuổi đó, tôi dành rất nhiều thời gian cho sáng tác, hầu như không có vướng bận gia đình nên có khi viết đến 4-5 giờ sáng là bình thường. Ở giai đoạn sau này, cuộc sống của tôi ở chiều hướng khác, hạnh phúc hơn viên mãn hơn và còn nhiều điều suy nghĩ hơn, cho nên âm nhạc cũng sẽ thay đổi theo cảm xúc thời điểm hiện tại. Những sáng tác sẽ mang dấu ấn của một người trưởng thành, chững chạc hơn. Tôi không thể nắm bắt hết suy nghĩ nội tâm của các bạn ở độ tuổi trẻ hiện nay để viết những bài hát phù hợp với các bạn.
Chị có muốn tìm lại mình ngày đó không?
Cuộc sống là một quyển sách, là một chặng đường không thể nào từ trang đầu đến trang cuối như nhau. Mỗi một giai đoạn sẽ có màu sắc và mùi vị riêng. Tôi chấp nhận đã đi qua nó là không nuối tiếc, không phải đánh đổi nhiều thứ để níu giữ hào quang. Thay vào đó, tôi trân trọng từng giây từng phút mình đang có ở hiện tại, vì không biết được trong cuộc sống sắp tới hào quang tiếp tục hay là vực sâu đang đợi mình.
Theo Trí Thức Trẻ
Nhạc sĩ Trần Tiến: Tùng Dương hát Bolero có gì mà phải ầm ĩ Chia sẻ về màn biểu diễn Bolero của Tùng Dương, một trong những ca sĩ ông rất đỗi yêu quý, nhạc sĩ Trần Tiến cho rằng, "Dương hát chơi chơi thôi chứ có đáng gì đâu mà phải ầm ĩ". Tác giả "Quê nhà" chia sẻ, ông không bất ngờ về việc Tùng Dương hát Bolero. "Ca sĩ mà, ai cũng có quyền...