Lạm phát giảm kỷ lục, người dân hưởng lợi
“Lạm phát 9 tháng đầu năm nay thấp kỷ lục đang tạo đà cho nền kinh tế phát triển ổn định và đời sống người dân được cải thiện”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy – Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN về mức tăng thấp kỷ lục của lạm phát từ đầu năm tới nay.
Thưa ông, lạm phát cộng dồn sau 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 0,4%- mức tăng thấp so với cùng kỳ của 10 năm qua trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn khả quan. Ông thấy có điều gì mâu thuẫn không?
- Lạm phát thấp 9 tháng đầu năm nay chủ yếu là do giá cả hàng hóa giảm, nhất là giá dầu và chi phí sản xuất kinh doanh đi xuống. Điều này là bước ngoặt lớn của chúng ta, một quốc gia từng lao đao với tình trạng giá cả tăng vượt kiểm soát, đỉnh điểm là tỷ lệ lạm phát 774% trong năm 1988.
Ảnh: Lạm phát thấp đang giúp đời sống người dân được cải thiện. Người dân đi chợ phố Thanh Hà, Hoàn Kiếm Hà Nội. Ảnh: L.H.T
Video đang HOT
Trong 2 năm gần đây, chúng ta đã thực hiện khá tốt việc kiểm soát lạm phát khi lạm phát chỉ ở con số 6%/năm. Vấn đề ở đây là Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát 5% cho cả năm 2015; nhưng đến tháng 9, lạm phát mới đạt 0,4% (tức là lạm phát tăng quá thấp và vẫn tăng dưới 1%).
Nhiều người cho rằng, lạm phát thấp như thế sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng song tôi không cho là như vậy. Chúng ta đạt tăng trưởng khả quan là nhờ sản xuất trong nước hiệu quả, nhiều chỉ số khác tốt lên. Ví dụ hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM đang cho thấy tăng trưởng kinh tế rất tốt. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai thành phố này đều tăng cao tới 8,3% và 9,1%…
Nhưng lạm phát thấp đồng nghĩa với giá cả nhiều hàng hóa trong nước giảm khiến kim ngạch xuất khẩu giảm, ảnh hưởng tới thu nhập của người dân đồng thời thu ngân sách của Nhà nước khó khăn, thưa ông?
- Tôi cho rằng năm nay chỉ có một số chỉ tiêu kinh tế là không đạt do tác động giá dầu giảm thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm, thu ngân sách từ dầu thô giảm. Còn lại CPI thấp đang có lợi cho nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Bởi lạm phát thấp làm cho giá thành sản xuất trong nước giảm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu lên. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá giảm song chúng ta vẫn xuất khẩu tốt vì thị trường vẫn ổn định. Tiêu thụ hàng hóa tốt hơn thì tăng trưởng và thu nhập của người dân sẽ tốt lên.
Không phải cứ lạm phát tăng cao thì GDP mới tăng. Lạm phát thấp có nguyên nhân quan trọng là giá xăng dầu giảm rất mạnh, làm chi phí đầu vào giảm. Bên cạnh đó, mặc dù CPI tăng thấp nhưng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay vẫn tốt. Người dân đang mở rộng sản xuất kinh doanh cho thấy CPI thấp có lợi cho họ.
Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng bắt đầu cảnh báo Việt Nam đang ngấp nghé giảm phát vì CPI thấp, ông nghĩ sao về nhận định này?
- Theo quan điểm của thế giới thì cứ 2 quý lạm phát giảm liên tiếp thì có thể gọi là giảm phát. Lạm phát của ta hiện nay vẫn tăng chứ đâu giảm để có thể coi là giảm phát. Chúng ta có tâm lý lạm phát cao nên thấy lạm phát giảm tốc lại sợ. Lạm phát hiện nay chỉ là chưa đạt đến mục tiêu 5% mà chúng ta đề ra từ đầu năm.
Tôi cho rằng lạm phát chung hiện nay thấp hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm. Đó là giá hàng hóa năng lượng và thực phẩm giảm rất mạnh, làm chi phí đầu vào giảm, đây là yếu tố tốt để đẩy tăng trưởng. Chưa kể, tổng cầu toàn nền kinh tế tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ 9 tháng tăng trên 9% so với 9 tháng năm trước, trong khi đó cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 6,22%. Điều này cho thấy, tiêu dùng vẫn trong xu hướng tăng. Và với việc tăng trưởng tín dụng và chi tiêu tiêu dùng đang tăng, lạm phát trong những tháng cuối năm có thể tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát năm 2016. Việt Nam không phải lo ngại về giảm phát, chúng ta còn xa mới đến tình trạng này.
Tính toán của cơ quan chức năng cũng chỉ ra, Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát từ 5-8% mới phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng tốt cho kinh tế. Vậy với dự báo lạm phát năm nay chỉ có thể tăng trên dưới 2% thì điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?
- Qua báo cáo trên thế giới với trên 50 nền kinh tế, gồm cả các nước phát triển, đang phát triển, thì giữa lạm phát và tăng trưởng không tỷ lệ thuận cũng không tỷ lệ nghịch. Nhưng mô hình kinh tế lượng chỉ ra, tại châu Á, châu Phi lạm phát 2 con số khoảng 11-12% là hợp lý. Còn riêng ở Việt Nam khi lạm phát ngưỡng 5-8%, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
” Lạm phát thấp làm cho giá thành sản xuất trong nước giảm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu lên. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá giảm song chúng ta vẫn xuất khẩu tốt vì thị trường vẫn ổn định. Tiêu thụ hàng hóa tốt hơn thì tăng trưởng và thu nhập của người dân sẽ tốt lên.”
Chuyên gia Phạm Minh Thụy
Vậy nên khi CPI tăng không đạt ngưỡng này sẽ xảy ra việc một số chỉ tiêu kinh tế có thể không đạt như thu ngân sách không đạt kế hoạch (thu ngân sách được tính dựa trên số liệu lạm phát tăng 5%-PV). Nhưng tôi nghĩ mặt tốt vẫn nhiều hơn bởi CPI thấp sẽ tạo điều kiện cho người dân tăng đầu tư, giảm chi phí. Điều này đã thể hiện qua việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm nay tăng mạnh (số lượng các doanh nghiệp thành lập mới tăng 29%, lên con số 68.347 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm-PV) và tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng năm nay cũng lên rất cao. CPI thấp là điều kiện tốt để Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách về tín dụng và lãi suất thích hợp.
Vậy ông nghĩ sao khi CPI thấp lại được cho là cơ hội để chúng ta thực hiện tiếp kế hoạch đưa giá một số mặt hàng theo thị trường. Giá điện, nước, xăng dầu, học phí, viện phí… có thể lại tăng lên tới đây?
- Nền kinh tế của chúng ta đang được hưởng lợi đáng kể từ việc giá năng lượng giảm xuống trong thời gian qua. Điều này đã làm giảm áp lực về lạm phát, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là kết quả của việc giá điện chưa tăng lên, cùng với việc nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu khiến cho chi phí vận chuyển giảm. Tác động này ảnh hưởng đến hầu hết toàn bộ hoạt động kinh tế, khiến cho mức giá của rổ hàng hóa chung giảm xuống. Chi phí năng lượng giảm xuống đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy vậy, tình hình lạm phát còn khá phức tạp bởi khi tiền đồng bị mất giá thì sẽ đẩy chi phí nhập khẩu cao hơn. Một khi các mức giá giảm xuống sẽ kéo theo hoạt động sản xuất thu hẹp lại, từ đó dẫn tới việc mức lương giảm xuống và kết quả là tiêu dùng sụt giảm. Do vậy tôi cho dù lạm phát thấp chúng ta vẫn cần cân nhắc khi điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng độc quyền mà Nhà nước còn quản lý giá để tránh ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân vừa mới có dấu hiệu phục hồi.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet