Lắng lòng nghe một “Câu chuyện Tokyo”
Năm 2002, bộ phim này đã từng được Viện Điện ảnh Hoàng gia Anh bình chọn là phim đứng thứ 5 trong danh sách 10 phim hay nhất của nhân loại.
Yasujiro Ozu là đạo diễn Nhật Bản tôi yêu thích nhất. Ông là người có phong cách đặc biệt và ảnh hưởng tới rất nhiều người.
Kể cũng kỳ lạ, vì phim của Ozu luôn bình dị như đời sống thường ngày. Bối cảnh trong phim của ông chỉ quanh quẩn trong nhà ra ngoài quán rượu, với đường phố hẹp, với ống khói nhà máy. Nhân vật của phim Ozu bao giờ cũng chỉ có từng ấy người: ông bố, bà mẹ, anh con trai, cô con dâu, con gái, con rể, một vài người bạn, vài người hàng xóm. Tình huống trong phim cũng rất giản dị, như những cuộc gặp gỡ, như những cuộc chia ly… Đến ngay cả cái chết trong phim cũng nhẹ như một hơi thở.
Video đang HOT
Cảnh trong phim “ Câu chuyện Tokyo”
Bộ phim Câu chuyện Tokyo của Ozu cũng vậy. Câu chuyện chẳng có gì mà vẫn khiến tôi thấy xúc động ghê gớm. Sau 5 thập kỷ (phim làm từ năm 1953), nó đã trở thành một câu chuyện cũ rích, vậy mà người ta nói rằng mỗi lần xem lại họ vẫn nhận được những triết lý mới.
Trong Câu chuyện Tokyo, Ozu miêu tả những chuyện bình thường, những xung đột nhẹ nhàng nhưng rất tinh tế. Mọi sự việc, hành động và cảm xúc đều được giản lược và mức độ giản lược ngày càng cao. Hai ông bà già ở quê lên thăm con ở Tokyo. Sự xuất hiện của hai người già bắt đầu đưa đến nhiều xáo trộn trong cuộc sống bình thường của những đứa con, từ đó nảy sinh những mâu thuẫn nhỏ bé, nhẹ nhàng len lỏi vào từng ngóc ngách của mối quan hệ gia đình.
Cảnh trong phim “Câu chuyện Tokyo”
Lấy lý do bận bịu, con trai và con gái ông bà quyết định đưa bố mẹ tới khu suối nước nóng Atami. Hai ông bà được nghỉ ở gần bờ biển, ở một khách sạn đắt tiền nhưng lòng buồn rười rượi. Cuối cùng, cả hai phải nhanh chóng quay về Tokyo vì không chịu nổi sự ồn ào của nơi này.
Qua mỗi bước tiến của câu chuyện, niềm vui lúc ban đầu của hai ông bà lặng lẽ tan đi và nỗi thất vọng, nỗi buồn cứ lớn dần lên.
Cảnh trong phim “Câu chuyện Tokyo”
Dù buồn man mác, nhưng trong phim cũng có những thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi. Hai ông bà già thể hiện niềm vui một cách rất kín đáo thông qua những nụ cười, ánh mắt hay câu thoại đơn giản…
Tôi rất thích hai diễn viên đóng nhân vật hai ông bà cụ. Ông già dù đã nhiều tuổi nhưng khuôn mặt vẫn toát lên sự ngây thơ và vui vẻ, lúc nào cũng xuề xòa dễ tính, dù các con có đối xử với ông như thế nào, nên càng khiến người xem cảm động. Bà cụ già thì hiền hậu, vị tha, luôn yêu thương những đứa con vô điều kiện. Cách hai ông bà nói chuyện với nhau cũng khiến khán giả rưng rưng vì nó dịu ngọt vô cùng.
Máy quay trong các phim của Ozu bao giờ cũng đặt cách mặt đất 70cm, đúng tầm nhìn của người Nhật khi ngồi trên chiếu và cố định, không di chuyển. Đó là “tầm nhìn từ vị trí của một khán giả xem kịch Noh hay ngắm trăng, tầm nhìn khi tham dự một buổi trà đạo hay khi ngồi thưởng thức một ly sake ấm nóng” (ý kiến của Donald Richie, một nhà phê bình điện ảnh từng sống lâu năm tại Nhật Bản).
Phong cách đĩnh đạc thanh nhã đó đã khiến cho bộ phim có một sự thăng bằng kỳ lạ, như mặt hồ phẳng lặng nhưng trong lòng chứa đầy những cuộn sóng ngầm. Câu chuyện Tokyo có kết thúc rất buồn, đó là nỗi buồn đã được xoa dịu để hướng tới ngày mới, dù có lẽ ngày mới còn đáng buồn hơn nữa…
Theo TTVN