Làm gì để phòng dịch Covid-19 nơi làm việc, ký túc xá?
Bộ Y tế vừa có công văn về việc thực hiện hướng dẫn Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động.
Bộ Y tế đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các cơ sở lao động trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện Hướng dẫn này. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn lao động các cấp phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Những việc người lao động cần làm để phòng tránh mắc Covid-19 bao gồm:
Trước khi đến nơi làm việc
Người lao động tự kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe bản thân, thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn. Súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cần hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng. Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã. Nguồn nước uống phải hợp vệ sinh và có cốc dùng riêng.
Mỗi người đều có quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác (nếu cần)… Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, người lao động nên ở nhà hoặc ký túc xá, không đến nơi làm việc
Lúc này, người lao động cần thực hiện như sau:
- Đeo khẩu trang, tự cách ly ở phòng riêng, thoáng khí, giữ khoảng cách với người khác ít nhất 2 m.
- Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095), đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng.
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc, uống nước, bát, đũa,… Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không đến chỗ đông người.
- Chủ động cập nhật tình hình sức khỏe, kết quả khám cho đơn vị quản lý.
- Khi ở ký túc xá, bạn cần thông báo với Ban quản lý ký túc xá để thực hiện theo quy định.
Video đang HOT
Vị trí tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, nút bấm thanh máy, lan can… phải khử khuẩn nhiều lần mỗi ngày. Ảnh: Việt Linh.
Tại nơi làm việc
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại nơi làm việc, người lao động cần thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên như quy định. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng.
Ngoài ra, bạn không nên đưa tay lên mắt, mũi, miệng, khạc, nhổ tại nơi làm việc. Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe. Tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo ăn chín, uống chín và đầy đủ dinh dưỡng. Bạn không nên dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay…
Báo cáo với người quản lý, cán bộ y tế thực hiện xử trí theo quy định đối với trường hợp có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở tại nơi làm việc Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao nên đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2 m. Mặc quần áo phòng hộ trong trường hợp phải tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm bệnh (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay). Sử dụng phương tiện liên lạc từ xa giảm tiếp xúc trực tiếp.
Người lao động đi công tác đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác. Hãy rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 2 m đối với những người đang ho hoặc hắt hơi.
Khi có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở trong khi đi công tác, bạn nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Khi kết thúc công việc
Khi kết thúc công việc, mỗi người hãy dọn vệ sinh và vứt bỏ túi chứa khăn giấy, khẩu trang, vật dụng đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định. Sau đó, bạn rửa tay bằng xà phòng.
Trong hướng dẫn của Bộ Y tế chỉ rõ không mặc quần áo sử dụng khi làm việc về nhà, ký túc xá, nơi lưu trú. Để quần áo, vật dụng phải được làm sạch sau mỗi ca làm việc.
Trường hợp đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, bạn cần thực hiện tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ 2 lần một ngày. Nếu xuất hiện có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở, bạn hãy gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và cách ly theo quy định.
Ngoài ra, đối tượng này cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần dưới 2 m với những người khác. Thông báo cho người quản lý và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết.
Theo Zing
Chống dịch Covid-19: Đừng về quê, không tích trữ thực phẩm
Các chuyên gia cảnh báo: Chúng ta đang đặt hệ miễn dịch của mình vào tình trạng nguy hiểm vì hành động "chen chúc, đổ xô" và căng thẳng quá mức hơn là vì virus.
Một người dân mua cả bao tải rau để phòng dịch
Từ tối 6/3, sau khi thông tin Hà Nội có một người bị nhiễm Covid-19, cả thành phố lâm vào tình trạng khủng hoảng diện rộng. Người ta đổ xô vào siêu thị vơ vét tích trữ thực phẩm. Một làn sóng khác, đưa con cái ra khỏi Thủ đô "về quê tránh dịch".
Những trấn an kịp thời
Có thể nói, cả buổi sáng mạng xã hội "sôi sùng sục" vì nỗi lo đại dịch lan rộng và "không biết lúc nào đến mình". Cộng đồng mạng bên cạnh việc điên cuồng mua bán, cũng đồng thời lên án, chỉ trích bệnh nhân N.H.N với tất cả sự phẫn nộ của mình. Các topic bàn "về quê", "đi nghỉ" trở nên rôm rả đồng loạt. Hiệu ứng hòn tuyết lăn xảy ra khi người người share các hình ảnh "xếp hàng mua thực phẩm".
Rất may, gần như cùng lúc các KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), nhân sĩ, trí thức bắt đầu lên tiếng trấn an.
Anh Nguyễn Tiến Cường (CEO củathương hiệu Vua dép lốp) đăng status: "Tích trữ gạo làm cái gì? Việt Nam xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới mà. Sợ quá quên à?" khiến rất nhiều người thích thú và phì cười. Một số người đọc bắt đầu bình tĩnh lại và tự hỏi: "ừ nhỉ, có nhất thiết phải tích cốc phòng cơ"?
Người dân đổ đi mua mì tôm tích trữ vào lúc 1h sáng
Kiến trúc sư Sơn Đặng viết: "Cái việc đáng làm nhất trong những lúc khủng hoảng là phải giữ được bình tĩnh, và hành xử có lý trí. Xin vui lòng không đăng hình ảnh-tên tuổi người nhiễm bệnh. Và tránh việc rủa xả - tế sống người ta như thế, tránh việc dán nhãn thân thế, gia đình, địa vị xã hội. Xã hội cần cư xử đúng mực, giữ tâm lý vững, giữ tinh thần lạc quan, và tôn trọng nhân phẩm người khác. Đó là cách chống dịch tốt nhất"!
KOL Hằng Isabelle chia sẻ: "Việc xếp hàng mua tích trữ mì gói, giấy vệ sinh là hậu quả của tâm lý đám đông. Những người mua hàng yến rau về nhà giờ này không giải quyết được việc gì bởi rau sẽ thối trước khi được ăn hết. Trong khi họ lại tước mất nguồn rau xanh của nhiều người khác. Đừng nên rủa xả N.H.N trong khi chính chúng ta cũng đang có những phản ứng sai lầm trước dịch bệnh".
Bên cạnh đó, những khuyến cáo của Bộ Y Tế được hàng trăm KOL share rộng rãi đã phần nào trấn an được sự khủng hoảng của đám đông. "Xin đừng tích trữ đồ ăn, hạn chế đến nơi đông người. Theo dõi luồng thông tin chính thống, đừng hoang mang. Rửa tay, rửa tay và rửa tay"...
Đến đầu buổi chiều, phần lớn tin giả về bệnh nhân N.H.N cũng lần lượt được chứng thực. Theo đó, N.H.N không tham gia khai trương Uniqlo ở Việt Nam như trước đó nhiều người tung tin. N. cũng không đến tòa nhà 18T, Times City lẫn nhà người yêu ở Hapulico vì anh này hiện đang ở nước ngoài. Những thông tin này đã phần nào đem đến cho những người đang hoang mang một liều "an thần" nhẹ, bất chấp ngay sau đó Việt Nam công bố bệnh nhân thứ 18 được phát hiện bệnh trong thời gian cách ly.
Chuyên gia y tế nói gì?
Cũng như trong suốt hành trình chống Covid-19 từ đầu đến nay, đội ngũ y bác sĩ một lần nữa chứng minh tác dụng "động viên" của mình khi tích cực cập nhật thông tin và tư vấn tận tình mọi biện pháp chống dịch.
Kệ thực phẩm trống không vào lúc 8h sáng ngày 7/3 tại một siêu thị
"Người ta thường sợ hãi những thứ mà họ chưa biết. Khi đã được biết tường tận họ ắt sẽ bình tĩnh hơn. Chống dịch thực ra không khó, việc quan trọng nhất là cách ly và giữ vệ sinh sạch sẽ. Có lẽ tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn vì sắp tới khí hậu ấm dần lên. Virus Covid-19 sẽ không có điều kiện phát tán trong điều kiện nhiệt độ cao", bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng (Viện Đại học Y) cũng khẳng định: "Thực tế, không phải ai tiếp xúc với người ủ bệnh hoặc sắp khởi phát bệnh cũng bị lây nhiễm.Trong số những người tiếp xúc với người bệnh thì tỷ lệ người bị lây so với người không bị lây rất thấp". Bác sĩ Thắng dẫn chứng rất nhiều trường hợp người bình thường từng tiếp xúc với bệnh nhân cũng không hề bị lây nhiễm.
Bác sĩ Đông y Phan Vũ Bình (facebooker có gần 30 nghìn lượt theo dõi) khuyến cáo: "Mọi người đừng vội vàng về quê. Hãy tự cách ly 14 ngày, nếu không có biểu hiện gì thì mới di chuyển. Chứ giờ ai cũng đòi về quê là toang cả nước luôn.
Với tình hình dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu, chuyện như của em N. (Trúc Bạch) là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra. Khi tránh không được thì chỉ còn cách đương đầu với nó"!
Theo đó, các bác sĩ lần lượt khuyên mọi người:
Về dịch tễ: Hãy chịu khó rửa tay xà phòng bởi 80% nguy cơ lây nhiễm đến từ tay. Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi, miệng. Hãy nhớ, hiệu quả nhất và tốt nhất là rửa tay với xà phòng, sau đó mới đến nước rửa tay khô hoặc dung dịch sát khuẩn.
Hạn chế tới chỗ đông người, hạn chế các hoạt động giao lưu không cần thiết (lễ lạt, karaoke, lẩu nhậu các loại...); Ra đường chào nhau gật đầu là được. Có nơi hiện tại đã thay bắt tay bằng chạm mũi giầy thay cho lời chào.
Tránh ăn to nói lớn văng nước miếng ra xung quanh, hạn chế nói chuyện khi ở trong không gian chật như xe ô tô, thang máy... Ho, hắt hơi thì lấy ngay khuỷu tay che đậy lại.
Và đặc biệt lưu ý: khi có các triệu chứng sốt, ho, khó thở thì hãy liên hệ ngay với các cơ sở y tế để giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn và nhất thiết cần phải trình bày với chuyên viên y tế về lịch sử các chuyến đi của mình.
Về truyền thông: Đón nhận tin tức từ nguồn chính thống, có kiểm chứng, không hoang mang, hốt hoảng tạo điều kiện cho fake news bùng phát; Cảnh giác khi nhận, cẩn thận khi chia sẻ thông tin!
Về thương mại: Không đổ xô tích trữ hàng hoá, tạo khan hiếm ảo gây thiệt hại kinh tế thật.
"Hiện nay đang có tin đồn rằng bệnh nhân N rất nặng, đang phải chạy ECMO. Đây là tin giả. Theo đó, bức ảnh được cho là chụp bệnh nhân N nằm trên giường bệnh với rất nhiều ống thở cắm trên người thực ra là giả. Bởi vì, với ARDS do COVID-19, các bác sĩ sẽ chạy VV ECMO, nhưng ảnh lấy làm tin giả này lại chạy VA ECMO".
(Bác sĩ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai)
ĐẠT NHI
Theo Tiền phong
3 khuyến cáo mới của WHO phòng ngừa virus corona Covid-19 WHO tiếp tục đưa ra 3 khuyến cáo đơn giản để mọi người dân có thể dễ dàng áp dụng, phòng ngừa lây nhiễm virus corona mới. Kể từ khi ghi nhận những ca đầu tiên bị viêm phổi cấp do virus corona mới (Covid-19), Tổ chức Y tế thế giới liên tục cập nhật các khuyến cáo mới đến với người dân...