Làm rõ trách nhiệm vụ pate Minh Chay gây ngộ độc
Bộ Y tế đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vụ pate Minh Chay gây ngộ độc thực phẩm.
Tại cuộc họp báo chiều 4/9, trả lời câu hỏi về vụ pate Minh Chay gây ngộ độc, ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Y tế, cho biết theo nghị định 15 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, vấn đề này được giao cho ba bộ theo từng lĩnh vực cụ thể. Bộ Y tế quản lý thực phẩm chức năng, nước uống đóng chai, thiên nhiên… Bộ Công Thương phụ trách về lưu thông rượu bia, nước giải khát, tinh dầu thực vật, mứt, bánh kẹo… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về sản xuất chế biến lưu thông sản phẩm nông nghiệp như ngũ cốc, rau củ quả, thủy sản…
Theo ông Cường, Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (sản xuất pate Minh Chay) được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Y tế. Ảnh: Đình Trung
Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, thông tin thêm, sau khi xảy ra sự việc ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay, Bộ đã giao Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, xử lý vụ việc.
“Phòng cảnh sát kinh tế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá toàn bộ sự việc, nếu đủ căn cứ khởi tố hình sự thì sẽ khởi tố để điều tra. Nếu chưa đủ căn cứ khởi tố thì xử lý tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị theo quy định pháp luật”, thiếu tướng Tô Ân Xô nói và nhấn mạnh, cơ quan công an sẽ tập trung làm rõ những sai phạm trong quy trình sản xuất pate Minh Chay (nếu có) như mua nguyên liệu đầu vào, sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng.
Đồng thời, Bộ Công an cũng trao đổi với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cũng như các vi phạm khác (nếu có).
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương, sản phẩm này không thuộc quản lý của Bộ, nhưng vì có nhiều cơ quan chức năng liên quan, nên khi xảy ra sự việc, đơn vị đã chỉ đạo Tổng cục quản lý thị trường yêu cầu không lưu hành sản phẩm này trên toàn quốc để người dân tránh sử dụng.
Đồng thời, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã khuyến cáo người tiêu dùng dừng sử dụng sản phẩm này. “Khi nhận được đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng chúng tôi sẽ điều tra, xác định trách nhiệm của các bên liên quan”, ông Hải cho biết.
Video đang HOT
Theo Cục An toàn thực phẩm, từ ngày 13/7 đến 18/8 xuất hiện rải rác nhiều tỉnh thành ít nhất 9 người nhập viện do ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Các bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở… Hầu hết bệnh nhân diễn tiến nặng phải thở máy, quá trình thở máy dự kiến đến hai tháng.
Thông tin đầu tiên về nghi ngờ ngộ độc pate Minh Chay do vi khuẩn Clostridium botulinum được Bệnh viện Bạch Mai nêu ra ngày 19/8. Sau đó, cơ quan an toàn thực phẩm kiểm tra cơ sở sản xuất pate Minh Chay tại Đông Anh, Hà Nội và ra lệnh đình chỉ sản xuất. Mẫu pate nguyên hộp và pate do bệnh nhân ăn dở đều được gửi xét nghiệm.
Ngày 28/8, Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia và Viện Y tế công cộng TP HCM đều công bố kết quả cho hay các mẫu pate Minh Chay nguyên hộp chứa loại vi khuẩn yếm khí tạo độc tố botulinum – loại độc cực mạnh gây tác động vào đầu dây thần kinh khiến liệt cơ, có thể dẫn đến chết người.
Ai bồi thường cho nạn nhân bị ngộ độc pate Minh Chay?
Luật sư cho rằng Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới phải bồi thường cho các nạn nhân bị ngộ độc do sử dụng pate Minh Chay.
Liên quan vụ nhiều nạn nhân bị ngộ độc do dùng sản phẩm pate Minh Chay, ngày 1/9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế đã đề nghị Công an TP Hà Nội điều tra, xác minh và xử lý.
Theo Bệnh viện Bạch Mai, thuốc giải độc có giá 8.000 USD (tương đương 190 triệu đồng) mỗi liều.
Công ty sản xuất pate phải bồi thường
Trước nhiều ý kiến thắc mắc về việc ai phải bồi thường cho các bệnh nhân đang điều trị, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp) chỉ ra một số căn cứ pháp lý.
Theo luật sư, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng có quyền được bảo đảm tính mạng, sức khỏe khi giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
Sản phẩm pate Minh Chay bị dừng sản xuất. Ảnh: Minhchay.com.
Tiếp đó, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Luật sư phân tích Điều 53 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc, thì phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc.
"Tổ chức, cá nhân ở trên còn phải bồi thường thiệt hại về dân sự cho người bệnh theo quy định", ông Cường nhấn mạnh.
Lý giải về các chi phí phải bồi thường, luật sư dẫn Điều 590 Bộ luật Dân sự. Cụ thể, tổ chức hay cá nhân cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải bồi thường chi phí cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe của người bị ngộ độc.
Ngoài ra, nạn nhân còn được đền bù khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút do phải đi điều trị ngộ độc và phí tổn thất tinh thần. Nếu thu nhập không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
Đáng chú ý, luật sư Cường nhấn mạnh Bộ luật Dân sự cũng quy định bên gây thiệt hại phải bồi thường thêm phần chi phí và phần thu nhập bị mất của người nhà đến chăm sóc bệnh nhân.
Ngoài các khoản bồi thường, tổ chức hay cá nhân cung cấp thực phẩm còn phải nộp phạt theo chế tài của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP.
Cơ quan quản lý có chịu trách nhiệm?
Cùng theo dõi vụ ngộ độc liên quan sản phẩm pate Minh Chay, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) phân tích theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ, bên gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức sản xuất, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy định về ATTP.
Về hình sự, Điều 317 Bộ luật Hình sự quy định các mức xử phạt về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tùy tính chất, mức độ mà người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng, phạt tù thấp nhất 1 năm, cao nhất là 20 năm.
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Ảnh: BVCC.
Đánh giá vụ ngộ độc hàng loạt liên quan việc sử dụng sản phẩm pate Minh Chay là nghiêm trọng, luật sư cũng đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP.
Theo luật sư, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010 nêu rõ Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều phải có trách nhiệm quản lý an toàn trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm.
"Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định trong trường hợp những cơ quan này không hoàn thành trách nhiệm của mình thì bị xử lý ra sao", luật sư Tuấn Anh nói.
Do đó, tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều 1/9, cả 3 sở Công Thương, Nông nghiệp và Y tế Hà Nội đã phủ nhận trách nhiệm quản lý chính dù cơ sở sản xuất pate Minh Chay nằm trên địa bàn.
Theo luật sư, trong vụ việc này, điều mà các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP cần làm là phối hợp với gia đình các nạn nhân và đơn vị liên quan để tìm ra nguyên nhân, xử lý nghiêm hành vi dẫn đến hậu quả không mong muốn này.
Từ ngày 13/7, Bộ Y tế ghi nhận 9 ca bệnh có triệu chứng mệt mỏi, sụp mí, liệt cơ, khó thở sau khi sử dụng pate Minh Chay ở một số địa phương. Đại diện Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới đã gửi tin nhắn thu hồi sản phẩm và xin lỗi khách hàng.
Ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm có thông báo khẩn về việc sản phẩm pate Minh Chay có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B mang độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng tạm thời không mua, sử dụng các sản phẩm của công ty này.
Sức khỏe 2 chị em nhiễm độc từ pate Minh Chay giờ thế nào? 2 chị em ở Long An ăn pate Minh Chay hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. Chiều 1/9, Trung tâm báo chí TP.HCM phối hợp cùng Ban Quản lý ATTP thành phố tổ chức họp báo liên quan việc 9 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc Clostridium botulinum type B có trong thực phẩm pate...