Lạ miệng với mít hông Tam Kỳ
Tam Kỳ một chiều đầu thu, đã nghe từng cơn gió chuyển mùa se se lạnh. Thành phố bé nhỏ vốn không ồn ào, gấp gáp càng làm cho lòng lữ khách thêm bâng khuâng. Làm sao bỏ ngoài tai lời rủ rê: “Mít hông nhé!”.
Hấp dẫn đĩa mít hông thơm lừng
Món mít hông một thời cứu đói cánh sinh viên chúng tôi giờ trở thành món đặc sản nổi tiếng và đã níu chân rất nhiều du khách khi ngang qua cung đường Quảng Nam.
Quán nhỏ giản dị, chừng dăm bảy cái bàn nhưng khá đông khách. Cô chủ quán tóc lấm tấm sợi đen, sợi trắng tươi cười bê một mâm với hai đĩa mít đầy. Từng múi mít hông căng tròn, nóng hổi, bốc hơi thơm lừng nức mũi. Không có gì thay đổi so với mười lăm năm trước, vẫn vị ngọt hòa quyện lan tỏa cùng vị béo, bùi của dừa, đậu phộng… Ôi, mít hông, lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức lại, thú nhất là ở ngay nơi vốn rất nổi tiếng với món này. Có lẽ, ai lần đầu ghé quán chưa cắt nghĩa vì sao quán lại đông thế, thử thêm một lần rồi mới hiểu hơn vì sao “về Tam Kỳ không ăn mít hông xem như tiếc một chuyến đi”.
Cây mít từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân xứ Quảng, chủ yếu được trồng trong vườn nhà hay dọc các đồi gò dùng để lấy trái và gỗ. Không cần chăm bón, vậy mà những cây mít sống trên đồi cao chót vót, đất càng đỏ càng khô bao nhiêu mít càng tăng tuổi thọ bấy nhiêu. Mít lớn dần, trái non chi chít từ gốc đến tận trên các cành cao, lúc này có thể hái mít vào kho cá, làm món trộn. Đến khi mít chín rộ, chọn những quả chín có gai nở tròn trịa bằng nhau, không có vết xước, thủng sâu, không bị nứt ra, vỗ thử tiếng kêu nghe bình bịch là có thể hái xuống, chỉ cần bổ nhẹ, từng múi, từng múi mít vàng óng, ngọt thơm lộ ra.
Mới nhìn thôi là đã không kiềm lòng được. Riêng món mít hông, từ lâu chỉ phổ biến và nức tiếng ở Tam Kỳ bên cạnh các món bò bía, cơm gà và trở thành “hàng độc quyền” gắn với “thương hiệu” của một vài cá nhân. Đến Tam Kỳ, đi dọc con phố Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng là có thể bắt gặp quán mít hông, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là mít hông Trường Xuân.
Để có món mít hông vừa lòng thực khách, phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Người ta thường chọn loại mít mật để làm nguyên liệu chính. Mít vừa hái xuống, bổ đôi, chùi mủ sạch sẽ, xẻ ra làm nhiều miếng rồi cắt cùi, tách múi. Sau đó, dùng dao rạch từng múi mít để bóc lấy hạt và lớp vỏ lụa ra ngoài. Nhân bỏ trong múi mít không cầu kỳ, tốn kém mà được làm từ hạt mít luộc chín. Hạt mít đã lột vỏ cho vào cối xay nát, sau đó lấy muỗng múc ra thau và dùng đũa bếp đánh tơi ra. Bấy giờ mới trộn các loại gia vị như tiêu bột, muối hầm với tỷ lệ ước lượng theo kinh nghiệm từng người. Công đoạn này có tính chất quyết định mùi vị của món mít hông. Đó cũng là bí quyết riêng của mỗi chủ quán để hương vị của từng múi mít níu giữ chân khách, “một lần đến là nhiều lần quay lại”.
Sau khi trộn các loại gia vị thấm đều, lấy xoong đổ dầu phộng phi hành tỏi cho thơm rồi cho nhân vào xào khoảng năm phút. Nhân nguội, dùng muỗng xúc cho vào từng múi mít. Công đoạn cuối cùng là sắp xếp những múi mít vào xửng và hông (hấp) cách thủy chừng ba mươi phút cho chín.
Trước khi thưởng thức, cho từng múi mít hông vào đĩa, thêm một ít dầu phi hành, thêm tí dừa bào sợi nhỏ, đậu phộng rang giã nhuyễn, chan chút nước mắm chua ngọt. Đến lúc này, chỉ cần dùng nĩa đưa múi mít lên, cắn nhẹ và từ từ nhai, nuốt đến đâu cảm giác vị ngọt, thanh lan tỏa đến đó. Vừa ấm bụng, vừa thấm cái chất mộc mạc, dân dã. Quả thực, cũng chỉ là đĩa mít thôi mà sao xa rồi vẫn còn thèm thuồng và nhớ.
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Bánh mì hấp gia truyền lạ miệng, khách ăn bỗng thành 'người đẹp' ở Sài Gòn
Món bánh mì hấp lạ miệng và cô chủ quán vui tính là lý do quán bánh mì hấp ở số 83 Cô Giang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) níu chân thực khách và bán hơn 100 phần mỗi ngày.
Một phần bánh mì hấp gồm có bánh mì hấp, sắn sợi, hành phi, mỡ hành, thịt bằm, đậu phộng, cuốn với rau sống kết hợp với nước mắm ngon
Đến quán ăn là thành "người đẹp"
Vừa chuẩn bị vào quán là đã nghe tiếng chủ quán gọi vọng ra: "Người đẹp dùng gì người đẹp?". Cách đón khách đặc biệt của quán bánh mì hấp Cô Giang đã tạo được thiện cảm cho không người.
Quán bánh mì hấp nằm ở gần chợ Cô Giang, để ý kỹ một xíu thì không khó để tìm ra. Không gian quán sạch sẽ thoáng mát nhưng thiếu mặt bằng nên hơi ít bàn ghế. Quán mở cửa từ 11 giờ đến 18 giờ. Nếu muốn thưởng thức bánh mì hấp mà ngại đông đúc thì thực khách nên đến tầm 14 giờ là lúc quán vắng khách nhất.
Bánh mì sẽ được hấp bằng xửng tre để hơi ẩm giữ được lâu và đều
Nghe thì hơi lạ nhưng chủ quán và thực khách ở quán bánh mì hấp gọi nhau thân mật bằng "người đẹp" khiến thực khách dù khó tính đến mấy cũng bất giác cười. Khách quen của quán cũng gọi cô chủ và người làm ở quán là "người đẹp" khi gọi món hay tính tiền. Chủ quán rất thân thiện nên khách cũng vì thế mà cởi mở hơn hẳn, hiếm lắm mới gặp một vị khách khó chịu.
Chị Thúy nói vui ngày nào khách mở hàng mà ngồi lại ăn thì y như là ngày đó khách ngồi lại quán rất đông. Ngược lại nếu mở hàng là khách gọi giao thì ngày đó đều là đơn đặt hàng chứ ít khách ngồi lại.
Không gian quán sạch sẽ và thoáng mát nhưng hơi hẹp nên chỉ gồm vài bộ bàn ghế, lúc khách đông thì bàn ghế được xếp thêm qua nhà hàng xóm
Chị Nguyễn Lý Ngọc Trinh (30 tuổi) chia sẻ: "Chị ăn ở đây từ hồi mẹ chị Thúy còn bán đến bây giờ. Đồ ăn ở đây rất ngon, sạch sẽ mình ăn như là ở nhà mình vậy. Cô chủ cũng rất dễ thương nhiệt tình làm mình cảm giác thoải mái. Chị đang có em bé nữa nên là phải chọn quán kỹ hơn một chút".
Dụng công trong chế biến
Bánh mì hấp từ lâu đã là món ăn không xa lạ đối với người dân Sài Gòn. "Nguồn gốc của món ăn dân dã này xuất phát từ việc những người dân nghèo được cấp phát bánh mì. Nhưng ăn bánh mì không thì khô và không ngon nên người ta cải biến bằng cách hấp bánh mì lên rồi cho thêm thịt bằm, sắn sợi, mỡ hành, hành phi vào. Đều là những nguyên liệu gần gũi nên món ăn cũng vì thế mà rất nhanh trở nên quen thuộc và được nhiều người yêu thích", chị Thúy kể.
Một phần nhỏ một người ăn có giá 40.000 đồng, phần lớn là 60.000 đồng
Bánh mì được chị Thúy hấp mềm vừa phải nên không bị nhão, nóng hổi, nhân trên thịt và củ sắn nhiều, ăn một miếng là ấm bụng ngay. Đặc biệt là nước mắm chua ngọt rất vừa miệng, rau rất tươi và sạch sẽ, không có một lá nào bị dập hay bị héo.
Chị Nguyễn Thụy Quế Minh (28 tuổi) chia sẻ: "Chị ăn bánh mì hấp ở đây cũng được khoảng 6 năm rồi và rất thường xuyên ghé lại ăn. Thứ làm chị thích nhất là rau rất nhiều, nước chấm rất vừa miệng và hợp khẩu vị".
Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng đặc biệt thích ăn món bánh mì hấp ở quán
Chị Thúy cho biết: "Bánh mì sẽ mua từ ngày hôm trước, sau đó cột vào túi ni lông để qua đêm cho bánh tự dịu lại. Một ổ bánh mì sẽ được cắt ra làm bốn phần, hấp bằng xửng tre để giữ hơi được lâu và bánh nóng đều. Công đoạn hấp bánh cũng không đơn giản, lửa phải được giữ đều, lúc để bánh mì vào nồi hấp phải xịt thêm một ít nước để bánh mềm nhưng không được xịt nhiều quá tránh bánh bị nhão ăn không ngon".
Tưởng công đoạn hấp bánh xào nhân đã là công phu nhất rồi nhưng theo chị Thúy thì công đoạn lặt, rửa rau mới là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất.
Mỗi tối chị Thúy sẽ mất khoảng 3 tiếng để lặt rau và 2 tiếng để rửa. Rau sẽ được lặt kỹ, rửa qua rất nhiều lần nước cho thật sạch và để ra rổ phơi cho ráo nước. Một rổ rau sống để ăn kèm với bánh mì hấp gồm có rau cải bẹ xanh, rau xà lách, rau thơm. Người phục vụ quán nom khách nào ăn gần hết rau là sẽ tự động cho thêm rau ngay, hầu như khách không phải chủ động xin thêm.
Ngoài món bánh mì hấp vốn đã rất nổi tiếng ra thì quán còn có một số món khác như bún tầm bì, bún tầm bì xíu mại, bánh mì bì, bánh mì xíu mại, bánh plan,... được lòng rất nhiều thực khách.
Là một món ăn dân dã nhưng để mang món bánh mì hấp đến cho thực khách không phải là điều dễ dàng mà luôn đòi hỏi sự dụng công trong chế biến. Chính vì vậy, bánh mì hấp từ một món ăn mới lạ đã dần trở nên quen thuộc không chỉ với người Sài Gòn mà cả những vị khách ở xa có dịp đến đây.
Theo Thanhnien
Ấm lòng bánh sắn nướng ngày lạnh Ngồi bên bếp lửa bập bùng, nhâm nhi lát bánh sắn thơm lừng, quẩn quanh câu chuyện thuở lên chín, lên mười chợt thấy lòng mềm đi, khóe mắt bỗng rưng rưng, ngậm ngùi từng hơi thở quê hương quyện trong hương sắn nướng cay cay. Sắn đem luộc trước khi nướng Chị hai đẩy phên cửa, khom lưng bước vào từ màn...