Làm dịch vụ ngân hàng cần chữ “nhẫn” và chữ “tâm”, nhưng xin đừng ghép hai chữ này làm một
Một chị giao dịch viên nói với tôi rằng, dạng khách hàng nào cũng phục vụ như nhau thì có mà bù đầu tóc rối. Tôi đồng ý rằng khách hàng nên được phân loại để phục vụ tốt hơn, nhưng bất cứ khách hàng nào thì cũng cần một chuẩn mực phục vụ tối thiểu và chuẩn mực này chắc phải cao hơn cách chị giao dịch viên đó phục vụ khách hàng là một anh công nhân.
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Phan Đức Trí ở Tp. Hồ Chí Minh gửi tới cuộc thi viết về Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn đến ước mong do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———–
Khách hàng bị từ chối, không hẳn vì dịch vụ ngân hàng đó kém
Cách đây khoảng vài tháng, khi đang nhâm nhi ly cà phê buổi sáng với người bạn thời đại học, tôi được nghe câu chuyện làm thẻ tín dụng của bạn tôi. Từ trước đến nay, bạn tôi chưa bao giờ sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng, lần này vì có nhu cầu đi du lịch nước ngoài nên đã liên hệ một bạn nhân viên tư vấn để mở thẻ tín dụng của một ngân hàng nước ngoài. Lúc đầu, bạn nhân viên tư vấn rất nhiệt tình và hướng dẫn cách chuẩn bị hồ sơ mở thẻ tín dụng rất kỹ lưỡng chi tiết. Bạn tôi rất hài lòng và tấm tắc khen khợi ngân hàng nước ngoài phục vụ chuyên nghiệp. Cũng làm việc cho công ty nước ngoài và lương ở mức khá, hộ khẩu thì tại Sài Gòn nên anh rất tự tin nghĩ rằng mình sẽ được cấp thẻ tín dụng trong vòng vài nốt nhạc.
Sau 1 tuần chờ đợi, anh bắt đầu nôn nao thì nhận được câu trả lời là bộ phận thẩm định đang xem xét. Thêm 1 tuần nữa, bạn nhân viên trả lời rằng hồ sơ đã bị từ chối. Sự chờ đợi đã không được đền đáp, anh nổi giận đùng đùng và gặng hỏi lý do tại sao, và khá sốc khi biết lý do là hồ sơ anh không đủ tốt. Anh bạn tôi tất nhiên không bằng lòng với lời giải thích đó và đòi làm ra nhẽ thì bạn nhân viên đã không nghe máy nữa. Anh cũng liên lạc với tổng đài nhưng câu trả lời cũng chỉ vòng vòng cho qua chuyện. Đã vài tháng trôi qua nhưng sự bực mình của anh vẫn còn nguyên, anh bức xúc về dịch vụ của Ngân hàng và có một ánh nhìn chán nản khi nói về dịch vụ tài chính.
Tôi lặng lẽ nghe hết câu chuyện, hiểu được tâm trạng và thông cảm cho cảm xúc của anh lúc ấy. Nhưng tôi cũng cố gắng giải thích cho anh hiểu, vì tôi đã làm ngành ngân hàng khá lâu để hiểu những vấn đề sâu xa. Mỗi ngân hàng có khẩu vị rủi ro riêng nên chính sách tín dụng cũng khác nhau, đối với khách hàng, khả năng tài chính được xem là tốt như anh nhưng lại không có lịch sử tín dụng sau nhiều năm làm việc thì vẫn có thể được xem là rủi ro. Tôi biết có ngân hàng chấp nhận rủi ro này và có ngân hàng không, tôi nghĩ là bạn nhân viên tư vấn cũng không thể biết được rõ chính sách tín dụng vì thông thường bộ phận thẩm định và phê duyệt mới là người ra quyết định.
XEM THÊM TẤT CẢ CÁC BÀI DỰ THI của cuộc thi viết “Chất lượng dịch vụ ngân hàng: Từ thực tiễn tới ước mong” tại đây
Video đang HOT
Nếu đặt mình là bạn nhân viên kia, tôi cũng khó mà thỏa mãn yêu cầu của khách hàng vì khả năng có hạn, chưa kể nếu mất quá nhiều thời gian cho một khách hàng thì không thể hoàn thành các chỉ tiêu khác được. Tôi khuyên bạn tôi giao dịch với ngân hàng khác có chính sách nới lỏng hơn và đã mở được thẻ tín dụng một cách dễ dàng. Điều đó không đồng nghĩa với việc ngân hàng sau phục vụ tốt hơn ngân hàng trước mà là bạn tôi đã tìm được ngân hàng phù hợp. Nếu đơn thuần nhìn từ góc độ khách hàng thì ngân hàng sẽ không tránh khỏi việc bị đánh giá không tốt.
Phục vụ khách hàng cần chữ “nhẫn” và chữ “tâm”, nhưng xin đừng ghép 2 chữ này làm một
Tôi lại có dịp tán gẫu với người chị đang làm giao dịch viên của một ngân hàng lớn trong nước. Chị chia sẻ cho tôi kinh nghiệm phục vụ khách hàng khá là thú vị. Chị thường phân loại khách hàng thành ba dạng: khách hàng VIP, khách hàng tiềm năng và khách hàng ít tiềm năng. Thông thường các ngân hàng hiếm khi phục vụ cho mọi khách hàng cùng một chuẩn mực giống nhau. Khách hàng VIP tất nhiên sẽ được phục vụ chu đáo và ưu tiên nhất, các khách hàng này thường có tiền gửi hàng tỷ đồng, rất giàu có, ít thời gian và rất dễ nổi nóng.
Khách hàng tiềm năng và khách hàng ít tiềm năng sẽ được phân biệt theo kinh nghiệm của mỗi giao dịch viên. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc của khách hàng cùng với đọc lướt sao kê tài khoản với số dư hoặc số tiền giao dịch mỗi ngày là chị có thể đoán được khách hàng có tiềm năng với ngân hàng chị hay không. Chị thường ưu tiên phục vụ những khách hàng tiềm năng này một cách ân cần và kĩ lưỡng hơn, còn với khách hàng ít tiềm năng thì sẽ tư vấn qua loa cho đỡ mất thời gian.
Hôm trước chị gặp một anh khách hàng mà chị đoán là công nhân dựa vào bộ đồ còn dính sơn công trình. Lúc khách này vào thì chị lại đang bàn luận nhiệt tình với đồng nghiệp về bộ phim bom tấn vừa mới chiếu ở rạp, chị nhìn thoáng qua sao kê thì thấy số dư chẳng bao giờ lên đến 7 con số nên chị tự đánh giá là khách hàng dưới mức tiềm năng. Thế nên chị tiếp tục câu chuyện đang dang dở và nghĩ rằng anh khách hàng này chắc cũng chẳng gấp gáp gì. Thấy khách hàng chỉ ngồi chờ mà không nói gì, chị quên luôn là mình đang làm việc. Mãi một lúc sau, thì chị mới nhớ ra và hỏi anh này cần gì thì anh khách hàng này đã yêu cầu kiểm tra số dư tài khoản mà chưa thấy trả lời, chị hỏi sao không đăng ký dịch vụ SMS hoặc Internet Banking cho thuận tiện, chỉ tốn có vài ngàn đồng mỗi tháng. Anh trả lời muốn tiết kiệm dù chỉ là một đồng, chị thở dài và viết số dư vào tờ giấy nhỏ. Anh khách hàng nhờ chị tư vấn thêm vài dịch vụ khác nhưng chị trả lời qua loa một cách thờ ơ và yêu cầu anh lên trang web ngân hàng tự tìm hiểu thêm. Chị bảo tôi rằng nếu ngày nào mà chị dành quá nhiều thời gian để phục vụ loại khách hàng này thì chắc là ngày đó là ngày chị bước chân trái khi ra khỏi nhà.
Tôi nghe xong, chỉ hỏi chị nếu chị là anh khách hàng kia thì chị có buồn hay than phiền dịch vụ ngân hàng không. Chị bảo tôi buồn cười vì giả dụ vớ vẩn, phục vụ khách hàng nào cũng như nhau thì có mà bù đầu tóc rối. Tôi đồng ý là khách hàng nên được phân loại để phục vụ tốt hơn, nhưng bất cứ khách hàng nào thì cũng phải có một chuẩn mực tối thiểu và chuẩn mực tối thiểu này chắc cũng phải cao hơn cách chị phục vụ anh khách hàng kia.
Câu chuyện phục vụ khách hàng là một vòng lặp khi khách hàng đổ lỗi ngân hàng dịch vụ kém, ngân hàng lại đổ lỗi khách hàng không chịu tìm hiểu và có quá nhiều đòi hỏi. Ai cũng có lý do riêng của họ với câu hỏi ngân hàng cần khách hàng hay khách hàng cần ngân hàng không lời đáp. Ngân hàng đã cố gắng đưa ra nhiều dịch vụ điện tử hỗ trợ cho việc phục vụ khách hàng được thuận tiện nhất nhưng đâu đó vẫn còn nhiều khúc mắc khó mà giải quyết triệt để. Điều quan trọng nhất là nhân viên ngân hàng nên cần hai chữ: chữ nhẫn và chữ tâm khi làm việc với khách hàng. Chữ nhẫn là sự kiên nhẫn, cảm thông với đòi hỏi của khách hàng còn chữ tâm là làm việc với trách nhiệm của người đại diện ngân hàng. Phục vụ khách hàng thì luôn cần 2 chữ này nhưng xin hãy nhớ đừng ghép chúng lại với nhau.
Tác giả dự thi: Phan Đức Trí
Theo Trí thức trẻ
Cơ chế hoạt động của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới
Chính phủ các nước và giới đầu tư trên toàn thế giới thường theo dõi sát sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì nhất cử nhất động của ngân hàng này đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Vậy thể chế này thực sự hoạt động như thế nào?
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
"Sứ mệnh kép"
Fed được thành lập vào ngày 23/12/1913 dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Khác với hầu hết các ngân hàng trung ương khác, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chỉ tập trung vào việc kiềm chế lạm phát, thì Quốc hội Mỹ lại giao cho Fed "sứ mệnh kép". Một mặt, Fed có nhiệm vụ thúc đẩy thị trường lao động và sự ổn định của giá cả thông qua chính sách tiền tệ của mình. Mặt khác, đây cũng là một trong những cơ quan được giao trách nhiệm quản lý các ngân hàng và đảm bảo sự ổn định, lành mạnh của hệ thống tài chính, chức năng đã thể hiện rõ nét trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hệ thống của Fed
Fed được dẫn dắt bởi Hội đồng Thống đốc ở Washington, gồm bảy thành viên do tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện thông qua, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell (dù hiện hội đồng này chỉ có 4 thành viên). Ngoài ra, còn có 12 chi nhánh Fed ở các khu vực trên toàn nước Mỹ để theo dõi các nền kinh tế và ngân hàng ở địa phương.
Mỗi năm, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nhóm họp tám lần để thảo luận chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, FOMC thường xuyên có những cuộc họp khẩn cấp, thậm chí là thông qua điện đàm. Ủy ban này gồm 12 thành viên có quyền bỏ phiếu: bảy thành viên của Hội đồng Thống đốc, chủ tịch Fed chi nhánh New York và bốn chủ tịch của các chi nhánh khác sẽ luân phiên có mặt trong ủy ban này mỗi năm.
Hoạt động độc lập
Quốc hội Mỹ thành lập Fed để hoạt động như một cơ quan độc lập của chính phủ. Các thành viên của Hội đồng Thống đốc có nhiệm kỳ 14 năm để theo dõi ảnh hưởng của các chu kỳ bầu cử và Quốc hội không cấp kinh phí cho các hoạt động của Fed.
Dù chủ tịch Fed phải báo cáo với Quốc hội hai lần/năm và đây là lúc để Fed lắng nghe những nhận xét về chính sách của mình, nhưng không giống như các ngân hàng trung ương khác như ECB, các chủ tịch Fed trong mấy chục năm trở lại đây thường từ chối bình luận công khai về các quyết định của Fed. Thế nhưng, Tổng thống Donald Trump lại nhiều lần chỉ trích Fed với những ngôn từ không mấy "nể nang", khi cho rằng ngân hàng trung ương này đã "vượt khỏi tầm kiểm soát".
Lãi suất
Công cụ chính để chèo lái nền kinh tế của Fed là lãi suất cơ bản, mức lãi suất mà các ngân hàng tính cho các khoản vay với kỳ hạn rất ngắn. Mức lãi suất này sẽ chi phối lãi suất của các khoản vay thế chấp, vay mua ô tô, nợ doanh nghiệp và các hình thức vay khác. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp và chi phí chi tiêu của người tiêu dùng, từ đó làm tăng trưởng chậm lại và giảm lạm phát. Ngược lại, giảm lãi suất, hay nới lỏng chính sách tiền tệ, thường thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cơ bản của Fed đã ở gần mức 0 trong giai đoạn từ năm 2008 đến cuối năm 2015, thời điểm mà ngân hàng này lần đầu tiên bắt đầu tăng dần lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ. Và tính trong năm nay, Fed đã nâng lãi suất ba lần. Các quan chức của Fed phải luôn theo sát những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể sẽ tăng lên, bao gồm giá cả, tiền lương và thất nghiệp, để có thể phản ứng kịp thời. Fed đã phải nâng lãi suất lên 20% sau khi lạm phát tăng mạnh từ năm 1979-1980.
FOMC sẽ quyết định biên độ suất mục tiêu, còn Fed chi nhánh New York sẽ mua hoặc bán trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại để kiểm soát lãi suất bằng cách tăng hay giảm lượng trái phiếu sẵn có.
Bên cạnh đó, Fed còn quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tức là khoản tiền dự phòng mà các ngân hàng luôn phải duy trì. Nếu các giao dịch trong một ngày khiến cho lượng tiền dự trữ của một ngân hàng bị thiếu hụt vào thời điểm chốt phiên thì ngân hàng đó phải vay ngắn hạn từ Fed hoặc ngân hàng khác.
Vì vậy, Fed còn có thêm những công cụ như tăng hoặc giảm lượng tiền dự trữ bắt buộc và lãi suất đối với lượng tiền dự trữ dôi dư mà các ngân hàng gửi ở Fed.
Khánh Ly (Theo AFP)
Hội nghị thường niên IMF-WB kêu gọi các nước sẵn sàng đương đầu với rủi ro Ngày 13/10, Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Nusa Dua, Bali, Indonesia, đã bế mạc với lời kêu gọi các nước chuẩn bị đương đầu với những rủi ro tiềm tàng do bất đồng thương mại và những căng thẳng khác gây ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và...