Lạch Trường – Lịch sử còn in dấu
Tại vùng biển Lạch Trường, ngày 2/8/1964, những con tàu nhỏ bé nhưng dũng mãnh của hải quân chúng ta đã đánh đuổi chiến hạm Maddox của Mỹ xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Khu tưởng niệm “ Hải Quân Việt Nam đánh thắng trận đầu”.
Chúng tôi về thăm vùng cửa biển Lạch Trường – Thanh Hóa vào một ngày nắng đẹp. Biển xanh ngút mắt với hòn Nẹ ngoài xa, núi Linh Trường như bình phong ngữ cho cả một vùng làng xóm bình yên. Cảng cá Lạch Trường tấp nập tàu thuyền vào ra, với chợ cá nhộn nhịp ngay trên bờ. Từ cảng, có thể nhìn rõ khu tưởng niệm “Hải Quân Việt Nam đánh thắng trận đầu”, một dấu mốc lịch sử trên vùng đất này.
Tại vùng biển Lạch Trường, ngày 2/8/1964, những con tàu nhỏ bé nhưng dũng mãnh của hải quân chúng ta đã đánh đuổi chiến hạm Maddox của Mỹ xâm phạm vùng biển Việt Nam. Sau đó, chính quyền Mỹ đã viện cớ tạo ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ” để ngày 5/8/1964, bắt đầu cuộc chiến tranh hoại trên miền Bắc bằng việc dùng không quân đánh phá nhiều nơi, trong đó đánh phá ngay những mục tiêu ở khu vực này.
Cùng với cả nước, người dân Lạch Trường – Hoằng Hóa đã tham gia vào một cuộc chiến tranh nhân dân có một không hai trong lịch sử, giữ vững hậu phương, chi viện cho tiền tuyến lớn. Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng”, dựng cách không xa cửa Lạch Trường, cũng là một dấu ấn cho những ngày tháng ấy.
Tượng đài “Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng”.
Lạch Trường nằm trên vùng đất cổ, nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử, với sự có mặt của con người từ ba ngàn năm trước. Từ xa xưa, đây là nơi sông Mã đổ ra biển, trước khi có sự chuyển dịch như hiện nay.
Các tài liệu lưu giữ còn cho biết, đây là một cảng biển, một trung tâm giao thương của cả vùng. Người dân ở đây nhiều đời làm nghề chài lưới, gắn bó với biển khơi. Dưới chân Hòn Bò có đền Tam Quan thờ Cá Voi từ lâu đời, một địa chỉ tâm linh gắn bó với đời sống của người dân Lạch Trường.
Theo các tư liệu lịch sử, thế kỷ 14, Lạch Trường còn là nơi diễn ra các trận đánh để gìn giữ phần đất phía nam. Năm 1380, Hồ Quý Ly đã từng sai đóng cọc nơi đây để đánh trả quân Chiêm Thành từ ngoài biển đi vào. Vua Lê Thánh Tông đã từng qua Lạch Trường, viết bài thơ Linh Trường Hải Khẩu ca ngợi vẻ đẹp của con người và cảnh sắc một vùng cửa biển sơn thủy hữu tình.
Nói đến dấu tích văn hóa ở đây, không thể không nhắc đến cây đèn đồng Lạch Trường, một hiện vật khảo cổ quý hiếm. Cây đèn này vừa là đèn, vừa là tượng người đàn ông quỳ, do nhà khảo cổ Thụy Điển O. Janse phát hiện từ năm 1935 thế kỷ trước, khi khai quật các ngôi mộ cổ ở vùng cửa sông này. Cây đèn đặc biệt này có niên đại của những thể kỳ đầu công nguyên, về nguồn gốc còn có những ý kiến khác nhau nhưng là một bảo vật quý, cùng với trống đồng, tạo thêm bản sắc độc đáo cho văn hóa Đông Sơn và sự giao lưu văn hóa giữa các vùng từ thời xa xưa.
Video đang HOT
Tàu cá ở Lạch Trường.
Lạch Trường ngày nay đang có nhiều đổi mới. Tốc độ phát triển chung, đặc biệt là nghề cá và chế biến hải sản, khá nhanh. Đời sống người dân có nhiều cải thiện. Đường bê tông ven biển rộng và đẹp.
Trên đường đến cảng cá, tôi đi qua các khu nuôi ngao, nuôi tôm được đầu tư khá hiện đại. Làng xóm khang trang, nhiều nhà xây mới. Hầu hết các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở đây đã hoàn thành.
Cảng cá Lạch Trường tấp nập tàu thuyền vào ra, với chợ cá nhộn nhịp ngay trên bờ.
Lạch Trường nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái Hải Tiến đang mở rộng quy mô. Một số gia đình ở đây đã tham gia vào chương trình du lịch cộng đồng để khai thác tiềm năng phát triển.
Chúng tôi đã đến công viên du lịch tâm linh khá quy mô đang được xây dựng ở chân Hòn Bò, với trung tâm là đài tưởng niệm “Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu” và chùa Bụt liền bên đang được xây dựng lại. Công trình này sẽ tạo thêm sức thu hút du khách và tạo cơ hội phát triển mới cho vùng đất lịch sử này.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Theo baotintuc.vn
Bên trong khu phi quân sự Hàn-Triều - Nơi nguy hiểm bậc nhất thế giới
Được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, khu phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn là một vùng đất bí ẩn với nhiều người.
Khu vực phi quân sự (DMZ) giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là vùng đất trải dài 250 km và rộng 4 km được hình thành năm 1953. Với một số người, đây là một trong những nơi quân sự hóa mạnh mẽ nhất thế giới. Với những người khác, đây được xem như một trong nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất.
Thế nhưng, với nhiếp ảnh gia Hàn Quốc Jeong Seung-ik, đó không chỉ là một địa điểm được hình thành bởi hiệp ước đình chiến mà còn là nơi ông tác nghiệp và ghi lại cuộc sống thường ngày của những người lính Hàn Quốc ở đây trong gần 20 năm qua.
"Một phần công việc của tôi là đi theo những người lính và tôi từng chứng kiến họ đi vào những nơi rất nguy hiểm. Vì thế, mặc dù tôi cho rằng thể hiện những khía cạnh mạnh mẽ của quân đội Hàn Quốc là rất quan trọng nhưng tôi cũng muốn nắm bắt những khía cạnh cảm xúc của họ nhiều nhất có thể, chẳng hạn như niềm hạnh phúc hay những biểu cảm gương mặt khác nhau", ông Jeong chia sẻ.
Ở trong khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, Jeong không chỉ chú ý tới những cuộc diễn tập quân sự của những người lính mà còn ghi lại cuộc sống và quanh cảnh của vùng đất bí ẩn này.
Là nơi không có người sinh sống và cũng là biểu tượng của một cuộc chiến tranh chưa kết thúc, DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên giống như một "ốc đảo" thiên nhiên với cuộc sống hoang dã, nguyên sơ của nhiều loài động, thực vật.
Một bức ảnh Jeong chụp tại khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Bình yên và hy vọng, đó là những gì nhiếp ảnh gia này muốn thể hiện qua những bức ảnh của mình.
"Bức ảnh đáng nhớ nhất mà tôi chụp bên trong DMZ là khi một trong những con sếu bay qua một chốt canh gác. Hình ảnh này khiến tôi nhận ra rằng có thể giải thích ý nghĩa của hòa bình như thế nào chỉ qua một bức ảnh", nhiếp ảnh gia Jeong chia sẻ.
Bởi vì Jeong là một nhiếp ảnh gia làm việc cho quân đội Hàn Quốc nên ông có thể tới những nơi mà mọi người không được phép tiếp cận. Dù vậy, theo nhiếp ảnh gia này, có một số nơi mà du khách có thể ghé thăm để có cái nhìn về DMZ.
Theo nhiếp ảnh gia Jeong, du khách nào nếu muốn tìm hiểu về DMZ nên ghé thăm đài tưởng niệm Baengmagoji. Baengmagoji cũng là một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Triều Tiên với hơn 17.000 người thiệt mạng trong khu vực này.
Đứng ở một đài tưởng niệm trên đỉnh một ngọn đồi, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh khu vực DMZ với 1 bốt canh gác của Hàn Quốc và 1 bốt canh gác của Triều Tiên ở phía xa.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Quốc tế về Cấm sử dụng bom mìn, có khoảng 2 triệu quả mìn ở khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Bất chấp những nỗ lực đang diễn ra của 2 nước và cộng đồng quốc tế trong việc rà phá bom mìn tại khu vực này, nhiều quả mìn vẫn chưa tìm ra được.
Chia sẻ về công việc của mình, nhiếp ảnh gia Jeong Seung-ik cho rằng những bức ảnh của ông giống như "người lưu giữ" thời gian ghi lại một giai đoạn của lịch sử, tiết lộ những điều có thể chỉ còn là dĩ vãng cho các thế hệ tương lai.
Theo VOV
Khánh Hoà: Độc đáo mô hình du lịch tàu ngầm trên núi Mô hình du lịch với chiếc tàu ngầm Kilo của Hải quân Việt Nam được xây dựng trong Khu du lịch Tàu Ngầm (thuộc núi Cù Hin, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) được xem là điểm đến độc, lạ nhất tại thành phố biển Nha Trang hiện nay. Những ngày qua, hình ảnh chiếc tàu ngầm nói trên cũng đã "đánh thức"...