Lá thư Tổng thống Bush cha viết sau khi bại trận trước Bill Clinton
Dù thất bại trước ông Clinton, ông Bush vẫn gửi lời chúc đối thủ thành công và cho lời khuyên về cách đối phó với những người chỉ trích.
Cựu tổng thống Mỹ George H.W. Bush (phải) và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: Blaze
Trong cuộc tranh luận tổng thống Mỹ cuối cùng, Donald Trump tỏ ý ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử ngày 8/11 nếu ông thua.
Phát biểu của ông Trump đi ngược lại với truyền thống của Mỹ là người thất cử gọi điện cho người chiến thắng để nhận thua và chúc mừng. Tổng thống rời Nhà Trắng cũng viết thư để lại cho người kế nhiệm.
Cựu tổng thống George H.W. Bush năm 1993 viết thư tay cho ông Bill Clinton, người đánh bại ông Bush trong cuộc đua năm 1992. Dù thua cuộc, ông Bush vẫn gửi lời chúc người kế nhiệm thành công và gửi lời khuyên về cách đối phó với những người chỉ trích.
Lá thư ông Bush gửi đến ông Clinton. Ảnh: ABC
Lá thư của ông Bush được công bố vào năm 2011 có nội dung:
20/1/1993
Video đang HOT
Gửi Bill,
Vừa nãy, khi bước vào văn phòng này, tôi vẫn cảm thấy cảm giác kỳ diệu và sự trân trọng mà tôi thấy 4 năm trước. Tôi nghĩ anh cũng sẽ cảm thấy như vậy.
Tôi chúc anh có quãng thời gian tuyệt vời ở đây. Tôi không bao giờ cảm thấy sự cô đơn mà một số tổng thống đời trước đã mô tả.
Sẽ có những lúc rất khó khăn và thậm chí còn gian nan hơn khi xuất hiện những lời chỉ trích anh có thể nghĩ là không công bằng. Tôi cũng không thật sự giỏi đương đầu với chỉ trích để có thể cho anh lời khuyên, nhưng tôi muốn nhắn nhủ rằng anh đừng để những người chỉ trích làm anh nản lòng hoặc khiến anh phải từ bỏ các kế hoạch đã định.
Vào thời điểm anh đọc được lá thư này, anh đã là tổng thống của chúng tôi. Tôi chúc anh và gia đình mạnh khỏe và hạnh phúc.
Sự thành công của anh giờ là sự thành công của cả đất nước. Tôi sẽ ủng hộ mạnh mẽ cho anh.
Chúc may mắn,
George
Ông Bush hồi tháng 9 được cho là đã nói sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Các con trai của ông cũng bày tỏ lập trường không ủng hộ Donald Trump.
Dù ông Trump đưa ra phát biểu nói trên, đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ tôn trọng kết quả bầu cử.
“Chúng tôi tin là sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua này, do đó, việc đó sẽ không thành vấn đề, nhưng dù thế nào, chúng tôi cũng sẽ chấp nhận nguyện vọng của người dân”, phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Sean Spicer nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Ba kế giúp bà Clinton mở rộng cánh cửa vào Nhà Trắng
Phối hợp với Bernie Sanders, truyền tải thông điệp về giấc mơ Mỹ, chân thành thừa nhận sai lầm là ba biện pháp có thể giúp bà Clinton bỏ xa đối thủ Trump.
Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: AP
Sau hai cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, nhiều nhà phân tích cho rằng ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton dường như đã nắm chắc phần thắng trong chặng cuối cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tuy nhiên, với việc có quá nhiều thứ để mất, chặng đường phía trước của bà Clinton hứa hẹn nhiều cạm bẫy, buộc đội ngũ tranh cử của bà phải có những lựa chọn sáng suốt để gia tăng cơ hội đặt chân vào Nhà Trắng, theo Eurasiareview.
Bình luận viên Shubh Soni cho rằng trong hai nhiệm kỳ tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã hồi phục đáng kể nền kinh tế Mỹ, nhưng tình trạng bất bình đẳng thu nhập và các cuộc tranh cãi về khoảng cách giàu nghèo giữa 99% dân số và 1% số người giàu có vẫn là điều khiến các cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ không hài lòng.
Bà Clinton từng cam kết sẽ có những biện pháp cải tổ Phố Wall, nhưng chưa làm được gì nhiều trong thời kỳ làm ngoại trưởng Mỹ. Vì thế các cử tri có thể nhìn nhận như một ứng viên có thể đem đến những thay đổi mạnh mẽ, nếu đắc cử tổng thống.
Một lựa chọn thông minh đối với ứng viên đảng Dân chủ vào thời điểm này là mời cựu đối thủ Bernie Sanders đóng một vai trò lớn hơn trong chiến dịch tranh cử, thậm chí có thể đề cập lại một số chính sách theo hướng dân túy của ông. Quan hệ đối tác Clinton-Sanders chắc chắn sẽ là yếu tố then chốt để bà Clinton giành được sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi.
Tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào tháng 7 vừa qua, cựu Tổng thống Bill Clinton đã có một bài phát biểu nêu bật những thành tựu mà vợ ông đã đạt được trong suốt sự nghiệp chính trị của bà.
Cơ hội trở thành tổng thống Mỹ sẽ nhiều hơn với ứng viên đảng Dân chủ nếu bà tiếp tục lộ trình này, nhấn mạnh rằng ngay từ những ngày đầu bước chân vào con đường chính trị, bà đã cố gắng kết nối với những cộng đồng người Mỹ bình dân, luôn nỗ lực hết sức để đảm bảo mọi công dân Mỹ đều có cơ hội bình đẳng để đạt được "Giấc mơ Mỹ".
Và thông điệp này cần phải được truyền tải một cách chân thành, khiêm tốn.
Ngoài ra việc thừa nhận sai lầm trong sự nghiệp 30 năm hoạt động cũng là một yếu tố có thể giúp bà cải thiện hình ảnh với cử tri, bởi xét cho cùng, thì bất cứ chính trị gia nào, trong suốt sự nghiệp của mình, dù là trong lĩnh vực công hay tư nhân, đều phạm phải sai lầm.
Hành động này có thể khiến bà trở nên gần gũi, và tạo sự kết nối chặt chẽ hơn với các cử tri.
Theo ông Shubh Soni, điều khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên thú vị chính là chiến lược tranh cử từng giúp hai ứng viên giành chiến thắng ở vòng sơ bộ lại chính là điểm yếu của họ ở giai đoạn sau của cuộc đua.
Trong khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump có nguy cơ đối mặt với sự xa lánh của nhiều cộng đồng cử tri, do những tuyên bố mạnh miệng về an ninh và cộng đồng Hồi giáo, những bê bối email lại có tác dụng tiêu cực với chiến lược tranh cử vốn dựa vào việc xây dựng niềm tin nơi cử tri của bà Clinton.
"Trong chính trị mọi chuyện đều có thể xảy ra và để thực sự gia tăng khoảng cách với đối thủ, bà Clinton cần có những chiến lược khôn khéo hơn ", bình luận viên Shubh Soni nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Bảo bối trở lại Nhà Trắng của Hillary Clinton Quãng thời gian làm đệ nhất phu nhân Mỹ mang đến cho bà Clinton những kinh nghiệm quý báu để điều hành đất nước nếu đắc cử tổng thống. Bà Hillary Clinton gặp gỡ các học sinh thuộc một trường công lập ở New York vào năm 1993. Ảnh: AP Cuối năm 1992, tổng thống Mỹ Bill Clinton đề nghị doanh nhân Arkansas...