Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ổn định
Thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với thị trường toàn cầu và các sự kiện quốc tế. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho nhà điều hành trong việc ổn định tỷ giá và lãi suất trước những áp lực từ trong nước và quốc tế.
Lãi suất VND cần được duy trì ở mức đủ hấp dẫn để tránh tình trạng người dân rút VND ra khỏi ngân hàng và mua USD.
Tỷ giá sẽ tăng?
Theo báo cáo tài chính tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI, trong tháng 10, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng thêm 12 điểm (từ 22.714 đồng lên 22.726 đồng), tương ứng với tỷ giá trần là 23.408 đồng. Mặc dù vậy, tỷ giá ngân hàng vẫn được duy trì ổn định ở mức 23.300/23.390 đồng, tỷ giá tự do dao động nhẹ quanh ngưỡng 23.450/23.470, thấp hơi chút ít so với cuối tháng 9.
Nguồn thu ngoại tệ vẫn khả quan khi cán cân thương mại nửa đầu tháng 10 thặng dư 40 triệu USD sau khi đạt thặng dư lớn 3,6 tỷ USD chỉ trong 2 tháng 8 và 9. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 10, cán cân thương mại đang thặng dư 6,33 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân trong tháng 10 đạt 1,85 tỷ USD, tổng vốn FDI đã giải ngân trong 10 tháng đầu năm 2018 là 15,1 tỷ USD, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 60 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), con số 60 tỷ USD này thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 65 tỷ USD. Điều này hàm ý rằng NHNN đã sử dụng 5 tỷ USD để can thiệp hỗ trợ VND. Tính đến cuối tháng 10, tỷ giá giao dịch của ngân hàng đã tăng 2,8% trong khi tỷ giá tự do đã vượt qua ngưỡng 3%.
Video đang HOT
Trước đây, vào năm 2015, NHNN đã chi 5 tỷ USD nhằm can thiệp thị trường ngoại hối sau khi đồng CNY mất giá mạnh. Tại thời điểm này, NHNN đã thành công trong việc tiết chế kỳ vọng của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, biến động hiện tại của tỷ giá khá khác biệt và có phần nghiêm trọng hơn trước. Theo đó, VDSC dự báo VND sẽ có khả năng mất giá hơn 3% vào năm 2019 trong kịch bản chiến tranh thương mại leo thang.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS cũng cho rằng tỷ giá VND/USD nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh tăng trong năm 2019, tức là VND vẫn tiếp tục giảm giá so với USD. Xét về yếu tố cơ bản so sánh chênh lệch lạm phát giữa hai quốc gia (Mỹ là 2% và Việt Nam là 4%) thì mức giảm giá hợp lý của VND so với USD năm 2019 khoảng 2% là hợp lý. Tuy nhiên, do năm 2016 và 2017 VND chỉ giảm rất nhẹ so với USD nên đã tích tụ khả năng giảm giá cao hơn cho năm 2019. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam trong năm 2019 sẽ có ít dư địa hỗ trợ của VND hơn là năm 2017 và 2018 khi thặng dư thương mại giảm (do ảnh hưởng của các xung đột thương mại trên toàn cầu) và nguồn cung ngoại tệ không còn dồi dào. Năm 2017 và 2018, Việt Nam có nguồn cung ngoại tệ rất lớn từ các thương vụ bán vốn nhà nước của các công ty lớn như Sabeco, POW… Theo đó, tỷ giá VND/USD sẽ tăng duới 3% trong năm 2019.
Lãi suất không tăng, nhưng khó giảm
Cùng với diễn biến của tỷ giá, lãi suất huy động VND tại các ngân hàng đã liên tục tăng trong những tháng gần đây. Không chỉ ngân hàng thương mại cổ phần nâng lãi suất mà cả ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối cũng nhập cuộc. Trong tháng 10, Agribank cùng 3 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, VietinBank, BIDV đồng loạt tăng lãi suất huy động VND với mức 0,1 – 0,3%/năm. Tại các ngân hàng cổ phần như Techcombank, Eximbank, LienVietPostBank, TPBank…, lãi suất huy động VND cũng được điều chỉnh tăng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng hiện ở mức 4,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,7% – 5,45%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 5,6 – 6,1%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, sau một thời gian dài tương đối bình ổn, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh kể từ nửa cuối tháng 10, lên mức cao nhất trong năm 2018. Theo công bố của NHNN, lãi suất liên ngân hàng áp dụng ngày 9/11 cho kỳ hạn qua đêm hiện ở mức 4,76%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 4,88%, kỳ hạn 2 tuần 4,86%, kỳ hạn 1 tháng là 4,98%; kỳ hạn 3 tháng là 5,5%/năm… Như vậy, lãi suất liên ngân hàng hiện tại còn cao hơn cả lãi suất huy động của một số ngân hàng ở cùng kỳ hạn.
Việc lãi suất liên tục tăng trong thời gian qua được các chuyên gia ngân hàng lý giải là do thanh khoản trên thị trường bớt dồi dào, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế cuối năm tăng lên khiến các ngân hàng phải tăng cường huy động. Ngoài ra, từ đầu năm 2019, quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% xuống còn 40% sẽ bắt đầu có hiệu lực. Thêm vào đó, áp lực lạm phát và tỷ giá tăng đã khiến ngân hàng buộc phải tăng lãi suất, nhằm đảm bảo chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và USD ở mức rộng để tiền đồng trở nên hấp dẫn hơn, từ đó hút tiền đồng vào hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng cao, để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cao của hệ thống ngân hàng, trong tháng 10, NHNN đã cho vay trên thị trường mở (OMO) lên tới 44.544 tỷ đồng – mức cao nhất trong tháng từ đầu năm 2018 đến nay và tập trung vào tuần cuối của tháng 10. Về tín phiếu, chỉ có 15.170 tỷ đồng được phát hành trong khi có tới 62.691 tỷ đồng đáo hạn. Tính chung cả tháng, NHNN đã bơm ròng 92.065 tỷ đồng trong đó thông qua kênh mua kỳ hạn là 44.544 tỷ đồng.
Như vậy, lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018, khối lượng OMO lưu hành đã vượt khối lượng tín phiếu, đánh dấu sự trở lại của thời kỳ bơm tiền sau một thời gian dài NHNN hút tiền thông qua phát hành tín phiếu khối lượng lớn. Xu hướng này vẫn được tiếp diễn trong tháng 11 khi tuần vừa qua, NHNN tiếp tục bơm ròng hơn 20.600 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở.
Với những diễn biến như trên, các tổ chức dự báo, mùa cao điểm cuối năm cộng hưởng với nhu cầu bảo vệ VND trong bối cảnh CNY tiếp tục mất giá khiến cho xu hướng lãi suất VND trong những tháng tới sẽ khó giảm. Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán VCBS, sau khi đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong quý 3, dư địa tăng đối với lãi suất huy động trong phần còn lại của năm 2018 sẽ là không lớn. Trong đó, các kỳ hạn trên 12 tháng sẽ có thể còn dư địa tăng nhẹ. Đối với các kỳ hạn ngắn trần huy động 5,5% sẽ vẫn được duy trì. Theo đó, lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trạng thái ổn định và ít biến động với giả định, Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu lạm phát 4%, mức giảm giá VND trong năm 2018 ở mức hợp lý quanh 2%-2,5%.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Đại học Fullbright Việt Nam:
Với lượng dự trữ ngoại hối hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể can thiệp mạnh để ổn định tỷ giá. Nhưng nếu quá cứng nhắc và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn leo thang nữa đến lúc buộc phải điều chỉnh thì mức điều chỉnh sẽ lớn và gây xáo trộn trên thị trường. Có thể hiểu động thái điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua của NHNN là dựa theo tín hiệu của thị trường và căn cứ vào những tác động từ bên ngoài. Do đó, chính sách tỷ giá nên theo hướng không để VND lên giá hay xuống giá quá nhiều so với mức bình quân của 8 đồng tiền là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam (USD, EUR, NDT, JPY, KRW, TWD, SGD và THB).
Nguyễn Hiền
Theo baohaiquan.vn
Lãi suất tiền đồng cao kìm hãm giá USD
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng ở các kỳ hạn và duy trì ở mức cao giúp USD ổn định giá trong những ngày qua.
Lãi suất tiền đồng ở mức cao
NGỌC THẠCH
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất giao dịch bình quân của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng ngày 12.11 duy trì ở mức cao sau khi tăng từ 0,2 - 0,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 4,79%/năm, 1 tháng 5,06%/năm, 3 tháng 5,24%/năm, 6 tháng 5,52%/năm... Đồng thời, doanh số giao dịch cũng tăng khá mạnh ở một số kỳ hạn. Cụ thể, đối với kỳ hạn qua đêm ở mức 23.184 tỉ đồng (tăng 1.509 tỉ đồng so với ngày 9.11), 1 tuần lên 6.373 tỉ đồng (tăng 2.493 tỉ đồng)...
Trong khi đó lãi suất USD giao dịch vẫn ở mức 2,2 - 3,97%/năm tùy kỳ hạn dẫn đến khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD trên thị trường tăng lên 2,5 - 3%/năm. Đây là một trong những yếu tố kìm hãm đà tăng của giá USD trên thị trường.
Ngày 14.11, giá USD tại Eximbank, Vietcombank ... ổn định ở mức 23.250 - 23.260 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra ở mức 23.350 đồng/USD. Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 2 đồng, còn 22.725 đồng/USD.
Thanh Xuân
Theo thanhnien.vn
Có tiền đầu tư vào đâu lợi nhuận cao nhất? Các kênh đầu tư phổ biến nhất hiện nay bao gồm gửi ngân hàng, mua ngoại tệ, chứng khoán hoặc đầu tư bất động sản... đều có những lợi ích cũng như rủi ro khác nhau. Gửi ngân hàng từ lâu đã được xem là kênh đầu tư an toàn và ổn định nhất trong các loại hình phổ biến nhưng mức lãi...