Lãi suất tiếp tục là ẩn số
Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường, gần đây nhất là dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp đe dọa tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục giảm.
Vì thế, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nhận định sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Dù chịu không ít áp lực, nhưng giới chuyên môn tin rằng, mặt bằng lãi suất 2020 sẽ tiếp tục giữ ổn định.
Thời gian tới, các ngân hàng không được tăng cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV.
Theo nhận định của SSI Research, sang năm 2020, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Những diễn biến vừa qua cho thấy công tác kiểm soát hoạt động các ngân hàng nhỏ đã có hiệu quả, từ đó hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai.
Diễn biến lãi suất trong những ngày đầu năm 2020 phần nào cho thấy nhận định trên đang đúng. Sau Tết Nguyên đán 2020, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng hầu như đều giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn so với trước tết; thậm chí, một số ngân hàng còn giảm nhẹ lãi suất huy động. Điều này trái ngược với mọi năm, sau tết ngân hàng thường điều chỉnh tăng lãi suất để hút vốn chuẩn bị kế hoạch kinh doanh đầu năm.
Chẳng hạn, Techcombank vừa giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,4%/năm. Eximbank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 7,6%/năm xuống còn 7,4%/năm. Kỳ hạn 36 tháng tại ngân hàng này giảm mạnh từ 8,4%/năm xuống còn 8%/năm.
Theo báo cáo hoạt động của các TCTD trong tuần đến 31/1/2020, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn của các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất phổ biến 4,3-5,0%/năm; 5,3-7%/năm là mức lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng…
Video đang HOT
Lãi suất đầu vào ổn định là điều kiện để các ngân hàng giữ lãi suất đầu ra. Thậm chí là một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp bất lợi trong kinh doanh do tác động của dịch nCoV. Mới đây, VPBank thông báo hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm đối với những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn do dịch bệnh này như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; Lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản… Trước đó, ABBank cũng cho biết, ngân hàng này dành nguồn vốn chi phí thấp trị giá 4.000 tỷ đồng cho khách hàng của mình.
Diễn biến lãi suất hiện tại theo đánh giá của giới chuyên môn là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, với những nước chịu tác động mạnh từ dịch nCoV, chắc chắn tăng trưởng kinh tế gặp khó. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trở lại bình thường, lãi suất có thể sẽ ổn định trở lại.
Có quan điểm tương đồng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tuy ngân hàng chịu sức ép từ nhiều phía nhưng năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định. Bởi tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay nhiều khả năng tăng trưởng chậm lại so với năm 2019; trước mắt là quý I/2020 tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thậm chí kéo dài sang II/2020 nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn.
Cùng với đó, một số lĩnh vực như bất động sản có thể vẫn tiếp tục xu hướng chững lại của năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho một số lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản cũng không quá mạnh trong năm 2020. Ngoài ra, việc NHNN vẫn tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng nên sức ép lên lãi suất cũng sẽ không lớn.
Một yếu tố nữa là tỷ giá đang được điều hành tương đối ổn định. Nhiều khả năng tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nên sức ép tỷ giá lên lãi suất trong năm 2020 là không nhiều. Có điểm đáng quan ngại là lạm phát, theo đánh giá năm 2020, nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn một chút. Nhất là trong tháng 1 vừa qua, chỉ số CPI tăng 6,43% so với tháng 1/2019 cao nhất trong 7 năm trở lại đây, nhưng theo ông Thành, do dịch bệnh nCoV đang kéo giảm giá hàng hóa toàn cầu nên lạm phát năm nay không đáng quan ngại và sẽ nằm dưới ngưỡng 4%, kéo theo đó tác động của yếu tố lạm phát đến lãi suất cũng không phải là quá mạnh.
Nhận định về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, CTCK Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, có thể lãi suất sẽ giảm nhẹ trong năm 2020. Theo BVSC, tính đến nay, Việt Nam mới có một lần điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 ít hơn so với các nước trong khu vực. Hiện dư địa để Việt Nam cắt giảm tiếp lãi suất điều hành là khá nhiều nếu trong trường hợp kinh tế tăng trưởng thấp dưới mục tiêu. Mặc dù vậy, tác động của việc giảm lãi suất điều hành đến mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam là khá hạn chế. Ngoài ra, hai yếu tố là lộ trình kiểm soát rủi ro về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm dần và nâng cao năng lực tài chính theo chuẩn Basel II vẫn khiến mặt bằng lãi suất huy động khó giảm mạnh trong 2 năm tới.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, lãi suất nên duy trì ở mức hiện tại. Nhất là lãi suất huy động nên giữ mức tương đối hấp dẫn để khuyến khích người dân có thể tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Qua đó có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh đang có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn hơn như chứng khoán, vàng…
Trước diễn biến phức tạp như hiện tại, giới chuyên môn nhận định, lãi suất tiếp tục là một ẩn số trong năm 2020. Tuy nhiên, kịch bản lãi suất giảm, hoặc duy trì ổn định được đánh giá nhiều khả năng xảy ra hơn là kịch bản lãi suất tăng. Chưa kể, tại buổi làm việc với các TCTD vào ngày 6/2/2020 về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN gặp khó khăn do dịch nCoV, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, thời gian tới, các ngân hàng không được tăng cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV.
Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn
Giải mã thành công của Techcombank
Không chỉ được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá là ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, Techcombank (TCB) còn là một trong số ít các ngân hàng trong khu vực tạo lợi nhuận ở cả hai mặt của bảng cân đối tài sản (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và lợi nhuận trên tổng tài sản). Đâu là bí quyết thành công của ngân hàng này?
Kỷ lục tăng trưởng doanh thu 16 quý liên tiếp
Báo cáo tài chính quý III/2019 của Techcombank cho thấy, doanh thu 9 tháng đầu năm của ngân hàng này đang ở mức kỷ lục 14,4 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Techcombank, Tổ chức tài chính uy tín quốc tế JP Morgan đã chỉ ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, yếu tố giúp Techcombank đứng đầu về tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là chiến lược tập trung tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn dẫn đến tỷ lệ tiền gửi giá rẻ này trên tổng tiền gửi khách hàng tăng 19% trong 7 năm lên 30%. Thứ hai, cơ cấu tài sản tổng hợp giữa trái phiếu DN và cho vay khách hàng cá nhân có lãi suất cao. Và cuối cùng, Techcombank đang ở vị trí dẫn đầu trên thị trường vốn nợ trong cả mảng phát hành và phân phối trái phiếu DN. Yếu tố này sẽ dẫn đến lợi nhuận cao được duy trì trong thời gian tới.
Khách hàng giao dịch tại Techcombank.
Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường Tài chính Techcombank Vũ Minh Trường cho biết, một trong những yếu tố tác động mạnh đến kết quả kinh doanh và chiến lược của Techcombank là bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam, cụ thể là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam (FDI) tăng nhanh. Trong nước, cán cân thu - chi của Chính phủ và tỷ giá USD ổn định, thu nhập trong dân cũng tăng, tỷ lệ dân số có thu nhập cao và trung bình sẽ tiếp tục tăng thêm quanh mức 30% cho đến năm 2025. Đây là phân khúc khách hàng mục tiêu mà Techcombank hướng đến.
Ba nền tảng cơ bản
Cũng theo lãnh đạo Techcombank, nhân sự, quản trị rủi ro và vận hành; dữ liệu là 3 nền tảng mà Techcombank đang tập trung triển khai để hoàn thành mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm. Đáng chú ý, việc xây dựng dữ liệu xuất sắc giúp Techcombank am hiểu khách hàng, từ đó phát triển những dịch vụ, phương án phù hợp với từng phân khúc khách hàng trọng tâm, tạo điều kiện cho khách hàng chủ động nhận diện rủi ro và từ đó quản trị rủi ro cho ngân hàng tốt hơn. Với chiến lược này, chỉ số sức khỏe DN (OHI) năm 2019 của Techcombank đạt mức 88, nằm trong nhóm 25% ngân hàng đứng đầu Đông Nam Á. Chỉ số gắn kết và hiệu quả của nhân viên (EES) đạt 74% vào năm 2019, nằm trong top 20% của khu vực.
Theo JP Morgan, chi phí vốn của Techcombank liên tục giảm trong 5 năm qua do tỷ lệ tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (CASA) tăng. Có được điều này là nhờ sự tăng trưởng mạnh về mạng lưới và đầu tư vào kỹ thuật số đã tạo ra sự gia tăng mạnh về số lượng khách hàng và giao dịch ngân hàng điện tử. Cùng với đó là sự cải thiện của hoạt động bán thêm, bán chéo và kiểm soát tốt chi phí hoạt động.
Bằng chứng của sự mạnh tay đầu tư vào công nghệ là từ tháng 9/2016, khi Techcombank bắt đầu chương trình miễn phí hoàn toàn giao dịch chuyển khoản điện tử (E-Banking 0 đồng), số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân khi đó mới chừng 500.000 - 600.000 giao dịch/tháng, thì đến tháng 9/2019 số lượng đã tăng lên 17 - 18 triệu giao dịch/tháng, với mức tăng gần 30 lần.
Nhìn từ góc độ vận hành, giả định những giao dịch này vẫn cần giao dịch viên xử lý tại chi nhánh, có thể thấy Techcombank đã giảm được khoảng 30 lần chi phí vận hành. Và từ đó, Techcombank đã góp phần trong việc thay đổi cách người Việt dùng tiền, đặc biệt là giảm thiểu thói quen dùng tiền mặt của người dân theo kêu gọi của Chính phủ.
Với định hướng kinh doanh trên, trong năm 2019, Techcombank dự kiến sẽ có thêm trên một triệu khách hàng mới. Dựa trên nền tảng chất lượng dịch vụ và kênh điện tử, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) của Techcombank tăng 13% so với đầu năm. Hiện nay, tỷ lệ CASA trên tổng huy động của Techcombank đạt mức 30%.
Giới đầu tư và các chuyên gia kỳ vọng, Techcombank sẽ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận và cổ phiếu TCB sẽ tiếp tục vượt trội trong 12 tháng tới (định giá ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu). Đây cũng là minh chứng cho niềm tin của các cổ đông vào giá trị dài hạn của ngân hàng, khi kiên định đồng hành cùng chiến lược trong suốt 10 năm qua. Từ đó, Techcombank tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực xuất sắc và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
"Đây là quý thứ 16 Techcombank tăng trưởng doanh thu liên tiếp. Nếu so sánh lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROA), hoặc lợi nhuận trên tổng tài sản (ROE), hiện Techcombank là ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao nhất toàn ngành ngân hàng trong nước. Techcombank cũng là một trong hai ngân hàng có hiệu quả nhất khu vực, cùng Bank Central Asia của Indonesia." - Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh
Theo kinhtedothi.vn
10 điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng Việt Nam năm 2019 Việc điều hành chính sách tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trải qua một năm nhiều thử thách, thành công trong giữ ổn định chung và cải thiện chất lượng hoạt động. Ảnh minh họa. BizLIVE nhìn lại hoạt động của hệ thống trong năm 2019 qua 10 điểm nổi bật nhất. 1. Giảm nhiều loại lãi...