‘Ký sinh trùng’ – Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Golden Globe 2020: Bất ngờ, hài hước và vô cùng ám ảnh
Bộ phim ‘ Ký sinh trùng’ của đạo diễn Bong Joon Ho không chỉ là niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc mà còn khuấy đảo phòng vé vào khoảng giữa năm nay.
Ký sinh trùng ( Parasite) của đạo diễn Bong Joon Ho là phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019 và cũng là phim Hàn Quốc đầu tiên đạt giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng 2020.
Là một bộ phim đậm đặc tính nghệ thuật nhưng Ký sinh trùng lại gần gũi với khán giả đại chúng đến bất ngờ. Nếu phải nhận xét ngắn gọn về bộ phim này thì có thể gói gọn trong ba từ: bất ngờ, hài hước và ám ảnh.
Ký sinh trùng là tuyệt tác của điện ảnh Hàn Quốc.
Bộ phim kể về một gia đình nghèo có bốn thành viên, cùng sống trong một căn hộ bán hầm tồi tàn. Ông bố Kim Ki Taek ( Song Kang Ho) và bà mẹ Kim Chung Sook ( Jang Hye Jin) thất nghiệp ở nhà và mưu sinh bằng công việc gập hộp bánh pizza. Cậu con trai cả Kim Ki Woo (Choi Woo Sik) ở nhà phụ việc cho bố mẹ sau bốn lần thi trượt đại học. Cô em Kim Ki Jung ( Park So Dam) cũng phải nghỉ học ở nhà không không có tiền đóng học phí.
Trailer phim Ký Sinh Trùng
Một ngày nọ, Ki Woo được bạn giới thiệu công việc làm gia sư cho cô con gái Da Hye (Park Ji So) của gia đình giám đốc Park giàu có. Ki Woo lại giới thiệu cho Ki Jung làm gia sư dạy vẽ cho cậu bé Da Song (Jung Hyeon Jun), em trai Da Hye, quý tử của nhà họ Park. Sau đó, gia đình ông Kim đã bàn mưu tính kế để thế chỗ của lái xe và quản gia của nhà giám đốc Park. Cả nhà ông Kim đã xâm nhập trót lọt vào ngôi biệt thự và sống ‘ký sinh’ vào sự giàu có, xa hoa của nhà giám đốc Park (Lee Sun Kyun).
Tưởng được ngồi không hưởng thái bình thì bất ngờ gia đình ông Kim lại có cuộc đụng độ với bà quản gia cũ của nhà họ Park và khám phá ra bí mật động trời được cất giấu dưới gian hầm sâu bí mật. Từ đó hàng loạt những biến cố đã đổ ập xuống cuộc đời họ.
Gia đình ông Kim.
Bất ngờ, gay cấn và giật gân
Ngay từ ở đầu phim, khán giả đã bị cuốn hút vào một câu chuyện hấp dẫn và đầy thú vị. Gia đình nhà ông Kim thực sự là những kẻ lừa đảo đỉnh cao và có hệ thống, không những hất cẳng được những người làm cũ của nhà họ Park trong một nốt nhạc mà còn qua mặt được cả ông bà Park lẫn hai đứa con.
Tình tiết truyện hoàn toàn bất ngờ, khó đoán. Khán giả liên tục bị dẫn dắt theo diễn biến câu chuyện mà không biết mình sẽ được dẫn đi đâu. Nhịp phim càng lúc càng dồn dập, cao trào, bùng nổ với cái kết ’sốc đến tận óc’.
Lần lượt từng người trong nhà ông Kim thâm nhập thành công vào căn biệt thự nhà họ Park.
Gia đình ông Kim có đến bốn cái đầu tinh quái cùng chiêu ‘đánh hội đồng’, nhưng họ lại gặp phải đối thủ quá cứng đầu là bà quản gia cũ của nhà họ Park. Sau khi bị đuổi khỏi căn biệt thự, bà đã trở lại và lợi hại gấp đôi với đồng minh đắc lực là ông chồng của bà ta. Hai vợ chồng bà quản gia có thể đấu không lại gia đình ông Kim, nhưng họ là những kẻ cố cùng liều thân, cái gì cũng dám làm, cái gì cũng có thể làm.
Nhân vật thú vị, dàn diễn viên đồng đều, diễn xuất thuyết phục
Dàn diễn viên trong Ký sinh trùng, từ chính đến phụ đều có thực lực diễn xuất và làm nổi bật nhân vật mình thể hiện. Một ông Kim, bà Kim nhìn thôi đã thấy cái tướng nghèo hèn, bần tiện. Vì nghèo nên khuôn mặt họ lúc nào cũng hằn lên nét mưu mô, toan tính.
Một ông giám đốc Park giàu có, trịch thượng đang ban ơn cho những kẻ nghèo hèn. Ông ta luôn nhăn mặt, che mũi vì không chịu đựng nổi cái mùi đặc trưng tỏa ra từ cơ thể những người lao động nghèo.
Vợ chồng giám đốc Park.
Một bà phu nhân giám đốc lúc nào cũng sốt sắng tiệc tùng, bao bọc con từng li từng tí nhưng lại hời hợt với việc quán xuyến gia đình. Bà Park hoàn toàn không biết gì về những công việc lớn nhỏ trong nhà nên mới bị người làm dễ dàng qua mặt.
Trong số những nhân vật chính thì có lẽ thú vị nhất là nhân vật Da Jung. Cô gần như là chủ mưu, là người đứng sau đạo diễn cho tất cả những màn kịch lừa gạt của gia đình mình. Khác với người anh của mình (thi trượt đại học đến bốn lần), Da Jung tỏ ra thông minh, có con mắt thẩm mĩ ổn. Cô là con nhà nghèo nhưng vẫn toát ra thần thái sang chảnh, diễn vai du học sinh về nước cứ y như thật.
Có lẽ nhân vật này đã không thành công đến vậy nếu không có màn hóa thân của Park So Dam. Nữ diễn viên có vẻ đẹp đậm chất Hàn Quốc, chất giọng lôi cuốn và diễn xuất thuyết phục.
Park So Dam có một vai diễn thành công trong Ký sinh trùng.
Hình ảnh cài cắm nhiều ẩn dụ
Trong phim có ba bối cảnh chính là bối cảnh căn hộ bán hầm của gia đình ông Kim, bối cảnh căn biệt thự siêu sang của gia đình ông Park và bối cảnh căn hầm bí mật bên trong căn biệt thự.
Căn hầm ẩm mốc, thiếu sáng đối lập với không gian sang trọng, sạch sẽ và tràn ngập ánh nắng phía trên. Căn biệt thự là nơi phô trương cuộc sống bề nổi giàu có của giới thượng lưu. Trong khi căn hầm tăm tối lại cất giấu những bí mật sâu kín nhất của những con người dưới đáy xã hội.
Sự đối lập giữa hai hoàn cảnh sống.
Chiếc chiếc bậc thang dài hun hút bên trong căn hầm là con đường dẫn lối những người nghèo chạm vào cuộc sống của giới nhà giàu. Nhưng những bậc thang đó không bao giờ được những người giàu biết tới, họ cũng chưa một lần đặt chân xuống đó xem bên dưới có gì.
Cầu thang hun hút vừa dài vừa tối.
Hình ảnh cả gia đình ông Kim tranh thủ chơi đùa ở khoảng sân cỏ xanh rì trước căn biệt thự (nhân lúc nhà Park đi dã ngoại) là cảnh bình yên hiếm hoi họ có, trước khi sóng gió ập xuống gia đình họ.
Những cơn mưa càng khắc họa rõ ràng khoảng cách giữa hai cực giàu nghèo. Với nhà giám đốc Park, mưa là một cái gì đó gợi sự lãng mạn. Những ngày mưa, vợ chồng ông Park nằm trong căn biệt thự, làm tình với nhau trên sofa, ngắm mưa rơi qua lớp cửa kính. Để rồi, sau cơn mưa trời lại sáng, bà Park nghĩ ngay đến một buổi tiệc ngoài trời.
Ngoài sân cỏ, cậu bé Da Song lại có một thú vui lãng mạn khác, là cắm trại giữa cơn mưa rào. Căn lều được phu nhân Park đặt mua ở tận Mỹ, đảm bảo không thấm nước. Sáng hôm sau khi nắng lên, căn lều của cậu bé sẽ là trung tâm của bữa tiệc sinh nhật.
Căn hộ tồi tàn của gia đình ông Kim.
Trong khi đó, những cơn mưa rào ngập lụt là nỗi bĩ cực khủng khiếp với gia đình ông Kim, những con người chui rúc dưới căn hộ bán hầm. Nước ngập ngang lưng, tất cả mọi thứ ô uế, rác thải trôi lềnh phềnh vào tận nhà, đồ đạc chẳng kịp cất, mà cũng chẳng có chỗ nào khô hơn để mà cất, đường điện thì rò rỉ tóe tia lửa lẹt xẹt. Trong khi đó, hình ảnh dòng thước thải được phun ngược lên xối xả qua chiếc bồn cầu là một trong những hình ảnh gây ám ảnh nhất phim.
Sự mâu thuẫn gay gắt giữa vật chủ và những kẻ sống ký sinh
Thoạt nghe tựa đề, nhiều người sẽ nghĩ Ký sinh trùng là một phim khoa học viễn tưởng hay phim về thảm họa nào đó. Chỉ đến khi xem hết bộ phim mà vẫn còn chưa hết sốc, người ta mới gật gù, nghiền ngẫm nghĩ về cái tên Ký sinh trùng.
Thật không có một hình ảnh nào hợp lý hơn để so sánh những người như gia đình ông Kim hay vợ chồng bà quản gia. Họ là những kẻ sống dưới đáy xã hội, không nghề ngỗng, không tài sản, sống ký sinh vào sự giàu có của người khác.
Trên người ông Kim luôn toát ra thứ mùi khó chịu.
Trên người ông Kim và những thành viên trong gia đình ông luôn toát ra một thứ mùi mà dù có đổi bao nhiêu loại xà phòng ông cũng không tẩy sạch được: mùi nghèo. Cái mùi nghèo di truyền từ đời này sang đời khác, ăn sâu vào thịt da, xương tủy. Cái mùi khiến ông Park khó chịu, liên tục nhăn mày, bịt mũi.
Sự đối lập giữa gia đình ông Kim và gia đình giám đốc Park là mâu thuẫn khủng khiếp của sự chênh lệch giàu nghèo, một bên là giới siêu giàu, một bên là những kẻ chạm đáy của cái nghèo, nghèo đến độ không thể nghèo hơn được nữa.
Tình trạng thất nghiệp ở Hàn Quốc thật sự đáng báo động.
Phim cũng phản ánh một vấn nạn cực kỳ nhức nhối ở xã hội Hàn Quốc: nạn thất nghiệp. Ngay cả những người đang trong độ tuổi lao động như con trai, con gái ông Kim cũng không thể tìm được một việc làm tử tế do thiếu trình độ. Cả gia đình ông kiếm được việc làm tốt dựa trên sự dối lừa về bản thân. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ chóng mặt đã khiến giới tài phiệt giàu lên nhanh chóng còn những kẻ nghèo sẽ bị bỏ lại, mãi mãi không theo kịp.
Những kẻ giàu có sống ký sinh vào đồng tiền, thứ đảm bảo cho họ có cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Giám đốc Park, người được coi là ‘vật chủ’ của một đám người sống ký sinh thực ra cũng đang sống ký sinh vào một thứ khác, đó chính là đồng tiền. Ông Park dường như quá mải mê với việc kiếm tiền mà giao phó toàn bộ nhà cửa cho vợ mình quán xuyến. Ông Kim đã nhiều lần nhắc nhở đầy ẩn ý với ông Park rằng ông có yêu vợ mình không, ông hoàn toàn tin tưởng bà ấy chứ? Chính sự hời hợt với gia đình đã thành một phần nguyên nhân khiến đòn bi kịch giáng xuống gia đình ông Park.
Ký sinh trùng chính thức ra rạp ở Việt Nam vào tháng 6/2019 và đã tạo nên cơn sốt phòng vé. Sau gần nửa năm được chiếu ngoài rạp, siêu phẩm này đã chính thức có mặt trên Keeng Movies từ ngày 15/12.
Theo tiin
3 phim điện ảnh Hàn lọt vào danh sách 100 phim hay nhất thập kỷ
"Burning", Parasite", "The Handmaiden" là 3 siêu phẩm màn ảnh rộng của Hàn vinh dự lọt vào danh sách 100 bộ phim hay nhất thập kỷ do chuyên trang về điện ảnh IndieWire công bố.
The Handmaiden (Người hầu gái): Bộ phim đồng tính nữ nổi tiếng của Hàn Quốc The Handmaiden đứng thứ 72 trong top 100 phim hay nhất thập kỷ do chuyên trang IndieWire bình chọn. Nội dung phim dựa theo tiểu thuyết Fingersmith của tác giả Sarah Waters, lấy bối cảnh chiến tranh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong phim, nữ diễn viên Kim Min Hee thủ vai cô gái quý tộc người Nhật Hideko bị gã đạo chích (Ha Jung Woo đóng) lập âm mưu cướp tài sản. Gã thuê một cô gái móc túi (Kim Tae Ri) giả làm hầu gái để giúp y quyến rũ nữ quý tộc. Ý định của gã đạo chích thay đổi khi Hideko và cô hầu gái nảy sinh tình cảm.
The Handmaiden của đạo diễn Park Chan Wook từng giành giải Phim nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc (BAFTA) lần thứ 71. Phim đã vượt qua những ứng cử viên nặng ký khác gồm Elle của đạo diễn người Hà Lan Paul Verhoeven, First They Killed My Father của Angelina Jolie, Loveless đến từ Nga và phim Salesman đến từ Iran. Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc (BAFTA) được đánh giá là đồng cấp với giải Oscar, hay còn gọi là Oscar của Anh. The Handmaiden đã đi vào lịch sử điện ảnh xứ kim chi khi trở thành bộ phim Hàn Quốc đầu tiên nhận được giải thưởng này. Bộ phim cũng giành được giải Phim nước ngoài xuất sắc và Giải thiết kế xuất sắc được trao bởi Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh Los Angeles vào tháng 12/2017.
Burning (Thiêu đốt): "Tuyệt phẩm của điện ảnh Hàn Quốc" là mỹ từ mà các nhà phê bình dành tặng cho Burning. Bộ phim được lấy cảm hứng dựa trên truyện ngắn Barn Burning được in lần đầu năm 1992 của Haruki Murakami. Tác phẩm do đạo diễn Lee Chang Dong cầm trịch từng tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 2018. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc lọt vào danh sách rút gọn cho 9 phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Giải thưởng Viện Hàn lâm lần thứ 91 (Oscars 2019). Trong danh sách 100 phim hay nhất thập kỷ của IndieWire, Burning đứng vị trí thứ 22.
Chuyện phim xoay quanh cuộc đời 3 nhân vật chính. Jong Soo (Yoo Ah In đóng) là thanh niên luôn chật vật tìm cách mưu sinh nhưng vẫn ôm mộng trở thành một tiểu thuyết gia. Một ngày, Jong Soo gặp lại người bạn thuở nhỏ Hae Mi (Jeon Jong Seo đóng) và được cô nhờ chăm sóc chú mèo trong thời gian tới châu Phi. Trở về từ chuyến khám phá đó, Hae Mi dẫn theo Ben (Steve Yeun đóng), một người đàn ông thuộc tầng lớp giàu có với cuộc sống phủ đầy vật chất xa hoa. Khi Hae Mi dẫn theo Ben đến thăm trang trại của Jong Soo ở Paju, Ben thú nhận sở thích "đốt cháy các nhà kính bằng nhựa vinyl". Lời thú nhận của chàng trai xa lạ khiến Jong Soo cảm thấy sợ hãi. Sau đó, cô bạn Hae Mi đột ngột biến mất. Jong Soo bắt đầu nghi ngờ Ben là hung thủ và "nhà kính bằng nhựa vinyl" còn hàm chứa một ẩn ý sâu xa nào đó.
Tại LHP quốc tế Cannes 2018, Burning được đề cử tại 3 hạng mục gồm Đạo diễn xuất sắc cho Lee Chang Dong, Kịch bản xuất sắc cho Lee Chang Dong - Oh Jung Mi và Nam diễn viên chính xuất sắc cho Yoo Ah In. Bộ phim kéo dài 150 phút và nhận được phản ứng bùng nổ của 3.000 khán giả có mặt tại suất công chiếu ở Rạp hát lớn thuộc Cannes. Ngay sau đó, hàng loạt tờ báo trên thế giới đều nhắc đến Burning với những lời khen tích cực.
Parasite (Ký sinh trùng): Siêu phẩm do đạo diễn Bong Joon Ho cầm trịch đã mang về một chiến thắng thần kỳ cho điện ảnh Hàn Quốc trong năm nay. Parasite là bộ phim điện ảnh đầu tiên đến từ xứ củ sâm đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2019. Tác phẩm này cũng vinh dự được xếp vào vị trí số 48 trong danh sách 100 phim hay nhất thập kỷ do IndieWire công bố.
Parasite là câu chuyện về 2 gia đình có điều kiện sống hoàn toàn trái ngược. Nhà họ Park giàu có, sung túc. Trong khi đó, nhà họ Ki phải sống trong cảnh khốn khổ, túng quẫn đến cùng cực. Họ quen biết nhau khi cậu con trai Ki Woo nhà nghèo được nhận vào làm gia sư cho cô tiểu thư nhà ông Park với bằng cấp giả. Ki Woo lôi kéo em gái mình vào phi vụ lừa đảo rồi lập kế hoạch tấn công nhà họ Park như những con ký sinh trùng ăn mòn đến tận cội rễ.
Thông qua bộ phim này, đạo diễn nổi tiếng Bong Joon Ho đã kể câu chuyện nhân văn về gia đình, phơi bày vấn nạn phân biệt giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Tại quê nhà, Parasite thu hút hơn 10 triệu lượt xem sau 2 tháng công chiếu, trở thành bộ phim phát hành vào tháng 5 có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Thành công này có được một phần nhờ dàn diễn viên gồm 6 cái tên đình đám Song Kang Ho, Lee Sun Kyun, Cho Yeo Jeong, Jang Hye Jin, Choi Woo Sik, Park So Dam.
Theo 2sao.vn
'Ký sinh trùng' - Phim kinh dị 'Us' của xã hội Hàn Quốc Choáng ngợp trước kịch bản của Ký sinh trùng, nhiều người cho rằng bộ phim của đạo diễn Bong Joon Ho có những nét tương đồng với phim kinh dị Us vừa gây chấn động phòng vé toàn cầu cách đây không lâu. Phim Ký sinh trùng (Parasite) là tác phẩm Hàn Quốc của đạo diễn Bong Joon Ho vừa thắng giải Cành...