Ký với Tòa Trọng tài: Bước đi thực hiện chủ trương lớn
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho hay việc ký hiệp định với Tòa Trọng tài thường trực PCA mới đây là một bước đi thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về hội nhập quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình trong cuộc họp báo chiều nay 3/7.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra vào chiều này 3/7, vấn đề Biển Đông tiếp tục thu hút được sự quan tâm của đông đảo phóng viên trong và ngoài nước. Cuộc họp diễn ra khi Ngoại trưởng Philippines vừa có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam và có thông tin máy bay Mỹ xuất hiện trên khu vực giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc.
Sau phần thông tin về các hoạt động ngoại giao của người phát ngôn Lê Hải Bình, cuộc họp báo bước vào phần hỏi đáp.
Dân trí: Ngoại trưởng Philippines Albert F. del Rosario vừa kết thúc chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Việt Nam và Phillipines có trao đổi gì về khả năng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vi phạm chủ quyền không, thưa ông?
Ông Lê Hải Bình: Kết quả chuyến thăm VN của Ngoại trưởng Phillipines đã được báo chí đưa tin rộng rãi. Tôi xin nhấn mạnh rằng hai bên đã thảo luận các biện pháp thức đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, hướng tới đối tác chiến lược.
Hai bên cũng trao đổi về hợp tác trong ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm của ASEAN trong khu vực, trong đó có vấn đề về Biển Đông vì sự phát triển của khu vực.
Hai bên cũng cùng nhau yêu cầu chấm dứt các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, bảo đảm thực hiện nghiêm túc DOC và đàm phán để sớm ký kết COC.
Dân Trí: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam vừa ký hiệp định nước chủ nhà với Tòa Trọng tài thường trực PCA, nếu Việt Nam quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì việc hợp tác này sẽ có tác động như thế nào đến vụ kiện của Việt Nam?
Việt Nam đang thực hiện mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế, hiện nay VN đang tích cực tham gia các diễn đàn ở khu vực và quốc tế vì vậy việc ký kế PCA là một trong bước đi thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước về hội nhập quốc tế.
Lao động: Xin ông cho biết thông tin về việc máy bay Mỹ bay quanh giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc?
Về thông tin máy bay Mỹ bay quanh giàn khoan 981, cơ quan chức năng đang xác minh sự việc. Đến nay cộng đồng quốc tế và các nước liên quan đều yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm luật pháp quốc tế, chấm dứt vi phạm DOC.
Video đang HOT
VnExpress: Vừa qua Trung Quốc (TQ ) đã mở rộng về phía Nam phạm vi khu vực cảnh báo bão 24 giờ, bao trùm toàn bộ vùng biển Biển Đông. Việt Nam (VN) có phản ứng thế nào trước hành động này?
VN cho rằng điều này không thể thay đổi thực tế về chủ quyền VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chứng minh chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa.
An ninh thủ đô: TQ vừa công bố bản đồ phi pháp nuốt gần trọn Biển Đông, Trung Quốc còn công bố luật cho biết quân đội TQ có quyền ngăn chặn ngư dân nước ngoài ở vùng biển Trung Quốc đặt ra. Việt Nam có biện pháp nào bảo vệ ngư dân?
Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin này, chúng tôi cho rằng mọi động thái của các bên ở Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình. Chính phủ VN luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân hoạt động trên ngư trường truyền thống của mình ở Biển Đông.
VN đang cân nhắc thời điểm kiện Trung Quốc
An ninh thủ đô: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội đã cho biết, Việt Nam sẽ sẵn sàng dùng biện pháp pháp lý để kiện TQ về vi phạm chủ quyền, xin ông có thể cho biết khi nào Việt Nam sẽ tiến hành hành động này?
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền của mình ở biển Đông. Biện pháp pháp lý được hiến chương Liên Hiệp quốc ủng hộ. Việt Nam không loại trừ sử dụng biện pháp pháp lý. Việt Nam đang cân nhắc thời điểm để tiến hành.
Vấn đề Biển Đông tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của các phóng viên tham dự cuộc họp báo chiều nay 3/7.
Tiền Phong: Báo chí Nhật Bản vừa đưa thông tin rằng Ngoại trưởng Nhật Bản sắp thăm Việt Nam, xin ông có thể cho biết cụ thể hơn về thông tin này?
Chuyến thăm VN của ngoại trưởng Nhật Bản đang được hai bên thu xếp vào thời điểm thuận tiện. Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là khi hai bên đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược.
Thông tấn Nhật Bản: Gần đây TQ thông báo sẽ dừng một số chương trình giao lưu hợp tác với VN, điều này sẽ có tác động nghiêm trọng thế nào với nền kinh tế VN?
Đến nay mọi hoạt động giao thương giữa VN và TQ đều được tiến hành bình thường.
GDXH: Các nhà lãnh đạo cấp cao đã nhiều lần khẳng định rằng VN lựa chọn thời điểm phù hợp để sử dụng biện pháp pháp lý với TQ. Xin ông có thể cho biết vậy thời điểm và hoàn cảnh nào được cho là phù hợp?
Hoàn cảnh và thời điểm đó chắc chắn là thời điểm mang lại cho VN lợi ích cao nhất trong công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền.
Tuổi trẻ: Từ thời điểm Bộ Ngoại giao thông báo VN đã có hơn 30 cuộc tiếp xúc với TQ, đến nay đã có thêm cuộc tiếp xúc nào giữa hai bên chưa? Những diễn biến mới nhất trên hiện trường đến thời điểm này?
Cho đến nay VN rất kiên trì tìm đối thoại với phía TQ để tìm giải pháp cho vấn đề, những nỗ lực và tiếp xúc đối thoại này diễn ra ở nhiều cấp khác nhau.
Về tình hình trên thực địa chúng tôi hiểu rằng những căng thẳng trên thực địa đã được các bạn hiểu rõ trên phương tiện thông tin đại chúng. Các lực lượng thực thi pháp luật của VN vẫn kiên trì thực hiện biện pháp tuyên truyền, yêu cầu máy bay hộ tống phía TQ rời khỏi vùng biển VN.
Sự kiên trì này cũng như các biện pháp nhằm tránh sự hung hăng của TQ và đã được cộng đồng quốc tế và các phóng viên nước ngoài tại thực địa đánh giá cao.
Tuổi trẻ: Chuyến thăm của ngoại trưởng Philippines đến VN có tác động thế nào đối với việc đấu tranh yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam?
Trên một tạp chí quốc tế, một chuyên gia luật pháp quốc tế của Việt Nam có đưa ra nhận định rằng hành động của TQ đã buộc Việt Nam phải ngồi lên bàn đàm phán mặc dù Việt Nam tuyên bố rằng Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Ông có bình luận gì?
Về câu hỏi thứ nhất tôi xin trả lời như sau: như trên tôi đã nói chuyến thăm làm việc tại VN của Bộ trưởng Ngoại giao Phillippines nhằm tiếp tục thúc đẩy các bước phát triển sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Philippines vào tháng 5 vừa qua.
Như các bạn đã biết trong thời gian vừa rồi VN vẫn tiến hành các hoạt động đối ngoại và tham gia các diễn đàn quốc tế như bình thường, các hoạt động này cho thấy vị thế của VN trên trường quốc tế ngày càng gia tăng. Riêng trong vấn đề giàn khoan Hải Dương-981: lập trường chính nghĩa cũng như kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình đàm phán của Việt nam đều được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Về câu hỏi thứ hai, tôi xin trả lời như sau: dù Việt Nam có lập trường có chứng cứ pháp lý, có chứng cứ lịch sử để chứng minh chủ quyền không tranh cãi của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tuy nhiên vẫn còn những tranh chấp giữa các bên về hai quần đảo này. Để giải quyết những tranh chấp hai bên phải đàm phán, giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế.
TTXVN: Xin ông cho biết phản ứng của VN trước tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng tại Iraq hiện nay?
Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình bạo lực gia tăng tại Iraq. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng như của chính quyền Iraq nhằm sớm ổn định tình hình lãnh thổ của Iraq vì hòa bình ổn định của khu vực.
Tiền phong: Vài ngày trước nội các Nhật Bản cho phép giải thích lại hiến pháp để tạo điều kiện cho việc Nhật Bản sau này có thể đưa quân đội ra nước ngoài và hỗ trợ đồng minh trong các trận chiến. Ông có thể cho biết quan điểm của VN về vấn đề này?
Việt Nam quan tâm đến thông tin này, Việt Nam hy vọng rằng Nhật Bản với tư cách là một quốc gia có ảnh hưởng lớn tại khu vực và thế giới sẽ tiếp tục nỗ lực đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình và ổn định hợp tác và phát triển.
Nam Hằng
Theo Dantri
Trung Quốc tăng tàu quân sự ra giàn khoan Hải Dương-981
Ngày 3/7, Trung Quốc tăng số tàu quân sự bảo vệ quanh giàn khoan Hải Dương-981 lên 7 tàu, thay vì 5-6 tàu như trong thời gian qua. Điều này trái ngược với luận điệu Trung Quốc rằng nước này không điều tàu quân sự ra khu vực giàn khoan.
Đại diện Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hôm nay, 3/7, Trung Quốc duy trì khoảng 114-119 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shinyou 981), trong đó có 44-46 tàu Hải cảnh, 14-16 tàu vận tải, 15-16 tàu kéo, 34 tàu cá và 7 tàu quân sự.Như vậy, Trung Quốc đã tăng thêm tàu quân sự tại khu vực giàn khoan so với mức 5 hoặc 6 chiếc duy trì liên tục trong thời gian vừa qua.
Trung Quốc điều thêm tàu quân sự ra bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981.
Trên thực tế, các loại tàu quân sự của Trung Quốc thường xuyên có mặt tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981, điển hình có 6 loại tàu quân sự chính như tàu khu trục, tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu tuần tiễu, tàu quét mìn...vv.
Trong ngày, các tàu Kiểm ngư của ta thực hiện các đợt tiếp cận giàn khoan, tiến tới khoảng cách 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi tàu của ta tiến vào gần giàn khoan thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc, áp sát các tàu Kiểm ngư của ta để ngăn cản ở khoảng cách 200-300m, không cho các tàu của ta cơ động vào gần giàn khoan. Các tàu của Việt Nam đã chủ động vòng tránh an toàn, kiên trì bám trụ để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật.
Đại diện Cục Kiểm ngư cũng cho biết, các tàu cá của ngư dân ta trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt thủy sản ở khu vực phía Tây Tây Nam, cách giàn khoan khoảng 40-45 hải lý. Tuy nhiên, trên khu vực tàu cá của ta đánh bắt thủy sản có khoảng 34 tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của 2 tàu Hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của Việt Nam, không cho ngư dân của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan. Dưới sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, các tàu cá của ta vẫn an toàn và bám sát ngư trường và tiếp tục khai thác thủy sản.
Thảo Nguyên
Theo dantri
6 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa Chiều ngày 3/7, UBND xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) cho biết vừa gửi báo cáo đến các cấp về việc tàu cá và 6 ngư dân của xã bị Trung Quốc bắt giữ khi đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa. ảnh minh họa Theo đó, vào ngày 28/6, tàu cá QNg 94912-TS (công suất 100 CV) và tàu cá QNg...