Lần đạp xe giúp Biden xua công kích từ Trump
Trump chỉ trích sức khỏe và tuổi tác của Biden, nhưng trong khi Tổng thống chỉ chơi golf, đối thủ lại guồng chân đạp xe trên đường.
Hôm 8/8, đúng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện tại câu lạc bộ golf sang trọng của ông tại Bedminster, New Jersey, cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden lại đi đạp xe giống như rất nhiều người Mỹ bình thường khác để tiêu khiển.
Biden (phải) đạp xe gần công viên State Park ở bang Delaware hôm 8/8. Ảnh: Twitter/Pat Ward.
Biden đang đạp xe cùng một vài người gần công viên State Park ở quê nhà Rehoboth Beach, bang Delaware thì được phóng viên Peter Doocy của Fox News, hãng chuyên đưa tin ủng hộ Trump, tìm cách tiếp cận và hét to câu hỏi dành cho Biden về ứng viên cho vị trí phó tổng thống: “Thưa ngài, ngài tìm được người cùng chạy đua chưa?”.
Biden trả lời: “Có rồi nhé”. Doocy hỏi tiếp: “Có rồi ư? Ai thế?” và Biden đáp lại một cách bông đùa: “Chính là cậu đấy!”
Cuộc trao đổi ngắn không chỉ được phát sóng trực tiếp trên Fox News mà còn lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội. Cũng trong lúc Biden mải đạp xe, Trump lại chia sẻ trên Twitter những dòng công kích nhắm vào cựu phó tổng thống và gọi ông là “Joe Biden mơ ngủ”.
Theo bình luận viên Dean Obeidallah của CNN, tình huống này làm nổi bật sự đối lập đến hài hước giữa hai ứng viên. Trong khi Biden guồng chân đạp xe trên đường thì tại câu lạc bộ golf của mình, bài vận động duy nhất mà Trump thực hiện là lên xuống chiếc xe điện chở khách chơi golf. Dù vậy, Trump vẫn công kích Biden là “mơ ngủ”.
Một người phản đối Trump sau đó đăng trên Twitter video so sánh cảnh Biden đạp xe với cảnh Trump gặp khó khăn khi bước xuống bậc thang sau khi kết thúc bài phát biểu tại Học viện Quân sự West Point hồi tháng 6 kèm theo hashtag “Trump không thể đi xe đạp”.
Video so sánh Biden đạp xe và Trump bước đi không vững. Video: Twitter/ Aaron Rupar.
Trước đó, Trump nhiều lần chỉ trích vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần của Biden trong suốt chiến dịch vận động tranh cử. Tuy nhiên, nhiều cử tri không đồng tình với điều này. Một cuộc thăm dò dư luận hồi đầu tháng 7 cho thấy 52% cử tri tin rằng Biden đủ sức khỏe để trở thành tổng thống, trong khi tỷ lệ dành cho Trump chỉ là 45%.
Obeidallah cho rằng hình ảnh guồng chân đạp xe là cách thuyết phục để Biden xóa tan những công kích của Trump về sức khỏe của mình, đồng thời gợi ý tổ chức một “cuộc đua xe đạp kiểu truyền thống” giữa hai đối thủ. “Trump là người rất thích ratings trên truyền hình và cuộc đua này chắc chắn sẽ thu hút hàng triệu người xem”, Obeidallah nhận định.
Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ngày 14/7 tại Wilmington, Delaware. Ảnh: Reuters.
Sự so sánh tương tự từng xảy ra hồi tháng 8/2004, khi thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Kerry, người khi đó đang tranh cử với tổng thống George W. Bush, lướt ván ngoài khơi bờ biển Nantucket.
Không chỉ người dẫn chương trình nổi tiếng thời đó là David Letterman và Jay Leno chỉ trích hình ảnh của Kerry mà cả những blog của phe bảo thủ cũng lên án “thú vui thượng lưu” của ông. Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi nhóm vận động tranh cử của Bush sử dụng hình ảnh này trong một chiến dịch quảng cáo trong đó cáo buộc Kerry thay đổi quan điểm của mình “theo chiều gió”.
Bản thân Kerry cũng là người thích đạp xe, nhưng những chiếc xe độc đáo, đắt tiền và được đặt làm riêng của ông không thể gửi đi thông điệp tương tự như “chiếc xe mà ai cũng đi” của Biden.
Đảng Dân chủ từng mắc sai lầm tệ hại hơn hồi tháng 9/1988, khi thống đốc Massachusetts Michael Dukakis trong nỗ lực tranh cử tổng thống cũng như muốn thu hút lòng tin của cử tri đã đội mũ lính và lái xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams. Ngay cả những phóng viên tham gia sự kiện cũng bật cười trước hình ảnh lóng ngóng đến tuyệt vọng của Dukakis.
Đối thủ của Dukakis, tổng thống George H. W. Bush, sau đó lại sử dụng chính hình ảnh này trong những chiến dịch vận động tranh cử để chỉ trích ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ là người yếu ớt trong chính sách quốc phòng.
Thống đốc Massachusetts Michael Dukakis đứng trên xe tăng M1A1 Abrams ngày 13/9/1988. Ảnh: Reuters.
Nhà bình luận Obeidallah cho rằng, so với những hình ảnh thất bại của các ứng viên đảng Dân chủ trước đây, có thể thấy hình ảnh Biden đạp xe không có dấu hiệu của sự dàn dựng. Biden vẫn là Biden hàng ngày, ông ra ngoài đạp xe và vô tình bắt gặp phóng viên Fox News.
Trong khi đó, Trump cũng vẫn là Trump khi xuất hiện cùng những người bạn bè giàu có tại câu lạc bộ golf cá nhân vào dịp cuối tuần nhưng sau đó lại đột ngột chấm dứt một cuộc họp báo sau khi bị phóng viên chất vấn. “Sự tương phản này không thể rõ rệt hơn đối với các cử tri trong cuộc bầu cử vào tháng 11″, Obeidallah viết.
Biden chịu áp lực 'cương nhu' với Trung Quốc
Dù muốn thể hiện khác biệt với chính quyền Trump, Biden khó thúc đẩy chính sách mềm mỏng với Trung Quốc trong quá trình tranh cử.
Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, tiếp tục dẫn trước đối thủ Donald Trump trong các cuộc thăm dò khi cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần. Tuy nhiên, Biden tới nay vẫn chưa thể hiện rõ ràng ông sẽ giải quyết những vấn đề chủ chốt trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ như thế nào, đặc biệt là quan hệ với Trung Quốc.
Hôm 22/7, đảng Dân chủ công bố dự thảo cương lĩnh năm 2020. Theo Christian Le Miere, chuyên gia về chính sách đối ngoại, người sáng lập tổ chức tư vấn Arcipel, tài liệu này về cơ bản giúp mọi người mường tượng về những chính sách của nước Mỹ nếu Biden đắc cử, đặc biệt là khi phe Dân chủ chiếm ưu thế trong quốc hội. Do đó, đây có lẽ là chỉ dấu tốt nhất để dự đoán về chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Biden.
Dự thảo cương lĩnh của đảng Dân chủ hướng tới mục đích tạo sự phân biệt rạch ròi giữa họ và chính quyền Trump. Xuyên suốt nhiệm kỳ của mình, Trump được đánh giá chỉ đi theo một hướng duy nhất là giảm ràng buộc với Trung Quốc cả về kinh tế và ngoại giao, đồng thời ngăn Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị toàn cầu.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu tại thành phố Wilmington, bang Delaware, Mỹ, hôm 28/7. Ảnh: Reuters.
Thông qua chiến tranh thương mại, kêu gọi đồng minh loại bỏ công ty Trung Quốc khỏi mạng 5G, và gần đây nhất là trừng phạt giới chức Trung Quốc vì chính sách với Tân Cương, chính quyền Trump không ngừng gây áp lực lên Bắc Kinh. Washington cũng tăng cường hoạt động quân sự tại những điểm nóng quan trọng trong khu vực như Biển Đông.
Ngược lại, đảng Dân chủ tuyên bố trong dự thảo cương lĩnh rằng họ "sẽ không dựa vào những cuộc chiến thuế quan đơn phương, thất sách" hoặc rơi vào "bẫy Chiến tranh Lạnh mới".
Dự thảo cương lĩnh cũng cho thấy phe Dân chủ không chú trọng lĩnh vực quân sự trong cạnh tranh Mỹ - Trung, ngay cả khi họ tuyên bố sẽ "răn đe và đáp trả hành vi khiêu khích" trên Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Trong khi chính quyền Trump dường như ngày càng nỗ lực quay lưng với Bắc Kinh, với động thái bất ngờ là đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas, chính quyền Biden nhiều khả năng sẽ cố gắng giảm căng thẳng và tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác chung, đặc biệt là các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, kiểm soát hạt nhân, hay ứng phó với Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh việc nêu bật điểm khác biệt với chính quyền hiện tại, dự thảo cương lĩnh của đảng Dân chủ còn nỗ lực nhấn mạnh những nét tương đồng. Mặc dù cố gắng vạch ra kế hoạch tránh quân sự hóa quá mức chính sách với Trung Quốc, tài liệu cũng khẳng định một chính phủ Dân chủ sẽ "đáp trả rạch ròi, mạnh mẽ và nhất quán" mỗi khi xuất hiện lo ngại về hành vi của Trung Quốc.
Đảng Dân chủ cố gắng thể hiện sự "diều hâu" đối với một số vấn đề nhất định trong bối cảnh lưỡng đảng ngày càng nhất trí coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính, thay vì chỉ là đối thủ cạnh tranh kinh tế. Với sự trỗi dậy của Covid-19, việc đối phó Trung Quốc càng trở nên phù hợp về mặt chính trị, Le Miere nhận định.
"Do đó, chính sách của Biden cần đạt được sự cân bằng giữa thái độ cứng rắn của chính quyền Trump và quan điểm hòa giải của cựu tổng thống Barack Obama", chuyên gia này nêu ý kiến.
Dưới thời Obama, điểm nổi bật trong quan hệ song phương là chính sách kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc và tránh căng thẳng quân sự, như việc Mỹ chỉ tiến hành vài chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, đồng thời nỗ lực đảm bảo Bắc Kinh đóng vai trò là một "tay chơi có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế.
Chính quyền Obama thường chỉ lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc, như vụ tin tặc xâm nhập hệ thống của Văn phòng Quản lý Nhân sự Mỹ hồi năm 2014, chiếm quyền truy cập hồ sơ cá nhân của 4 triệu nhân viên liên bang Mỹ cùng bạn bè và gia đình họ, nhưng không có các hành động đáp trả mạnh mẽ như dưới thời Trump.
Theo Le Miere, Biden biết rằng chính sách mềm mỏng như vậy không còn khả thi về mặt chính trị. Trump và phe Cộng hòa biến Trung Quốc thành đối tượng công kích chính, đồng thời không ngừng gọi nCoV là "virus Trung Quốc", được cho là nhằm chĩa mũi dùi vào Bắc Kinh trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Họ cũng tận dụng vấn đề này để khắc họa hình ảnh Bideo là một "người mềm yếu" với Trung Quốc. "Biden Bắc Kinh" thậm chí trở thành biệt danh mà các hãng truyền thông ủng hộ Trump sử dụng để mỉa mai thái độ quá hòa hoãn với Trung Quốc của ứng viên đảng Dân chủ.
Nhằm đương đầu với đòn công kích từ đối phương, phe Dân chủ tìm cách tạo dựng cho đảng, cũng như ứng viên của họ, hình ảnh cứng rắn với Trung Quốc "đúng nơi đúng lúc", như vấn đề thương mại, nhưng sẵn sàng thỏa hiệp khi cần thiết.
"Vì vậy, nếu Biden đắc cử, căng thẳng song phương có khả năng giảm rõ rệt khi hai bên đều cố gắng tìm điểm chung trong các lĩnh vực cùng có lợi", Le Miere nhận định. Ngay cả khi Washington ngày càng coi Bắc Kinh là mối đe dọa, chính quyền của Biden vẫn có thể biến Bắc Kinh thành đối tác cần thiết, dựa trên quy mô nền kinh tế rộng lớn của họ.
Giữa lúc Mỹ đang chật vật vực dậy nền kinh tế sau những thiệt hại nặng nề của đại dịch, Trung Quốc có thể trở thành khách hàng chủ chốt mua sản phẩm của họ, hoặc là nhà đầu tư tiềm năng. Các mục tiêu khác của Biden, như hồi sinh hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng sẽ cần sự hợp tác và thiện chí của Trung Quốc.
Do vậy, Le Miere nhận định nếu Biden đắc cử, cuộc chia tay ngoại giao với Bắc Kinh mà chính quyền Trump đang theo đuổi có khả năng chấm dứt, đồng thời nhiều hình thức hợp tác Mỹ - Trung sẽ bắt đầu.
Thủ tướng Anh thừa nhận từng quá béo Thủ tướng Boris Johnson nói rằng mình từng quá béo và kêu gọi người Anh giảm cân, tập thể dục nhiều hơn để tránh nguy cơ khi mắc Covid-19. "Tôi luôn muốn giảm cân suốt nhiều năm qua và giống như nhiều người, tôi đã vật lộn với cân nặng của mình, lúc tăng lúc giảm. Nhưng từ khi hồi phục sau khi...