Lạ miệng bún nghệ xứ Huế
Vài năm trở lại đây bún nghệ xứ Huế được coi là một đặc sản, thu hút nhiều sự chú ý của nhiều du khách bên cạnh những món ăn đã trở thành thương hiệu như bánh bèo, bánh xèo, bánh khoái…
Bún nghệ chế biến đơn giản nhưng để có được bát bún ngon thì đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo của người chế biến trong việc chọn nguyên liệu, chế biến và kết hợp các nguyên liệu với nhau.
Cũng như các loại bún khác, bún nghệ có nét riêng là được tạo nên từ nguyên liệu chính là bún và nghệ tươi, bún được xào lẫn với lòng lợn, tim hoặc cật (nhưng ngon và được nhiều người yêu thích nhất vẫn là xào với lòng non), xào khan mà không cho nhiều nước như các loại khác, nhưng khi ăn vẫn sẽ cảm thấy vị béo ngậy của mỡ, nghệ và tươi.
Món bún nghệ hấp dẫn, chỉ nhìn thôi đã thèm. Ảnh: Afamily.
Muốn bún nghệ ngon thì phải chọn loại bún sợi trắng, dẻo; nghệ phải chọn những củ tươi, già, bóng thì nghệ mới vàng sẫm; lòng heo phải chọn được những đoạn ngon, không đắng, không dai và làm sạch; cùng với các loại gia vị như hột tiêu, ớt, rau răm, hành lá. Bún rối cắt ra cho bớt dài, nhưng không nên cắt ngắn quá bún dễ bị vụn, món ăn sẽ không hấp dẫn.
Video đang HOT
Nghệ tươi gọt sạch vỏ, rửa sạch cho vào cối giã hoặc dùng dao đập dập và băm nhỏ vừa phải rồi cho ra bát. Lòng lợn ngâm và sát sạch với muối, thái đoạn nhỏ vừa ăn, rau răm nhặt bỏ cuống, ớt thái nhỏ.
Chuẩn bị nguyên liệu xong thì tiến hành chế biến. Cho dầu ăn vào chảo đun nóng, sau đó cho nghệ vào phi thơm và đổ bún vào đảo thật đều tay, nhanh để bún khô không bị cháy, nêm một chút gia vị vào bún và múc ra tô lớn. Tiếp đó cho hành tím vào phi thơm, đổ lòng lợn vào xào với tiêu, ớt, nêm gia vị và một chút nghệ (khi xào lòng có thể cho bột nghệ để lòng có màu vàng hấp dẫn).
Khi chuẩn bị ăn mới cho bún vào tô, để lòng xào lên trên, cho chút rau răm thái nhỏ lên trên và thưởng thức với một chút tương ớt. Bún nghệ dân dã nhưng có hương vị độc đáo. Đó là sự kết hợp của vị béo béo, ngọt ngọt của lòng lợn, vị ngậy ngậy và mùi thơm của nghệ, hột tiêu, vị vay đặc trưng của ớt và hương thơm hấp dẫn của rau răm, đặc biệt những sợi bún vàng ươm, óng, mọng.
Bát bún nghệ chỉ mới nhìn thôi đã thèm. Nếu thưởng thức bún nghệ bạn sẽ nhận ra hương vị thơm ngon hấp dẫn đặc trưng của xứ Huế. Bún nghệ đã góp phần tạo nên hình ảnh đẹp cho con người của xứ xở mộng mơ và thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan.
Theo LĐO
Nem lụi xứ Huế
Nem thường được dùng khai vị trong các bữa tiệc; hoặc là món ăn chơi của dân nhậu. Nhưng đó là món nem chua, được chế biến theo quy trình lên men, không qua nấu, nướng. Nguyên xưa nem là món ăn cung đình, rồi từ cung đình ra dân gian.
Nguyên liệu nem chua là thịt heo nạc quết nhuyễn như quết chả giò, trộn đều với một ít da và mỡ heo thái chỉ, cùng muối và các loại gia vị quen thuộc như: tiêu, ớt, đường, thính.
Cũng từ nguyên liệu ấy người Huế chế ra món nem lụi, từ lâu trở thành đặc sản nổi tiếng đất thần kinh. Người ta "lụi" hỗn hợp này vào từng chiếc đũa tre nhỏ, tạo dáng như que kem tròn bằng ngón tay cái, nướng trên bếp than hồng, trở qua trở về cho chín đều các mặt. Nem lụi vừa nướng vừa ăn. Nướng tới đâu ăn tới đó mới ngon.
Mỗi que nem đã nướng xong được gọi là "một lụi". Vào nhà hàng thú vị nhất là vừa ăn vừa xem chủ quán nướng nem. Khi nem chưa kịp chín, mỡ heo đã nóng chảy xuống lò than kêu xèo xèo, khói bốc lên, mùi thơm tỏa ra. Chưa được ăn mà dịch vị đã ứa ra rồi.
Mới bày món nem lụi ra giữa bàn trông đã ngon con mắt với màu vàng hươm lẫn màu sém cháy của miếng thịt nướng, màu xanh của dĩa rau sống, màu trắng của những lát chuối sứ, màu nâu của chén nước lèo, màu đỏ của những trái ớt tươi...
Nem lụi khá phổ biến ở nhiều tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Từ Đà Nẵng trở vào, người ta thường ăn nem lụi với bánh tráng nướng giòn. Có nhiều quán bán nem lụi được trưng biển là nem nướng. Có lẽ là để phân biệt với nem chua, và giới thiệu với thực khách đây là món ăn nóng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ở mỗi địa phương, nem lụi có một hương vị khác nhau, tùy khẩu vị và cách chế biến. Nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là nem lụi Huế. Nem lụi Huế ngon hơn còn nhờ món nước lèo đặc trưng. Giống như thứ nước lèo chấm bánh khoái. Trong dĩa rau sống có thêm những lát vả thái mỏng mà chỉ Huế mới có. Và những chiếc đũa tre để lụi nem bây giờ ở nhiều nhà hàng người ta đã thay thế bằng cây sả, hoặc dùng một lóng mía chẻ nhỏ.
Không chỉ lịch sự, đẹp mắt hơn, mà hương thơm của sả, vị ngọt của mía tươi khi nướng nóng sẽ thấm vào thịt, làm cho hương vị của lụi nem thơm hơn. Để ngon hơn nữa, và để làm tăng độ kết dính, có người cho thêm lòng trắng trứng gà vào thịt trước khi nướng.
Ăn nem lụi là kiểu ăn "đa vị". Ăn kèm với bánh tráng (bánh đa nem), cùng hỗn hợp nhiều loại rau sống như: dưa chuột, chuối sứ thái lát mỏng, hành lá, rau thơm, khế, vả... Lót bánh tráng lên dĩa, hoặc trên bàn tay, lót thêm một lớp rau sống rồi đặt que nem trên rau sống, lại cho thêm lớp rau phủ lên để nem được bọc kín bằng rau và đồ ghém.
Nem vừa nướng, còn nóng, nếu cuốn trực tiếp bánh tráng sẽ bị chảy, rách, và dính mỡ vào tay. Hoàn thành khâu bọc lót thì cuốn tròn lại rồi nắm chặt tay, tay kia rút chiếc que ra. Dân ta tổng kết có ba thứ muốn ăn ngon thì "phải dùng tay" như xôi vò, thịt gà...là chưa đầy đủ. Ăn nem lụi cũng phải dùng tay, để nắm chặt chiếc nem vừa cuốn, nếu không thì rau và nem bị bung ra hết, mất ngon.
Nem lụi phải ăn nóng mới ngon nên thích hợp với buổi chiều và buổi tối hơn là buổi sáng. Những gánh hàng rong ở Huế có món nem lụi. Một đầu gióng là chiếc thúng đựng nem, rau sống, nước lèo, chén, bát, thìa đũa... Đầu kia là chiếc lò than nóng.
Loanh quanh các kiệt hẻm và trong các chợ lại có các bà, các chị bán nem lụi xách dạo phục vụ "bữa lỡ" với giá rất bình dân. Cuối thu, khi tiết trời vừa se lạnh, hay ngày đông gió mùa đông bắc tràn về, vào nhà hàng gọi một dĩa nem lụi đang bốc khói, nóng hôi hổi, thơm phức, ăn một lần nhớ cả đời người.
Theo Tiền Phong
Trải nghiệm mới với bánh xèo Nha Trang Điểm nhấn của bánh chính là những con mực trứng sữa. Đây là thành phần chính của bánh nên mực phải chọn những con thật tươi ngon vừa mang từ biển về. Không như bánh xèo miền Trung thường thấy ở các vỉa hè Sài Gòn có nguồn gốc bánh khoái ở Huế thường được đổ bằng khuôn sắt, bánh xèo Nha Trang...