Làm điều khó tin cùng “Phù thủy trắng”, Nhật Bản đã tạo nên kỳ tích World Cup như thế nào?
Ngay sau World Cup 1998, một “siêu kế hoạch” đã được người Nhật lập ra. Họ bước vào World Cup 2002 với tư cách đội chủ nhà và không muốn thêm một lần rời giải với 3 trận toàn thua.
Công bằng mà nói, World Cup 1998 vẫn là giải đấu mà đội tuyển Nhật Bản xứng đáng nhận được những lời khen. Trong lần đầu dự giải, đại diện của châu Á chơi khá tốt khi đấu Argentina, Croatia và chỉ chịu thất bại với cách biệt tối thiểu là 0-1.
Sự nuối tiếc chỉ đến ở lượt cuối khi Nhật Bản để thua Jamaica 1-2, qua đó rời giải mà không có được điểm số nào.
Người Nhật có thể tự hào vì cuối cùng họ đã được góp mặt ở World Cup sau hơn 40 năm chờ đợi, nhưng nếu kết quả này lặp lại ở World Cup 2022, giải đấu mà Nhật Bản là đồng chủ nhà, thì e rằng không ổn.
Lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA) hiểu điều đó. HLV Takeshi Okada phải rời đi, thay thế ông là Philippe Troussier, người được mệnh danh là “Phù thủy trắng” sau những năm tháng thành công cùng bóng đá châu Phi.
Một “siêu kế hoạch” bắt đầu được lập ra…
Nhật Bản đặt kỳ vọng rất lớn cho World Cup 2002. (Ảnh: AFC)
KỲ WORLD CUP ĐẦY THAM VỌNG CỦA NHẬT BẢN
Muốn biết World Cup 2002 quan trọng ra sao với người Nhật, chúng ta phải ngược dòng trở lại năm 1996.
Đó là thời điểm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mexico bước vào vòng bầu chọn cuối cùng để giành quyền đăng cai World Cup 2002. Mexico bị đánh giá thấp hơn và cuộc đấu được dự đoán sẽ diễn ra hai đại diện của châu Á.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã có một cuộc chạy đua với quy lớn được, tốn kém và rầm rộ với quy mô khắp thế giới, đến mức chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) Sultan Ahmad Shah phải vào cuộc.
Cuối cùng, FIFA và AFC đưa ra phương án đề nghị cả hai quốc gia này đồng đăng cai World Cup 2002. Yêu cầu được đưa ra một cách rất dứt khoát: hoặc là hai nước cùng tổ chức, hoặc sẽ không có bên nào được chọn.
Phía Hàn Quốc và Nhật Bản cuối cùng chấp nhận phương án đồng chủ nhà. Cả hai không gặp nhiều khó khăn để đánh bại Mexico ở cuộc họp diễn ra vào ngày 31/5/1996.
Người Nhật háo hức đón chờ World Cup 2002, và dĩ nhiên họ cũng mong đội nhà sẽ mang tới những màn trình diễn hấp dẫn. (Ảnh: Getty)
Sau một cuộc chạy đua vất vả và ồn ào, rõ ràng JFA không muốn đội tuyển Nhật Bản thêm một lần trắng tay ở World Cup. “Phù thủy trắng” Philippe Troussier được mời về và ông có 4 năm để chuẩn bị.
“Tôi có 4 năm để sẵn sàng cho World Cup 2002 và mọi thứ là cả một quá trình dài. Cả đất nước Nhật Bản đã chuẩn bị rất nhiều thứ, từ trong đến ngoài sân cỏ để hướng đến giải đấu bóng lớn nhất hành tinh lần đầu tiên diễn ra ở châu Á. Tôi thậm chí còn tham gia vào cả việc giúp họ chọn loại cỏ phù hợp cho sân bóng.
Về chuyên môn, tôi phụ trách cùng lúc 3 đội tuyển U19, U23/Olympic và ĐTQG Nhật Bản. Số cầu thủ tôi phải quản lý lên tới hơn 150 người và tôi thích gọi đó “phòng thí nghiệm” của mình, nơi tôi đưa ra chiến lược cho cả 3 cấp độ đội tuyển để hướng đến World Cup 2002. Và quả thực, những kết quả thu lại là rất tốt”, HLV Troussier kể lại trong một cuộc phỏng vấn với AFC cách đây không lâu.
HLV Troussier phải đảm nhận một khối lượng công việc đồ sộ. (Ảnh: AFC)
Việc để một HLV cùng một lúc cầm quân ở 3 cấp độ đội tuyển quốc gia là điều vô cùng hiếm thấy của bóng đá thế giới. Tuy nhiên những gì thu lại đã chứng minh niềm tin của JFA là hoàn toàn chính xác.
Dưới bàn tay của vị chiến lược gia người Pháp, U19 Nhật Bản giành ngôi á quân giải vô địch trẻ thế giới 1999 (tiền thân của U20 World Cup), đội Olympic vào đến tứ kết Sydney 2000, trong khi ĐTQG Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 và về nhì tại Confederations Cup 2001.
“Phòng thí nghiệm” của HLV Troussier đã mang về những trái ngọt. Và đó cũng là lúc, người Nhật bắt đầu mơ về thành công ở World Cup 2002.
Nakata (áo trắng) là ngôi sao sáng giá nhất của Nhật Bản tại World Cup 2002. (Ảnh: Getty)
ĐIỀU KỲ DIỆU MANG TÊN NHẬT BẢN
Những lá thăm may rủi đưa Nhật Bản (hạng 32 thế giới) vào bảng H cùng với Bỉ (hạng 23), Nga (hạng 28) và Tunisia (hạng 31).
Đây được xem là bảng đấu khá cân bằng và người Nhật không ngần ngại đặt mục tiêu giành ít nhất 4 điểm để vào vòng knock-out với ngôi nhì bảng. Những màn chạy đà hoàn hảo với 4 trận giao hữu gặp Italia, Ukraine, Ba Lan và Thụy Điển càng khiến các cầu thủ Nhật Bản thêm tự tin.
Ngày 4/6/2002, đội tuyển Nhật Bản bắt đầu bước vào chiến dịch lịch sử.
Junichi Inamoto ăn mừng bàn thắng ghi vào lưới đội tuyển Bỉ. (Ảnh: Getty)
“Tôi không nghĩ rằng đội tuyển Nhật Bản cảm thấy áp lực cho trận mở màn. Đó là trận đấu đầu tiên tại World Cup với nhiều cầu thủ trong đội, nhưng thực tế chúng tôi đã chuẩn bị đã diễn ra tốt đẹp trong suốt 4 năm và giờ là lúc Nhật Bản sẵn sàng cho mọi thứ”, HLV Troussier nhớ lại lại trận mở màn với Bỉ.
Trong quá khứ, Nhật Bản và Bỉ chưa từng đối đầu với nhau nên hai đội tỏ ra thận trọng trong hiệp 1. Tuy nhiên những gì diễn ra trong hiệp 2 lại vô cùng mãn nhãn.
Marc Wilmots mở tỉ số ở phút 57, châm ngòi cho cuộc rượt đuổi tỉ số trên sân Saitama. Suzuki và Inamoto giúp Nhật Bản vùng lên với hai bàn thắng liên tiếp ở các phút 59 và 67, nhưng rồi Van Der Heyden đã giữ lại cho Bỉ 1 điểm với bàn gỡ hòa 2-2 khi trận đấu còn 15 phút.
Dù không thể bảo vệ chiến thắng tuy nhiên điểm số đầu tiên ở World Cup cũng khiến các cầu thủ Nhật Bản cảm thấy phấn khích. Họ xuất sắc đánh bại đội tuyển Nga ở lượt trận thứ hai nhờ pha lập công duy nhất của Inamoto, qua đó mở toang cánh cửa vào vòng 1/8.
“Nga vừa đánh bại Tunisia ở trận mở màn và tôi hiểu họ đủ khả năng để giành chiến thắng trước Nhật Bản. Nhưng có lẽ Nga đã vào trận đấu với một chút kiêu ngạo và không nghĩ chúng tôi là một đối thủ khó nhằn.
Hàng phòng ngự đội tuyển Nhật Bản đã chơi một trận rất xuất sắc, để rồi hàng công cũng tận dụng cực tốt cơ hội hiếm hoi mà chúng tôi có được. Chiến thắng trước Nga thực sự quá tuyệt vời.
Lần đầu tiên Nhật Bản thắng một trận ở World Cup và với 4 điểm, chúng tôi còn đang dẫn đầu bảng. Cả đất nước hân hoan trong men say chiến thắng và đó chính biểu tượng cho sự phát triển của bóng đá Nhật Bản.
Tôi vẫn còn nhớ sau trận đấu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi đã vào phòng thay đồ và ăn mừng chiến thắng cùng chúng tôi. Ông ấy cùng hát, cùng nhảy với các cầu thủ. Đó thực sự là một khoảnh khắc tuyệt vời”, HLV Troussier hồi tưởng lại.
Nhật Bản 1-0 Nga | Bảng H World Cup 2002 ( Video: NHK)
Ngày 14/6/2002, Nhật Bản bước vào trận gặp Tunisia với khí thế cao độ và sự tự tin rất lớn. Việc cả 4 đội tuyển của bảng H vẫn còn nguyên cơ hội đi tiếp nếu giành chiến thắng ở lượt cuối khiến trận đấu diễn ra khá căng thẳng. Nhưng rồi quyết định thay đổi nhân sự trong hiệp 2 của HLV Troussier đã mang lại sự khác biệt.
“Đầu hiệp 2, tôi quyết định tung Morishima và Ichikawa vào sân để tăng cường cho mặt trận tấn công. Và rồi chỉ 3 phút sau, Morishima đã ghi bàn. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời. Mọi người trong cabin huấn luyện bùng nổ, còn cả sân vận động như phát điên.
Nhật Bản sẽ vào lọt vào vòng knock-out, chúng tôi tin rằng mình sẽ làm được điều đó. Và khi bàn thắng thứ hai đến, tất cả biết chắc rằng mình thậm chí còn giành được ngôi nhất bảng. Cả đất nước vui mừng vì kết quả này, còn với cá nhân tôi, 4 năm làm việc vất vả cuối cùng cũng mang lại kết quả mỹ mãn”.
Nhật Bản 2-0 Tunisia | Bảng H World Cup 2002 (Video: NHK)
Bảng xếp hạng bảng H.
ĐOẠN KẾT NHIỀU TIẾC NUỐI
Giành được 7 điểm sau 3 trận, đội tuyển Nhật Bản hiên ngang quyền đi tiếp với ngôi nhất bảng F. Đáng tiếc tại vòng 1/8 diễn ra 4 ngày sau đó, họ đã không thể viết tiếp câu chuyện cổ tích của mình khi thất bại 0-1 trước Thổ Nhĩ Kỳ.
“Sự thật thì đó là một trận đấu kỳ lạ. Chúng tôi ra sân lúc 3h chiều và thi đấu dưới một cơn mưa lớn. Không hiểu sao, tôi lại cảm thấy tiếc khi đội bóng của mình đứng đầu bảng.
Nếu Nhật Bản chỉ về nhì bảng F, chúng tôi sẽ đấu với Brazil vào lúc 8h tối ở Kobe. Và nếu được lựa chọn, cá nhân tôi nghĩ mình thích đối đầu với những Brazil dưới ánh đèn pha và bầu không khí đó hơn. Chưa biết kết quả thế nào, nhưng tôi tin chắc đội tuyển Nhật Bản sẽ có một màn trình diễn tuyệt vời”, vị HLV trưởng của Nhật Bản hồi tưởng lại.
Kết thúc giải đấu, HLV Troussier cũng quyết định rời đi, tuy nhiên trong suy nghĩ của mình, ông hài lòng với những gì đã xây dựng được cho bóng đá Nhật Bản.
“Tôi rất tự hào là một phần của câu chuyện về lịch sử World Cup của Nhật Bản. Người dân Nhật Bản đã không quên những gì chúng ta đạt được cùng nhau.
Bất cứ khi nào tôi trở lại Nhật Bản, tôi cảm thấy mọi người không quên Philippe Troussier. Họ đã không quên đội tuyển quốc gia Nhật Bản năm 2002 và tôi rất hạnh phúc và tự hào rằng chúng tôi đã ở trong trái tim của người Nhật Bản”, HLV Troussier trải lòng.
Hành quân tới ĐNÁ, Nhật Bản đã dứt "cơn ác mộng" 40 năm ở vòng loại World Cup như thế nào?
Hơn 40 năm trời, người Nhật mãi loay hoay trong vòng luẩn quẩn khi không thể một lần giành vé dự VCK World Cup.
"Cơn ác mộng" chỉ khép lại sau trận play-off trên đất Malaysia.
World Cup 1998 chứng kiến bước đột phá lớn khi FIFA quyết định nâng số đội tham dự vòng chung kết từ 24 lên 32. Điều này giúp cơ hội mở ra với nhiều đội tuyển châu Á, với việc số suất được tăng từ 2 lên 3,5 (3 suất chính thức, 1 suất đá play-off liên lục địa).
Với người hâm mộ Nhật Bản, đây là tin không thể vui hơn. Suốt hơn 40 năm trời kể từ vòng loại World Cup 1954, đội tuyển nước này dù rất nỗ lực nhưng chưa một lần được tham dự vòng chung kết.
Đau đớn nhất chính là ở vòng loại World Cup 1994, nơi Nhật Bản dù là đương kim vô địch châu Á nhưng vẫn thất bại trong việc giành vé tới Mỹ. Trên đất Doha (Qatar), bàn thua ở phút bù giờ trong trận gặp Iraq tại lượt đấu cuối cùng đã khiến "cơn ác mộng" của người Nhật lại dài thêm.
Phải tới khi châu Á được FIFA tăng suất, Nhật Bản mới có vé dự World Cup. (Ảnh: FIFA)
ÁM ẢNH TRỞ LẠI?
Sau "Bi kịch ở Doha", bóng đá Nhật Bản bước vào cuộc thay máu mạnh mẽ. HLV Marius Johan Ooft bị sa thải, cùng với đó là việc trẻ hóa lực lượng ở đội tuyển quốc gia. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản cũng quyết định đặt niềm tin vào HLV bản địa khi đưa ông Shu Kamo lên cầm quân.
Sau vòng loại đầu tiên, mọi thứ êm đẹp với việc Nhật Bản dễ dàng đứng nhất bảng. Bước vào vòng loại thứ hai, đội bóng xứ sở Mặt trời mọc cũng khởi đầu tưng bừng với trận thắng 6-3 trước Uzbekistan.
Thế nhưng sau đó mọi thứ nhanh chóng xấu đi. Nhật Bản hòa UAE ở lượt thứ hai, rồi thua ngược đầy cay đắng trước Hàn Quốc ngay trên sân nhà dù tới phút 83 vẫn đang dẫn trước. Chưa dừng lại ở đó, Nhật Bản tiếp tục bị Kazakhstan cầm hòa bởi bàn thua ở phút 90 2 ở lượt tiếp theo.
Chỉ giành được 5 điểm sau 4 trận, cơ hội vượt qua vòng loại World Cup 1998 của Nhật Bản trở nên vô cùng mong manh. Ở vòng loại thứ hai này, 10 đội được chia thành 2 bảng, mỗi bảng 5 đội đá vòng tròn 2 lượt tính điểm. 2 đội đầu bảng sẽ giành vé trực tiếp, trong khi 2 đội nhì bảng phải đá play-off. Đội thắng sẽ có vé tới Pháp, còn đội thua tiếp tục đấu với Australia ở trận play-off liên lục địa.
Quyết định sa thải HLV Shu Kamo nhanh chóng được đưa ra, tuy nhiên người thay thế là ông Takeshi Okada dù rất nỗ lực cũng chỉ có thể giúp Nhật Bản đứng nhì bảng B, xếp sau Hàn Quốc. Hidetoshi Nakata và đồng đội buộc phải bước vào trận play-off với Iran.
Hidetoshi Nakata là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Nhật Bản thời điểm đó. (Ảnh: AFP)
TRẬN PLAY-OFF LỊCH SỬ
Ngày 16/11/1997, trận play-off giữa Nhật Bản và Iran được diễn ra. Thay vì đá lượt đi lượt về, AFC quyết định chỉ tổ chức một trận đấu duy nhất trên sân trung lập tại sân vận động Larkin (Johor Bahru, Malaysia). Và tại đây, một cuộc rượt đuổi tỉ số nghẹt thở đã diễn ra.
Nakayama mở tỉ số cho Nhật Bản ở phút 39, tuy nhiên hai bàn thắng của Azizi (46') và Ali Daei (58') đã giúp Iran dẫn ngược lại đối thủ.
Trước viễn cảnh thua trận, HLV Okada quyết định tung Wagner Lopes và Shoji Jo để tăng cường sức mạnh hàng công. Tới phút 76, Nakata thực hiện một đường chuyền chuẩn xác, tạo điều kiện để Shoji Jo bật cao đánh đầu gỡ hòa 2-2.
Nhật Bản và Iran cuối cùng đều giành vé dự World Cup 1998.
Bước vào thời gian đá hiệp phụ, các cầu thủ Iran bắt đầu xuống sức. Tiền đạo Okano có không dưới 2 cơ hội để ghi bàn thắng vàng kết liễu trận đấu ngay trong hiệp phụ thứ nhất nhưng lại bỏ lỡ. Ở bên ngoài đường biên, HLV Okada ôm đầu và không tin vào điều vừa diễn ra. Tấm vé dự World Cup dường như vẫn đang là điều trêu ngươi người Nhật.
Nhưng rồi khi tất cả đã nghĩ đến loạt đá luân lưu thì Okano lại lên tiếng. Phút 118, Nakata bình tĩnh đi bóng rồi dứt điểm từ bên ngoài vòng cấm. Thủ môn của Iran cố đẩy bóng ra nhưng Okano đã ập vào rất nhanh, ghi bàn thắng vàng ấn định chiến thắng 3-2 cho Nhật Bản.
Nhật Bản 3-2 Iran (Play-off vòng loại World Cup 1998).
Trận đấu ngay lập tức kết thúc. Các cầu thủ Nhật Bản lao tới ôm lấy nhau trong vui sướng. Cuối cùng "cơn ác mộng" kéo dài hơn 40 năm ở vòng loại World Cup cũng kết thúc với người Nhật.
Cả sự nghiệp, Okano chỉ 2 lần lập công cho đội tuyển quốc gia nhưng 1 trong số đó lại là bàn thắng lịch sử. Tình huống này sau đó cũng đã được nhắc đến trong bộ truyện tranh nổi tiếng "Thám tử lừng danh Conan" của tác giả Gosho Aoyama.
Niềm vui của Conan (Shinichi) khi Okano ghi bàn thắng vàng đưa Nhật Bản tới World Cup (đọc từ phải qua).
Mọi thứ sau đó cũng kết thúc với một kịch bản vui cho Iran khi họ xuất sắc vượt qua Australia ở trận play-off liên lục địa. Tới vòng chung kết World Cup 1998, cả Nhật Bản và Iran đều phải dừng bước từ vòng bảng nhưng hai đội bóng đều để lại những dấu ấn nhất định.
Với Iran là trận thắng 2-1 trước đội tuyển Mỹ, trong khi Nhật Bản dù thua cả 3 trận nhưng cũng đã có được bàn thắng đầu tiên ở World Cup do công của Nakayama (trong trận thua Jamaica 1-2). Trước đó, ở hai trận gặp Argentina và Croatia, Nakata và đồng đội cũng chơi tốt và chỉ chịu thất bại với cách biệt tối thiểu là 0-1.
Messi Thái Lan bị điều trị nhầm chấn thương suốt cả năm trời Chấn thương của Chanathip trong thời gian qua bị chẩn đoán không chính xác dẫn tới việc mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Suốt thời gian qua, Chanathip thường xuyên gặp chấn thương rách cơ đùi. Lý do bởi cầu thủ 27 tuổi bị chẩn đoán tình hình không chính xác. Cụ thể, Chanathip bị trật khớp háng. Điều này khiến cơ...