Lạ lẫm với canh hoa dật dờ
Hoa dật dờ (còn gọi là bông giờ, nghệ núi) hay mọc dưới những tán cây gai trên núi Phương Mai, thường nở rộ vào đầu mùa mưa, kéo dài tầm một tháng.
Hoa dật dờ có cánh mỏng, màu vàng cam hoặc đỏ thẫm và tim tím; có hương thơm tựa như mùi nghệ, được nhiều người dân miền biển Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) hái làm rau.
Hoa dật dờ hái về chỉ cần rửa sạch và ngắt nhỏ từng đoạn rồi đem nấu canh như nấu các loại rau thông thường, nhưng canh hoa dật dờ rất thơm. Hoa dật dờ cũng có thể nấu chung với giá đỗ, rau ngót… kèm theo chả cá. Khi nấu chung, người ta thường chờ canh chín mới cho hoa vào rồi nhắc nồi xuống, múc ra ăn luôn cho thơm.
Ngoài nấu canh, hoa dật dờ còn có thể đem xào, kho với cá đồng nhỏ nhỏ như cá rô, cá trắng… để bữa cơm gia đình thêm ngon miệng.
Đến thăm Nhơn Hải mùa này, bạn đừng ngại đề nghị với chủ nhà món canh hoa dật dờ, hoặc tốt nhất là nên đặt trước để nhà hàng, quán xá kịp chuẩn bị. Hương vị lạ lẫm của món ăn này sẽ khiến bạn nhớ hoài.
Hương vị quê hương: Bánh canh tôm và nỗi nhớ đầm nước lợ
Là một thành phố biển, có cả đầm nước lợ, Quy Nhơn (Bình Định) nổi tiếng có nhiều món ăn ngon từ các sản vật địa phương. Bánh canh tôm là một trong số đó với màu nước trong, thơm ngọt.
Điểm khác biệt của bánh canh tôm Quy Nhơn so với các vùng miền khác chính là nước dùng. Nồi nước lèo có đủ độ ngọt của xương hầm nhưng phải trong, không được có màu đục hoặc thêm bất cứ nguyên liệu nào như trứng, gạch cua... Sự trong trẻo mà không bị nhạt nhẽo này đã ghi điểm đặc biệt trong lòng thực khách gần xa.
Bánh canh tôm Quy Nhơn - TÂM NGỌC
Phần bột bánh có hai lựa chọn là gạo hoặc mì. Bánh không được nấu sẵn mà ăn lúc nào trụng bột lúc ấy. Sự tươi mới còn ở phần tôm nấu riêng. Tôm lột vỏ, giã nhuyễn, trộn ít gia vị hành tiêu, ớt rồi vo thành cục tròn nhỏ. Nước dùng được múc ra xoong nhỏ, nấu sôi lên, thả tôm vào rồi mới đổ ngay ra tô để giữ được vị tươi ngọt nhất của tất cả các nguyên liệu.
Người ta dễ phải lòng một tô bánh canh giản đơn như vậy từ cái nhìn trong trẻo, sau đó là mùi thơm hấp dẫn mời gọi. Mùi vị đó dễ khiến thực khách hồi tưởng về một ký ức đầm nước lợ chưa xa. Đó là những ngày Quy Nhơn còn nhiều rớ từ đầm đến biển. Ngư dân xóm chài thường giăng rớ vào chiều tối hôm trước và sáng sớm hôm sau họ chèo ghe ra thăm rớ để thu về mớ tôm mớ cá.
Đó là tiếng gõ mái chèo để dẫn dụ cá tôm. Là nhịp điệu cuộc sống vốn bình yên và thư thả. Chưa xa lắm, người ta vẫn nhớ những đầm nước lợ có hàng đước cắm rễ ngạo nghễ xuống bùn nước thẳng tắp. Chưa lâu lắm, người ta vẫn còn lưu luyến những đàn chim kéo về đầm kiếm ăn. Một phần lớn đầm nước lợ bây giờ đã thành các khu đô thị với những tòa nhà sầm uất. Nhưng thôi, bánh canh đã được dọn ra rồi, cứ vậy mà ăn đi.
Để tăng thêm phần phong phú, tô bánh canh tôm sẽ được bỏ thêm một ít chả cá chiên, cũng là một đặc sản địa phương nổi tiếng của Quy Nhơn. Khi mọi thứ trong một tô bánh canh được tính toán vừa vặn, hài hòa như vậy thì nó đủ sức thuyết phục thực khách ăn rồi, ăn nữa. Một chút bột bánh, một chút tôm, một chút chả và phần nước lèo gần đầy tô, thêm hành lá cắt nhỏ, rắc một ít tiêu... cứ vậy mà thưởng thức, mà tha hồ thương nhớ những ngày xưa.
Quy Nhơn có đặc sản 'trứng lưng chừng', tưởng món gì lạ hóa ra lại rất quen "Lưng chừng", cái tên mô tả sự nửa vời nhưng lại hoàn toàn đúng khi dùng để nói về món trứng này. Đến Quy Nhơn, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức một món ăn lề đường đã trở thành đặc sản - "trứng lưng chừng", hay còn gọi là trứng tan. Đây là món trứng có phần lỏng đỏ và lòng...