Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Tín dụng đang tăng nhanh, 8 tháng đầu năm đạt 10,23% so với mục tiêu cả năm khoảng 15 – 17%.
Lãi suất huy động ngắn hạn của các NHTM đã tăng 0,1 – 0,5%/năm trong 2 tuần đầu của tháng 9
Bài toán tỷ giá đã được hóa giải khi Fed giữ nguyên chính sách lãi suất thấp, nhưng câu chuyện lãi suất cao lại đang nóng lên khi ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ chi phí đầu vào. Vì vậy, lãi suất cho vay khó giảm thêm, nhất là với vốn trung, dài hạn.
Tăng trưởng tín dụng đang là điểm sáng của nền kinh tế và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm khi các doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm. Tuy nhiên, một nỗi lo đang khiến không ít doanh nghiệp phải suy tính khi lãi suất đầu vào của ngân hàng nhích lên, tạo mặt bằng mới. Theo nhiều chuyên gia tài chính, trước bối cảnh này, lãi suất cho vay khó kỳ vọng giảm sâu. Bài toán giảm lãi suất đang gặp trở ngại lớn khi tỷ giá tăng thời gian vừa qua.
Lãi suất huy động các ngân hàng cổ phần, nhất là ở những nhà băng quy mô nhỏ, đã nhích lên trong 2 tuần đầu của tháng 9, với các kỳ hạn ngắn điều chỉnh tăng 0,1 – 0,5%/năm. Saigonbank đã tăng thêm 0,1%/năm; VIB tăng từ 0,2 – 0,3%/năm; ABBank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại các kỳ hạn dài. Đơn cử tại SeABank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm; Viet Capital Bank là 7,4%/năm; VietA Bank cũng ở mức tương đương, nhưng dành cho khách hàng 45 tuổi trở lên.
Sở dĩ lãi suất huy động vốn tăng nhẹ, theo nhận định của các chuyên gia tài chính – tiền tệ, do áp lực huy động vốn cuối năm gia tăng khi nhu cầu tín dụng mùa cao điểm của doanh nghiệp cải thiện tích cực hơn. Vì thế, lãi suất cho vay ra khó có thể giảm dù cạnh tranh về thị phần tín dụng khá gay gắt và chính sách lãi suất thấp được xem là công cụ tốt để ngân hàng thu hút khách hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, lãi suất tiết kiệm đang tăng nhẹ do các ngân hàng thương mại e ngại sẽ có một sự chuyển dịch dòng tiền từ tiết kiệm VND sang USD và các kênh đầu tư khác, nhất là với bất động sản. Vì thế, ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để giữ chân khách hàng và thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.
Video đang HOT
“Khi lãi suất huy động trong xu hướng tăng vào cuối năm thì lãi suất cho vay cũng khó giảm”, TS. Hiếu nói.
Thực tế, huy động vốn của ngân hàng có dấu hiệu chững lại từ giữa năm 2015, trong khi tăng trưởng tín dụng lại cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến 20/8/2015, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 7,26% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,92%).
Do vậy, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay sẽ khó giảm, vì tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng hiện nay tương đối thấp, khoảng 2,5 – 2,7%. Nợ xấu vẫn đang ám ảnh ngân hàng, nên điều chỉnh lãi suất giảm khó.
Theo thông tin từ NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên ở mức khoảng 6 – 7%/năm đối với kỳ hạn vay ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên là 9 – 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thông thường 6,8 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Với mức lãi suất này, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, ngân hàng cần thiết phải xem xét điều chỉnh giảm thêm lãi suất, nhất là đối với vốn trung, dài hạn (giảm khoảng 1%), mới khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận vốn tái mở rộng đầu tư, sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, theo TS. Lịch, để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu trong bối cảnh hiện nay không dễ, bởi lạm phát kiểm soát ở mức thấp, nhưng áp lực chi phí đầu vào khó giảm khi các kênh đầu tư khác có dấu hiệu ấm lên, nhất là bất động sản; nợ xấu đòi hỏi trích dự phòng cao…
Đồng quan điểm, một thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi được các ngân hàng tăng nhẹ lên gần đây chỉ là một biến động nhỏ của thị trường khi tỷ giá VND/USD tăng lên. Mặt khác hiện nay, nhu cầu vay đang có xu hướng tăng, đặc biệt là trong các tháng cuối năm, nên lãi suất có phần tăng nhẹ và đó là yếu tố bình thường trong việc cung cầu vốn cho thị trường.
“Tuy nhiên, ngân hàng nên duy trì lãi suất tiền đồng 4 – 7%/năm, bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến từ 6 – 10%/năm để không tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp”, vị chuyên gia trên khuyến nghị.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Lãi suất tăng, ai lo hơn?
Các ngân hàng vừa có thêm đợt điều chỉnh lãi suất huy động nữa sau khi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ có biến động mạnh. Lãi suất cho vay liệu sẽ tăng trong những tháng cuối năm?
Có nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ không tăng ít nhất là từ nay đến cuối năm
Trong đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động lần này, ngân hàng còn lo hơn doanh nghiệp. Bởi, sức ép không chỉ đến từ chính các ngân hàng bạn, mà còn từ cơ quan quản lý.
Lãi suất huy động tăng là tất yếu
Năm nay tín dụng đã có mức tăng trưởng khá ngay từ những tháng đầu năm. Nhưng theo chu kỳ lâu nay, cầu tín dụng bao giờ cũng tăng cao vào những tháng cuối năm. Đây cũng là lý do khiến các ngân hàng thường thiếu hụt thanh khoản vào thời gian này. Thêm vào đó, việc tiền đồng trở nên khan hiếm hơn sau đợt biến động tỷ giá vừa qua càng khiến các ngân hàng phải sớm lo huy động thêm vốn. Vì vậy, việc họ phải đẩy lãi suất huy động một số kỳ hạn lên là điều dễ hiểu.
Mới đây Ngân hàng Bắc Á thông báo, từ 9/9 họ sẽ áp dụng biểu lãi suất mới với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là 5,4%/năm; 6 tháng là 6,4%/năm. SeABank cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm, tăng 0,4%; kỳ hạn 12 tháng tăng 0.2%, lên 6,8%/năm. Đặc biệt, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tăng thêm 0,7% cho lãi suất 6 tháng, lên 6,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm, tăng 0,3%. Từ ngày 8/9, LienViet PostBank cũng áp dụng biểu lãi suất huy động tiền đồng mới, với mức tăng 0,2% cho hầu hết các kỳ hạn.
Không chỉ tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người gửi tiền. Chẳng hạn, Nam A Bank vừa giới thiệu ra thị trường chương trình "Gửi tiền ngay - Quà liền tay", Sacombank có chương trình giao dịch qua thẻ Sacombank JCB được tặng mũ bảo hiểm, ACB có "22 năm chỉ có bạn"... Có một điểm khác biệt dễ nhận thấy ở đợt tăng lãi suất này là, các ngân hàng thương mại lớn lại đứng ngoài cuộc. VietinBank, BIDV, Vietcombank... gần như không thay đổi biểu lãi suất. Mức lãi suất huy động của những ngân hàng này hiện vẫn khá thấp. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của BIDV hiện vẫn là 4%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 4,6%/năm; 6 tháng là 5,15%/năm; 12 tháng cũng chỉ ở mức 6,5%/năm. Tại Vietcombank, các mức lãi suất áp dụng cho những kỳ hạn tương tự lần lượt là: 4%/năm; 4,5%/năm; 5% và 6%/năm.
Lãi suất huy động tăng và lực cầu về vốn tăng trong những tháng cuối năm, vậy nên một câu hỏi theo logic lập tức nổi lên là: liệu lãi suất cho vay có tăng? Khả năng này rất khó xảy ra. Vì, bản thân các ngân hàng đều rất rõ chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là xem xét giảm tiếp lãi suất cho vay. Nay ngân hàng không giảm được thì cũng khó dám tăng lãi suất cho vay. Hơn nữa, chính việc các ngân hàng thương mại lớn không tăng lãi suất huy động, lại đang cho vay nhiều chương trình tín dụng ưu đãi theo yêu cầu của Chính phủ như: cho vay tam nông, cho vay đánh bắt xa bờ, hỗ trợ thu mua lúa gạo... thì ngân hàng nhỏ sao có thể "cầm đèn chạy trước ô tô"!
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý để ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất. Chính vì thế các ngân hàng thương mại không còn con đường nào khác là sẽ phải chấp nhận giảm lãi biên. Do vậy, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ không tăng, ít nhất là từ nay đến cuối năm.
Tín dụng đã chảy về đâu?
Thời gian qua, tín dụng tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có mức tăng cao nhất 9%, với tổng dư nợ đạt 811.638 tỷ đồng. Cho vay doanh nghiệp nhỏ đạt 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07%. Cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy chỉ đạt 25.614 tỷ đồng, nhưng đã có mức tăng đến 29,12%. Còn cho vay xuất khẩu cũng có mức tăng gần 5%, nhưng con số tuyệt đối là 184.596 tỷ đồng.
Đối với các chương trình tín dụng trọng điểm thì gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở vẫn ì ạch, với mức giải ngân chỉ đạt 10.676,9 tỷ đồng trong tổng số 18.189 tỷ đồng mà các ngân hàng đã cam kết. Cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67 cũng chỉ giải ngân được 367 tỷ đồng, trong khi số vốn các ngân hàng cam kết cho 921 chủ tàu vay là 1.500 tỷ đồng. Ngoài tín dụng, các ngân hàng cũng bỏ lượng tiền không nhỏ vào tín phiếu và trái phiếu Kho bạc. Trong 8 tháng đầu năm 2015, Kho bạc Nhà nước đã phát hành được 94.258 tỷ đồng trái phiếu và 21.130 tỷ đồng tín phiếu. Khoảng trên 80% trong số này là do các ngân hàng mua.
Kết quả là, theo số liệu mới nhất từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,23%. Nếu tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức trần 17% như Ngân hàng Nhà nước đặt ra thì có nghĩa trong 4 tháng cuối năm tín dụng sẽ tăng 6,77%, tương đương gần 4 triệu tỷ đồng nữa. Số tiền này sẽ chảy về đâu? Tín dụng sẽ vẫn tiếp tục được rót vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là nông nghiệp nông thôn, mà trước mắt là cho vay thu mua lúa gạo trong vụ mùa sắp tới. Thời hạn giải ngân gói 30 ngàn tỷ đồng, nếu không được điều chỉnh, là ngày 1/6/2016. Vì vậy, các ngân hàng tham gia chương trình này sẽ phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân, ít nhất là trong số tiền họ đã cam kết.
Bên cạnh đó, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới. Bởi với nhiều doanh nghiệp, cuối năm là vụ kinh doanh chính của họ. Vì vậy nhu cầu vay vốn ngắn hạn sẽ tăng. Hơn nữa, các ngân hàng đã nhận thấy cho các doanh nghiệp này vay tuy lắt nhắt nhưng vòng quay vốn nhanh, độ rủi ro thấp hơn là cho các tập đoàn, tổng công ty vay những món lớn để rồi nợ đọng cao, khó thu hồi vốn. Thêm nữa, thông thường cuối năm cũng là mùa mua sắm, sửa chữa nhà cửa của người dân, dẫn tới nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng... Nhưng lãnh đạo một ngân hàng lớn lại cho rằng, tín dụng tiêu dùng không còn là miền đất hứa của nhiều ngân hàng nữa, bởi nỗi lo nợ xấu vẫn đang hiện hữu. Ngân hàng Nhà nước đã chốt nợ xấu phải ở mức dưới 3% nên các ngân hàng phải lo giữ tỷ lệ này. Vì thế, tín dụng cho chứng khoán, bất động sản - những lĩnh vực vốn có rủi ro cao cũng sẽ bị hạn chế trong thời gian tới.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 chỉ tăng 0,61% so với tháng 12 năm trước và CPI binh quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 0,83%. Dự báo, "khả quan" nhất là lạm phát ca năm co thê đat 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 5% mà Quốc hội đặt ra. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế lại đang ở mức tốt, khả năng sẽ vượt chỉ tiêu 6,2%. Do đó, năm nay ngành ngân hàng, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là kiềm chế lạm phát, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là các ngân hàng thương mại, sau một thời gian dài nỗ lực tái cơ cấu, giải quyết nợ xấu, giảm lãi suất cho vay... họ sẽ bước tiếp như thế nào?
Theo Thái Thanh
Diễn đàn Doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ ổn định tỷ giá, lãi suất Tại cuộc họp báo ngày 23.6 ở Hà Nội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN - bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất và tỷ giá ổn định trong 6 tháng cuối năm. Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ giữ ổn định tỷ giá và lãi suất trong những tháng cuối năm -...