Lạ đời, một nông dân tỉnh Sóc Trăng bỏ lúa trồng thứ cỏ dại này mà thương lái tranh nhau mua
Năm 2012, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cựu chiến binh Trần Văn Việt, ấp 16/2, xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) thuê máy ủi hết diện tích đất trồng lúa để trồng năn.
Bình quân mỗi lần thu hoạch khoảng 200kg năn, thương lái đến nhà thu mua với giá 6.000 đồng/kg.
Đó là cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Việt (64 tuổi), ở ấp 16/2, xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Từ khi rời quân ngũ trở lại quê nhà, ông Việt tiếp tục phát huy phẩm chất của một người lính, luôn nỗ lực, tìm tòi vượt qua mọi khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vươn lên làm giàu cho gia đình và chia sẻ cùng đồng đội kinh nghiệm trong sản xuất.
CCB Trần Văn Việt (người đứng đầu), ở Ấp 16/2, xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị), tỉnh Sóc Trăng bên ruộng năn của gia đình. Ảnh: K.N
Xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng ngày trước đất rộng, người thưa, gia đình canh tác được 4ha lúa, cuộc sống ngày càng khấm khá. Thế nhưng, chẳng may, vợ của ông bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não.
Để có tiền chạy chữa, ông Việt phải bán gần hết đất đai, chỉ còn lại hơn 3 công để cất nhà ở và trồng lúa. Đất ít, trồng lúa năng suất không cao nên cuộc sống của gia đình thiếu trước, hụt sau.
Không cam chịu đói nghèo, ông trăn trở tìm hướng đi cho riêng mình. Năm 2012, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, CCB Trần Văn Việt thuê máy ủi hết diện tích đất trồng lúa để trồng năn, bước đầu cũng gặp khó khăn do chưa hiểu nhiều về cách trồng năn.
Video đang HOT
Nhưng không nản chí, ông Việt tiếp tục tìm tòi, học hỏi những người đi trước, rút kinh nghiệm từ bản thân và ông đã thành công.
Ông Việt chia sẻ: “ Trồng lúa năng suất thấp, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi chuyển sang trồng năn, cuộc sống ổn định hơn trước. Cây năn khá dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch liên tục trong nhiều tháng liền. Bình quân mỗi lần thu hoạch khoảng 200kg năn, thương lái đến nhà thu mua với giá 6.000 đồng/kg…”.
Ngoài ra, ông Việt còn tận dụng diện tích mặt nước để thả một số loại cá, như: sặc rằn, cá lóc, trê vàng… để tăng thêm thu nhập. Tính ra với hơn 3 công đất trồng năn, nuôi thêm cá, 1 năm cho thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng.
Hiện nay, ông Việt tăng diện tích trồng năn lên 5 công đất. Ngoài ra, ông tiếp tục tận dụng mặt nước thả cá, trên bờ nuôi thêm vịt, gà, quanh bờ bao trồng thêm nhiều loại cây ăn trái, rau màu để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Qua nhiều năm tích lũy, năm 2018, ông Việt cất được căn nhà tường khang trang, trị giá trên 200 triệu đồng, đây là niềm vui lớn nhất của bản thân ông Việt và các thành viên trong gia đình.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Việt còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.
Với phẩm chất của một người lính luôn chịu khó, năng động, sáng tạo, cần cù trong lao động, CCB Trần Văn Việt xứng đáng là điển hình CCB tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi được các cấp hội CCB tuyên dương.
Đồng chí Nguyễn Văn Hào – Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Lợi (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “CCB Trần Văn Việt là gương điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của hội.
Trước đây, gia đình ông thuộc diện khó khăn, nhưng với ý chí của người lính và cộng với dám nghĩ, dám làm nên mới có được thành quả như ngày hôm nay. Ngoài việc chí thu làm ăn, ông Việt sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ vật chất cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.
Ám ảnh mỗi khi tàu cao tốc ngang qua
Khi khai trương tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) - Côn Đảo (tháng 12-2019) và ngược lại, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết, sẽ mở ra một tuyến hành trình mới trên sông Hậu; tạo nên tuyến du lịch thú vị kết nối giữa Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); giúp giá vé đi lại giảm hơn 1 nửa so với đường không.
Tuy nhiên, chỉ sau mấy tháng đi vào hoạt động, tàu cao tốc khiến cho cuộc sống, sản xuất của người dân hai bên bờ sông Hậu thuộc các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) bị đảo lộn; hàng chục ngàn m vuông đất của bà con bị trôi sông...
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông Hậu tiếp giáp với ao tôm ở ấp Mười Chiến, xã Long Phú, huyện Long Phú, ông Võ Thanh Vân (60 tuổi), bức xúc: "Tàu cao tốc khai trương mới mấy tháng nhưng đã làm cho chúng tôi hoang mang vì tình trạng sạt lở liên tục xảy ra. Đất nhà tôi giáp sông khoảng 600m, trước đó tôi đã chi hơn 1 tỉ đồng để làm bờ kè bằng bê tông kiên cố nhưng sóng đánh bay hết, lở sâu thêm vào khoảng 5m, tính ra bị mất khoảng 3.000m2 đất.
Chưa kịp làm kè kiên cố, ông Võ Thanh Vân phải dùng tôn che tạm không cho sóng làm sạt lở đất.
Do bị sạt lở đe dọa ao nuôi tôm, tôi phải bỏ tiền để làm lại bờ kè mới với giá 3 triệu đồng cho một mét chiều ngang, ước tính hết 2 tỉ đồng. Số bị sạt lở trước tôi đã kè xong, nhưng đoạn mới bị sạt lở, chưa kịp làm, tôi phải thuê người phủ bạt, lấy tôn lợp nhà chắn lên trên rồi dùng các cây cột bê tông đè lên để chống sạt lở. Thiệt hại rất lớn mà không biết kêu ai".
Tương tự ông Vân, hộ ông Lưu Thanh Bình (ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) có diện tích đất chiều dài theo bờ sông khoảng 200m, do không có điều kiện làm bờ kè bằng bê tông nên đất của ông cũng bị sóng đánh sạt lở sâu vào bờ, có chỗ từ 15-20m. Con ông Bình, cho biết thường tàu chạy với tốc độ cao khiến cho sóng rất mạnh, nhiều hôm sóng tràn qua bờ vào tận ao tôm.
Đưa chúng tôi đi trên đường dẫn xuống bến phà chuyên đưa khách qua sông Hậu từ Long Phú sang Cù Lao Dung (tại ấp Mười Chiến, xã Long Phú, huyện Long Phú), ông Nguyễn Văn Đời cho biết đường dẫn này rộng 4 mét, dài 20m. Trước đây đường dẫn này nằm trên bờ sông nhưng từ ngày tàu cao tốc đi qua đã làm sạt lở hoàn toàn đường dẫn này, lấn sâu vào bên trong 5m nữa. Mỗi khi tàu chạy qua, sóng đánh cao, mạnh, làm sạt lở bờ sông, nhiều tàu thuyền nhỏ cũng bị vạ lây do sóng đánh chìm.
Tàu cao tốc chạy trên sông Hậu.
Ngược theo đường Nam sông Hậu lên các xã Nhơn Mỹ, Phong Nẫm, An Lạc Tây của huyện Kế Sách, chúng tôi cũng được người dân phản ánh về thiệt hại tài sản do những đợt sóng của tàu cao tốc. Tại cồn Cò (ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách), nhiều đoạn kè chân đê tại cù lao bị sóng đánh vỡ, nhiều đoạn đê bị sạt lở. Đặc biệt, nhiều hộ dân có nhà ở cạnh chân đê đang đứng trước nguy cơ bị hư hại vào đỉnh điểm của mùa mưa, triều cường sắp tới và khi tàu cao tốc chạy qua.
Ông Lê Văn Lừng (ấp An Tấn, xã An Lạc Tây) bức xúc: "Từ ngày tàu cao tốc hoạt động đến nay, đất ven bờ sông bị sạt lở, các hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản cũng nơm nớp lo sợ bởi tàu chạy với tốc độ cao sẽ gây sóng lớn đánh chìm xuồng, lưới cũng hư hỏng nặng".
Ông Lê Văn Chăn (cồn Cò, ấp An Tấn) trải lòng: "Tôi trồng vườn và mua bán trái cây nên thường xuyên chuyển nông sản qua sông bằng xuồng, ghe. Khi tàu cao tốc xuất hiện, tôi phải chờ chạy qua lâu, sóng yên mới chuyển trái cây từ cồn vào bờ cho an toàn".
Theo ông Chăn, nhiều người dân ở đây đã quen với cảnh tàu thuyền qua lại hàng ngày nhưng bây giờ nhìn tàu cao tốc chạy khiến họ bất an trước tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì những cù lao nơi đây càng bị sạt lở nhiều hơn... đồng nghĩa với tư liệu sản xuất của người dân sẽ bị tước đoạt. Hiện, một số hộ dân có điều kiện không dám ở cồn mà chuyển vào trong đất liền ở. Còn những hộ không có điều kiện vẫn phải ở lại với suy nghĩ đến đâu hay đó, vả lại bà con cũng không biết chuyển đi đâu vì không có điều kiện.
Theo người dân các ấp An Tấn, An Công (xã cù lao An Lạc Tây, huyện Kế Sách), trong những năm qua, bà con đã chịu cảnh sạt lở nghiêm trọng ở các tuyến đê do triều cường dù huyện đã bố trí nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư kè đá bảo vệ chân đê. Nhưng từ khi tàu cao tốc chạy tuyến Cần Thơ - Côn Đảo đi vào hoạt động, các công trình bảo vệ đê không còn tác dụng.
Theo thống kê, sóng do tàu tạo ra đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê với chiều dài 1.500m; gây ra 34 vụ chìm xuồng, ghe gây hư hỏng phương tiện; 11 lần lưới, ngư cụ của người dân bị cuốn trôi. Một số công trình do nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá đã hư hỏng, có nguy cơ sạt lở.
Ông Trang Trường Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng nói: "Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo được Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (tuyến Cần Thơ đi Trần Đề) và Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (tuyến Trần Đề đi Côn Đảo) cấp phép". Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, tuyến tàu cao tốc trên lưu thông trên tuyến hàng hải nên không thuộc quyền xử lý của CSGT giao thông địa phương.
Về phía chủ đầu tư tàu cao tốc tuyến du lịch kể trên, trong văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cuối tháng 7-2020, đơn vị này cho rằng, luồng sông Hậu là một trong những luồng dành cho tàu, thuyền rộng nhất Việt Nam, luồng có chiều rộng lên đến hàng nghìn mét, chỗ hẹp nhất cũng vài trăm mét. Đây là luồng đang đón trả các tàu có lượng giãn nước 200.000 tấn. Với độ rộng tại luồng sông Hậu, lượng giãn nước 250 tấn của tàu công ty đang hoạt động không thể gây tác hại đáng kể (?!).
Người dân địa phương đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra thực tế, kịp thời chấn chỉnh luồng tuyến hợp lý để hoạt động của tàu cao tốc không gây xáo trộn sinh hoạt, sản xuất và an toàn tính mạng của bà con. UBND huyện Kế Sách cho biết cũng đã có công văn gởi Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng đề nghị xác minh thông tin liên quan đến những ảnh hưởng do tàu cao tốc gây ra trên địa bàn các xã ven sông Hậu, các xã đảo ở địa phương, sớm có giải pháp giải quyết vụ việc, ổn định cuộc sống cho người dân.
Nhiều hoạt động chăm lo người nghèo ở Sóc Trăng Ngày 19-8, Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức ra quân tham gia kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm các hoạt động an sinh xã hội tại Thới An Hội, xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Hướng dẫn người dân cài đặt Bluezone. Tại đây, đoàn công tác đã tặng 100 áo trắng,...