Lạm phát năm 2019: Liệu có trong tầm kiểm soát?
Chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho rằng sức ép lạm phát ngày càng lớn.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm 2019 vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.
Quốc hội “chốt” chỉ tiêu CPI năm 2019 khoảng 4%. (Ảnh minh họa)
Chỉ tiêu CPI khoảng 4% là phù hợp?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là chỉ tiêu được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu CPI ở mức cụ thể là “dưới 4%”, có ý kiến đề nghị “dưới 4,1%”, chứ không ghi là “khoảng 4%”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu CPI khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội đánh giá, việc chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến cả năm 2018 tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội giao. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất cao của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà Hải cũng lưu ý, qua báo cáo của Chính phủ, để có thể kiểm soát được chỉ số CPI thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp rất tích cực và quyết liệt, trong đó có cả giải pháp mang tính hành chính như là quản tăng giá điện, thuế môi trường thông qua xăng dầu và các giá dịch vụ khác.
Theo bà Hải, có 2 mặt của một vấn đề cần quan tâm là: Ngân sách nhà nước năm nay ít nhiều cũng bị ảnh hưởng trong cân đối thu chi trong thời gian còn lại của năm 2018 và áp lực này sẽ dồn đẩy sang năm 2019 trong việc điều hành thực hiện kiềm chế lạm phát. Do đó, Chính phủ cần phải có kế hoạch thật tốt cho việc thực hiện kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng và kiềm chế lạm phát trong năm 2019.
Mục tiêu khoảng 4% có vẻ “mơ hồ”?
Đề cập vấn đề lạm phát, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho rằng: Trong khi lạc quan về tăng trưởng, Chính phủ có vẻ “thiếu tự tin” đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ông Lộc phân tích: Trong ba năm qua, đặc biệt là năm 2018, Việt Nam vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4%, bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm, về tỷ giá diễn ra đồng thời. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. “Vậy, tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu, kiềm chế lạm phát dưới 4%?” – ông Lộc đặt vấn đề.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI
Chủ tịch VCCI băn khoăn: Tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào? Nếu lạm phát là 4,1%, 4,2% thì có thể chấp nhận được nhưng nếu 4,3%, 4,4% hay 4,5% thì có thể coi là hoàn thành nhiệm vụ được không?
Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, việc chuyển từ mục tiêu cứng rõ ràng “dưới 4%” sang một mục tiêu mềm có phần mơ hồ hơn, “khoảng 4%” là một bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả sẽ khó lường. Bởi khi Chính phủ không bị ràng buộc bằng một mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng thì sự quyết liệt trong việc thực hiện sẽ giảm đi nhiều, các bộ, ngành sẽ không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra những đề xuất tăng giá, phá giá, điều chỉnh giá hay đưa ra các sắc thuế mới.
Nếu Chính phủ bằng lòng với mục tiêu lạm phát trên 4% thì người dân có quyền đặt câu hỏi liệu trong tương lai mục tiêu lạm phát có được điều chỉnh thành khoảng 5% hay 6% và liệu các nhà đầu tư có tin rằng ổn định kinh tế vĩ mô sẽ luôn là mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của Chính phủ, lãi suất, tỷ giá liệu có “té nước theo mưa” cùng với sự điều chỉnh mục tiêu lạm phát của Chính phủ.
Khi thay đổi mục tiêu lạm phát từ dưới 4% thành khoảng 4%, Chính phủ dường như đang rút khỏi một “cam kết vàng” đang được người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ. Với sự điều chỉnh này Chính phủ sẽ khó bảo đảm thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là đưa lạm phát về dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ này, Chủ tịch VCCI thẳng thắn chỉ rõ./.
Trần Ngọc/VOV.VN
Nền tảng vĩ mô vững chắc, nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra sự khác biệt rõ ràng của Việt Nam so với các thị trường khu vực
Chứng khoán Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ dòng tiền ngoại, bất chấp tình hình rút ròng vốn đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên HoSE lên tới gần 32 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) và đây là lượng mua ròng kỷ lục từ trước tới nay.
Sau nhịp điều chỉnh kéo dài từ đầu tháng 4, chứng khoán Việt Nam đang có sự hồi phục khá tốt trong những ngày gần đây. Kết thúc phiên giao dịch 18/9, chỉ số Vn-Index dừng tại 993,49 điểm, tương ứng mức tăng xấp xỉ 23% so với cách đây một năm và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt thứ 2 thế giới trong cùng giai đoạn, xếp sau Russell 3000 growth (chỉ số của 3.000 công ty lớn nhất Mỹ).
Sự tăng trưởng trong thời gian qua của thị trường Việt Nam đến từ hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Thống kê KQKD quý 2/2018 cho biết, tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE đạt 34.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lợi nhuận nhóm VN30 đạt 28.400 tỷ đồng, chiếm 83% lợi nhuận thị trường có mức tăng trưởng 22% so với quý 2/2017.
Bên cạnh đó là sự ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng giúp TTCK tăng trưởng ổn định. Điều này thể hiện ở việc Việt Nam có (1) cán cân thanh toán mạnh; (2) kim ngạch xuất khẩu đang tăng; (3) thặng dư thương mại và (4) lạm phát ổn định, giúp tỷ giá không vượt ra khỏi biên độ kỳ vọng trong những tháng gần đây. NHNN đã định hướng giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nhằm kiềm chế lạm phát và điều này có vẻ đã đem lại hiệu quả tích cực với lạm phát đã giảm trở lại xuống dưới 4%.
Biến động Vn-Index trong 1 năm qua
Nền tảng vĩ mô vững chắc, chứng khoán Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền
Với những yếu tố kể trên, chứng khoán Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ dòng tiền ngoại, bất chấp tình hình rút ròng vốn đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên HoSE lên tới gần 32 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) và đây là lượng mua ròng kỷ lục từ trước tới nay.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK HSC cho rằng thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài có vẻ đã nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa nền kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế châu Á và mới nổi khác (nền kinh tế Việt Nam có thế mạnh về cơ cấu kinh tế và có tiềm năng tăng trưởng).
Đánh giá về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, HSC cho rằng trong những tuần gần đây, tâm lý nhà đầu tư trước ảnh hưởng của việc áp thuế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đối với triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có sự thay đổi. Thay vì lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm lại của hoạt động thương mại trong ngắn trung hạn thì nhà đầu tư đã tỏ ra lạc quan về khả năng chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong trung dài hạn sẽ diễn ra nhanh hơn.
Sự thay đổi này rất đáng kể và giúp thị trường chứng khoán Việt Nam miễn nhiễm ở một mức độ nhất định đối với ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin liên quan đến vấn đề thương mại. Trên thực tế, phiên tăng điểm ngày 18/9 sau thông tin Mỹ đánh thuế 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc có lẽ là dấu hiệu cho thấy cách thị trường Việt Nam sẽ phản ứng với thông tin tương tự trong tương lai. Với giả định là (1) số liệu kim ngạch thương mại tiếp tục tích cực; (2) tốc độ tăng CPI hàng tháng so với cùng kỳ dưới 4% và (3) tỷ giá sẽ vẫn tương đối ổn định. Trong khi đó đồng USD yếu đi và giá dầu tăng là thông tin tích cực đối với hầu hết các thị trường mới nổi.
Dù vậy, HSC cũng cho rằng nếu thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh mạnh thì thị trường Việt Nam cũng khó tránh khỏi sự giảm điểm. Tuy nhiên cơ sở để tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam là nơi trú ẩn tương đối an toàn đang ngày càng vững chắc và một số nhà đầu tư thậm chí có lẽ còn đang kỳ vọng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Ở đây, điều mà HSC muốn nói đến là khả năng tăng nhiều hơn/ giảm ít hơn một cách tương đối của thị trường Việt Nam so với hầu hết các thị trường khu vực và mới nổi trong vài tháng tới dựa trên những nền tảng căn bản vững mạnh.
Cũng theo HSC, Vn-Index có thể bắt đầu tiến sát đường MA 200 ngày (hiện ở tại 1023,73) trong những ngày tới.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
Tránh rủi ro lạm phát: Cần thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng cần thận trọng khi nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ linh hoạt Theo TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam bước đầu đã thể hiện...