Làn sóng di cư đến các nước giàu lập kỷ lục mọi thời đại
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra hai nguyên nhân dẫn đến dòng di cư tăng mạnh ở các quốc gia giàu có.
Người di cư nhân đạo đến Mỹ tăng gần gấp đôi vào năm 2022. Ảnh: Getty Images
Theo OECD, làn sóng di cư tới các nước giàu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái, do các cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu và nhu cầu về lao động.
Tổ chức có trụ sở tại Paris này ước tính 6,1 triệu người di cư mới đã chuyển đến 38 quốc gia thành viên của OECD vào năm ngoái, tăng 26% so với năm 2021 và cao hơn 14% so với năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 gây gián đoạn hoạt động di chuyển xuyên biên giới.
OECD tiết lộ rằng các số liệu sơ bộ của năm 2023 cho thấy mức tăng còn cao hơn nữa. Điều đó chỉ ra rằng mức tăng đột biến của năm ngoái không chỉ là do đại dịch COVID-19 kết thúc.
Con số trên không bao gồm: 4,7 triệu người Ukraine phải đi sơ tán vì chiến tranh và đang sống ở các nước OECD tính đến tháng 6 năm nay; lượng người di cư tạm thời để làm việc; hay 1,9 triệu sinh viên quốc tế vừa được cấp phép.
Video đang HOT
OECD cho biết dòng người liên quan đến di cư nhân đạo và nhu cầu lao động đều có thể tiếp tục duy trì ở mức cao. Trong đó lượng người di cư vì nhu cầu lao động chiếm tỷ trọng ngày càng tăng, vì tình trạng khan hiếm lao động trên diện rộng.
Ông José Luis Escrivá, Bộ trưởng Di cư của Tây Ban Nha, phát biểu tại buổi công bố báo cáo của OECD: “Hầu hết các nước OECD đang gặp phải tình trạng thiếu lao động. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai”.
Ông Escrivá giải thích rằng đơn giản là để ổn định dân số, dựa trên xu hướng nhân khẩu học, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần ít nhất 50 triệu người nước ngoài trong 25 năm tới.
Lượng người nhập cư nhân đạo đến Đức và Mỹ – hai quốc gia hàng đầu về cấp quyền tị nạn – đã tăng gần gấp đôi vào năm 2022.
Trong khi đó, người di cư lao động đã đạt mức cao nhất trong 15 năm ở nhiều quốc gia. Tỷ lệ tăng ở Đức là 59%, ở Mỹ là 39% và ở Pháp là 26%. Dòng người đổ vào New Zealand đã gấp ba lần kỷ lục trước đó nhờ chính sách một lần cho phép cư trú tạm thời đối với những người di cư tìm việc làm.
Tỷ lệ có việc làm của người nhập cư đạt mức cao kỷ lục với hơn 70% và chưa đầy 8% thất nghiệp.
Ông Stefano Scarpetta, Giám đốc phụ trách việc làm, lao động và các vấn đề xã hội của OECD, cho biết việc phần lớn người nhập cư là phụ nữ Ukraine cho thấy các chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nhằm giúp đỡ người phụ nữ có công ăn việc làm.
Phụ nữ thường nhập cư theo con đường đoàn tụ gia đình chứ không phải với tư cách là người lao động hay người tị nạn. Điều đó sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, vì những người nhập cư theo gia đình thường là điểm mù trong các chính sách di cư và hội nhập.
Ông Scarpetta nói thêm rằng khả năng tiếp cận tốt hơn chế độ nghỉ phép chăm con hoặc hỗ trợ chăm sóc trẻ em sẽ là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ việc làm của phụ nữ nhập cư và phụ nữ bản địa. Nếu thành công, họ có thể đưa thêm 5,8 triệu phụ nữ vào lực lượng lao động.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế, biên giới Mỹ – Mexico là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Năm ngoái, đã có 686 người thiệt mạng và mất tích trong hành trình này. Chỉ riêng trong năm nay, có 1,7 triệu người di cư đã đến biên giới Mexico – Mỹ.
Australia 'khát' nguồn nhân lực có tay nghề
Australia đang phải đối mặt với tình trạng lao động thiếu kỹ năng nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua. Quyền Ủy viên phụ trách Việc làm và Kỹ năng Australia (JSA) Peter Dawkins đã đưa ra cảnh báo trên trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia (NPC) ngày 4/10 ở thủ đô Canberra.
Công nhân lau kính tại tòa nhà cao tầng ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/ TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, trong bài phát biểu, ông Dawkins nhận định Australia đang chứng kiến tình trạng lao động thiếu kỹ năng trên diện rộng, điều mà quốc gia này chưa từng đối mặt kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Nếu Australia muốn đạt được những mục tiêu kinh tế và xã hội của một quốc gia thịnh vượng và công bằng, người dân sẽ cần phải tiếp thu và liên tục phát triển các kỹ năng làm việc cần thiết, vốn ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn. Việc thúc đẩy công bằng có thể đạt được bằng cách hỗ trợ các nhóm thiệt thòi nâng cao và trau dồi các kỹ năng lao động, cũng như tạo cơ hội để họ tìm được và duy trì công việc tốt.
Theo dữ liệu của JSA, tại Australia, trong năm nay, có 36% số ngành nghề phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tăng so với mức 31% năm 2022. Cùng với thiếu hụt lượng lớn kỹ thuật viên, nhân viên thương mại, các ngành nghề chuyên môn như y tế, kỹ thuật và khoa học bị ảnh hưởng nhiều nhất.
JSA vừa công bố Báo cáo về Kỹ năng và Việc làm năm 2023, trong đó đưa ra lộ trình đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực của Australia trong 3 thập kỷ tới, khi nước này theo đuổi mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Theo giới chức, mục tiêu này đòi hỏi sự chuyển đổi đáng kể trong lực lượng lao động. Trước thực tế này, JSA khuyến cáo cần nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo lao động chuyên sâu cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của đất nước.
Báo cáo cho thấy lực lượng lao động trong lĩnh vực năng lượng sạch, bao gồm 38 ngành nghề, sẽ cần tăng 60% vào năm 2050. Báo cáo khuyến nghị chính phủ nên thực hiện các chiến lược rộng rãi trong giáo dục đại học, đào tạo nghề và di cư để đảm bảo người lao động có những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần. Tài liệu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo cân bằng giới trong các ngành nghề đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng nhất.
Khoảng 5,5 triệu người Sudan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn Tình hình xung đột tại Sudan đã và đang khiến khoảng 5,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn. Đây là con số đáng báo động vừa được Tổ chức Di cư Quốc tế đưa ra mới đây. Người dân Sudan rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại Koufroun, CH Chad ngày 1/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Cụ thể, báo...