Kỳ vọng thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh
Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: H.Dịu
Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 12/5/2020.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng công tác cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Trong giai đoạn 2016-2020, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa; tổng chi phí xã hội tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương khoảng 6.300 tỷ đồng, các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được “thăng hạng” theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Mai Tiến Dũng cho biết, trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, việc cải cách một số nơi vẫn còn hình thức, thậm chí có tình trạng cắt bỏ quy định này lại mọc ra quy định khác gây khó khăn hơn, tạo thành rào cản đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Nguyên nhân chính của những tồn tại này chủ yếu là do chưa thực sự có cách tiếp cận tổng thể, chưa có cách làm và công cụ phù hợp để đánh giá, kiểm soát, đo lường và tham vấn hiệu quả về chính sách và quy định không còn phù hợp.
Vì thế, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Theo ông Mai Tiến Dũng, đây là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Video đang HOT
Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành; găn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân…
Để thực hiện được mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, ngành tập trung cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo chương trình tại Nghị quyết 68, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử…
Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát của VCCI, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%.
Theo ông Lộc, đây không chỉ là vấn đề tiền bạc hay thời gian mà còn là vấn đề niềm tin. Vì thế, hy vọng Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh ở Việt Nam.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đánh giá cao các nội dung của Nghị quyết 68, nhất là quan điểm đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện các thủ tục trên môi trường điện tử, đề cao trách nhiệm người đứng đầu… nên mong muốn các nội dung này sớm được triển khai thực tế.
Lãi suất giảm rón rén, nhà kinh doanh sốt ruột
Lãi suất tiền gửi trung và dài hạn vẫn cao nên khó có cơ hội để lãi suất cho vay giảm xuống mức hấp dẫn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ hai kể từ đầu năm nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) dễ hơn trong tiếp cận vốn vay giá thấp. Đơn cử lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất khủng
Giải thích về việc giảm mạnh lãi suất điều hành, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết: "Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN cùng với việc quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới. Qua đó góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho các DN và nền kinh tế" - ông Hà cho hay.
Sau động thái mới của NHNN, hàng loạt ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó không ít ngân hàng tuyên bố đã dành hàng chục ngàn tỉ cho vay với lãi suất ưu đãi, thậm chí lãi suất siêu thấp chỉ 4,5%-5%/năm.
Đơn cử Agribank tuyên bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Vietcombank cũng tuyên bố giảm đồng loạt lãi suất tiền vay giai đoạn 3. Theo đó, giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ đời sống tại thời điểm trước khi triển khai biện pháp hỗ trợ giai đoạn 3.
"Với đợt giảm lãi suất lần này, chúng tôi đã hỗ trợ toàn bộ khách hàng DN và cá nhân ở cả mục đích vay sản xuất, kinh doanh lẫn tiêu dùng" - đại diện Vietcombank khẳng định.
Nhiều doanh nghiệp mong lãi suất giảm hơn để giúp họ vượt qua khó khăn do dịch. Ảnh: TL
Nhà kinh doanh mòn mỏi chờ lãi vay giảm
Một số nhà kinh doanh cho biết họ đã tiếp cận được các chính sách ưu đãi từ ngân hàng. Đại diện Công ty TNHH Vico chia sẻ đã được ngân hàng hỗ trợ giải ngân vốn vay, hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi. Ví dụ, ngân hàng đã giảm lãi suất vay đối với các khoản vay VND kỳ hạn đến năm tháng từ mức 6,5%/năm xuống còn 6,0%/năm. "Việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng rất thiết thực, giúp công ty tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh" - đại diện công ty cho biết.
Thế nhưng, khảo sát thực tế trên thị trường cho thấy mặc dù lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn đa phần đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn trung và dài hạn vẫn ở mức cao. Chẳng hạn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại các ngân hàng như OCB, ABBank, NCB, Bản Việt, SHB... ở mức 8%-8,55%/năm, thậm chí có nơi lên tới 9,2%/năm. Do lãi suất huy động cao dẫn đến lãi suất cho vay cao.
Bà Nguyễn Thị Chi, một khách hàng tại Gia Lai, cho biết hiện bà đang có khoản vay 1 tỉ đồng tại một ngân hàng với lãi suất trên 11%/năm. Tháng nào bà cũng phải đều đặn trả tiền lãi khoảng 9,2-9,3 triệu đồng. Mức lãi suất này không hề thay đổi kể từ khi bà đặt bút ký hợp đồng vay vốn trong suốt 16 tháng qua.
"Tôi thấy báo, đài, tivi nói rần rần về việc giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế chúng tôi vay vốn để làm ăn mà không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên thì lãi suất vẫn đứng yên mà không hề giảm chút nào" - bà Chi cho biết. Trường hợp bà Chi không phải là cá biệt. Rất nhiều nhà kinh doanh than thở chưa thể tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, hoặc nếu muốn tiếp cận được thì phải qua quy trình thủ tục quá phức tạp nên đành bó tay.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia kinh tế, cho rằng khi NHNN giảm lãi suất điều hành thì tác động ngay lên lãi suất qua đêm, lãi suất thị trường liên ngân hàng. Song NHNN chỉ điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn nên chỉ có những khoản vay ở kỳ hạn ngắn sáu tháng, chín tháng hay 12 tháng mới có thể được hưởng lãi suất thấp hơn. Còn đối với những khoản vay dài hạn thì rất khó. "Chừng nào lãi suất huy động kỳ hạn dài tiếp tục neo ở mức cao thì việc mong chờ giảm lãi suất cho vay khó có thể xảy ra" - TS Minh nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng các ngân hàng sẵn sàng cho vay, nguồn vốn không thiếu. Tuy nhiên, vấn đề là thiếu nhu cầu tín dụng thực, thiếu những DN thực sự có phương án tài chính tốt để tiếp cận vốn vay.
Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP.HCM:
Cần giãn nợ, giảm lãi gói vay hiện tại
Hiện tại, rất ít DN dệt may trong hiệp hội tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng. Lý do, gói hỗ trợ tín dụng này chủ yếu dành cho những DN vay mới. Thế nên các đơn vị đang hoạt động đều không có nhu cầu hoặc không thể tiếp cận gói hỗ trợ này vì còn đang đi vay. Mặt khác, hiện các DN đều khó khăn về đầu ra thị trường, giảm đơn hàng vì vậy cũng không có nhu cầu để vay vốn hay mở rộng sản xuất.
Thực ra gói 250.000 tỉ đồng là gói mà các tổ chức tín dụng cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn so với tín dụng thông thường. Nguồn vốn chính của gói này không phải từ ngân sách nhà nước. Vì vậy cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường. Nghĩa là nếu DN còn đang vay, đang nợ... thì các ngân hàng cũng khó cho vay gói mới.
Ngoài chuyện giảm lãi suất, điều DN dệt may cũng như các ngành khác đang cần nhất là các tổ chức tín dụng xem xét, rà soát, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hoãn nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay và không chuyển nhóm thành nợ xấu trong thời hạn nhất định đối với những khoản nợ hiện tại bị tác động bởi dịch COVID-19. Khi đó, các DN mới có thể được vay gói hỗ tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú mới đây yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Rà soát, tham mưu ban lãnh đạo NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, DN và nền kinh tế kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19.
Phần mềm rà soát quy định kinh doanh triển khai trong tháng 5/2020 Ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Chương trình được xây dựng với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời thúc...