Làm hòa với Cuba, Mỹ kiềm chế Nga
Với quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba, Mỹ có thể kiềm chế sức ảnh hưởng của Nga tại khu vực cửa ngõ của nước này, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trong vấn đề Ukraine ngày một gia tăng.
Ngày 17/12, Tổng thống Barack Obama tuyên bố khởi động tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước cựu thù hơn 50 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng, sự kiện này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trên bình diện quan hệ song phương, mà còn tạo ra tác động chiến lược mang tầm quốc tế, đặc biệt là trong tam giác quan hệ Mỹ – Nga – Cuba.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ảnh: Reuters
“Hàng động này của Nhà Trắng sẽ kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga tại Cuba, nơi Moscow trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh từng chứng tỏ sức mạnh quân sự và kinh tế của mình”, nhà báo Mỹ Aaron Klein viết trong một bài bình luận đăng trên báo Jerusalem Post. “Nơi đây chỉ cách Mỹ 90 dặm (140 km), là sự thách thức công khai với an ninh quốc gia”.
Mâu thuẫn Mỹ – Cuba bắt nguồn từ năm cuộc Cách mạng Cuba năm 1959, khi ông Fidel Castro cùng quân cách mạng lật đổ nhà độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista. Năm 1960, Tổng thống Dwight Eisenhower ban bố lệnh cấm vận với Cuba và đoạt tuyệt quan hệ ngoại giao một năm sau đó.
Tuy nhiên, sự kiện Vịnh Con Lợn là nguyên nhân trực tiếp đưa Cuba xíchlại gần Liên Xô. Tháng 4/1961, Tổng thống John Kennedy ra lệnh hành động lật đổ chính quyền Castro nhưng thất bại. Havana đã liên minh với Moscow để tìm kiếm sự bảo vệ. Một năm sau, cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba nổ ra, kéo sâu quan hệ hai nước đi vào bế tắc.
Theo các nhà quan sát, cùng với căng thẳng Nga – Mỹ trên vấn đề Ukraine không ngừng tăng cao, Moscow có ý định tái vận dụng sách lược của Liên Xô, thiết lập quan hệ chặt chẽ với Havana nhằm đối phó với Washington.
Báo Guardian cho biết, trong tháng 7, Nga và Cuba đã đạt được thỏa thuận ngầm về việc tái thiết lập căn cứ quân sự Lourdes, nhân chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin. Đây từng là căn cứ quân sự và tình báo ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận tính xác thực của thông tin trên.
Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng cho dù sự việc này là có thật, thì cũng chỉ mang tính tượng trưng. “Việc tái lập căn cứ tình báo chỉ là hành động nhằm hăm dọa Washington, bởi công nghệ tình báo thời nay đã tiên tiến hơn nhiều”, chuyên gia quân sự Pavel Felgenhauer cho biết.
Video đang HOT
Cùng chung nhận định trên, Giáo sư Stephen Cohen của Đại học Princeton cho biết, chuyến thăm của ông Putin nhằm gửi đến Tổng thống Obama thông điệp rằng, Nga có thể bị cô lập, nhưng “chúng tôi đang trở lại nơi chỉ cách các anh 90 dặm trong sự đón tiếp nồng nhiệt”.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, sự hiện diện quân sự của Moscow suy giảm nhiều, nhưng đã có dấu hiệu tăng trở lại trong những năm gần đây. Tháng 4/2013, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã có chuyến thăm các căn cứ tình báo và quân sự chính của Cuba. Bốn tháng sau, một tàu chiến tên lửa thuộc Hạm đội Biển Đen đã chạy dọc bờ biển Cuba và cập cảng tại một số nướcTrung và Nam Mỹ.
Tháng 2/2014, cũng có tin một tàu chiến khác của Nga, Viktor Leonov CCB-175, cập cảng Cuba. Những động thái này, có thể mang theo hàng ngàn binh sỹ Nga tới Cuba trong tương lai, phần nào lý giải cách tiếp cận mới của chính quyền Obama với Cuba. Nhà Trắng cho biết họ rất mong chờ tái mở sứ quán Mỹ trên đất Cuba.
“Nhà Trắng rất mong muốn thành lập đại sứ quán tại Cuba, bởi muốn đối trọng sức ảnh hưởng của Nga tại đây”, nhà báo Klein cho biết. Hiện nay, Washington chỉ có cơ quan đại diện quyền lợi tại Havana, cấp cơ quan ngoại giao rất thấp.
Theo Klein, bầu không khí Chiến tranh Lạnh còn được thấy trong một dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua hồi đầu tháng này, nhưng ít được báo chí quan tâm, trong đó kêu gọi Obama và các nước đồng minh có hành động quân sự với Nga.
Kinh tế cũng là quân bài chiến lược mà Nga sử dụng để lôi kéo Cuba. Trong chuyến thăm hồi tháng 7, ông Putin đã xóa 90% các khoản nợ của Cuba thời Liên Xô, có tổng trị giá lên đến 32 tỷ USD. Moscow còn ký với Havana một loạt thỏa thuận công nghiệp, kinh tế và thương mại, đặc biệt là dự án thăm dò khai thác dầu tại vùng biển của quốc gia Trung Mỹ này.
Cuba rất hoan nghênh các thỏa thuận trên, bởi nước này đang cần một lượng ngoại tệ lớn để phục vụ công cuộc cải cách. Từ khi kế nhiệm anh trai vào năm 2006, Chủ tịch Cuba Raul Castro ban hành một loạt các chính sách cải tổ kinh tế và xã hội, cho phép người dân nước này được quyền mua bán bất động sản, thành lập doanh nghiệp tư, thuê nhân công, đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc giá dầu liên tục giảm những tháng qua, khiến nền kinh tế Nga đứng trước bờ vực suy thoái lớn. “Cuba cần gấp nguồn ngoại tệ mạnh, trong khi Nga và Iran đang chịu các lệnh trừng phạt, còn Trung Quốc lại là một đối tác cứng rắn”, AP dẫn lời ông Paul Webster Hare, cựu đại sứ Anh tại Cuba, bình luận. “Vì vậy, họ muốn nhanh chóng mở vòi nguồn cung ngoại tệ mới là Mỹ”.
Aaron Klein cho rằng thời điểm Obama ra tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba không hề tình cờ. Một ngày trước đó, ông Obama cho biết dự kiến ký dự luật trừng phạt mới nhằm vào kinh tế Nga. Cùng ngày, đồng rúp của Nga đạt kỷ lục rớt giá mới.
Hệ tham chiếu mới
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về việc bình thường hóa quan hệ với Cuba. Ảnh: NYT
Việc bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng cho thấy quyết tâm của Tổng thống Obama, vốn bị chỉ trích là “quá do dự” trên các vấn đề quốc tế gây tranh cãi. “Tổng thống Obama đang nỗ lực thoát khỏi hình tượng do dự, không quyết đoán trong 6 năm cầm quyền trước đây”, bình luận viên Michael Shear thuộc tờ New York Times cho biết.”Chính sách mới với Cuba là sự chuyển biến gây chấn động lớn nhất”.
Ông Obama đã bước sang nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai, không phải đối mặt với áp lực bầu cử nữa, vì vậy một quyết định gây tranh cãi như bình thường hóa quan hệ với Cuba được đặt lên vị trí hàng đầu trong nghị trình.
Các nhà phân tích cũng cho rằng vấn đề Cuba có thể trở thành hệ tham chiếu mới trong chính sách ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông và Bắc Phi. Ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ thay đổi thái độ với chính phủ mới của tướng al-Sisi tại Ai Cập, nơi mà Nga đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực khi Washington tự rời xa đồng minh cũ Cairo, sau sự kiện Mùa xuân Arab.
“Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn quá sớm để khẳng định, Obama sẽ thay đổi chính sách với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh khác của Nga, như đã làm với Cuba”, ông Klein nói.
Mỹ từng chủ trương can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này, sau khi cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dùng vũ khí hóa học với người dân. Nhưng, Tổng thống Putin đã thuyết phục Damascus thừa nhận sự tồn tại của các kho vũ khí hóa học và chấp thuận đặt chúng dưới sự kiểm soát quốc tế, đẩy lùi một cuộc tấn công quân sự chống Syria, từ đó củng cố ảnh hưởng chiến lược của Moscow tại đây.
Đức Dương
Theo VNE
Có phải Trung Quốc đã không còn "kiềm chế" ở Biển Đông?
Tại một cuộc hội thảo về những tranh cãi giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông và Biển Đông tổ chức ở Đài Bắc mới đây, ông Lâm Trình Di - một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Âu Mỹ Sinica (Đài Loan) cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc không còn áp dụng "chiến lược kiềm chế" trong tranh chấp Biển Đông".
Tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh minh họa
Trong ý kiến được hãng thông tấn Đài Loan (CNA) trích dẫn, ông Lâm nhận định, từ năm 2014, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát các tranh chấp trên Biển Đông bằng cách tiến hành các dự án cải tạo, lấn biển bất hợp pháp tại một số đảo, bãi đá (mà Bắc Kinh đã chiếm đóng trái phép ở 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - PV) để củng cố yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực.
Theo chuyên gia Đài Loan, các dự án cải tạo, lấn biển mà Trung Quốc đã và đang tiến hành trái phép ở Biển Đông không chỉ thay đổi địa mạo của quần đảo Trường Sa, mà còn chứng minh rằng Bắc Kinh đã từ bỏ "chiến lược kiềm chế" mà họ đã từng thực hiện trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này.
Chiến lược mới của Trung Quốc ở Biển Đông bây giờ là kịch liệt phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật... đồng thời, nhấn mạnh vào việc giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa các bên liên quan.
Mặt khác, Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy chính sách "ngoại giao Biển Đông" bằng cách phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Việc Trung Quốc mở rộng, cải tạo trái phép các đảo, đá ở Hoàng Sa, Trường Sa, theo ông Tống Yến Huy - một chuyên gia cũng thuộc Viện nghiên cứu Âu Mỹ Sinica, đã cho phép Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự và kiểm soát của mình ở khu vực.
Tuy nhiên, nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực cũng sẽ tăng lên do hành động này của Trung Quốc, khiến cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trở thành một thách thức lớn.
Theo Linh Phương
PetroTimes
NATO bất ngờ muốn làm hòa với Nga Tổng thư ký mới của NATO Jens Stoltenberg cho rằng, Nga là láng giềng lớn nhất của NATO. Cả NATO và Nga ở đây để cùng tồn tại... Trong phát biểu được cho là muốn cải thiện mối quan hệ với Nga, Tổng thư ký mới của NATO Jens Stoltenberg hôm 28/10 cho rằng, một NATO mạnh hơn sẽ trở thành nền tảng...