Làm thế nào để người lao động trở lại TP.HCM làm việc?
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đứng trước bài toán thiếu hụt lao động, các tỉnh phía nam cần kêu gọi, động viên, đưa ra phúc lợi thỏa đáng để kéo người người dân trở lại làm việc.
Trong văn bản gửi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các tỉnh, thành phố tối 7/10, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất thực hiện một số giải pháp hạn chế thiếu hụt lao động, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, sau khi dịch Covid-19 dần được khống chế, các địa phương đang khẩn trương bắt tay vào thực hiện lộ trình phục hồi sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện “bình thường mới”.
Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thời gian qua, một bộ phận công nhân và người lao động đã rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam để về quê tự phát.
“Tình trạng này có thể gây nhiều hệ lụy liên quan đến an toàn khi di chuyển và an toàn với dịch bệnh, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động phục vụ phục hồi sản xuất, kinh doanh ở địa bàn đi, nhưng xuất hiện tình trạng thất nghiệp của nhiều lao động ở địa bàn đến”, tổ chức công đoàn Việt Nam lo ngại.
Tổng LĐLĐ Việt Nam lo ngại việc người dân ồ ạt về quê làm gia tăng nguy cơ thiếu hụt lao động ở các tỉnh, thành phố phía nam. Ảnh: Việt Linh.
Trước tình hình trên, đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các ngành chức năng tỉnh, thành phố cùng công đoàn ngành Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau để người lao động không tự phát về quê, rời nơi đang cư trú.
Các biện pháp đưa ra nhằm động viên người lao động tiếp tục trở lại doanh nghiệp khi doanh nghiệp bắt đầu sản xuất.
Video đang HOT
Cụ thể, tổ chức công đoàn địa phương cần bàn bạc, thương lượng với doanh nghiệp trong việc ban hành các chế độ, chính sách giữ chân người lao động như trả lương tạm nghỉ việc, hỗ trợ tài chính để người lao động tiếp tục duy trì, tổ chức cuộc sống gia đình, tăng lương, thưởng, phúc lợi khi doanh nghiệp đi vào sản xuất có hiệu quả.
Đồng thời, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc có thể qua hình thức viết thư hoặc nhắn tin, bố trí phương tiện đón người lao động từ các địa phương hoặc chi trả, hỗ trợ tiền đi đường, các chi phí khác khi trở lại doanh nghiệp…
Để giữ chân lao động ở lại làm việc, các tổ chức công đoàn cơ sở cũng cần tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động trong hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Việc được tiếp cận các gói hỗ trợ nhanh nhất sẽ giúp người lao động, người sử dụng lao động giảm bớt khó khăn, thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Tổ chức công đoàn Việt Nam yêu cầu địa phương đẩy mạnh chương trình hỗ trợ, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người đã trở lại làm việc nhưng vẫn gặp khó khăn. Giải pháp này giúp lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn cơ sở cũng cần đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm các thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định của Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, kể từ ngày 1/10, sau khi TP.HCM và nhiều tỉnh phía nam nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, hàng chục nghìn người đã quyết định về quê sau nhiều tháng bám trụ lại thành phố, khu công nghiệp mà không có việc làm. Việc này làm dấy lên lo ngại nguy cơ thiếu hụt lao động ở các khu công nghiệp, dịch vụ.
Theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý IV, nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp ở TP.HCM là 42.000-56.000 người. Trong khi đó, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đưa ra dự báo địa phương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại.
Kiến nghị chính sách tín dụng cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Để thực hiện mục tiêu "Vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế" nhiều địa phương, doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Tại Đà Nẵng, các hoạt động đang dần được nới lỏng, do đó các hội doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị chính quyền hỗ trợ để khôi phục sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã gửi 6 nội dung đề xuất, kiến nghị tới chính quyền thành phố Đà Nẵng để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên.
Các nội dung Hiệp hội đề xuất gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%, khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có từ 3-6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn từ 6-12 tháng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản các thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; gia hạn nộp thuế từ 12 đến 18 tháng; được miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng.
Hiệp hội cũng đề nghị thành phố có chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho đến đầu năm 2022; nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất...
Ông Hà Đức Hùng nhận định, hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng việc triển khai tại các ngân hàng còn chưa kịp thời, nhiều thủ tục còn phức tạp, khó khăn, cần tháo gỡ. Ông Hùng đề nghị, bên cạnh việc triển khai các chính sách của Trung ương thì nhiều chính sách về thuế, tiền thuê đất... trong thẩm quyền quyết định của thành phố Đà Nẵng, thành phố xem xét giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Cũng liên quan đến tín dụng, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị ngành ngân hàng trên địa bàn xem xét kéo giãn thời gian trả nợ, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, cũng như giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
"Tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động ngành ngân hàng nên dù đạt những kết quả tích cực nhưng quy mô tín dụng hiện nay còn thấp. Trong thời gian tới, đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát lại chỉ tiêu những tháng cuối năm để có biện pháp thực hiện đạt kế hoạch, đặc biệt, quan tâm đến chỉ tiêu tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng đánh giá thực chất từng khoản nợ để có biện pháp ứng xử nhằm hạn chế thấp nhất nợ xấu phát sinh", ông Nghiêm Xuân Thành nói.
Theo ông Hồ La Thành, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang, những tháng còn lại của năm 2021, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Cùng với đó, ngành ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; các chương trình, đề án trọng tâm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến ngày 22/9, trong 5 chỉ tiêu đề ra của năm 2021, ngành ngân hàng tỉnh thực hiện đạt được 3 chỉ tiêu, còn chỉ tiêu huy động và dư nợ cho vay chưa đạt. Tính đến ngày 31/8/2021, tổng vốn huy động, bao gồm ngoại tệ quy đổi VND, toàn địa bàn là hơn 16.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,32% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng trưởng 1,17% so với cuối năm 2020.
Vốn huy động đáp ứng được gần 60% cho hoạt động tín dụng. Tổng dư nợ cho vay, bao gồm ngoại tệ quy đổi VND, toàn địa bàn đạt hơn 28.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng trưởng gần 5% so với cuối năm 2020.
Trong khi đó tại Lào Cai, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sẽ gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, giải quyết dứt điểm những tồn đọng trong việc duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cũng cam kết, Lào Cai sẽ luôn chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo đúng phương châm "doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển". Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành tích cực tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cụ thể, thiết thực, theo thẩm quyền. Từ đó, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sau đại dịch và khắc phục các khó khăn tài chính như hiện tại.
Theo đó, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó với dịch; thúc đẩy cải cách hành chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp; xem xét giảm mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu Lào Cai.
Thực tế, khó khăn tài chính lớn nhất mà nhiều doanh nghiệp Lào Cai đang phải đối mặt là trả tiền lương cho người lao động. Tiếp đến là trả gốc và lãi vay cho ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Ông Phạm Ngọc Đương, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đề nghị xem xét giãn thời gian trả nợ gốc đối với khoản vay ngân hàng và giảm lãi vay, chính sách vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn; tiếp tục chính sách giảm tiền điện kinh doanh có các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch...
Đối với vấn đề lãi suất và vốn tín dụng ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lào Cai Trương Thanh Xuân cho biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 15/18 chi nhánh ngân hàng thương mại trực thuộc 13 tổ chức tín dụng có cam kết đồng thuận giảm lãi suất.
Việc thực hiện giảm lãi suất cho vay sẽ tùy theo từng hệ thống ngân hàng do nguồn vốn, năng lực tài chính của từng tổ chức tín dụng và theo mức độ ảnh hưởng của từng dự án vay vốn. Nếu khách hàng đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cam kết sẽ thực hiện hỗ trợ theo quy định.
Ngoài ra, để đáp ứng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lào Cai đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Lào Cai thực hiện rà soát hướng dẫn và tiếp nhập hồ sơ cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo quy định.
Hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho người lao động đang thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến" Trong tháng 10, tổ chức công đoàn sẽ hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các DN có đóng kinh phí công đoàn và thực hiện "1 cung đường 2 điểm đến". Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành quyết định hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho đoàn viên, người lao động đang...