Ký ức hải chiến Gạc Ma và chuyện tàu Trung Quốc cướp phá tàu cá Việt Nam
Những ký ức không thể quên về trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988; tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm, cướp phá; chuyện trao nhầm con 42 năm trước ở Hà Nội; cưỡng chế phá dỡ công trình 8B Lê Trực;… là những hình ảnh đáng chú ý tuần qua.
Là một trong những cựu binh sống sót trở về năm ấy, mang trên mình đầy thương tật, anh Nguyễn Văn Thống (SN 1964, ở Quảng Bình) vẫn nhớ như in trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 và những năm tháng tù đày ở Trung Quốc. Ám ảnh nhất là buổi sáng 14/3/1988, khoảng 50 binh lính Trung Quốc mang súng AK bao vây, áp sát bộ đội ta. Lúc đó, các chiến sỹ công binh Việt Nam đứng thành vòng tròn quanh lá cờ Tổ quốc. Sau một hồi giằng cờ và uy hiếp tinh thần của ta, tên sỹ quan chỉ huy lính Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi chĩa thẳng vào bụng Thiếu úy Trần Văn Phương bóp cò. Anh Phương ngã xuống, tay vẫn giữ chặt cán cờ Tổ quốc (Ảnh: Đặng Tài)
28 năm qua, mỗi buổi sáng bà Hồ Thị Đức (79 tuổi) lại đứng dựa mình bên hiên nhà, đôi mắt ngấn lệ hướng về phía biển cả, nơi đứa con trai đầu lòng ngã xuống trong trận chiến không cân sức với Hải quân Trung Quốc ở Gạc Ma ngày 14/3/1988, để giữ chủ quyền của Tổ quốc. Trong bức thư gửi cho mẹ, viết tại Cam Ranh đề ngày 8/3/1988, Thiếu úy Trần Văn Phương (liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) có đoạn: “Tình hình ngoài này hiện nay rất nghiêm trọng, Trung Quốc đưa nhiều tàu và quân đội đến để chiếm đảo… Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường đi bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ…”. (Ảnh: Đặng Tài).
“Họ nhảy lên tàu, dùng roi điện khống chế chúng tôi, cắt phá ngư cụ, cướp hết cá, mực, cắt bộ đàm liên lạc rồi sau đó đuổi hết anh em chúng tôi về phía sau đuôi tàu. Họ quá hung hãn với ngư dân chúng tôi”. Đó là những tố cáo của các ngư dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam về việc tàu hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên cướp phákhi ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Công Bính)
Tàu KH 96640 TS của ngư dân Khánh Hòa bị một tàu lạ không rõ tên đâm va và bị chìm trên vùng biển Hoàng Sa. 5 ngư dân bám víu vào một chiếc thuyền thúng lênh đênh trên biển. Trong ảnh: người thân lo lắng cho số phận của 5 ngư dân. (Ngày 10/3, cả 5 ngư dân đã được cứu an toàn. Ảnh: Viết Hảo).
Câu chuyện 42 năm nhầm con của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (64 tuổi, Quán Thánh, Hà Nội) gây chú ý dư luận suốt những ngày qua. Vào ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một người con gái tại nhà hộ sinh Ba Đình nhưng đã bị trao nhầm con. Dù đau khổ nhưng bí mật về sự nhầm lẫn này vẫn được bà Hạnh giấu kín cho riêng mình. Bà đã hết lòng yêu thương đứa con “nuôi nhầm” mà vợ chồng bà đã đặt tên là Tạ Thị Thu Trang (42 tuổi, trong ảnh). Hiện nay các cơ quan liên quan đang dốc sức vào cuộc tìm kiếm.
Video đang HOT
Nhiều năm qua, chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi, Triều Khúc, Hà Nội) cũng đang cố gắng tìm lại bố mẹ đẻ của mình. Khi chào đời 29 năm trước tại nhà hộ sinh Đống Đa (phố Khâm Thiên, Hà Nội) chị Hiền đã bị trao nhầm bố mẹ (Ảnh: Quý Đoàn).
Cuối cùng công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng bị cưỡng chế, phá dỡ phần sai phạm. Nhiều cán bộ quận Ba Đình, Sở Xây dựng Hà Nội đã bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật(Ảnh: Quang Phong).
“Năm nay chết đói rồi”- bà Kim Thị Diên (ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) xót xa trước tình hình hạn, mặn khiến diện tích trồng lúa mất trắng (Ảnh: Huỳnh Hải).
Sau đúng 1 tuần lễ, cơ quan chức năng vẫn chưa thể “lôi” được chiếc tàu thủy Thành Luân 28 – trọng tải khoảng 3.000 tấn – đâm vỡ dầm cầu An Thái (Kinh Môn, Hải Dương). Đến ngày 12/3, một phần dầm bê tông của cầu vẫn nằm “tọt” trong buồng lái tàu (Ảnh: Nguyễn Dương).
2 tuần một lần, các bạn trẻ trong nhóm “Trái Tim Hồng”ở Huế lại cùng nhau đi thăm, tặng quà cho những người vô gia cư trong thành phố. Các phần quà chủ yếu là cơm hộp, bánh mì, sữa, nước lọc được lấy kinh phí từ các hoạt động gây quỹ như bán hoa, nhặt ve chai mà các bạn trẻ đã thực hiện (Ảnh: Phạm Hoàng).
Thế Kha (tổng hợp)
Theo Dantri
Cụ ông 88 tuổi làm giỗ chung 64 liệt sỹ Gạc Ma
Ba năm nay, năm nào cũng vậy, cụ Hoàng Dỏ (88 tuổi) ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lại bày một mâm cỗ tươm tất lên chiếc bàn vuông đặt hướng ra biển để làm giỗ cho con trai cùng 63 đồng đội của con đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Mâm giỗ đặc biệt
Con trai cụ Dỏ là liệt sỹ Hoàng Văn Túy, hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Làm giỗ cho con, cụ Dỏ cũng làm giỗ cả 63 liệt sỹ còn lại. "Mấy anh em nó sống cùng nhau, chết cùng nhau nên mâm cơm giỗ đứa mô cũng phải về ngồi ăn chung với nhau", cụ Dỏ tâm niệm.
Mâm giỗ đặc biệt được bày đủ 64 bộ bát đũa và các lễ vật theo phong tục
Tấm ảnh thờ liệt sỹ Túy được đặt ở bàn thờ trong gian giữa của ngôi nhà. Nhưng mâm cúng giỗ theo phong tục truyền thống ở địa phương được đặt ra giữa sân. Mâm cơm giỗ 64 liệt sỹ bao giờ cũng có đủ 64 cái bát và 64 đôi đũa.
Tấm ảnh thờ liệt sỹ Hoàng Văn Túy được đặt ở bàn thờ trong gian giữa của ngôi nh
Khi các con đang bày mâm cúng theo nghi lễ, cụ Dỏ kể, cuối năm 2012, cụ được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về thăm và tặng 20 triệu đồng, rồi Tập đoàn Cao su Việt Nam tặng cụ 10 triệu đồng. "Cầm ba chục triệu, trong bụng tui cứ thấy lấn cấn răng răng. Người ta cho vì con mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhưng không phải chỉ có con mình hy sinh mà còn có 63 người khác nữa. Không biết những gia đình đó có được quan tâm như mình không?", cụ Dỏ băn khoăn.
"Mấy anh em nó sống cùng nhau, chết cùng nhau nên mâm cơm giỗ đứa mô cũng phải về ngồi ăn chung với nhau", cụ Dỏ tâm niệm
Cuối tháng giêng năm 2013, như mọi năm gia đình cụ lại chuẩn bị cho ngày giỗ của liệt sỹ Hoàng Văn Túy. Và sau nhiều đêm suy nghĩ, cụ đi đến quyết định dùng số tiền của các tổ chức từ thiện tặng để làm một ngày giỗ chung cho tất cả 64 liệt sỹ. "Ba năm ni, năm mô cũng rứa, tui đều đặt đủ 64 bộ bát đũa lên bàn cúng mỗi khi làm giỗ cho con và 63 liệt sỹ khác", cụ Dỏ nghẹn giọng nói.
Liệt sỹ Hoàng Văn Túy là con thứ tư của cụ Dỏ. Hiện tại cụ sống cùng với gia đình người con trai út là anh Hoàng Văn Vũ. Anh Vũ làm nghề đi biển nên cuộc sống gia đình rất bấp bênh. "Mình nghèo thì làm mâm giỗ theo kiểu nghèo, có cái gì thì mình mời cái đó. Chỉ cần các liệt sỹ biết cái tình của gia đình tui rứa là được", anh Vũ tâm sự.
Hướng về phía biển
Sau khi bày tươm tất các lễ vật, cụ Dỏ ra bàn cúng giữa sân thắp hương. Mắt cụ đã mờ, chân cụ đã yếu và lưng đã còng nên cụ bước đi khá khó nhọc. Cụ múc từng thìa cháo trắng đổ lần lượt vào 64 cái bát, mắt rơm rớm nhìn về phía biển và đọc lời khấn: "Hôm nay là tròn 28 năm các con nằm lại giữa biển khơi vì chống bọn Trung Quốc cướp nước. Các con đã anh dũng hy sinh để bảo Tổ quốc. Ba không có chi hơn, chỉ có ba chén rượu lạt cùng ít lễ vật, thắp nén hương thơm lên đây mời các con cùng về dự...".
Cụ Dỏ thắp hương khấn và mời con trai và 63 liệt sỹ Gạc Ma về ăn giỗ
Vừa dứt lời khấn, cụ Dỏ bật khóc. Cụ như muốn ngã khụy giữa sân. Mọi người vội chạy lại đỡ cụ vào nhà. "Dù sức khỏe đã yếu lắm, nhưng năm nào cụ cũng muốn được tự tay thắp cho con và 63 liệt sỹ nén hương. Mỗi lần như thế, cụ đều bật khóc", anh Vũ mủi lòng.
Ngôi nhà của cụ Dỏ nằm cách bờ biển chỉ khoảng vài chục mét. Mâm cúng giữa sân cũng được cụ Dỏ bảo con cháu đặt xoay về hướng biển. Dù theo tục lệ người ta thường đặt bàn cúng theo hướng Tây Nam. "Chỉ khi đặt bàn giỗ cho anh Túy và những liệt sỹ Gạc Ma cụ mới bắt con cháu đặt bàn theo hướng Đông như thế. Những ngày giỗ khác trong nhà, kể cả giỗ của mẹ anh, cụ Dỏ đều đặt lại hướng Tây Nam. Nhiều người trong nhà thắc mắc thì được cụ nói rằng, đặt bàn cúng như thế là để hướng về nơi các con đang nằm lại giữ biển khơi", anh Vũ kể.
Dù không thể đưa được con về với đất mẹ, gia đình cụ Dỏ vẫn lập một ngôi mộ gió cho con tại nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Ninh.
Anh Vũ cho biết thêm, người anh trai của mình là Hoàng Văn Túy nhập ngũ năm 1985. Trước khi hy sinh, anh Túy được về ăn tết với gia đình hai ngày. Anh Túy nói với cụ Dỏ rằng chỉ khoảng ba tháng nữa là sẽ được ra quân nhưng chưa đầy một tháng sau, anh đã hy sinh tại Gạc Ma.
Sau ngày anh Hoàng Văn Túy hy sinh, cứ chiều chiều người ta lại thấy hình ảnh cụ Dỏ đi ra bờ biển đầu làng, đôi mắt ngấn lệ nhìn thẳng ra hướng Trường Sa...
Đặng Tài
Theo Dantri
Tàu nghìn tấn đâm hỏng cầu An Thái do chạy sai luồng Tàu Thành Luân 28 với tải trọng hơn 3.000 tấn đi vào khúc sông có giới hạn tải trọng tối đa 600 tấn. Ngày 9/3, các công nhân vẫn đang miệt mài thi công chuẩn bị cho công tác giải cứu cầu An Thái Ngày 9/3, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục...