Lần đầu đến vùng đất ‘đá nở hoa’, du khách ấn tượng với văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số
Tham quan Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch nở rộ, nam du khách được trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều kỷ niệm khó phai ở vùng đất ‘đá nở hoa’ này…
Vẻ đẹp của mảnh đất miền núi phía Bắc mang tên Hà Giang được khắc họa chân thực qua nhiều bộ phim hay, tấm ảnh đẹp… Nhờ đó, bao du khách biết đến với từ khóa như “đá nở hoa”, nơi địa đầu Tổ quốc… Đó là động lực thôi thúc bao đôi chân “cuồng đi” sắp xếp cuộc đời mình để đến vùng đất hùng vĩ, nên thơ này.
Tháng 10 về, Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch, có ruộng lúa chín vàng tuyệt đẹp… Nguyễn Xuân Bắc (29 tuổi, du khách TPHCM) đã nắm bắt cơ hội để lần đầu tiên khám phá địa điểm lâu nay mong muốn được đặt chân đến.
Vẻ đẹp của vùng đất Hà Giang luôn để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách mỗi lần được đặt chân đến.
Xuân Bắc đã trải qua khoảng thời gian cảm xúc khi đến Hà Giang, từ cảnh quan khiến du khách trầm trồ suốt chặng đường vì quá đẹp, đến những món ăn đậm chất vùng núi vừa thanh thoát vừa đậm đà và còn chất chứa tình cảm của người dân nơi đây. Anh chàng còn gặp những đứa trẻ đi bộ dọc cung đường rất ngoan, vẫy tay chào du khách.
Nam du khách ở 3 đêm tại Hà Giang với 3 homestay khác nhau. Mỗi chỗ đều cho du khách này cảm nhận riêng, nhưng nhìn chung người dân rất thân thiện, cởi mở, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ khi Xuân Bắc cần sự hỗ trợ. Các anh chị cho thuê homestay sẵn sàng dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thêm về lịch trình cho các bạn di chuyển thuận tiện nhất.
“Họ còn hướng dẫn mình cách ăn uống đồ ăn sao cho phù hợp vùng miền, còn mang cả rượu ngô nhà làm ra để mời và chia sẻ về các câu chuyện của người dân ở đây. Những điều đó tạo nên khoảng thời gian bình yên và gần gũi”, nam du khách đến từ TPHCM bày tỏ.
Xuân Bắc kể, ngày đầu, mọi người check-in cột mốc Km0, ghé chùa Quan Âm, check-in Núi đôi cô Tiên… Đến dốc Thẩm Mã, các bạn gặp nhiều bạn bè trong, ngoài nước cùng giao lưu, trò chuyện với em bé vùng cao, tạo cho du khách cảm xúc khó quên trong khung cảnh buổi chiều ngập nắng. Tiếp đó, Xuân Bắc chào các bạn rồi đến Nhà của Pao.
Xuân Bắc đến tham quan ngôi nhà quay phim “Chuyện của Pao”.
Buổi tối, họ đi dạo, ăn tối ở chợ Đồng Văn. Ở đây có lẩu gà đen vị nước đậm đà. Bắc hòa mình với người dân với hoạt động dân gian, đốt lửa nối vòng tay lớn và thưởng thức sữa ngô, thắng dền… Theo Xuân Bắc, cậu được chơi ném còn – một trò chơi dân gian phổ biến của đồng bào các dân tộc ở vùng núi như dân tộc người Thái, Tày, Nùng… với ý nghĩa mong muốn cho vạn vật sinh sôi nảy nở, giao hòa trời đất, âm dương.
“Quả còn được buộc vào một đoạn dây, sau đó người chơi cầm đuôi dây để ném cùng dây và quả vào trong một vòng tròn cao khoảng 30m. Thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng khi chơi rồi mới biết, hoặc bạn phải thật may mắn hay phải luyện tập canh góc quay và lực ném kĩ càng mới có thể chơi thắng được. Mình ném 3 quả mà trượt cả 3, nhưng vẫn rất vui vì có cơ hội chơi một trò chơi khá thú vị, lần sau có nhiều thời gian hơn, mình nhất định sẽ quay lại chơi tiếp”, Xuân Bắc nói.
Sau khi chơi ném còn, Xuân Bắc cùng mọi người nắm tay nhau tại khuôn viên chính, nhảy những điệu cha cha cha trên nền nhạc qua những câu dẫn từ bạn hoạt náo viên. Khi mọi người tập trung đủ đông, các bạn cùng nhau quây quần đốt lửa và hát vang bài ca nối vòng tay lớn. Ngọn lửa bập bùng cứ thế mang theo làn hơi ấm lan tỏa niềm vui và sự kết nối đến mọi người trong một buổi tối thời tiết trở lạnh dần…
Hôm sau, nam du khách đi cột cờ Lũng Cú. Khung cảnh ven đường thơ mộng với những vườn hoa tam giác mạch. “Chúng mình cứ trầm trồ khen ngợi suốt chặng đường. Mỗi cung đường mình đi cứ mở ra khung cảnh mới, cứ thế vừa đi vừa ngắm cảnh. Đến nơi, đứng dưới lá cờ Tổ quốc nhìn toàn cảnh xung quanh, mình thấy vinh dự và hãnh diện về đất nước Việt Nam”, Xuân Bắc chia sẻ.
Hành trình khám phá vùng đất, con người Hà Giang mang đến những trải nghiệm thú vị và đầy cảm xúc cho nam du khách đến từ TPHCM.
Video đang HOT
Trên đường đến Mã Pí Lèng, du khách ấn tượng với vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng và mây trời, đi dưới lớp lớp ngọn núi khổng lồ khiến cho Xuân Bắc cảm giác nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn. Và rồi, nhánh sông Nho Quế thoắt ẩn thoắt hiện. Đây là nơi Xuân Bắc mong đợi từ lâu và rất háo hức với việc được tận mắt chứng kiến ngoài đời dù đã thấy nhiều qua những bức ảnh.
“Mình dừng chân ở quán cafe gần đó, ngồi trên góc lan can ngắm nhìn vẻ đẹp uốn lượn của dòng sông mình từng mong mỏi gặp, với làn nước mềm mại của buổi chiều tà khoác trên mình màu xanh ngọc quyện cùng màu xanh lá của núi và mây trời đã vẽ lên bức tranh thật tuyệt. Trong khung cảnh ấy, mình đắm chìm, miên man, quên hết bộn bề cuộc sống. Mình đã rất xúc cảm ở điểm đến này khi nhìn lại hành trình mình vừa vượt qua để đứng đây, để say đắm trước vẻ đẹp này một cách hoàn hảo…”, Xuân Bắc kể.
Buổi sớm mai, những đám mây lơ lửng gợn vào làng, chen mình trong những ngọn núi tạo nên khung cảnh hữu tình, Xuân Bắc ăn sáng và ngắm nhìn view “triệu đô” này.
Trên đường đến khu vực bến thuyền sông Nho Quế, nam du khách rất xúc động khi chứng kiến cảnh một bé học lớp Một đeo trên lưng đứa em mắt lim dim ngủ, cùng đứa em tầm 3 tuổi ngồi trên bậc phân cách ven đường, nhìn dòng người qua lại. “Khung cảnh ấy lay động mình đến mức dù đang xuống dốc cũng phải quay đầu để dành cho mấy đứa một ít bánh”, Xuân Bắc cho hay.
Du khách được chở đi tham quan dòng sông, thoải mái chụp hình. Xuân Bắc rất “chill” khi đứng trước mạn thuyền với giọt mưa lất phất và gió dịu nhẹ, nhìn con thuyền trôi giữa quang cảnh xung quanh như bức tranh sống động hiện ra trước mắt…
Ngày cuối ở Hà Giang, du khách ghé qua Dinh thự vua Mèo, rồi chạy thẳng qua rừng thông Yên Minh, ngắm nhìn ruộng bậc thang ngả màu vàng của lúa chín, tạm biệt cung đường quanh co, uốn lượn…
Chuyến du lịch vài ngày ở Hà Giang đã giúp nam du khách hiểu biết thêm về nét văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số. “Mình từng nghĩ sẽ rất khó khăn và khó gần khi tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số, một phần vì ngôn ngữ, một phần vì nét văn hóa vùng miền, nhưng khi đến Hà Giang, suy nghĩ đấy đã bị dập tắt hoàn toàn.
Chuyến du lịch vài ngày ở Hà Giang đã giúp Xuân Bắc hiểu biết thêm về nét văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất “đá nở hoa”.
Trong ngày về, mình đi đường buổi sớm, thấy mọi người đi họp chợ phiên Đồng Văn rất vui, nhộn nhịp như đi trẩy hội. Người lớn tay xách nách mang, trẻ em cầm theo những bịch bánh kẹo, trái cây đi bộ tung tăng về làng, trò chuyện rôm rả với nhau trên những nẻo đường. Những khung cảnh ấy khiến cho mình như thoát ra khỏi những sự náo nhiệt, xô bồ vốn có thường ngày ở thành phố để tìm lại được những cảm xúc bình yên trong tâm hồn”, Xuân Bắc bày tỏ.
Với chuyến đi này, Xuân Bắc đã hiện thực hóa thông điệp “Thanh xuân phải có ít nhất một lần đến Hà Giang”, “Hà Giang – nơi phải đi trước khi tuổi 30 ập đến”… với hành trình trải nghiệm thú vị, mãn nhãn và đầy cảm xúc.
Phát hiện thung lũng như bước ra từ truyện cách Hà Nội hơn 200km, du khách nhận xét 'xứng đáng được biết tới nhiều hơn'
Với khung cảnh thiên nhiên đẹp cùng các nét văn hóa đặc sắc từ người dân bản địa, thung lũng đang được nhắc tới xứng đáng được nhiều du khách biết tới và ghé thăm nhiều hơn.
Nhắc tới các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có thế mạnh về du lịch, không thể không nhắc tới cái tên Yên Bái. Ở Yên Bái có những cánh đồng ruộng bậc thang mênh mông, có những con đèo quanh co, khúc khuỷu, có hồ Thác Bà được mệnh danh là kỳ quan trên núi, có những con thác, dòng suối trong xanh, hay còn có Tà Xùa - nơi được gọi là "thiên đường mây".
Song thời gian gần đây, cũng ở Yên Bái, nhiều du khách lại dành sự quan tâm cho một địa điểm vô cùng "lạ mặt". Qua những bức ảnh, có thể thấy nơi đây chủ yếu được phủ một màu xanh ngát từ những cánh đồng lúa, từ những cánh rừng đại ngàn. Điểm xuyết trong đó là những mái nhà sàn của người dân bản địa. Tất cả những điều này khiến nhiều du khách phải nhận xét, cảnh vật nơi đây thật sự yên bình và trông như bước ra từ trong truyện.
Khung cảnh tại địa điểm du lịch ít ai biết ở Yên Bái - xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
Địa điểm đang được nhắc tới là thung lũng xã Lâm Thượng, thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 250km, theo lời những du khách đã từng đến đây, có thể chọn xe khách giường nằm hoặc ô tô để di chuyển, thời gian từ 4-5 giờ đồng hồ.
Có gì ở thung lũng Lâm Thượng?
Những hoạt động ở thung lũng Lâm Thượng chủ yếu là các hoạt động hòa mình với thiên nhiên hoặc đời sống bản địa của người dân nơi đây - đồng bào người Tày.
Theo du khách Trần Ngọc Tuyết, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, người có chuyến đi tới Lâm Thượng vào giữa tháng 9 vừa qua, hoạt động ở Lâm Thượng dành cho những người yêu thiên nhiên, từ những cung đường đi bộ, leo đồi, núi, thảo nguyên hay khám phá những hang động hoang sơ, kỳ vĩ.
Bên cạnh đó du khách cũng có thể lựa chọn trải nghiệm đạp xe thư giãn trên những con đường mòn mang vẻ đẹp thơ mộng hay đơn giản là ngồi trên chiếc bè tre lững lờ trôi trên mặt nước.
"Nếu trekking, có thể lựa chọn trekking đồi Pù Lung Trạng, trekking rồi cắm trại trên thảo nguyên Tông Lăm hay trekking cung Tà Pèng xuyên rừng măng mai, thăm cây cổ thụ. Nếu yêu thích khám phá các hang động, có thể chọn hang Thẳm Dường, hang Nà Kèn hay hang Tát Én. Còn đạp xe thì có thể đạp ở cung đường thác Nặm Chắn hoặc đạp quanh bản làng ngắm núi rừng là đồng lúa", du khách Ngọc Tuyết nói thêm.
Ảnh Hoang Thi Xoi - Group Check in Việt Nam
Khung cảnh thiên nhiên mang ở Lâm Thượng vẻ đẹp mộc mạc, giản dị hấp dẫn du khách (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
Trong đó, trải nghiệm được du khách yêu thích cũng như đánh giá là độc đáo, đặc sắc đó chính là hái măng. Bởi lẽ, Lâm Thượng là xã có diện tích trồng măng mai lớn nhất huyện. Vụ măng thường bắt đầu từ khoảng đầu tháng 8.
Kể về trải nghiệm của mình, du khách Ngọc Tuyết nói: "Bọn mình theo chân chị Tý - một nông dân, hướng dẫn viên bản địa - đi bộ từ nơi ở đến Khéo Lẹng, từ đây bắt đầu xuyên qua rừng cọ, lạc lối giữa rừng măng mai, măng ngọt và leo qua những dốc đá tai mèo. Con đường nhỏ, phủ đầy cây và dương xỉ. Tiếp tục trekking một đoạn đi qua cả những con thác".
"Nếu đi vào tháng 6, có thể hái được nấm mối, nhiều đủ cho một bữa tối no nê. Năm ngoái mình đã được trải nghiệm rồi. Còn mùa này ở Lâm Thượng toàn măng là măng, từ măng nứa, măng mai, măng le, măng đắng đến măng ống". Dọc đường đi chúng mình cũng gặp rất nhiều bà con đang gánh măng từ núi đồi về. Trên vai họ là những sọt măng nặng trĩu, mùi măng tươi thơm phức".
Du khách đặt biệt yêu thích trải nghiệm đi hái măng cùng người dân bản địa (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
Thời gian phù hợp để hái măng là vào những ngày nắng ráo, không có mưa. Toàn bộ thời gian trekking và hái măng sẽ mất khoảng một buổi và du khách sẽ có sự hướng dẫn của người dân bản địa.
Măng sau khi hái về có thể phục vụ cho chính bữa tối của du khách. Người dân nơi đây có thể chế biến thành những món như măng luộc, măng xào tỏi, măng nhồi thịt hay canh măng. Kết hợp với đó là những món đặc sản khác của núi rừng như cá suối, gà đồi, lợn bản, cơm lam...
Măng sẽ được mang về, chế biến thành những món đặc sản, phục vụ du khách (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
"Ngôi sao mới" của du lịch Yên Bái
Có tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ, song nhiều bà con sinh sống tại Lâm Thượng chia sẻ, nơi đây gần như "chưa hề xuất hiện trên bản đồ du lịch Việt Nam". Nhận thấy được điều này, trong những năm gần đây, chính quyền các cấp đã chú trọng, quan tâm hơn trong việc phát triển, đẩy mạnh du lịch địa phương, dựa trên tiềm năng vốn có.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh Yên Bái, Lâm Thượng đã, đang và sẽ trở thành xã trọng điểm trong Đề án phát triển du lịch của huyện Lục Yên, giai đoạn 2021 - 2025. Các sản phẩm du lịch hiện nay tại xã đang dần được hoàn thiện, không chỉ phục vụ du khách mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, cảnh quan hay các nông sản đặc sản của địa phương. Từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể thấy rõ rệt nhất chính là tại các hộ dân bắt đầu chủ động hình thành những homestay cho du khách. Tại thôn Khéo Lẹng - xã Lâm Thượng có 202 hộ dân, người dân tộc Tày chiếm 97%. Các hộ dân vẫn giữ được hệ thống nhà sàn truyền thống bằng gỗ, lợp bằng lá cọ và lưu giữ được các giá trị của nhiều loại hình văn hóa dân gian. Chính vì vậy, chuyển thành các homestay, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng là rất phù hợp.
Những ngôi nhà truyền thống của người Tày trở thành homestay phục vụ du khách (Ảnh Báo Yên Bái)
Anh Tăng Viết Dũng - chủ một homestay thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng cho biết: "Tại đây, du khách có thể nghỉ dưỡng tại các nhà sàn truyền thống thưởng thức ẩm thực dân tộc, trải nghiệm các hoạt động cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc như: nghi lễ dân gian, dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục dân tộc, thưởng thức các món ăn đặc sản nổi tiếng của xã như: măng mai, vịt bầu, cá bỗng, gà thiến, rêu đá, rau rừng, rượu thuốc...".
Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch khám phá thiên nhiên cũng cần được triển khai một cách bài bản, chất lượng hơn, quảng bá rộng rãi để nhiều du khách biết tới. Từ đó đưa Lâm Thượng trở thành cái tên hấp dẫn, một ngôi sao mới trên bản đồ du lịch Việt Nam nói chung cũng như vùng núi phía Bắc nói riêng.
Một số chi phí du khách có thể tham khảo để có chuyến đi tới Lâm Thượng:
- Di chuyển: Xe khách từ Hà Nội - Lục Yên, giá 220.000 - 360.000/2 chiều, tùy nhà xe. Sau đó đi taxi hoặc xe ôm đến Lâm Thượng, quãng đường 20km khoảng 200.000 - 300.000 đồng.
- Phòng nghỉ: 200.000 - 400.000 đồng/người/đêm, tùy loại phòng
- Hoạt động trekking, hái măng, thuê xe đạp: Có thể liên hệ trực tiếp với chủ phòng nghỉ
- Thuê xe máy: 120.000 đồng/ngày
- Ngâm chân, tắm thảo dược: 50.000 - 200.000/lần
Tàu tham quan hồ thủy điện Nho Quế tạm ngưng hoạt động Đơn vị duy nhất phục vụ dịch vụ trải nghiệm lòng hồ thủy điện Nho Quế, Hà Giang thông báo tạm ngưng vận hành tàu du lịch tuyến này. Mới đây, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tu Sản - đơn vị vận hành tàu thuyền du lịch trên sông Nho Quế đã thông báo tạm dừng vận chuyển khách du lịch trên...