Làm bánh bèo Quảng Nam giải khuây mùa dịch
Chén bánh bèo làm từ bột gạo tự xay, ăn kèm nước nhưn tôm thịt thơm mùi hành, tiêu, chan chút nước mắm rất thích hợp làm điểm tâm.
Bánh bèo là một trong những món có nhiều biến thể nhất của ẩm thực Việt Nam. Mỗi vùng miền ăn bánh bèo theo một kiểu khác nhau. Bánh bèo Huế nhỏ xíu, ăn kèm tôm tươi giã nát. Bánh bèo Hải Phòng lại khá giống bánh đúc còn bánh bèo miền Tây thì có vị ngọt, ăn kèm muối vừng hoặc đậu phộng… Trong số đó, không thể không nhắc tới bánh bèo Quảng Nam đựng trong chén nhỏ ăn kèm nước nhưn sền sệt mang màu đỏ của gạch tôm. Những ngày rảnh rỗi, bạn có thể tự làm món này tại nhà.
Mâm bánh bèo đầy đủ.
Bánh bèo được đúc chủ yếu bằng bột gạo và bột năng. Bạn có thể mua loại bột bánh bèo bán sẵn để tiết kiệm thời gian hoặc làm bằng gạo. Bạn trộn bột theo tỉ lệ 220 gram bột gạo, 30 gram bột năng và nửa muỗng cà phê muối. Hòa hỗn hợp bột với 350 ml nước sôi để nguội rồi vắt nửa lát chanh giúp khử triệt để mùi hôi của bột. Sau đó, bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc lại, ủ bột 1-2 tiếng cho bột nở.
Nếu tự làm bột bằng gạo thì bạn ngâm 220 gram gạo trong nước lọc qua đêm, sáng hôm sau vớt ra để ráo nước rồi xay. Khi xay, bạn không nên đổ nước vào. Vừa xay vừa dùng rây lọc cho hạt bột mịn. Gạn những hạt gạo chưa nát ra xay tiếp tới khi mịn thành bột là được. Sau đó pha với bột năng, muối theo tỉ lệ tương tự khi sử dụng bột gạo.
Video đang HOT
Bột bánh bèo xay từ gạo.
Sau khi ủ bột xong, bạn khuấy bột đọng dưới đáy lên rồi thêm vào tô bột 300 ml nước sôi già (nước sôi lâu). Nước sôi giúp bột nở nhanh hơn, đồng thời làm cho chén bánh bèo có hõm ở giữa sau khi hấp. Sau cùng cho vào tô bột 20 ml dầu ăn, khuấy đều để có bề mặt láng mịn.
Bạn cho nước vào xửng hấp. Cho chén vào xửng hấp nóng trong ít nhất 3 phút. Khi chén đã nóng hổi, bạn bắt đầu đổ bột bánh bèo vào. Thích ăn bánh mỏng thì đổ bột tầm nửa chén, thích bánh dày thì đổ đầy chén. Đậy nắp lại và hấp trong khoảng 5 phút hoặc canh tới khi mặt bánh láng mịn, đạt chuẩn là được. Bánh đổ từ bột gạo tự xay sẽ mềm, lâu bị cứng hơn bánh đổ bằng bột gạo bán sẵn. Lưu ý, muốn bánh không bị nhão, dễ chín, bạn nên lựa những loại gạo nở xốp, không chọn gạo dẻo để xay thành bột gạo.
Chén bánh bèo sau khi hấp, phần giữa hơi hõm xuống.
Trong lúc ủ bánh bèo, bạn làm nước nhưn – một loại sốt ăn kèm với bánh bèo Quảng Nam. Phổ biến và dễ làm nhất là nhưn tôm thịt quen thuộc. Tuy nhiên, tùy sở thích của gia đình mà bạn chọn nguyên liệu làm nước nhưn phù hợp như biến tấu nhưn thịt bò, gà…
Thịt ba rọi xay hoặc thái hạt lựu thật nhỏ. Tôm to thì bóc sạch vỏ, băm nhuyễn. Nếu dùng tôm sông loại nhỏ cho ngọt nước thì bạn không cần lột vỏ mà hãy cắt hạt lựu như thịt. Bên cạnh đó, nấu nhưn bằng tôm có gạch, bạn không cần phải sử dụng bột gạch tôm vẫn cho ra nồi nước nhưn màu đỏ au hấp dẫn. Tôm, thịt ướp riêng với muối, đường, tiêu, hạt nêm trong khoảng 15 phút cho thấm.
Nước nhưn bánh bèo.
Hòa 20 gram bột năng trong 40 ml nước. Bạn bắc chảo lên bếp, phi đầu hành lá băm nhỏ cho vàng thơm. Kế đến, bạn xào thịt chín kỹ rồi cho tôm vào, đảo nhanh khoảng 2 phút cho tôm săn lại. Cho tiếp một củ hành tây thái hạt lựu và bột gạch tôm (nếu thích) vào cùng 300 ml nước lọc. Đợi tới hỗn hợp khi sôi trở lại, bạn hạ nhỏ lửa, nấu liu riu trong 3 phút. Vừa rưới vừa khuấy nước bột năng vào nồi nước nhưn cho đến khi hơi sánh lại. Cuối cùng, bạn thêm hành lá thái nhỏ, khuấy đều lên là xong. Khi ăn, bạn cho nước nhưn lên trên chén bánh bèo, chan chút nước mắm mặn pha ớt bột miền Trung là chuẩn chỉnh.
Bánh bèo chén Quảng Nam.
Hàng bánh bèo chén lâu đời hút khách ở Hội An
Chén bánh bèo đổ dày, nhân tôm thịt sền sệt, béo, kèm sợi cao lầu chiên giòn rụm nhai vui miệng.
Đến Hội An, nhiều du khách bỏ qua bánh bèo bởi nó không nổi tiếng trên bản đồ ẩm thực phố Hội như cao lầu, mì Quảng, bánh bao, bánh vạc... Tuy nhiên, ít người biết rằng bánh bèo là đặc sản mà bạn nên ăn thử khi du lịch nơi đây. Đa phần các tiệm bánh bèo tại Hội An đều là quán bình dân, giá thành rẻ, khoảng 3.000 - 5.000 đồng/chén. Trong đó, tiệm bánh bèo cô Tú trên đường Phan Đình Phùng là một trong những địa chỉ được dân địa phương ưa chuộng.
Quán nhỏ nép trong hẻm, biển hiệu đơn giản nên bạn phải để ý kỹ mới thấy. Chủ quán tận dụng hiên ngôi nhà cấp 4 bày vài bộ bàn ghế nhựa cho khách ăn tại chỗ. Không gian thoáng, hơi lộn xộn một chút, nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách ghé ăn lẫn mua mang đi.
Khay bánh bèo 2 người ăn tại chỗ, giá 44.000 đồng.
Sáng sớm, cô Tú đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu, đến tầm 9h là mở hàng, bán tới chiều tối thì dọn. Khác với nhiều nơi, người Hội An thích ăn bánh bèo vẫn để trong chén, không đổ chung ra đĩa lớn. Vì thế, thực khách gọi món sẽ được phục vụ từng mâm, khay theo khẩu phần. Mỗi phần 12 chén, giá 44.000 đồng, thoạt nhìn thì không nhiều, nhưng thực chất vừa đủ cho hai người ăn. Bạn có thể gọi thêm chén lẻ với giá 4.000 đồng/chén. Trà đá miễn phí.
Khu vực bếp nhỏ, sát quầy bánh nên bạn có thể xem tất cả công đoạn chế biến. Bột bánh xay từ gạo, hòa một chút bột năng, hấp lên có màu trắng đục, mềm, dẻo. Đầu bếp đổ bột vào chén cỡ lòng bàn tay, dày hơn so với bánh bèo Huế rồi đem hấp trong xửng khoảng 7-10 phút. Cô Tú vừa hấp vừa bán nên bánh luôn nóng hổi, hấp dẫn. Thực khách không bao giờ ăn phải bánh nguội.
Phần nhân bánh gồm hai thành phần chính: tôm tươi và thịt. Tôm bóc vỏ, thịt nạc heo băm nhỏ, ướp gia vị, pha thêm chút màu điều tạo màu đỏ cam. Sau khi xào tôm thịt, đầu bếp thêm lượng nước bột gạo sao cho nhân sền sệt. Khi ăn, người bán múc một muỗng nhân cho lên trên chén bánh bèo, rắc thêm chút tiêu và hành lá thái mỏng dậy mùi thơm.
Điều tạo nên sự khác biệt của bánh bèo Hội An mà ít nơi nào có chính là sợi cao lầu chiên giòn - topping "đỉnh của chóp" khiến thực khách thích thú. Vụn sợi cao lầu khô chiên phồng, không quá béo như tóp mỡ, không mềm xốp khi gặp nước như vụn bánh mì mà vẫn giữ được độ giòn vui miệng làm bạn muốn nhai nhóp nhép mãi. Bên cạnh đó, điểm nhấn của mâm bánh là chén nước mắm ớt đi kèm. Nước mắm pha theo khẩu vị người miền Trung nên hơi mặn, chỉ đơn giản là nước mắm nguyên chất, ớt tươi xắt nhỏ, chút đường, nhưng lại rất hợp khi ăn với bánh bèo.
Cách ăn bánh bèo ở Hội An cũng khá thú vị. Bạn không dùng dĩa hay muỗng mà sử dụng que tre được vót nhọn một đầu, hình dáng tương tự con dao. Khi ăn, bạn dùng que tre xẻ ngang, dọc qua tâm chén bánh bèo như cắt bánh kem, rồi lấy đầu nhọn ghim từng miếng bánh thưởng thức.
Loại bánh đặc sản ăn rồi vẫn muốn ăn lại níu chân du khách ở Phú Yên Nếu đã thưởng thức bánh bèo chén Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này. Bú Món bánh bèo có ở nhiều nơi nhưng bánh bèo chén xứ Nẫu Phú Yên luôn có nét riêng, ấy là nhờ mùi thơm nhẹ nhàng của gạo xứ đồng Tuy Hòa; loại gạo không quá dẻo để...