Làng du lịch chìm trong nước hơn 25 năm
Villa Epecúen là một làng du lịch nằm gần thành phố cảng Buenos Aires của Argentina. Bây giờ làng bị bỏ rơi và tàn tích được tìm thấy trên bờ biển phía đông của đầm phá Epecúen, cách thành phố Carhúe khoảng 7 km về phía bắc.
Vào cuối thế kỷ XIX, những cư dân đầu tiên bắt đầu tìm đến với Villa Epecúen và dựng lều trên bờ phía đông của đầm phá Epecúen. Từ đó Villa Epecuen được chuyển đổi từ một ngôi làng miền núi buồn tẻ, đơn độc thành một khu du lịch nhộn nhịp. Ngôi làng cũng sớm thành lập một tuyến đường sắt kết nối với bến cảng Buenos Aires, vì vậy mà du khách viếng thăm thị trấn nhiều hơn.
Khách du lịch từ khu vực Nam Mỹ và trên thế giới đã đổ xô đến với Villa Epecúen, vào những năm 1960 có 25 nghìn lượt khách viếng thăm mỗi năm. Họ đến đây để được ngâm trong mình trong làn nước muối của đầm phá Epecúen. Đầm phá này có nồng độ muối rất cao chỉ đứng thứ hai sau biển Chết và cao gấp 10 lần so với những đại dương. Sức mạnh chữa bệnh của đầm phá Epecúen là nổi tiếng trong nhiều thế kỉ qua. Người ta nói rằng đầm phá Epecúen có thể chữa bệnh trầm cảm, thấp khớp, ngoài da, thiếu máu thậm chí điều trị cả bệnh tiểu đường.
Nhưng trong khoảng thời gian này, điều kiện thời tiết trong khu vực bắt đầu thay đổi lạ thường, khiến những cơn mưa cứ trút xuống liên tiếp trên những ngọn đồi xung quanh và kéo dài trong nhiều năm liền làm cho đầm phá Epecúen bắt đầu dâng lên cao. Vào ngày 10/11/1985 khối lượng nước tích trữ quá khổng lồ đã phá vỡ con đập gần đó, kế tiếp phá vỡ các tuyến đê bảo vệ thị trấn khiến nước tràn ngập hết các tuyến phố từ 1,2m rồi dâng cao đến 10m. Vào năm 1993 thì nhấn chìm tất cả và thị trấn đã hoàn toàn bị bỏ rơi. Hơn 1.500 cư dân phải sơ tán đến những vùng khác trên khắp đất nước Argentina để sinh sống. Từ một khu đô thị sầm uất biến thành một bãi tha hoang từ đó.
Vào thời điểm xảy ra thảm họa, có tới 280 doanh nghiệp trong thị trấn Villa Epecúen bao gồm nhà nghỉ, khách sạn, và mỗi doanh nghiệp như vậy có đến 25.000 du khách viếng thăm đều đặn từ tháng 11 đến tháng 3 kể từ những năm 1950 đến những năm 1970.
Mãi cho đến năm 2009, thời tiết ẩm ướt đảo ngược và nước bắt đầu rút, ngôi làng du lịch Villa Epecuen mới tái xuất hiện sau 25 năm bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông. Không bị phá hủy hoàn toàn, ngôi làng du lịch vẫn còn lại nhiều dấu tích của những tòa nhà, những con phố và những hàng cây bị lột trần khi ngập nước. Trông vào hàng cây giống bị đốt cháy hơn là bị chết chìm, vì bộ rễ khô nhô ra và thắt nút trồi lên mặt đất mà đặt biệt là vẫn còn giữ nguyên vị trí không bị xê dịch. Thêm vào đó là rải rác trên những con đường vẫn còn lại dấu tích vật dụng của khách du lịch bỏ lại như những cái chai cô ca cô la, ly, đĩa và cả những biển báo trên đường. Nhìn vào tàn tích không thấy dấu hiệu gì của sự cuốn trôi.
Tuy cơn đại hồng thủy đã đi qua, nhưng không ai dám quay trở lại thị trấn, ngoại trừ ông Pablo Novak, 81 tuổi hiện là cư dân duy nhất của Villa Epecúen. Vào năm 2011 nhiếp ảnh gia AFP Juan Mabromata đến thăm tàn tích Villa Epecuen, gặp gỡ cư dân duy nhất của thị trấn và đã chụp lại những bức ảnh hiện tại của ngôi làng du lịch.
Cư dân duy nhất của thị trấn Ville Epecúen quay trở về sau 25 năm
Ngày nay, không có nhiều người dân ở thành phố cảng Buenos Aires biết về ngôi làng du lịch Villa Epecúen, mặc dù hình ảnh về thị trấn vẫn được sử dụng trong một vài video âm nhạc và xuất hiện thường xuyên trên các trang tin tức. Thị trấn hoang tàn sau khi bị nhấm chìm trong biển nước giờ hiện ra vẫn đẹp nhưng có một điều gì đó đáng sợ bởi sự hoang vắng không người ở đã khiến cho nhiều người ngại viếng thăm.
Những bộ lạc từng sống trong khu vực đầm phá trước đây cũng có một truyền thuyết ám ảnh về đầm phá, phù hợp với hiện trạng đáng buồn mà ngôi làng du lịch đã hứng chịu. Họ kể rằng tên hồ xuất phát từ một đứa trẻ mồ côi được cứu thoát từ một đám cháy rừng và được gọi tên là “Epecúen” có nghĩa là “gần như bị cháy”. Sau này lớn lên cậu bé trở thành một chiến binh hung tàn. Một ngày kia cậu ta bắt cóc con gái của tộc trưởng đối địch với mình. Tên cô gái là Tripantu có nghĩa là “mùa xuân”. Sau đó cô gái và Epecúen yêu nhau, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì Epecúen tiếp tục bắt cóc một cô gái khác và cũng nảy sinh tình cảm với cô gái này mà anh ta phản bội tình yêu của Tripantu, khiến cô đau lòng và khóc rất nhiều, nước mắt của cô đã tạo thành một hồ muối khổng lồ đã khiến cho Epecúen và cô người yêu mới chết đuối. Theo truyền thuyết thì đây là nguồn gốc của đầm phá Epecúen.
Những bức ảnh về tàn tích Villa Epecúen được nhiếp ảnh gia AFP Juan Mabromata chụp vào năm 2011:
Video đang HOT
Người đàn ông đang so sánh bức ảnh về thị trấn được chụp năm 1970 với quang cảnh hiện tại của thị trấn.
Theo 24h
Nông dân đi học tiếng Anh để làm du lịch
Ngày 14/3, Làng du lịch cộng đồng theo hình thức homestay tại Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã chính thức mở cửa đón khách. Từ đây mở ra cơ hội cho người nông dân thoát nghèo bằng con đường kinh doanh dịch vụ du lịch.
Mặc dù năm nay đã 54 tuổi và quen với cái cày cây cuốc nhưng mỗi buổi chiều, ông Nguyễn Đức Nha (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) vẫn mang vở sách đến địa điểm tập trung để học tiếng Anh với những người hàng xóm. Ông tâm sự, "ở cái tuổi này mà còn đi học tiếng Anh là cả một cực hình, vì mấy chục năm nay có bao giờ đụng đến con chữ đâu, nói gì đến tiếng Anh".
Một lớp học tiếng Anh được tổ chức ở thôn Mỹ Sơn để người dân theo học
Tuy nhiên, với nỗ lực bản thân cộng với động viên của gia đình ông cũng "bập bẹ" được ít câu xã giao để đón khách nước ngoài sau vài tuần tham dự lớp học. Ông nói: Bây giờ khi đón khách, tôi có thể nói được vài câu xã giao như "Xin chào" hay "Bạn cần gì" rồi...
Ông Nha là một trong 30 người ở thôn Mỹ Sơn tham dự lớp tiếng Anh được tổ chức từ cuối tháng 2 vừa qua để phục vụ cho hoạt động du lịch theo hình thức homestay (ở lại nhà dân) được tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) giúp đỡ.
Ông Hồ Cư đứng ngay đầu ngõ nhà mình để chuẩn bị đón khách
Ngày khai trương làng du lịch, cả làng ai cũng vui mừng vì từ nay, ngoài công việc đồng áng, người dân lại có thêm một công việc khác để tăng thêm thu nhập là phục vụ khách ở lại nhà mình.
Theo thông tin từ xã Duy Phú, từ năm 1992 Hội hữu nghị Việt - Ý xây dựng 25 ngôi nhà cho người dân ở đây để ổn định cuộc sống. Do lúc đó kinh tế - xã hội chưa phát triển nên đời sống của người dân cũng khó khăn. Đến năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn thuần nông. Lúc này du khách đã bắt đầu tìm về Mỹ Sơn để tìm hiểu về Di sản Văn hóa này. Tuy nhiên, ở khu vực này hầu như chưa có địa điểm nghỉ ngơi cho du khách sau khi khám phá Mỹ Sơn nên du khách chưa hiểu hết về văn hóa cũng như con người và ẩm thực nơi đây.
Nhận thấy nhu cầu này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tổ chức ILO tiến hành nghiên cứu và triển khai hình thức du lịch homestay. Và Làng du lịch cộng đồng được khai trương là một hoạt động của Dự án tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và tỉnh Quảng Nam phối hợp thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch định hướng giảm nghèo tại Việt Nam.
Căn nhà của ông Cư đã được sửa lại một bên theo tiêu chuẩn để du khách vào ở
Ông Hồ Cư (50 tuổi) là một trong 5 gia đình được chọn làm thí điểm homestay. Sau nhiều ngày sửa sang lại phòng ốc đạt tiêu chuẩn, ngày làng chính thức hoạt động ông rất vui và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khi nhiều đoàn khách đến thăm ngôi nhà của ông đã được cải tạo để đón du khách vào ở.
Ông tâm sự: "Tôi thấy chương trình thật ý nghĩa đối với những người nông dân như chúng tôi. Ngoài công việc đồng áng ra, những gia đình được chọn trong dự án như tôi giờ có thêm thu nhập".
Còn ông Vũ Văn Nhất, cũng là một trong 5 hộ dân được chọn triển khai dự án, cho biết: Từ khi có dự án hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế, bộ mặt của địa phương đổi thay thấy rõ, đời sống của nhân dân được cải thiện, bà con rất phấn khởi.
Ông Nhất cũng cho rằng cái khó nhất của người dân là bao đời nay, người dân nơi đây chỉ biết đến nghề nông, nay chuyển qua nghề mới còn khá bỡ ngỡ, nhất là việc học tiếng Anh. Tuy nhiên, với sự cở mở và tấm lòng của người dân thì du khách sẽ hài lòng.
Ông Nguyễn Đức Nha sửa sang lại giường ngủ sẵn sàng cho du khách homestay
"Khi đến thăm Mỹ Sơn, du khách sẽ được chúng tôi giới thiệu các món ăn đặc sản của địa phương, giới thiệu về văn hóa trong đời sống, phong cảnh thiên nhiên nên chắc du khách sẽ vừa lòng", ông Nhất tâm sự.
Còn Phó Chủ tịch xã Duy Phú - ông Trần Phú thì cho rằng đây là thành quả bước đầu để người dân ở đây thoát nghèo bền vững. Sắp tới, dự án sẽ mở rộng ra khoảng 30 hộ khác ngoài 5 hộ đã được dự án triển khai.
Hiện ngoài 5 hộ gia đình nằm trong dự án ra còn khoảng vài chục hộ dân ở thôn Mỹ Sơn này cũng đã sửa sang phòng ốc lịch sự, sạch sẽ để đón du khách vào ở lại.
Đây cũng chính là chủ trương chung của tỉnh nhằm phát huy tiềm năng du lịch không chỉ cho Mỹ Sơn của huyện Duy Xuyên mà cả các huyện sâu trong đất liền.
Ngoài Thánh địa Mỹ Sơn, đồng quê yên tĩnh ở đây cũng là một điểm để thu hút du khách
Phát biểu nhân dịp dự án đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban chỉ đạo dự án - ông Trần Minh Cả - cho biết: "Tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu phát huy các tiềm năng du lịch để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm ở các vùng sâu còn khó khăn của tỉnh."
Theo ông Cả, ngoài mô hình du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn, dự án còn hỗ trợ hai điểm du lịch cộng đồng khác tại làng Bhohoong và Dhroong của người Cơtu ở huyện Đông Giang sẽ được chính thức khai trương vào tháng 6 tới.
Mô hình Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn được đầu tư thành điểm tham quan du lịch sâu trong đất liền nhằm tận dụng lợi thế du lịch của địa phương, tạo thu nhập và việc làm cho người dân.
Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn sẽ cung cấp dịch vụ homestay - lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch địa phương và các hoạt động du lịch bền vững, ít tác động tiêu cực tới môi trường như leo núi, chèo thuyền xung quanh khu vực hồ Thạch Bàn, rất gần với Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Dự án được triển khai thí điểm tại 5 nhà dân (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) với kinh phí 15 ngàn USD để xây mới nhà vệ sinh hiện đại, nâng cấp phòng ngủ có máy lạnh và một số trang thiết bị khác.
Theo Dantri