Làm thế nào để hôn nhân bền vững cùng tiền bạc?
Theo một số nghiên cứu, khoảng 70% căng thẳng, xung đột vợ chồng liên quan đến tài chính. Giải quyết ổn thỏa chuyện tiền bạc được coi như một chiếc chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Phần lớn các bà vợ cho rằng, chồng chi tiêu hoang phí, không biết tính toán. Trong khi các ông chồng lại khẳng định, vợ quá chi li, không biết dùng tiền để đầu tư. Thế nên, ngày càng nhiều cặp vợ chồng quyết định… tiền ai nấy giữ.
Thực tế, ai giữ tiền không quan trọng. Cái chính là làm thế nào để tài chính gia đình và hôn nhân bền vững.
Vấn đề “muôn thuở”
Trong thời buổi kinh tế khó khăn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, việc chi tiêu sao cho khéo đã trở thành “bài toán khó” với nhiều gia đình. Không ít chị em than phiền rằng, vợ chồng thường xuyên “lục đục” vì vấn đề chi tiêu trong gia đình.
Mâu thuẫn vợ chồng chủ yếu xuất phát từ tình trạng công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến thu nhập ít hơn trước. Ở vùng nông thôn, để chi tiêu hợp lý đã khó. Ở thành phố, áp lực càng tăng lên gấp bội phần, khi thu nhập bị cắt giảm, trong khi hễ ra đường là… phải tiêu tiền.
Một tài khoản Facebook chia sẻ, do Covid-19, vợ chồng chị bị cắt lương. Trong khi đó, việc mua thực phẩm và thanh toán các chi phí khác vẫn tốn kém. Vì thế, vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn.
Một tài khoản khác tâm sự, từ khi lấy nhau, vợ chồng chị tiền ai người nấy tiêu. Tuy nhiên, chị “quyết tâm” trở thành “tay hòm chìa khóa”, với mong muốn đưa ra biện pháp chi tiêu hợp lý.
Bên cạnh những người chồng muốn tự do tiêu tiền mà không phải hỏi ý vợ, một số đàn ông cho rằng, việc giao tiền lương cho bạn đời là nhằm giúp quản lý tài chính hiệu quả. Bởi, khi đó, họ sẽ cùng lập kế hoạch chi tiêu, giúp người đàn ông có thể tập trung hoàn toàn cho sự nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Có lẽ, sẽ rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho vấn đề ai là người nên giữ tiền. Bởi, điều đó còn phụ thuộc vào tính cách vợ/chồng, cũng như hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Xã hội hiện nay đã dần bình đẳng, khi phụ nữ cũng đi làm và có thu nhập. Do đó, việc “vợ ở nhà ngửa tay xin tiền chồng” cũng không còn phổ biến.
Theo các chuyên gia tâm lý, điều quan trọng là hai vợ chồng nên thống nhất ai là người quản lý tài chính tốt hơn. Vợ hay chồng giữ tiền không phải điều quan trọng. Thực tế, quan trọng là cả hai có sự thấu hiểu và tôn trọng nhau. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, vợ chồng nên ngồi lại và cùng thảo luận để tìm ra giải pháp tốt nhất cho tài chính của gia đình.
Video đang HOT
“Trong gia đình, bố tôi làm giám đốc một chi nhánh ngân hàng và thu nhập khá. Tuy nhiên, tháng nào bố cũng mang toàn bộ thu nhập về đưa mẹ. Ông chỉ lo cho công việc. Tiền sẽ do mẹ tôi cầm và tự tính toán chi tiêu sinh hoạt”, chị Đỗ Thu Trà – một nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Chị Trà bày tỏ đồng ý với quan điểm của bố. Chị cho rằng, một người vợ tốt với khả năng quán xuyến chính là nền tảng cho sự thành công của mỗi người đàn ông.
Một nghiên cứu được thực hiện trên các cặp vợ chồng cho thấy, những gia đình có chồng đưa toàn bộ thu nhập cho vợ sẽ có xu hướng hạnh phúc và kinh tế ổn định hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đưa hết lương là sợ vợ, không chủ động được chi tiêu.
Người “tay hòm chìa khóa” cần chi tiêu hợp lý và rõ ràng. Ảnh minh họa.
TS giáo dục Nguyễn Phương Chi, hiện sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ, thường có ba kiểu chi tiêu trong gia đình. Đầu tiên là kiểu “tay hòm chìa khóa”. Một trong hai người giữ toàn bộ thu nhập; Đồng thời cũng là người phụ trách chi tiêu cho cả gia đình. Người kia thường nhận lại một khoản tiền nhỏ để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Kiểu thứ hai là “thân ai nấy lo”. Đây là kiểu mỗi người tự quản lý phần tiền lương của mình và đóng góp chi tiêu chung của gia đình, dạng như “góp gạo thổi cơm chung”. Kiểu cuối cùng là “hai túi tiền thông nhau”, dung hòa cả hai phương pháp trên. Vợ và chồng hợp hai khoản tiền lương lại, cùng nhau quản lý và chi tiêu đồng đều. Thu nhập chung sẽ được phân chia cho các khoản chi hằng tháng của gia đình. Trong đó bao gồm khoản tiết kiệm – đầu tư chung và khoản tiêu riêng cho mỗi người.
Theo TS Phương Chi, các gia đình cần cân nhắc kỹ những phương pháp trên. Nếu có thể, nên thử nghiệm cả ba phương pháp trong ít nhất một tháng. Nhờ đó, có thể nghiên cứu xem gia đình mình phù hợp nhất với phương pháp nào để theo đuổi lâu dài.
“Dù chọn phương pháp quản lý nào, điều cốt yếu để tài chính gia đình và cả hôn nhân bền vững là đôi bên thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau và không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, quản lý cuộc sống hiệu quả hơn”, TS Phương Chi chia sẻ.
Yếu tố quyết định hôn nhân lâu dài
Trong khi đó, theo ông Phạm Ngọc Anh – Chuyên gia huấn luyện và đào tạo tại tổ chức phát triển cá nhân Mr Why, một cuộc hôn nhân lâu dài luôn đi kèm với yếu tố tài chính.
“Không phải là vấn đề bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, thu nhập nhiều hay ít mà là sự điều phối cách quản lý tiền sao cho linh hoạt để đảm bảo chi tiêu gia đình. Tiền lại là một lý do ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân rõ ràng nhất. Đa số các cặp đôi sẽ kết hôn khi tình hình tài chính trong trạng thái ổn định. Sự ổn định không có nghĩa là giàu có. Nó chỉ là biểu hiện của việc hai người đều đang kiểm soát tốt vấn đề quản lý tiền và đồng lòng với nhau về chuyện đó”, chuyên gia giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Ngọc Anh, sự ổn định đó không tồn tại mãi. Đặc biệt, sau hôn nhân, sự ổn định càng dễ biến mất bởi nhiều lý do.
“Các chuyên gia tâm lý thường ví việc bắt đầu xây dựng một tổ ấm cũng giống như mở một doanh nghiệp. Nếu nhận thức được xây dựng một kế hoạch chi thu rõ ràng, hợp lý, mọi người đều nắm rõ và có trách nhiệm thì rất tốt, nhưng không phải ai cũng làm được vậy”, ông Ngọc Anh dẫn chứng.
Để học cách quản lý tiền hiệu quả trong gia đình, chuyên gia này gợi ý, cần rõ ràng về vấn đề tài chính. Cụ thể, các cặp vợ chồng cần thảo luận với nhau những vấn đề liên quan đến cách quản lý tiền. Đồng thời, cởi mở với những phương án giải quyết khó khăn liên quan.
Khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, hai vợ chồng nên thống nhất các quy tắc tài chính chung và công khai khoản thu nhập cũng như chi tiêu cá nhân. Nhờ đó, có sự quan tâm, thông cảm và bình đẳng với nhau về tài chính. Rõ ràng vấn đề tài chính luôn là cách hạn chế những xung đột không đáng giữa vợ chồng.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, việc theo dõi số tiền tiêu hằng ngày cũng quan trọng không kém thiết lập ngân sách. Nếu không biết chính xác tiền tiêu mỗi ngày vào những khoản gì, vợ hoặc chồng sẽ không kiểm soát được mức chi tiêu. Như vậy, họ sẽ “rút lõi” từ các khoản tiết kiệm cố định. Việc theo dõi được các khoản chi tiêu cũng giúp nắm được tình hình tài chính hiện tại của gia đình và có những điều chỉnh hợp lý.
“Hãy linh hoạt thay đổi mức chi tiêu hằng tháng sao cho hợp lý với giá cả của nhu cầu trong gia đình. Sẽ có những khoản chi phát sinh không có dự tính trước, hay những chi tiêu cá nhân có sự thay đổi theo nhu cầu phù hợp. Không nên cứng nhắc cố định một khoản chi tiêu của gia đình hàng tháng”, chuyên gia gợi ý.
Bên cạnh đó, trong trường hợp nợ tiền, gia đình cần cố gắng trả sớm. Bởi, việc nợ luôn gây áp lực và mệt mỏi. Do đó, theo ông Ngọc Anh, ưu tiên trả nợ không chỉ giúp giữ uy tín với người cho vay. Đó cũng là cách để cảm thấy dễ chịu hơn, cũng như khiến việc trả lãi cũng đỡ nặng hằng tháng.
Việc vợ chồng thẳng thắn trong các bất đồng về cách quản lý tài chính cũng là yếu tố không thể thiếu. Chắc chắn, việc nảy sinh bất đồng giữa những thành viên trong gia đình là không thể tránh khỏi. Đặc biệt, chi tiêu không rõ ràng cho cá nhân sẽ khiến mâu thuẫn trong gia đình tăng cao. Do vậy, cần có một sự thống nhất về cách quản lý tiền giữa các thành viên. Phương pháp này sẽ hạn chế bất đồng.
“Hãy cố gắng dành một khoảng thời gian ngắn mỗi tuần, mỗi tháng để bàn với nhau về cách quản lý tiền trong nhà. Có như thế, hai vợ chồng mới nắm được điều kiện kinh tế gia đình mình, hoạch định cho những kế hoạch chi tiêu quan trọng như mua nhà, mua xe hay sắm sửa những vật dụng mới…”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng thời, hai vợ chồng nên đặt mục tiêu chung. Cần đặt ra một số câu hỏi như: Vợ chồng sẽ tiết kiệm lương thế nào nếu không còn nợ tiền mua nhà? Hai vợ chồng có kế hoạch ra sao nếu muốn mua ô tô trong 2 tháng nữa?… Việc chia sẻ những mục tiêu chung với bạn đời sẽ giúp đặt ra kế hoạch để phấn đấu và sớm đạt được kết quả.
Đang giận nhau thì nhận được tin nhắn gửi nhầm từ người yêu, em choáng đến ngẩn người
Thật không ngờ, người yêu em lại tệ bạc như vậy.
Chào mọi người, em đang rất sốc khi phát hiện ra con người thật của người yêu mình. Trong thâm tâm, em luôn nghĩ anh ấy là người thật thà, chung thủy. Yêu nhau 2 năm nay, em chưa từng thấy anh "liếc mắt đưa tình" hay nhìn theo bất cứ người con gái nào khác. Những lúc giận nhau, anh luôn chủ động xuống nước xin lỗi em trước, dù đôi lúc anh không hề sai.
Vì thế, em luôn tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của anh. Anh cũng đã cầu hôn em và chúng em dự định cuối năm nay sẽ tổ chức đám cưới. Không ngờ, bây giờ, em lại chếnh choáng nặng nề vì phát hiện ra, anh hoàn toàn khác hẳn so với những gì em biết.
Chẳng là hơn một tháng nay, em và người yêu "nhà ai nấy ở", không gặp nhau nữa. Mỗi khi rảnh, chúng em sẽ gọi điện video nói chuyện với nhau. Hai ngày trước, chúng em bất đồng quan điểm về việc tiền bạc sau khi cưới nên có tranh cãi nhau.
Người yêu bảo sau khi cưới, tiền bạc nên quy về tay mẹ chồng vì bà có kinh nghiệm quản lý chi tiêu bao lâu nay. Anh còn khẳng định nếu như không có mẹ, nhà anh sẽ không thể giàu có như bây giờ. Nhưng em lại muốn tự giữ tiền vì đó là tiền riêng của hai vợ chồng. Thế là anh nói em không tin tưởng, không tôn trọng mẹ anh.
Nghĩ anh sẽ như mọi lần, xuống nước xin lỗi trước nên em im lặng. Nào ngờ anh cũng im lặng suốt hai ngày. Chiều nay, em cầm điện thoại nhắn cho anh một tin trên Zalo: "Em xin lỗi", tin vừa gửi đi thì em nhận được ngay tin từ anh. "Anh cũng yêu em. Em cầm tạm 5 triệu này tiêu dùng nhé". Cùng với đó là hình ảnh giao dịch đã chuyển khoản thành công cho một cô gái có tên N.T.T.
Đọc tin nhắn, em giật mình nhận ra anh đã nhắn nhầm với người khác. Quả nhiên ngay lúc đó, anh thu hồi tin nhắn rồi vội vã gọi điện lại cho em. Em giận dữ quát lên đòi chia tay. Cứ nghĩ anh sẽ xin lỗi, không ngờ anh cũng đồng ý luôn. Thì ra, anh đã có người dự phòng rồi.
Mọi người ơi, em buồn lắm. Em rất yêu anh. Giờ em có nên chủ động hàn gắn với anh hay nên buông tay đây? Buông tay thì phải làm sao cho đỡ đau lòng?
(hongtuy...@gmail.com)
4 lý do khiến phụ nữ muốn hạnh phúc nhất định phải học cách tiết kiệm bằng mọi giá Khi chi tiêu dè xẻn, bạn sẽ dành được nhiều tiền hơn, mua được những thứ mình muốn, làm được những điều mình ấp ủ. Nhờ đó mà cuộc sống trở nên thi vị, ý nghĩa hơn. Phòng trường hợp khẩn cấp Có rất nhiều tình huống khẩn cấp trong cuộc sống này phải dùng đến tiền phụ nữ ạ. Chẳng hạn như...