Lần theo hành tung bí ẩn của loài “chuột quý tộc” ở núi sâm
“ Chuột quý tộc” là tên gọi của người dân trồng sâm Ngọc Linh ở vùng Tu Mơ Rông (Kon Tum) gán cho những “chú tý” sống ở vùng sâm và chuyên “trộm” sâm Ngọc Linh làm thức ăn. “Chuột quý tộc” là mối lo của người trồng sâm, nhưng khi được chế biến thành món đặc sản thì ai đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên…
Đã lên chốt sâm Ngọc Linh nhiều lần, cũng nghe nhiều người kể về việc người dân bắt những “chuột quý tộc” chế biến thành món đặc sản ngon, bổ dưỡng thật là thú vị, nhưng chưa có cơ may được trải nghiệm, thưởng thức, điều đó tạo nên những háo hức, tò mò trong tôi.
Sau bao nhiêu lần lỗi hẹn, chúng tôi có chuyến hành trình về vùng trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông ( tỉnh Kon Tum) để trải nghiệm bẫy những chú “chuột quý tộc”, rồi cùng nâng ly, nhấm nháp “món ăn vua” giữa núi rừng bao la đầy thi vị – như lời giới thiệu của một anh bạn thân.
Đồng bào Xơ Đăng đặt bẫy chuột để bảo vệ sâm. Ảnh: VP
Xuất phát từ thành phố Kon Tum từ sáng, đến gần trưa chúng tôi mới đến được xã Măng Ri. Đã gần trưa nhưng ở địa phương vùng cao này sương mù vẫn bao phủ, mưa lất phất và cái lạnh vẫn còn tê tái.
Thấy chúng tôi mặc áo ấm dày, ba lô chất đầy các vật dụng lỉnh kỉnh, anh A Chim – một thanh niên trong nhóm dẫn đường nói: Các anh đừng mang nhiều thứ quá, quãng đường phải leo núi dài, chỉ một lúc nữa là chúng ta ấm lên thôi, hơn nữa mang nặng khó theo được hết chuyến hành trình.
Chúng tôi theo chân các thanh niên thôn Đăk Zơn leo giữa chênh vênh sườn núi, luồn qua những cánh rừng già trong cơn mưa rừng rả rích để vào vùng trồng sâm. Đúng như A Chim nói, mặc cho trời mù, lạnh, chỉ một lúc sau, chúng tôi ai nấy đều lấm tấm mồ hôi.
Vừa dẫn đường cho chúng tôi, anh A Chim vừa giải thích, sở dĩ bà con nơi đây gọi là “chuột quý tộc” vì loại chuột này chỉ thích ăn sâm Ngọc Linh. Các anh biết đấy, sâm Ngọc Linh chỉ sống được dưới tán rừng sâu của núi Ngọc Linh, sâm tự nhiên dần cạn kiệt, phải trồng, chăm sóc tốn rất nhiều công sức, giá bán từ lá, hạt cho đến củ rất cao…
Những câu chuyện kể lan man của A Chim và những thanh niên thôn Đăk Zơn về vùng núi rừng Ngọc Linh, về cây sâm Ngọc Linh, về loại “chuột quý tộc”… suốt dọc đường đi đã cuốn hút chúng tôi, khiến mệt mỏi tiêu tan, quãng đường như ngắn lại.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ băng rừng, vượt qua nhiều lớp hàng rào bằng tre, lưới và những hố chông tua tủa, vườn sâm cũng dần hiện ra.
Anh A Ngôm – Thôn trưởng thôn Đăk Zơn (xã Măng Ri) vừa đặt những chiếc bẫy trên đường đi vừa giới thiệu, từ xa xưa, người Xơ Đăng đã biết đến công dụng của sâm Ngọc Linh.
Bà con gọi nó với cái tên mộc mạc là “thuốc giấu”, bởi nếu mệt mỏi người dân chỉ cần dùng một ít sâm là thấy trong người khỏe ngay. Ngày nay với sự khai thác của con người, nguồn sâm tự nhiên ngày càng ít đi. Để bảo tồn nguồn giống quý hiếm và có cơ hội làm giàu, những năm gần đây, bà con nơi đây đã biết cách trồng sâm.
Theo anh A Ngôm, từ năm 2014, hàng chục hộ dân tại thôn Đăk Zơn xin vào làm công nhân tại Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trên địa bàn. Công việc chủ yếu là chăm sóc, bảo vệ nguồn giống sâm. Ngoài được trả lương, bà con được công ty cấp cho mỗi người 100 gốc sâm/năm. Số sâm này bà con trồng chung trong một khu vườn bí mật và luân phiên cắt cử người trông coi.
Video đang HOT
Vườn sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông. Ảnh: VP
Không phụ công sức chăm bón, dưới tán rừng nguyên sinh, qua từng năm, vườn sâm được mở rộng, cây sâm Ngọc Linh các năm cũng lớn dần. Nhưng, đến một ngày, bà con phát hiện những gốc sâm cứ thế héo dần rồi chết khô. Khi kiểm tra lại thì củ sâm đã bị “đánh cắp”. Đối với những cây già hơn, trái sâm chín mọng trên cành cũng bị cuỗm sạch.
Vì muốn trồng sâm Ngọc Linh chỉ có cách ươm từ hạt. Cây sâm trồng từ năm thứ ba trở đi sẽ cho hạt có thể gieo nhân giống được, tuy nhiên tốt nhất là nên lấy từ những cây sâm từ 4-9 năm tuổi. Cả vườn sâm rộng hàng trăm hécta, mỗi năm cũng chỉ cho thu hoạch vài chục kilôgam hạt.
Nhưng đến mùa trổ hạt, lũ chuột cứ đu lên cây sâm rồi gặm nhấm hết hạt sâm. Đó là chưa kể đến những củ sâm lớn có giá trị hàng chục triệu đồng nhưng chỉ sau một đêm đã bị lũ chuột ăn sạch. Theo tính toán của bà con, mỗi ngày, vườn sâm thiệt hại trên 5 triệu đồng vì bị chuột phá hoại.
Không để “chuột quý tộc” ăn trọn thành quả một nắng hai sương, bà con phải canh sâm, tìm cách bẫy chuột.
Anh A Chung – làng Đăk Zơn, xã Măng Ri, Tổ trưởng tổ bảo vệ vườn sâm cho biết, ngoài cách dùng gậy đánh, bắn nỏ, người dân nơi đây còn đặt nhiều loại bẫy khác nhau để hạn chế chuột phá vườn sâm. Phổ biến nhất là cách người dân dùng bẫy kẹp bằng tre tự chế, bẫy kẹp bằng sắt, bẫy thòng lọng, bẫy đá để bắt chuột.
Chỉ cần đặt những loại bẫy trên vào lối mòn chuột hay đi, khi lũ chuột đi qua, bẫy sập xuống kẹp lại. Tuy nhiên, loài chuột cũng rất tinh khôn, khi những con đi trước bị mắc bẫy, những con đi sau sẽ né tránh và không dám bén mảng đến nữa.
Vừa chuyện trò, nhóm thanh niên làng Đăk Zơn vừa đặt hàng trăm chiếc bẫy quanh vườn sâm và lần lượt kiểm tra những chiếc bẫy đã được đặt trước đó. Do đêm trước trong rừng có mưa lớn nên không chiếc bẫy nào có chuột bị bẫy. Chúng tôi đành phải cùng nhau về chòi canh được dựng cách vườn sâm không xa.
Bên bếp lửa trong chòi canh, hàng chục con “chuột quý tộc” bắt từ những hôm trước đã được làm thịt và xâu thành từng xâu vàng ươm. Thịt loài “chuột quý tộc” được xem là đặc sản của người Xơ Đăng ở Măng Ri, bởi chúng đã ăn sâm Ngọc Linh – loài dược liệu quý hiếm của vùng đất Tu Mơ Rông. Chỉ khi có các dịp lễ lớn hoặc khách nào quý lắm, thịt “chuột quý tộc” mới được người dân đem ra đãi.
“Sau khi bẫy được chuột, chúng tôi mang về mổ, thui vàng rồi treo lên gác bếp. Vì chuyên ăn sâm nên thịt chúng rất bổ dưỡng. Mỗi mùa như thế chúng tôi bắt được khoảng 300-400 con chuột rồi chia đều cho mỗi người đem về nhà để dành. Số chuột này sẽ dùng làm món ăn trong các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, Lễ mừng lúa mới và đặc biệt là để đãi những vị khách quý đến thăm nhà” – A Ngôm kể.
Cách chế biến thịt chuột quý tộc cũng khá đơn giản. Khi đưa ra khỏi gác bếp, thịt chuột được luộc sơ qua. Sau đó nếu muốn làm món canh thì nấu với măng rừng muối chua. Làm đồ nhắm rượu thì nướng trên bếp lửa. Hay ăn chung với cơm thì xào cùng ruột cây chuối rừng. Cũng có lúc thịt chuột được chặt nhỏ rồi xào sả ớt.
Vừa giới thiệu, anh A Ngôm vừa trở tay nhanh con “chuột quý tộc” nướng trên bếp than hồng. Một mùi thơm tỏa nhẹ quanh chòi canh. Mệt vì leo dốc núi, vì lạnh và cả vì đói, mọi người đều hít hà.
Ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: Với sự nỗ lực của bà con trong việc bảo tồn giống sâm Ngọc Linh, đến nay, ngoài hàng trăm ha sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp, đồng bào Xơ Đăng trên địa bàn xã phát triển được hơn 4ha sâm Ngọc Linh.
Chúng tôi, những vị khách xa đến được anh A Ngôm mời thưởng thức trước món đặc sản. Đưa vào miệng, chầm chậm nhai, tôi cảm nhận được đủ cả hương lẫn vị của món ăn, đó là: thơm của thịt, giòn của da và xương, xen lẫn vị đăng đắng, ngòn ngọt đặc trưng của sâm… Ăn một miếng rồi chỉ muốn ăn thêm miếng nữa. Đặc sản “chuột quý tộc” hay là “món ăn vua” như mọi người thường ví von quả không sai!
Theo Văn Phương (Báo Kon Tum)
Trồng sâm dây, người Xê Đăng giúp nhau vượt khó, đổi đời
Măng Ri là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) có 100% người dân đều là người dân tộc Xê Đăng.
Vì có độ cao trên 1.200m, một số nơi cao đến gần 2.000m so với mực nước biển, khí hậu mát lạnh quanh năm nên khá thuận lợi cho việc phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm dây và sâm Ngọc Linh...
Giờ đây, về Tu Mơ Rông, đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân bàn tán chuyện trồng sâm dây, sâm Ngọc Linh. Không ít hộ gia đình tại địa phương đã thoát khỏi cảnh nghèo và làm giàu từ sâm. Điển hình như chị Y Hlạng, Y Bắp, A Hình...
Làm giàu từ cây sâm quý
Nói đến chị Y Hlạng, làng Pu Tá xã Măng Ri thì ai cũng biết, bởi chị làm giàu bằng chính cây trồng mang đặc hữu của mảnh đất Tu Mơ Rông - đó là sâm dây. Song song làm rẫy, trồng mì, trồng lúa, Y Hlạng chủ yếu tập trung vào phát triển cây sâm dây.
Chị Y Hlạng cho biết: "Năm 1990 sau khi học xong lớp 9, mình về công tác tại xã Măng Ri làm bên mảng Chi hội Phụ nữ và Phó bí thư chi bộ. Đến năm 1993, làng Pu Tá bị cháy, cuộc sống người dân càng trở nên khó khăn. Sau nhiều lần thuyết phục, dân làng cũng đồng ý theo mình xuống chỗ ở mới...".
Chị Y Hlạng bên cây sâm dây đang cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Trần Hiền
Sau khi cả làng đồng ý dời xuống chỗ ở mới, chị Y Hlạng cùng dân làng dẫn nước suối từ trên núi chảy theo các con kênh tạo thành những ô ruộng bậc thang để giữ nước, giúp bà con canh tác được hai vụ lúa. Từ cuộc sống săn bắt, hái lượm chỉ một thời gian ngắn sau đó người dân làng Pu Tá đã biết trồng lúa và lên rừng thu hái lá dược liệu làm thuốc.
Thời điểm ấy, những loại sâm quý như: Sâm dây Ngọc Linh, sâm củ Ngọc Linh, ngũ vị tử, hà thủ ô... đã được người dân thu hái sau đó bán về TP.Kon Tum...
Nhận thấy giá trị từ cây sâm dây và không muốn người dân phụ thuộc vào cuộc sống săn bắt hái lượm nên chị Hlạng đã lên rừng đưa loại sâm này về trồng thử nghiệm. Sau khi những vạt sâm dây phát triển tươi tốt chị bắt đầu vận động người dân trong làng "sống chung" với loại sâm này.
Năm 2009 chị Hlạng trồng 1ha cây sâm dây. Đến năm 2012, chị thu được 1,5 tạ sâm tươi. Ở đây, sâm tươi được bán với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, còn sâm khô tùy từng thời điểm trung bình từ 350.000 - 500.000 đồng/kg.
"Cứ mỗi 1ha trồng sâm dây có thể thu hoạch từ 2,5 - 3 tạ củ sâm tươi. Đất này không trồng cây nào, nuôi con gì bằng trồng cây sâm dây. Trồng sâm cho nhiều tiền phải cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa, trồng cà phê mà công chăm sóc lại nhàn hơn. Nhận thấy hiệu quả từ sâm dây nên đến thời điểm hiện tại xã 100% người dân đã biết trồng sâm dây với tổng diện tích khoảng 30ha..." - chị Hlạng tiết lộ.
Khi người dân ở xã Măng Ri bắt đầu trồng sâm dây với số lượng lớn thì chị Hlạng lại đứng ra thu mua sâm giúp bà con dân bản. Trong những năm qua, chị Hlạng đã 2 lần vinh dự được Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen bởi thành tích lao động sản xuất và tấm gương hỗ trợ cộng đồng.
Phát huy tiềm năng lớn từ cây dược liệu
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch xã Măng Ri cho biết: "Sau khi nhận thấy tiềm năng của cây dược liệu, chị Y Hlạng thường xuyên tuyên truyền cho phụ nữ xã và giúp dân xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, đặc biệt trồng cây sâm dây. Những năm gần đây, khi bà con đã biết trồng và chăm sóc dược liệu, chị đã đứng ra thu mua các sản phẩm nông sản, dược liệu cho bà con, qua đó góp phần phát triển nghề trồng dược liệu quý tại địa phương...".
Củ sâm tươi thường được bán với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Ảnh: Trần Hiền
Có thể kể tới chị Y Bắp ở thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), cũng là một tấm gương điển hình vươn lên từ hai bàn tay trắng nhờ trồng cây sâm dây và sâm Ngọc Linh. Điều chúng tôi không ngờ tới là việc chị khởi nghiệp số tiền vay ít ỏi của Hội Nông dân với 3 triệu đồng.
Gia đình chị Y Bắp vốn nghèo, mẹ mất sớm, mới học lớp 6 chị phải nghỉ học để về phụ gia đình làm rẫy. Lập gia đình (năm 1995), hai vợ chồng chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, bởi gia đình chồng cũng nghèo như gia đình chị. Không cam chịu đói nghèo, hai vợ chồng chị lăn lộn suốt ngày lao động cật lực trên nương trên rẫy. Sau 20 năm phát triển, gia đình chị có cả chục héc ta cây công nghiệp gồm cà phê, bời lời.
Vài năm trở lại đây, khi sâm dây có giá, chị bắt đầu đầu tư trồng loại cây này. Chị tận dụng mọi diện tích đất trống để phát triển sâm dây xen trong cây cà phê, bời lời. Tính đến nay, Y Bắp có vài sào sâm dây trồng xen trong ba khu rẫy.
Không chỉ trồng sâm dây, hiện tại chị Y Bắp cũng đã đầu tư trồng cả nghìn cây sâm Ngọc Linh, hiện đang sinh trưởng tốt. Khi sâm Ngọc Linh cho thu hoạch, nguồn thu nhập khủng đầy hứa hẹn đang chờ đón gia đình chị Y Bắp.
Chuyện làm giàu, làm giàu ở nông thôn từ sâm của đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông hiện nay không còn là chuyện lạ. Bởi, đồng bào nơi đây trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây khá nhiều. Hiện tại có đến 80% số hộ dân ở Tu Mơ Rông trồng sâm dây và có hàng trăm hộ đã và đang phát triển sâm Ngọc Linh. Với giá sâm dây và sâm Ngọc Linh (mỗi kg rẻ nhất cũng khoảng 100 triệu đồng) thì trong vài năm tới, đồng bào Xơ Đăng nơi đây sẽ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ sâm.
"Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông"
Theo Danviet
Những nông dân đổi đời nhờ trồng loài sâm quý ở vùng nước đắng Nhờ trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây cùng một số loại dược liệu khác, đã giúp nhiều người dân Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum trở thành triệu phú, tỷ phú. Những năm gần đây từ định hướng của tỉnh Kon Tum, người Xơ đăng ở các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei đã tích cực trồng cây dược liệu...