Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao gấp đôi ngân hàng
Các doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu với lãi suất cao gấp 2 – 3 lãi suất huy động của các nhà băng, khiến lãi suất ngân hàng khó có thể giảm trong thời gian tới.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao hơn lãi vay ngân hàng ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Lãi suất trái phiếu lên 14,5%/năm
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố phát hành trái phiếu 4 đợt với lãi suất cao nhất lên đến 14,45%/năm. Trái phiếu PDR là trái phiếu không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền. Tương tự, Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) vừa phát hành 450 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Công ty CP đầu tư Văn Phú (VPI) phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 9.5.2019 – 9.12.2021, lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên 12%/năm, các kỳ sau lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của VPBank cộng biên độ 4,3%, trả lãi 6 tháng/lần. Công ty CP chứng khoán VNDirect (VNDirect) dẫn đầu lượng phát hành với 1.460 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn từ 1 – 3 năm và lãi suất 9,5 – 11,3%/năm.
Theo Quyết định 1191 của Thủ tướng, mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu sẽ đạt 45% GDP năm 2020 và 65% GDP năm 2030; trong đó, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP năm 2020 và 20% vào năm 2030.
Theo Công ty chứng khoán MBS, từ đầu năm đến nay, có trên 60.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (DN) được phát hành, trong đó nhóm ngân hàng (NH), chứng khoán, bất động sản chiếm tỷ trọng đến 82%. Cụ thể, ngành NH phát hành trái phiếu 17.600 tỉ đồng, trong đó VPBank phát hành 5.600 tỉ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định từ 6,4 – 6,9%. Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng phát hành 16.200 tỉ đồng trái phiếu, lãi suất trên 10%/năm, cao nhất lên đến 14,5%/năm. Các DN chứng khoán huy động 15.800 tỉ đồng thông qua hình thức trái phiếu, lãi suất từ 8 – 11,3%…
Video đang HOT
So với lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các NH hiện nay từ 4 – 8,9%/năm, lãi suất trái phiếu DN cao hơn từ 2 – 3 lần và cao hơn lãi suất vay vốn NH khoảng 2 – 3%/năm.
Nên mua trái phiếu có ngân hàng bảo lãnh
Theo TS Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), đối với người có nguồn tiền nhàn rỗi, lãi suất cao là quan tâm hàng đầu. Vì thế, trái phiếu DN cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn bởi lãi suất cao hơn. Hiện quy mô thị trường trái phiếu DN còn nhỏ, nên một vài đợt phát hành trái phiếu với lãi suất 12 – 14,5%/năm vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn huy động của các nhà băng. Thế nhưng, trong bối cảnh NH đang hạn chế tín dụng, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán thì khả năng phát hành trái phiếu để huy động vốn trong cộng đồng DN sẽ ngày càng nhiều hơn. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động.
Ông Bùi Quang Tín cũng khuyến cáo: Lãi suất cao là rủi ro cao, những kênh có mức sinh lời trên 10% thì độ rủi ro sẽ càng lớn. Người mua trái phiếu cũng khó có thể cập nhật thông tin liên tục sau khi trái phiếu phát hành. Vì vậy, trái phiếu DN sau phát hành cần phải được niêm yết trên thị trường chứng khoán mới minh bạch thông tin. Ngoài ra, theo quy định hiện nay dù không bắt buộc, nhưng DN phải công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Điều này rất quan trọng mà hầu hết các đợt phát hành trái phiếu DN đều bỏ qua.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lại cho rằng lãi suất trái phiếu DN ở mức này là không cao. Ông Nghĩa phân tích tỷ lệ cho vay của các NH với bất động sản đang hạn chế, trong khi DN muốn thúc đẩy nhanh các dự án nên buộc phải phát hành trái phiếu huy động vốn. Muốn thành công, lãi suất phải hấp dẫn là điều tất yếu.
Thực tế, các DN cũng đang phải vay lãi suất cho vay trung dài hạn của các NH từ 12 – 12,5%/năm nên việc phát hành trái phiếu với lãi suất 14% thực ra không cao. Hơn nữa, DN phát hành trái phiếu không bị giám sát về giải ngân, sử dụng vốn… Nhà đầu tư mua trái phiếu DN phải tự đánh giá mức độ rủi ro nên lãi suất 14%/năm là không cao.
Đứng dưới góc độ người mua trái phiếu, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần phải đọc bản cáo bạch phát hành trái phiếu những thông tin như trái phiếu DN có được bảo lãnh bởi NH hay không, có tài sản đảm bảo là bất động sản hay không… Trường hợp có bảo lãnh của NH, thông tin phát hành trái phiếu minh bạch, tài sản bảo đảm được công chứng… thì người mua có thể an tâm.
“Gần đây tôi cũng được mời chào tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu DN nhưng đối với những DN có NH bảo lãnh phát hành, tôi mới yên tâm chứ cũng không có thời gian để nghiên cứu bản cáo bạch DN”, ông Nghĩa nói.
Theo thanhnien.vn
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: ngăn chặn lách luật
Một kẽ hở pháp lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị lợi dụng trong nhiều năm qua và làm gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư.
Lách luật bán trái phiếu doanh nghiệp nhiều năm qua
Kẽ hở ấy nằm ở khái niệm phát hành trái phiếu riêng lẻ được quy định trong Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, phát hành trái phiếu riêng lẻ được hiểu là phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet; sau khi phát hành, việc giao dịch và nắm giữ trái phiếu trên thị trường thứ cấp không bị giới hạn. Các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này để huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư (bản chất là phát hành ra công chúng) nhưng dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Số ít nhà đầu tư tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được hình dung là những tổ chức/cá nhân có nguồn lực, có kiến thức chuyên môn sâu về thị trường tài chính, hiểu và biết cách nhận diện, quản lý rủi ro như các quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp... Vì vậy, khung pháp lý cho hoạt động này (được quy định trong Nghị định 90/2011/NĐ-CP ) khá thoáng và chủ yếu là để cho thị trường tự điều tiết. Cụ thể, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp không cần phải cung cấp bản cáo bạch, sau khi hoàn tất việc phát hành thì cũng không cần công bố thông tin về tình hình hoạt động, tình hình tài chính và tiến độ sử dụng vốn. Trong khi đó, Luật Chứng khoán quy định khi phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cần cung cấp bản cáo bạch, đồng thời sau đó doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ hàng quí và khi có sự kiện bất thường. Những quy định này trong phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng là nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thế nhưng, nhiều năm qua, trái phiếu doanh nghiệp từ các đợt phát hành riêng lẻ đã được "phù phép" để chuyển quyền sở hữu cho nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cụ thể, ban đầu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho một vài nhà đầu tư để tránh các quy định khắt khe của việc phát hành trái phiếu ra công chúng. Sau đó, số trái phiếu này sẽ được phân thành những lô nhỏ và bán lại cho các khách hàng mới. Điều đáng nói là các nhà đầu tư cá nhân thường sẽ không được tiếp cận các tài liệu liên quan đến doanh nghiệp (thực ra doanh nghiệp cũng không cần công bố chi tiết). Họ mua trái phiếu chủ yếu do lãi suất hấp dẫn và tin vào đơn vị tư vấn, phân phối (là các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại). Để tăng tính hấp dẫn của trái phiếu, bộ ba doanh nghiệp - công ty chứng khoán - ngân hàng thương mại còn cam kết mua lại trái phiếu khi nhà đầu tư muốn chuyển nhượng, thậm chí là niêm yết trái phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán để tăng tính thanh khoản. Số lượng nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu tại thời điểm niêm yết thường lên đến vài trăm, thậm chí vài ngàn chứ không phải dưới 100 nhà đầu tư như khi phát hành riêng lẻ.
Với kiểu đi đường vòng này, đơn vị tư vấn và doanh nghiệp phát hành trái phiếu ít chịu những ràng buộc khắt khe về minh bạch thông tin, điều kiện phát hành so với khi phát hành trái phiếu ra đại chúng, trong khi bản chất vẫn là huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, họ có thêm cơ hội đầu tư lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng lớn hơn do thiếu những thông tin mà đáng ra những người không chuyên như họ phải được nhận khi tham gia vào thị trường này.
Giải pháp của nhà điều hành và các kịch bản ứng phó của doanh nghiệp
Trong quá trình tổng kết thực tiễn, cơ quan quản lý đã nhận diện được tình trạng lách luật để bán trái phiếu của những đợt phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân. Do đó, Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1-2-2019) đã quy định cụ thể về việc giao dịch, nắm giữ trái phiếu sau phát hành. Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong khoảng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành (trừ trường hợp theo quyết định của tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật). Sau thời gian trên, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư (trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác).
Quy định này sẽ trả các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ về đúng với bản chất của nó, đồng thời chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường phát hành trái phiếu sơ cấp. Nếu muốn huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp buộc phải phát hành trái phiếu ra công chúng với các ràng buộc khắt khe về công bố thông tin, điều kiện phát hành. Điều này thoạt nhiên sẽ loại bỏ những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu phát hành trái phiếu ra công chúng. Đối với các doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu phát hành trái phiếu ra công chúng, thời gian, chi phí và công sức bỏ ra có thể nhiều hơn so với cách làm trước đây (phát hành riêng lẻ sau đó phân phối lại). Tuy nhiên, quy định này sẽ giúp thị trường minh bạch hơn và quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Còn một cách khác để doanh nghiệp điều chỉnh hành vi phát hành trái phiếu của mình là chia nhỏ các đợt phát hành riêng lẻ và quy định giao dịch thứ cấp theo lô tối thiểu. Giả sử doanh nghiệp muốn huy động 100 tỉ đồng, họ có thể chia thành năm lần phát hành trái phiếu riêng lẻ khác nhau (mỗi lần 20 tỉ đồng), đồng thời sau khi phát hành riêng lẻ, đơn vị phân phối vẫn bán lại cho nhà đầu tư thứ cấp như cách làm cũ nhưng quy định các giao dịch thứ cấp phải được đóng gói theo lô 250 triệu đồng. Theo cách làm này, số nhà đầu tư tối đa cho mỗi lần phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ là 80 nhà đầu tư, vẫn đáp ứng quy định hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư. Tuy nhiên cách làm này tương đối phức tạp và không phù hợp nếu số tiền cần huy động lớn.
Theo thesaigontimes.vn
Lãi suất năm nay khó giảm Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 12.3. Lãi suất cho vay sẽ khó giảm Đ.N.THẠCH Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng...