Lâm sản, thủy sản là “cứu cánh” cho tăng trưởng nông nghiệp
6 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả khả quan. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường (ảnh), sẽ tập trung cho 2 ngành đang có dư địa phát triển tốt là lâm sản và thủy sản.
Có thể thấy, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không cao như cùng kỳ năm 2018. Theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân của sự sụt giảm này?
- Theo tôi, có 3 yếu tố dẫn đến kết quả này. Một là tăng trưởng của bức tranh kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, ảnh hưởng đến cầu của các loại nông sản.
Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 43 tỷ USD. Ảnh: I.T
Hai là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ít nhiều tác động đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chung. Một mặt chúng ta có thể tăng cơ hội xuất khẩu, nhưng những biến động ở 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng ảnh hưởng đến sản lượng, cũng như kim ngạch xuất khẩu.
Ba là diễn biến thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi lan ra hầu khắp các tỉnh trong nước.
Video đang HOT
Ngành nông nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 43 tỷ USD. Trong bối cảnh nhiều thị trường chính đang gặp khó khăn, để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện những giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
- Trong 6 tháng đầu năm 2019, hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá từ 5 – 10%, trong đó, cá biệt có một số mặt hàng giảm sâu như lúa gạo. Nguyên nhân là năm 2016, do tác động của El Nino, sản lượng lúa gạo giảm, các nước buộc phải đẩy mạnh dự trữ, khiến cả năm 2018, thị trường xuất khẩu lúa gạo rất khả quan, giá cao kỷ lục. Nhưng bước sang năm 2019, nguồn cung tăng lên, dự trữ kho của các nước đã đủ, cung nhiều hơn cầu, nên giá giảm.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung mở rộng các thị trường mới như châu Phi, ASEAN để bù đắp cho thị trường Trung Quốc; giảm giá thành sản xuất bằng cách đầu tư đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài, cần rà soát, giảm ít nhất 500.000ha đất lúa để chuyển sang các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; đẩy mạnh chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn…
Trong bối cảnh một số mặt hàng như gạo, cà phê, tiêu gặp khó khăn, chủ trương của Bộ NNPTNT là đẩy mạnh xuất khẩu những ngành hàng có dư địa lớn như lâm sản, thủy sản.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cần nỗ lực chặn đứng dịch tả lợn châu Phi, hạn chế thiệt hại; Mở rộng chăn nuôi gia cầm, đại gia súc.
Chúng ta cũng phải sẵn sàng tâm thế ứng phó với thiên tai. Nếu không áp dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, sẽ khó giữ thành quả tăng trưởng.
Việt Nam và EU vừa ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA, cộng với CPTPP vừa có hiệu lực, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho nông sản Việt?
- Hai FTA sẽ mang lại lợi thế lớn nhất là với những nhóm ngành hàng đang có thị phần lớn ở những thị trường này như lâm sản, thủy sản; thuế suất nhiều mặt hàng sẽ về 0%, tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu. Tuy vậy, EVFTA cũng tạo ra một số thách thức như hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).
Chúng ta buộc phải vượt qua những hàng rào phi thuế quan này bằng cách đẩy mạnh liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt hơn với giá thành hợp lý hơn. Đồng thời, tổ chức lại thị trường trong nước nhằm hạn chế những yếu tố bất lợi để không thua ngay trên sân nhà.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Danviet
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Chủ động mọi phương án ứng phó với bão số 2
Tối 2/7, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 2 (tên quốc tế MUN), dự báo khoảng 4 giờ ngày 4/7 bão sẽ đổ bộ vào đất liền, nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình (trọng tâm là Hải Phòng).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại buổi họp. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Trước diễn biến của bão số 2, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố không chủ quan mà chủ động mọi phương án ứng phó với bão. Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại cuộc họp ứng phó với bão số 2, diễn ra sáng 3/7 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh bị ảnh hưởng của bão tăng cường hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, duy trì liên lạc, sẵn sàng xử lý sự cố; kiên quyết kêu gọi tàu ven bờ, tàu du lịch đặc biệt là tàu vãng lai vào bờ; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến và sơ tán người ở các lồng bè, chòi canh ven biển.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, đối với 1.640 khách du lịch đang ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh) trong đó có 4 người nước ngoài,cần đảm bảo các phương án an toàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn hệ thống đê trong phòng chống bão lũ, trọng tâm là các tuyến đê xuống cấp và đang sửa chữa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, kiếm soát tốt đối với các công trình này, đặc biệt lưu ý đến quai đê tại tỉnh Thái Bình. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng phải được kiểm tra, rà soát; việc vận hành hệ thống cống, hệ thống trạm bơm tiêu úng cần linh hoạt nhằm chủ động ứng phó.
Đối với khu vực đất liền, miền núi cần thông tin kịp thời diễn biến của bão đến người dân, rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, đường bị ngập; sẵn sàng phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia bám sát diễn biến của bão, đưa ra các bản tin cảnh báo sát thực tế để các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin, tuyên truyền về bão thiết thực, hiệu quả.
Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 3/7 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.557 tàu cá/229.311 người; 484 tàu du lịch, 146 tàu vận tải/2.394 người; 5 tàu nước ngoài/82 người; 8.838 lồng bè, lều, chòi canh/10.750 người (trong đó, hoạt động từ Quảng Ninh đến Quảng Trị 4.186 tàu/14.908 người; neo đậu tại bến 45.938 tàu/168.418 người; hoạt động khu vực khác 6.433 tàu/45.985 người); 8.838 lồng bè, lều, chòi canh/10.750 người.
Theo Vụ Quản lý đê điều, thực tế từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh tồn tại 43 vị trí đê điều xung yếu, cần quan tâm; trong đó có 27 đoạn đê (dài 43,83 km) và 16 cống dưới đê xung yếu. Các công trình đang thi công dở dang gồm 2 cống và 4 đoạn đê nâng cấp và cứng hóa mặt đê.
Tại các địa phương bị ảnh hưởng, tỉnh Quảng Ninh dự kiến 19 giờ ngày 3/7 hoàn thành di dời dân khu vực lồng bè vào nơi an toàn; triển khai phương án chống ngập úng đô thị. Thành phố Hải Phòng dự kiến trưa 3/7 sẽ đưa tàu thuyền vào bờ, lồng bè đã được chằng chống đưa vào khu neo đậu; triển khai phương án chống ngập úng đô thị. Tỉnh Thái Bình đã cấm biển trước 8 giờ ngày 3/7, đã triển khai phương án chống ngập úng đô thị... Tỉnh Nam Định di dời dân khỏi khu vực lồng bè vào 17 giờ ngày 3/7. Các địa phương khác đã triển khai phương án chống ngập úng đô thị, dự kiến cấm biển vào trưa 3/7.
Theo Thắng Trung (TTXVN)
Bộ trưởng NN&PTNT tặng nhãn, mít giống cho hộ dân bị sập nhà vì lũ Ngày 22/1/2019, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cùng ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa dẫn đầu Đoàn công tác đi kiểm tra, tặng quà Tết cho người dân ở khu tái định cư xã Mường Chanh (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Tuyến đường dẫn vào...