Lạ lẫm bún nước kèn Châu Đốc
Vùng Châu Đốc tiếp giáp Campuchia có nhiều món ăn rất độc đáo, hòa trộn giữa ẩm thực miền Tây và Khmer. Ngoài bún cá Châu Đốc nổi tiếng, nơi đây còn có món bún nước kèn rất lạ miệng, là sự biến tấu giữa bún cá và bún cà ry.
Ở những nơi này, nước cốt dừa còn được gọi là nước kèn dừa. Từ đó, những món ăn được chế biến từ nguyên liệu này sẽ có tên kèm theo chữ kèn dừa. Ví dụ như món chuối kèn dừa là món chuối hấp nấu với nước cốt dừa. Món bún nước kèn cũng được nấu bằng nước cốt dừa nên đúng ra nó có tên đầy đủ là bún nước kèn dừa nhưng người địa phương gọi ngắn gọn là bún nước kèn.
Nói một cách nào đó, món bún nước kèn là một sự biến tấu của món bún cà ry vì nguyên liệu chế biến có cả bột nghệ và bột cà ry. Tuy nhiên, do nguyên liệu chính là cá và nước cốt dừa nên người địa phương muốn khẳng định món ăn này tuy giống nhưng vẫn khác với cà ry nên đã đặt cho nó một cái tên khác. Do món ăn này khó nấu ngon, đúng vị nên rất ít nơi chế biến để phục vụ cho thực khách. Riêng Châu Đốc chỉ có 2 địa điểm bán món bún nước kèn, trong đó quán của bà Hoa nằm ở vỉa hè đối diện với Bồ Đề Đạo Tràng ngay tại trung tâm thành phố có hơn 40 năm tồn tại.
Video đang HOT
Theo bà Hoa, nguyên liệu nấu món bún nước kèn theo kiểu Châu Đốc gồm thịt cá lóc thái từng lát dày, nước cốt dừa, bột nghệ, bột cà ry, tôm khô, đậu phộng. Món ăn này ngon hay dở tùy thuộc vào hương vị của nước kèn. Thực khách thích ăn quán của bà Hoa vì nước kèn béo nhưng không ngậy, vị ngọt thanh vừa phải được tạo ra từ tôm khô đậu phộng và thịt cá lóc. Tô bún nóng hổi còn hấp dẫn hơn nữa qua sự kết hợp của giá đỗ, rau thơm, dưa leo bằm nhỏ. Thực khách nào có khẩu vị mặn thì dùng thêm nước mắm tươi và ớt trái, hoặc là muối ớt.
Thông thường nhiều thực khách dùng món bún nước kèn tại quán bà Hoa còn yêu cầu thêm một đầu cá lóc với phần thịt má chắc ngọt, phần ruột béo bùi. Do nước kèn khá đậm đà nên người mạnh ăn còn gọi thêm một ổ bánh mì nóng giòn để thưởng thức hết phần nước kèn trong tô. Nhiều người dùng món này trong thời tiết nóng, dù là buổi sáng sớm nhưng mồ hôi chảy đầm đìa trên trán và cổ. Món ăn ở quán bà Hoa rất chất lượng nhưng giá mỗi tô bún chỉ 15 ngàn đồng, mỗi một đầu cá lóc kêu thêm là 25 ngàn đồng. Quán bán từ 7 giờ đến hơn 10 giờ sáng.
Món Bánh trong ẩm thực miền Tây
Những loại bánh của miền Tây có cái tên giản đơn nhưng ngon miệng đến lạ kỳ. Bánh còng, bánh cam, bánh tằm, bánh đúc, bánh lọt, bánh ú, bánh bèo...
Không thể kể hết được có bao nhiêu loại bánh xuất phát từ những loại bột, loại củ đậm đà chất quê. Nhưng hầu hết những loại bánh trên đều gắn bó với một thời tuổi thơ trong trẻo, với những kỷ niệm không thể nào quên của những ai được sinh ra và lớn lên ở quê hương miền Tây.
Miền Tây trù phú luôn đem lại cảm giác thanh bình cho những người khách phương xa một lần lạc chân đến đây. Ngồi nghe câu ca dao, được uống chén trà thơm cô đặc mỗi buổi sáng, được ăn miếng bánh " nhà quê " thơm ngon, ắt hẳn khi về lại nơi phố vẫn sẽ còn lưu lại những dư âm khó thể nào quên.
Ngày nhỏ, mỗi sáng đi học, thể nào cũng có một gói bánh tằm, bánh bò hay chí ít cũng là cái bánh cam nóng hổi vàng rực mẹ gói để vào một ngăn cặp nhỏ. Những lúc đứng trước mái hiên nhà ngóng những buổi chợ trưa, trong đôi quang gánh mẹ về có đôi bánh còng thơm lựng. Những lúc được ngoại cho xâu bánh ú chạy ù đến chia cho lũ bạn, hay một gói bánh chuối nước cốt dừa béo ngậy, mằn mặn muối mè...
Đa số nguyên liệu để làm bánh đều dễ tìm ở miền Tây. Ví như bánh tằm được làm từ củ khoai mì giã nhuyễn, bánh tét được làm từ nếp, đậu xanh, thịt heo, dừa. Bánh còng được làm từ bột gạo, bột nếp... Hiển nhiên, cách làm cũng dễ. Và giá cả thì cũng rất rẻ, đủ để nếm thử từng loại một đến no căng bụng.
Bánh có mặt ở khắp nơi, nhiều nhất là những phiên chợ quê .Những mâm bánh đầy căng bắt mắt luôn hấp dẫn những đứa con nít vòi áo mẹ xin vài đồng lẻ để mua cho được miếng bánh chuối nướng mềm dẻo hay cái bánh tiêu vàng ruộm đầy mè.
Những lúc nhà có giỗ, tiệc tùng. Các mẹ, các chị cũng hay làm những loại bánh để đãi khách. Bánh tét, bánh ít, bánh xèo, mỗi loại đều có một vị ngon riêng, và bên trong đó là cả một "cái tình" hiền lành , mộc mạc. Sau khi ăn uống no say, mỗi người khách đến đều được một phần bánh mang về ăn " lấy thảo" - theo cách nói thân thiết và dễ mến của người miền Tây.
Các loại bánh đã trở thành một đặc sản không thể thiếu trong nét ẩm thực phong phú của người miền Tây. Ở thành phố bây giờ cũng có bán nhiều loại bánh của "nhà quê". Cũng là bánh cam, bánh còng, bánh đúc... nhưng vẫn không sao thấy ngon bằng loại bánh ở quê hương.
Có lẽ tôi quen với mùi hương lá chuối, quen với mùi phù sa, mùi lúa, mùi bùn thân thuộc của quê hương... Thấp thoáng trong tôi là những ngày tuổi nhỏ, với dòng sông quê mát rượi, với những chạng cây đầy bóng râm, và cả xâu bánh ú năm xưa của ngoại.
Đặc sản miền Tây - Món ăn dân dã vùng sông nước Đến với Tây Nam Bộ bạn nhất định phải thưởng thức qua những món ăn ngon, đặc sản vùng miền nơi đây. Ẩm thực miền Tây sông nước dù dân dã nhưng luôn đem lại hương vị đặc biệt, một khi đã ăn thử thì sẽ nhớ mãi. Canh chua cá linh bông điên điển Vị chua chua ngọt ngọt của nồi canh...