Là lạ củ hũ cau
Làng tôi chuối, cau nổi tiếng. Nhưng chưa thấy ai chặt cau chỉ để ăn củ hũ bao giờ. Có chăng là lúc cau bị sâu, hoặc làm đường, làm sân, bất đắc dĩ người ta mới hạ cau xuống, tiện thể thưởng thức món ngon lạ miệng.
Cây cau không hề xa lạ với chúng tôi, những đứa trẻ nông thôn quanh năm nương vườn, rào giậu. Thuở nhỏ, dù là trai hay gái, chúng tôi đều biết leo trèo. Chân dẻo tay chắc thì cau, mù u, bứa. Nhỏ gan như tôi thì chỉ chăm chăm vào mấy cây ổi, cây xoài. Dạo còn bé, tôi cùng cậu em út hay đi bắt chim chột dột. Đây là loài sống trên cây cau, làm những cái tổ hình chiếc bầu vắt vẻo ở tàu cau trông rất đẹp.
Em tôi thoăn thoắt leo lên, vì gầy như cái que, nên ngọn cau nhỏ mà cu cậu vẫn lên tới tổ chim. Chẳng sợ độ cao, cậu em tôi nhìn nhìn trong tổ, thế rồi lặng lẽ tụt xuống. Thì ra chim con mới nở vài hôm, còn yếu ớt lắm. Cậu em tôi không nỡ bắt về. Nó chẳng tiếc công leo cây cau nguy hiểm, chỉ sợ chim không sống được, bắt về chăm chim hóa ra lại làm hại chim.
Video đang HOT
Sau này tôi được biết thêm một chuyện, đó là những người bắt chim. Để giữ chim, họ thắt dây vào chân chim non. Chim con lớn, nhưng do quên (hoặc nhiều lý do khác), người ta không đến bắt. Thế là dù đủ lông cánh, những con chim vẫn không thể rời tổ, chúng chết dần, chết mòn. Từ khi vô tình bắt gặp những hình ảnh ấy, chúng tôi cũng bỏ hẳn việc nuôi chim. Dù khi chúng lớn lên sẽ thả đi, nhưng nghĩ tới hình ảnh những con chim nhỏ lẻ loi, héo hắt trên ngọn cau, niềm vui chăm chim không còn trọn vẹn nữa.
Củ hũ cau so với củ hũ dừa đúng là một trời một vực, to lắm chỉ bằng cổ tay, nhiều cây củ hũ nhỏ xíu như lóng tay. Củ hũ trắng ngà, mùi cau thơm lựng. Để thưởng thức món ngon từ củ hũ cau, nhất thiết phải luộc nước sôi. Chất cau say, nếu ăn tươi hay làm vội thì sẽ dễ “ngây ngất”.
Củ hũ cau ngon nên thái mỏng hay dày đều dùng được. Lát mỏng mềm tan trong miệng, lát dày lại giòn sần sật. Đơn giản nhất là chế biến thành củ hũ xóc tỏi, luộc, cầu kì thêm chút xíu thì xào tôm thịt đều ngon.
Phi thơm xíu ném, tỏi, ớt tươi đập dập rồi cho củ hũ cau vào. Lửa thật to, nhanh tay đảo để củ hũ vừa chín nhưng cũng không mất nước. Sau đó thêm xíu nước mắm, lại cho thêm vài tép tỏi, chút tiêu xay thơm là đã có ngay món củ hũ cau đẹp mắt, ngon lành. Củ hũ bên ngoài giòn, bên trong ẩm, mềm. Hương cau khẽ thoảng nhưng sẽ lạ với người chưa quen mùi. Vị củ hũ ngọt, đọng lại khi nhai kỹ. Bẹ, tàu lá non xếp lớp giòn tan, phần thịt cau giòn rụm.
So với củ hũ dừa, củ hũ cau không ngọt bằng. Nhưng cái béo, mùi vị của củ hũ cau lại chẳng lẫn vào đâu được. Không hiếm, nhưng ít có dịp gặp, vì thế mỗi lần có củ hũ cau, mạ tôi nâng niu như tìm thấy một thức ngon thật quý. Bà đã chỉ tôi cách lấy củ hũ cau vừa nhanh vừa đỡ tốn sức. Và tự tay bà đã dạy tôi cách làm món ăn từ củ hũ cau, loại cây gắn bó với thời thơ ấu.
Chua cay tré Huế
Trong mắt tôi, mẹ tôi là người phụ nữ khéo tay nhất. Những món ăn mà bà chế biến, không chỉ ngon bởi hương vị, mà còn hàm chứa bao nhiêu tình yêu trong đó.
Hấp dẫn tré Huế
Mẹ hiếm lắm mới mua thức ăn chế biến sẵn bên ngoài. Bà lo không đảm bảo sạch và đủ lành. Thế nên, muốn ăn thứ gì, hầu như mẹ đều tự tay chế biến. Ví như hôm đó, tự dưng nghe tôi nói thèm cái vị chua chua, cay cay, giòn giòn sật sật của món tré, mẹ lại bảo "đợi đi". Có ai như bà, đang thèm ăn mà bảo đợi. Đợi đến lúc được ăn chắc cũng đã qua cơn thèm. Nhưng nhiều năm nay đã được mẹ tôi luyện quen nếp, nên có thèm cũng phải đợi. Muốn ăn tré ngon "chuẩn mẹ nấu", phải mất thời gian vậy đó.
Để làm món tré, phải đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận trong từng công đoạn, nào là luộc, xắt thịt, băm tỏi băm riềng, rang mè giả thính... thật sự rất mất thời gian. Muốn ăn ngon, và sạch, phải kỳ công. Thế nên, tôi tất nhiên không thể thoát khỏi chân sai vặt bóc tỏi, gọt riềng.
Thịt heo dùng làm tré là thịt mui, tai cùng ít da heo. Mẹ thường đi chợ sớm, đến hàng thịt quen. Mẹ bảo sạp thịt đó là người ta tự mổ heo bán. Heo được mua ở làng, hầu như chỉ ăn chuối, cám. Thịt giòn và ngọt. Bây giờ vẫn còn người nuôi heo theo kiểu xưa. Giá thường cao hơn một chút. Có thịt rồi, mẹ sẽ rửa sạch rồi ngâm với muối trong chốc lát, sau đó luộc lên cùng với miếng gừng đập dập. Gừng để khử mùi. Thịt luộc chín thì vớt ra ngâm trong thau nước lạnh cho miếng thịt săn lại, để ráo, tiếp nữa cắt thành từng lát thật mỏng, nhỏ.
Riềng, ớt, mẹ trồng ở góc vườn nhà, chỉ cần đi một vòng là đã đầy nắm tay. Riềng cạo sạch, cắt sợi nhỏ. Ớt, tỏi, băm nhuyễn. Mè rang lên cho thơm. Gạo làm thính thì rang chín dậy mùi, giã nhuyễn. Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị đủ đầy, mẹ sẽ cho vào thau thịt trộn lên. Thêm ít ớt cay (loại ớt phơi khô rồi giã nhỏ) càng ngon. Nêm chút tiêu, muối, tí đường và ít bột ngọt rồi trộn đều lần nữa. Đường và bột ngọt nêm ít thôi, ăn nhiều không tốt. Mẹ nói vậy. Nếu không nêm càng tốt hơn. Nhưng ăn sẽ ít ngon, vị không đằm.
Tré mẹ làm, không gói thành từng lọn xinh xinh như ngoại chợ. Mẹ nói, mất công. Dù lá chuối ngoài vườn không thiếu. Mẹ luôn bỏ tré trong hũ thủy tinh, đậy kín nắp, rồi để ở góc thoảng mát trong bếp chừng 2-3 ngày là ăn được. Trước khi cho tré vào hũ, mẹ không bao giờ quên bỏ thêm mấy ngọn lá ổi vào bên trong. Mẹ nói lá ổi ngoài việc tạo nên mùi thơm đặc trưng còn giúp khử khuẩn, hút ẩm, giúp tré khô ráo. Chưa kể ăn tré kèm vài ngọn lá ổi càng dễ tiêu hóa. Lá ổi chọn lá non, ăn có vị chát nơi đầu lưỡi, sau là dư âm ngòn ngọt cứ quẩn quanh.
Khi tré chín, chỉ cần mở nắp hũ ra đã nghe mùi thơm dậy lên đầu chóp mũi. Tré có vị chua chua sau khi lên men, cay cay của ớt, nồng nồng của tỏi, thơm thơm vị riềng và thính, béo thơm của hạt mè, vị lá ổi chan chát. Miếng thịt giòn sần sật thấm đẫm hương vị. Mùa đông xứ Huế, dù có lạnh đến mấy, chỉ cần ăn miếng tré cay xè xè là ấm lòng ngay, mặc cho bên ngoài mưa to gió lớn cũng kệ.
Ẩm thực Huế: Nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô Cố đô Huế chứa đựng trong mình nhiều di sản văn hóa đặc trưng nổi bật, đặc biệt tiêu biểu là văn hóa ẩm thực Huế với trên 1.700 món ăn, bao gồm ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay. Không gian ẩm thực chay tại Lễ hội ẩm thực chay Huế 2019. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN) Đất Huế thơ...