Lãi suất huy động đột ngột tăng, áp lực tỉ giá ‘hiện diện’
Không giống như diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động trên thị trường 1 tuần qua đã nóng trở lại khi khá nhiều các ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi suất. Cùng đó, tỷ giá chính thức USD/VND tăng để chuẩn bị cho giai đoạn nhiều áp lực vào cuối năm, đó là những diễn biến sốt dẻo trong thị trường tiền tệ tuần qua.
Lãi suất huy động VND đang có xu hướng tăng
Cập nhật diễn biến thị trường tiền tệ, lãi suất, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa cho biết: Kênh OMO tiếp tục hoạt động mạnh trong tuần vừa qua trong khi kênh tín phiếu ghi nhận 2 tuần liên tiếp không phát sinh giao dịch nào.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua kỳ hạn 63.655 tỷ đồng đối ứng với 58.566 tỷ đồng đáo hạn trên OMO. Tính chung cả tuần, NHNN đã bơm ròng qua thị trường mở là 5.089 tỷ đồng.
Lãi suất VND trên liên ngân hàng tăng liên tục trong tuần trước khi giảm khá mạnh vào ngày giao dịch cuối tuần. Diễn biến này khá tương đồng với diễn biến của lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm khi duy trì mức 3.06% đã thiết lập trong suốt cả tuần trước khi giảm tiếp 2bps về 3.04% vào ngày thứ sáu.
Tuy nhiên, không giống như diễn biến trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất huy động trên thị trường 1 tuần qua đã nóng trở lại khi khá nhiều các ngân hàng thông báo điều chỉnh lãi suất. Do mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng bị khống chế trần 5.5% nên kỳ hạn được các ngân hàng đẩy lên mạnh nhất là 6-11 tháng .
Lãi suất huy động VND tiếp tục tăng ở một số kỳ hạn đặc biệt là kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0.6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4.3-5.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5.3-6.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6.5-8.4%/năm.
Cụ thể như tại VIB (NH TMCP Quốc tế ), khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 8.4%/năm. Còn tại PVCombank (NH TMCP Đại chúng) cũng số tiền trên, gửi kỳ hạn 13 tháng là 8.5%/năm. Với SeABank (NH TMCP Đông Nam Á) khách gửi số tiền lớn, kỳ hạn 14 tháng sẽ hưởng lãi 8.2%/năm. Tại TP Bank, với số tiền 100 tỷ đồng trở lên, gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi 8%/năm và 24 tháng là 8.4%/năm.
“Nhu cầu thanh khoản cao vào thời điểm cuối năm, sự chuẩn bị cho việc giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% hiện nay xuống 40% từ 1/1/2019 và sự dịch chuyển nhu cầu tín dụng từ USD sang VND là những áp lực cơ bản khiến cho lãi suất huy động tăng”, SSI nhận xét
Đồng USD lên giá so với NDT khiến áp lực cũng đè lên cả VND từ nay đến cuối năm
Video đang HOT
Áp lực tỉ giá ‘hiện diện’
Tuần qua, tỷ giá trung tâm đạt mức kỷ lục mới – Ngày 21/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.731 đồng, tăng 5 đồng so với mức công bố sáng 20/11. Đây là mức cao kỷ lục mới của tỷ giá trung tâm, kỷ lục trước đó ở mức 22.727 đồng.Với biên độ /-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng y là 23.413 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.049 VND/USD.
Đồng CNY tiếp tục mất giá 0.2% (tỷ giá USD/CNY hiện ở mức 6.949) do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục sâu sắc khi 2 bên có những phát biểu khá gay gắt tại một cuộc họp của WTO. Cả thế giới đang chờ đợi cuộc gặp mặt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung vào cuối tháng này trong khuôn khổ hội nghị G20 với kỳ vọng sẽ đem lại những tín hiệu tích cực hơn.
Đối với tỷ giá USD/VND, tỷ giá thị trường ngân hàng được điều chỉnh tăng mạnh trong khi tỷ giá tự do lại giảm liên tục, giúp thu hẹp khoảng cách giữa 2 thị trường. Cụ thể, tỷ giá trung tâm đã tăng 22đ/USD, tỷ giá ngân hàng tăng thêm 45đ/USD ở cả 2 chiều mua-bán lên mức 23.310/23.400 trong khi tỷ giá tự do giảm 20-30đ/USD về mức 23.400/23.420.
Cán cân thương mại nửa đầu tháng 11 đã chuyển sang thâm hụt 420 triệu USD là một tín hiệu cho thấy mức độ thâm hụt có thể còn gia tăng vào mùa cao điểm cuối năm
Giá dầu thế giới trải qua 7 tuần giảm liên tiếp, mất hơn 25 USD/thùng về mức 59 USD/thùng với dầu Brent và 51 USD/thùng với dầu ngọt nhẹ, ngang bằng với cùng kỳ năm 2017. Trong tuần vừa qua, liên bộ Công thương – Tài chính đã tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng dầu bán lẻ, tính từ đầu tháng 11 đến nay giá xăng đã giảm gần 2.000đ/lít.
Diễn biến này làm giảm áp lực đối lạm phát và với lãi suất thị trường 1 đang tăng, chênh lệch lãi suất thực dương nới rộng sẽ góp phần hỗ trợ đồng VND.
Trong tuần, diễn biến có thể hỗ trợ tăng giá đồng GPB và EUR là việc Anh và EU chính thức đạt được thỏa thuận về vấn đề Brexit. Tuy vậy, sự lạc quan cũng không thể kéo dài khi thỏa thuận sơ bộ này còn phải qua vòng bỏ phiếu của Quốc hội Anh trước khi chính thức có hiệu lực. Trong khi đó vấn đề Italy đang ngày càng phức tạp. Vì vậy, chỉ số DXY vẫn dao động trong biên độ hẹp 96.7-96.9.
KHÁNH HUYỀN
Theo tienphong.vn
Chưa dừng cho vay ngoại tệ
Cho vay tín dụng ngoại tệ sẽ không dừng ngay khi cơ chế hiện hành kết thúc vào cuối năm nay mà sẽ lần lượt thực hiện trong năm 2019, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế.
Doanh nghiệp vẫn muốn vay ngoại tệ do chênh lệch lãi suất VND/USD khá lớn. Nguồn: Internet
Trước thềm Thông tư số 24/2015/ TT-NHNN quy định về cho vay tín dụng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo mới nhất, dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24 theo hướng "siết" đối tượng được vay, nhưng cởi mở hơn về thời gian cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, còn xuất khẩu thì không bị giới hạn thời gian.
Vay ngoại tệ tăng mạnh
Thời gian gần đây, NHNN chỉ công bố số liệu tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành, mà không đưa ra con số tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Tuy nhiên, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân hàng cho thấy huy động USD giảm nhưng cho vay tăng mạnh.
Tại Vietcombank, tiền gửi bằng USD quy đổi ra VND đạt 97.443 tỷ đồng. VietinBank đứng thứ hai với 91.014 tỷ đồng. Tương tự, tại MB là khoảng 22.000 tỷ đồng, các ngân hàng Sacombank, HDBank, Eximbank, Techcombank từ 9.000 đến 10.000 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy dù NHNN chủ trương "xóa sổ" cho vay ngoại tệ để thay bằng mua-bán ngoại tệ sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, nhưng vay tín dụng ngoại tệ vẫn hấp dẫn các DN.
Theo cập nhật mới nhất của NHNN, đầu tuần thứ ba của tháng 11, lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/ năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6,0%/năm.
So sánh với lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của VND thì thấp hơn khá nhiều. Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/ năm đối với trung và dài hạn.
Chính sự chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND còn lớn khiến DN vẫn muốn vay ngoại tệ và ngân hàng càng cho vay nhiều càng gia tăng lợi nhuận.
Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận từ mảng kinh doanh ngoại hối của Vietcombank đạt hơn 1.600 tỷ đồng; Techcombank lãi 246,699 tỷ đồng, tăng 43,276 tỷ đồng so với cuối năm 2017...
Tuy nhiên, chủ trương siết tín dụng ngoại tệ trong thời gian gần đây đang khiến nhiều DN, đặc biệt là DN xuất khẩu, lo lắng không còn được vay nguồn vốn chi phí thấp. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc chiến thương mại leo thang, Việt Nam vừa tham gia nhiều hiệp định thương mại, vẫn cần hỗ trợ cho các DN để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, quy định này đang tạo ra sự không bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Nới thời gian cho DN nhập khẩu
"Có một số DN thực chất không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm DN cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ. Do đó, quy định cho vay ngoại tệ sẽ được siết lại, chứ không phải để như bây giờ", vị này nói.
Mới đây, NHNN công bố dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư số 24 quy định cho vay bằng ngoại tệ với nhiều quy định mới như tách nội dung quy định cơ chế cho vay đối với các loại nhu cầu tín dụng khác nhau, ứng với thời hạn kết thúc khác nhau trong năm 2019.
Cụ thể, cho vay ngắn hạn các DN để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Trong khi đó, với cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu được thực hiện không giới hạn về thời gian.
Còn cho vay trung hạn, khách hàng vay phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay, được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu hướng quy định chi tiết về việc vay - trả nợ như: khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính ngân hàng cho vay hoặc ngân hàng khác.
Đối với ngân hàng cho vay, NHNN ràng buộc phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay tại chính ngân hàng đó.
Đưa ra những điểm mới trong dự thảo lần này, NHNN lý giải nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Theo Huyền Anh/thoibaonganhang.vn
Giá vàng ngày 26/11: Thị trường trong nước và quốc tế duy trì xu hướng giảm Đầu giờ sáng nay, giá vàng miếng giao ngay trên thị trường thế giới không có quá nhiều biến động khi được niêm yết ở ngưỡng 1223 USD/Oz. Giá vàng biến động liên tục và chốt phiên cuối tuần giảm, nguyên nhân chủ yếu do đồng USD lấy lại nhịp tăng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ...