Lãi suất tăng, doanh nghiệp lo lắng
Nhiều doanh nghiệp lo ngại chi phí lãi vay tăng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, nhưng sử dụng vốn vay là việc đặng chẳng đừng.
Gần đây, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng tăng từ 0,2 – 0,5%/năm, kéo theo lãi suất cho vay tăng
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực xây lắp cho biết, việc ngân hàng nâng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay tăng đã đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng lên đáng kể.
“Mỗi quý, chi phí lãi vay của công ty dao động từ 11 – 12 tỷ đồng và trong quý IV/2018 có thể tăng lên 13 tỷ đồng do lãi suất tăng. Với doanh thu cả năm dự kiến đạt trên 800 tỷ đồng thì riêng chi phí lãi vay đã bằng 4 – 5% doanh thu. Tuy nhiên, vì nhu cầu sử dụng vốn nên chúng tôi vẫn phải duy trì, thậm chí bổ sung khoản vay. So với thời điểm đầu năm 2018, hiện mức lãi suất công ty đang phải chịu cao hơn khoảng 2%/năm”, vị tổng giám đốc nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải chia sẻ, với khoản vay gần 200 tỷ đồng, mỗi năm, công ty phải trả hơn 20 tỷ đồng tiền lãi. Cộng với việc giá dầu liên tiếp tăng trong 3 năm trở lại đây, từ 12.000 đồng/lít lên 18.000 đồng/lít, dẫn đến công ty phải tăng chi phí trong mỗi chuyến vận chuyển. Trong khi đó, vì áp lực cạnh tranh, giá dịch vụ của công ty thay đổi không đáng kể, khiến hiệu quả kinh doanh sa sút.
Hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, vừa hay nhỏ đều đang lo lắng về chi phí của các khoản nợ vay. Một trong những doanh nghiệp có khoản nợ vay lớn là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Tại thời điểm 30/9/2018, tổng giá trị nợ vay của HAG là 21.059 tỷ đồng, giảm 1.766 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vẫn gấp gần 2 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu.
Thực tế, nhiều ngân hàng chào mức lãi suất cho vay từ 6,5 – 7%/năm, song rất ít doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi này. Mức lãi suất vay mà nhiều doanh nghiệp đang phải trả dao động từ 8 – 11%/năm, thậm chí cao hơn. Do cần vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh mùa vụ cuối năm, nên dù lãi suất cao, doanh nghiệp vẫn phải vay.
Video đang HOT
Lãi suất cho vay tăng, nhưng không phải doanh nghiệp nào muốn vay cũng được đáp ứng. Các ngân hàng lo ngại rủi ro nợ xấu tăng nên xem xét hồ sơ vay vốn rất kỹ. Có những doanh nghiệp chấp nhận mức lãi vay chênh thêm 2 – 3%/năm so với mặt bằng chung.
Theo ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Kiên Hùng (KHS), lo ngại tỷ giá biến động, ảnh hưởng tới các khoản vay bằng USD, nhiều doanh nghiệp đã chuyển một phần vốn vay sang VND để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, lãi suất VND tăng khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, dù việc này nằm trong dự tính của doanh nghiệp từ trước.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lãi suất trong nước bắt đầu tăng từ quý III/2018 và xu hướng tăng lãi suất có thể duy trì sang năm 2019, do chịu áp lực từ một số yếu tố bên trong và bên ngoài nền kinh tế như nguy cơ lạm phát gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất USD.
Nhìn rộng ra các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines… cho thấy, các quốc gia này đã liên tục nâng lãi suất trong năm 2018 nhằm kiềm chế lạm phát. Đồng tiền của hầu hết các nước đều mất giá đáng kể trong năm 2018, nên xu hướng tăng lãi suất ở Việt Nam là khó tránh khỏi. Do đó, các doanh nghiệp phải tính toán để tái cơ cấu các khoản vay cho phù hợp với tình hình thực tế.
Gần đây, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần tăng từ 0,2 – 0,5%/năm, lên 6 – 6,7%/năm đối với kỳ hạn 6 – 9 tháng và 6,9 – 8%/năm đối với kỳ hạn 12 – 18 tháng. Đó là chưa kể một số ngân hàng áp dụng hình thức cộng lãi suất ngoài.
Các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng tăng lãi suất huy động như Vietcombank tăng thêm 0,2%/năm ở một số kỳ hạn ngắn so với tháng 10/2018; Agribank tăng lãi suất thêm 0,2 – 0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn; VietinBank và BIDV tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn, từ 0,2 – 0,4%/năm.
Lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay tăng.
Hoàng Minh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Lãi suất tiết kiệm VPBank mới nhất tháng 11/2018 có gì hấp dẫn?
Mức lãi suất cao nhất hiện tại của VPBank là 7,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng VPBank trong tháng 11 vẫn tiếp tục duy trì theo biểu mẫu được thay đổi vào tháng 9
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng VPBank trong tháng 11 vẫn tiếp tục duy trì theo biểu mẫu được thay đổi vào tháng 9.
Theo biểu lãi suất hiện tại của ngân hàng, mức lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng lãi suất dao động từ 5% đến 7,2%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của VPBank là 7,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Lãi suất huy động tại VPBank thay đổi theo kỳ hạn và số tiền gửi với các mức: dưới 100 triệu đồng; từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; từ 500 triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng và từ trên 10 tỷ đồng. Mức chênh lệch trong khoảng 0-1%/năm.
Cụ thể, các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 1 tháng như kỳ hạn từ 1 - 3 tuần có lãi suất giống nhau là 1%/năm.
Khách hàng gửi tiền kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng cho hai mức dưới 100 triệu đồng; từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng và từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng lãi suất 5,1%/năm, hai mức tiền còn lại lãi suất là 5,2%/năm.
Với kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm dưới 500 triệu đồng lãi suất 5,2%/năm, từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng lãi suất 5,3% và từ 5 tỷ đồng trở lên lãi suất 5,4%/năm.
Tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng lãi suất là 6,4%/năm cho mức tiền dưới 500 triệu đồng; 6,5%/năm cho mức tiền 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng và 6,6%/năm cho mức tiền từ 5 tỷ đồng trở lên.
Các kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và 15 tháng lãi suất 7%/năm cho tất cả các mức tiền. Mức lãi suất 7%/năm tiếp tục được áp dụng cho khoản tiền gửi dưới 500 triệu đồng kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Cùng một kỳ hạn tiền gửi trên, khách hàng gửi tiền từ 500 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng lãi suất là 7,1%/năm. Hai mức tiền còn lại lãi suất tối đa 7,2%/năm.
Ngày 28/9, VPBank đã nâng lãi suất hầu hết kỳ hạn tiền gửi. Mức điều chỉnh mạnh nhất là ở số tiền gửi nhỏ, tăng 0,4 điểm % từ 4,6% lên 5%, lãi suất cao nhất tại ngân hàng cũng tăng từ 6,9% lên 7,2% được áp dụng với kỳ hạn từ 18 tháng và số tiền trên 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VPBank triển khai rất nhiều sản phẩm tiết kiệm khác như: Tiết kiệm bảo chứng thấu chi, chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh, tiết kiệm bảo toàn thịnh vượng, tiết kiệm gửi góp linh hoạt, tiết kiệm lĩnh lãi định kỳ, tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm kỳ hạn ngày và tiết kiệm trực tuyến.
Cẩm Thư
Theo vietnamfinance.vn
Lãi suất cho vay khó giảm trước nhiều áp lực Thời gian gần đây, một số ngân hàng thương mại (NHTM), kể cả ngân hàng lớn dù còn dư dả room tín dụng nhưng vẫn tăng lãi suất huy động để đáp ứng nguồn vốn cuối năm. Điều này càng gây sức ép lên lãi suất cho vay mà các doanh nghiệp ngóng chờ hạ kể từ đầu năm. Doanh nghiệp ngóng đợi...