Kỷ niệm về lần gặp Bác Hồ của “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ
Đã gần 50 năm trôi qua nhưng những kỉ niệm về lần duy nhất trong đời được gặp Bác Hồ vẫn nguyên vẹn trong tâm trí Hoa Xuân Tứ. Đó cũng là lần duy nhất cậu bé không tay Hoa Xuân Tứ được tham dự ĐH chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước.
Hoa Xuân Tứ và vợ Bác dặn “phải cố gắng nhiều hơn”!
Chúng tôi tìm về nhà ông Hoa Xuân Tứ (SN 1950, trú tại xóm 4, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) một ngày đầu năm 2013. Trong căn nhà gỗ cũ kỹ, Hoa Xuân Tứ đang lăn trên giường để dỗ đứa cháu trai đang khóc vì ngái ngủ. Dưới nền nhà, lạc vỏ, lạc nhân vương vãi. Thấy có khách, ông bật dậy, cười: “Đang bóc lạc để chuẩn bị gieo thì thằng cháu dậy. Nhà chỉ còn tôi với đứa con gái tật nguyền ở nhà thôi. Bà nó và đứa con dâu đang ở ngoài đồng.”
Ông cúi xuống, đứa cháu chừng 3 tuổi vòng tay ôm lấy cổ. Hai ông cháu ra bàn ngồi, hai cánh tay bị cắt cụt để bả vai, chỉ còn hai chiếc ống tay áo lủng lẳng theo nhịp bước đi. Đó là hậu quả một vụ tai nạn khi ông còn là một đứa trẻ 4 tuổi. Lần đó, ông đi xem người ta ép mía bằng trục đá do trâu bò kéo. Một phút bất cẩn, cả phần thân trên của ông bị cuốn vào cái trục đá đó. Hai cánh tay bị nghiền nát bét lên tận bả vai, ngực cũng bị tổn thương nặng nề.
Dù không còn đôi tay nhưng Hoa Xuân Tứ vẫn lao động như một lão nông tri điền thực thụ
Sau một thời gian cứu chữa, bác sỹ buộc phải cắt trọn 2 cánh tay của Tứ. Dù mới 4 tuổi nhưng Tứ đã hiểu nỗi mất mát lớn lao của mình. Thế nhưng cái lòng ham học thì chẳng có trở ngại nào có thể ngăn cản được. Thấy bạn bè cắp sách tới trường, Tứ nằng nặc đòi đi theo. “Mi không có tay, viết chữ răng được mà đi hả con?”, bố mẹ của ông động viên.
Kệ, ông cứ để ngoài tai. Sáng sáng, khi các bạn ôm cặp tới trường cũng là khi ông lúc lắc thân hình không tay tới lớp. “Thấy tôi không có tay, các thầy cô giáo cũng không cho vào học vì nghĩ rằng tôi không thể viết được. Tôi đứng ngoài cửa, nhìn cô giáo dạy các bạn viết rồi về nhà, dùng que, dùng gạch, phấn kẹp vào ngón chân, tập viết ra sân. Không nói hết cái khổ cực của tập viết bằng chân mô, có khi chuột rút cho ngã ngửa ra sân, đau đến méo cả miệng.
Video đang HOT
Rồi tôi cũng viết được chữ, tuy không đẹp lắm. Lần này thì các thầy cô cho tôi vào học vì thương tôi đã khổ luyện. Tôi được ngồi riêng một bàn, chẳng cần ghế vì phải ngồi hẳn lên bàn mới viết được. Nhưng dần dần tôi thấy mình “bất lịch sự quá” nên cố gắng chuyển sang tập viết bằng cằm và cổ. Tôi cứ kẹp cái bút vào cổ, dùng vai và cằm điều khiển nó đi theo ý định của mình. Hồi đó còn viết bằng bút mực, mực loang lổ cả áo là chuyện thường. Sau 3-4 tháng khổ luyện, tôi không phải dùng chân để viết nữa”, Hoa Xuân Tứ nhớ lại.
Nhờ khổ luyện, ông có thể viết chữ bằng chân và bằng cằm, cổ
Không còn phải viết bằng chân nhưng đôi chân đã thay cho đôi bàn tay khi nó có thể giúp Tứ làm được mọi việc, từ chăn trâu, cuốc đất… Ngoài việc giúp đỡ bố mẹ việc nhà, việc đồng áng, dù không có tay nhưng Tứ vẫn giành được thành tích đáng nể trong học tập, nhiều năm liền giành được danh hiệu học sinh tiên tiến. Rồi Tứ vinh dự được tham dự Đại hội “2 giỏi” toàn tỉnh và được các nhà báo Hữu Thọ, Vũ Quang Huy, nhà văn Sơn Tùng biết tới. Những bài viết về nghị lực vươn lên của chú bé không tay Hoa Xuân Tứ đã được cả nước biết đến.
Năm 1966, Hoa Xuân Tứ được vinh dự tham gia Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc. “Đại hội to lắm, toàn các chú bộ đội nhiều thành tích trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Năm đó chỉ có 6 thiếu nhi được tham dự thôi, gồm tôi, bạn Kiều Anh (Hà Nội), Đinh Thị Lê Kim (Hải Phòng), Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Thị Vệ (Thanh Hóa), Trần Ngọc Ý (Hà Tĩnh) vì đã có những cố gắng trong học tập và cuộc sống.
“Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi được gặp Bác Hồ. Sau khi gặp gỡ chung toàn đại hội, chúng tôi được gặp riêng Bác. Bác ân cần thăm hỏi hoàn cảnh gia đình của từng bạn, thưởng kẹo. Bác đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Cho Bác gửi lời hỏi thăm bạn bè, bố mẹ, thầy cô của các cháu. Chúc mọi người sức khỏe và công tác tốt. Các cháu là những mầm non của đất nước, các cháu phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải cố gắng học hành giỏi giang để sau này trở thành người có ích cho đất nước, có ích cho xã hội”.
Biết hoàn cảnh của tôi, Bác đã chỉ thị cho bác sỹ Tôn Thất Tùng làm cho tôi cánh tay giả. Chiếc tay giả này có khớp, giúp tôi ăn cơm hay làm các việc nhẹ nhàng nhưng đã bị cuốn mất trong cơn lũ năm 1978, ông Tứ kể tiếp.
Những lời căn dặn của Bác đã trở thành động lực để ông cố gắng mỗi khi vấp váp hay cảm thấy mình đuối sức trước những quăng quật của gánh nặng cơm áo gạo tiền. Cánh tay giả – món quà của Bác dành cho ông không còn nữa nhưng những tấm ảnh được chụp cùng Bác được ông cất giữ như báu vật, đóng khung nhôm đặt ngay ngắn trong tủ kính giữa nhà.
Ước mơ cuối đời của người đàn ông không tay
Học giỏi nhưng nhà nghèo, ông đi thi đại học cho lấy lệ rồi ở nhà luôn, cũng chẳng màng kết quả thi cử thế nào bởi nếu có đậu cũng không có điều kiện đi học. Học dở lớp 10 (tương đương với lớp 12 bây giờ), 20 tuổi, Tứ gặp và nên duyên vợ chồng với người phụ nữ hơn mình 6 tuổi. Đó là người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Sau lần bị thương do bom đạn Mỹ gây ra khi bà đi dân công, nhà chồng sắp cưới hối hôn vì nghĩ rằng bà không còn khả năng sinh đẻ. Bởi vậy, dù Hoa Xuân Tứ không có tay, chấp nhận lấy ông là chấp nhận khó khăn và cơ cực nhưng bà vẫn vượt qua sự cấm đoán của gia đình để đến với ông.
Những tấm ảnh chụp cùng với Bác Hồ trong lần tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966 được ông cất giữ và treo trang trọng trong nhà
Nhà Tứ nghèo, bà Lê Thị Sự cũng nghèo, bởi vậy tài sản ra riêng của vợ chồng chỉ là căn nhà tranh rách nát. Lần lượt 5 đứa con ra đời, bà gần như phải làm trụ cột trong nhà. Thế nhưng, trời chẳng thương bà, cay cực, lam lũ nhưng đứa con gái thứ 3 sinh ra chẳng được lành lặn như những đứa con khác. Bao nhiêu năm, đứa con tội nghiệp ấy chỉ có thể nằm ngửa trên giường, ăn uống, vệ sinh đều phải phục vụ.
Nhìn cái cách ông Tứ bón cơm cho con mà trào nước mắt. Bố không tay, ngậm thìa vào miệng, xúc cơm bón cho đứa con gái đã hơn 30 tuổi. Đôi bàn tay ngọ nguậy liên tục, có khi khua cả vào mặt bố, cơm vung vãi ra. Bởi vậy, dù không muốn nhưng ông cũng phải trói tay con lại…
Nỗi khổ tâm lớn nhất của ông là cô con gái hơn 30 tuổi bị bại liệt, chỉ có thể nằm một chỗ
Cố lắm, ông bà cũng chỉ có thể cho con ăn học hết cấp 3. Giờ, 4 đứa con đã yên bề gia thất nhưng cuộc sống cũng hết sức khó khăn, chẳng giúp đỡ bố mẹ già được bao nhiêu. “Ước mơ của tôi là làm được căn nhà xây mái ngói. Năm ngoái, có nhà hảo tâm hỗ trợ một ít, hai vợ chồng vay mượn xây được phần thô là hết tiền nên đành phải để dỡ dang thế. Dù chưa có cửa giả gì nhưng mùa mưa lũ cũng không còn nơm nớp bố con bị nước cuốn đi nữa. Nhưng không biết đến bao giờ căn nhà của tôi mới được hoàn thiện…”, ông nói mà như khóc. Niềm mơ ước của người đàn ông là xây được căn nhà tử tế cho vợ con ở đối với ông sao mà khó đến thế?
Năm mới đến, ngoài mơ ước hoàn thiện được căn nhà, ông còn mơ ước được gặp lại những người bạn tham dự ĐH anh hùng, chiến sỹ thi đua cách đây hơn 40 năm. “Hồi đó, anh em chỉ gặp nhau mấy ngày đại hội. Khâm phục các bạn lắm nhưng chia tay rồi, mỗi người một phương, không biết ai còn, ai mất. Cuối đời, tôi chỉ mong được gặp lại mọi người một lần để hàn huyên, tâm sự với nhau. Hy vọng tất cả mọi người đều có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc”, Hoa Xuân Tứ tâm sự.
Theo dantri
Tự hào là "lính liên quân"
Không khó để nhận ra trong nhiệm vụ của những chiến sỹ "ba quân" đã làm nên thương hiệu của Công an Hà Nội luôn thường trực những vất vả, gian nguy kèm theo sự kỳ vọng của nhân dân cả nước. Nhưng không phải ai cũng biết, đằng sau những giọt mồ hôi, những giọt máu còn là những tâm sự buồn vui, từng nỗi niềm chất chứa không thể nói hết thành lời.
Lắm hiểm nguy
Đối diện với tất cả các loại tội phạm lưu động luôn kè kè hung khí, sẵn sàng chống trả quyết liệt là thực tế đặc thù chỉ có ở các tổ công tác 141. Không giống như các chuyên án, đối tượng và phương án tấn công luôn cụ thể, riêng nhiệm vụ của lực lượng 141 lúc nào cũng ẩn chứa những bất ngờ, quyết liệt. Trong các loại tội phạm, nguy hiểm, ranh ma nhất có lẽ phải kể đến những đối tượng buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy. Bị lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang, chúng luôn tìm đủ chiêu trò tẩu tán tang vật, chống trả, thậm chí đổ vạ cho lực lượng thực thi pháp luật.
Trường hợp Nguyễn Tiến Sơn (38 tuổi, ngõ 6 phố Tô Hoàng, Hà Nội) bị tổ công tác Y5/141 bắt giữ mới đây tại ngã tư Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân là một ví dụ. Thời điểm diễn ra sự việc, tổ công tác 141 do Trung tá Hà Văn Tuân chỉ huy phát hiện 2 nam thanh niên điều khiển 2 xe gắn máy chạy song song đều không đội mũ bảo hiểm, có nhiều biểu hiệu nghi vấn. Ngay lập tức, tổ công tác ra tín hiệu dừng xe kiểm tra nhưng cả hai lập tức quay ngoắt đầu xe, tăng ga bỏ chạy. Một đối tượng còn manh động phóng xe lao thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ. Các chiến sĩ 141 đã tổ chức truy đuổi, bắt giữ Nguyễn Tiến Sơn. Biết không thể tháo chạy, đối tượng này nhanh tay cầm bao thuốc lá ném về phía đám đông đi đường. Tuy nhiên, các trinh sát đã "bắt thóp" hành vi gian xảo, sau đó kiểm tra, phát hiện bên trong bao thuốc lá chứa 3 gói heroin. Ban đầu, Sơn một mực kêu oan, sau đó lại thủ thỉ xin xỏ, cho đến khi bị tổ công tác cảnh cáo thì lại lớn tiếng kêu la, đổ thừa cho cảnh sát nhét ma túy vào bao thuốc lá của hắn!
Nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phát hiện thu giữ
Nụ cười sau những chiến công
Cách đây hơn 1 năm, khi kế hoạch 141 bắt đầu được triển khai, dư luận đã đặt ra không ít câu hỏi về hiệu quả, phương thức thực hiện cũng như tính dài hơi của mô hình đảm bảo ANTT mới, lần đầu tiên xuất hiện trên toàn quốc. Còn với những người tổ chức, trực tiếp tham gia kế hoạch ấy thì việc bố trí, kết hợp cùng lúc 3 lực lượng chung sức tham gia trấn áp tội phạm làm sao cho "ăn khớp" cũng là vấn đề được quan tâm. Tuy nhiên như tâm sự của Trung tá Nguyễn Văn Vinh - Đội phó Đội CSGT số 1, người gắn bó với kế hoạch 141 từ những ngày đầu mới triển khai thì chỉ sau một thời gian ngắn cùng tham gia nhiệm vụ, tất cả cán bộ chiến sỹ trong tổ công tác đã trở nên thân quen, coi nhau như người một nhà. "Chính sự đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ giữa các lực lượng cùng tham gia kế hoạch 141 đã góp phần làm nên thương hiệu, hiệu quả của mô hình" - Trung tá Phạm Văn Tuyến - Đội phó Đội CSGT số 5, chỉ huy tổ công tác Y10/141 chia sẻ.
Nhiệm vụ của các tổ công tác 141 rất nặng nề, trong khi mỗi cán bộ chiến sỹ tham gia kế hoạch này vẫn phải hoàn thành phần việc thường nhật đơn vị giao phó. Nhưng bất kỳ ai đã là "lính liên quân" thì đều hào hứng tham gia, sẵn sàng thức khuya, dậy sớm, tạm gác việc gia đình để hết mình vì nhiệm vụ. Trung tá Nguyễn Đức Chung - Chỉ huy tổ công tác đặc biệt Y1/141 trong quá trình làm nhiệm vụ, đã bị một đối tượng chống đối, lao xe máy vào người gây chấn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngay sau khi xuất viện, Trung tá Chung đã tiếp tục tham gia 141. "Mỗi tuần 6 buổi "cắm chốt" khắp các địa bàn trên toàn thành phố, vì thế dù nhà gần đơn vị, nhưng phải 2-3 ngày, mới có dịp... về thăm vợ con" - Trung tá Nguyễn Đức Chung cười hóm hỉnh. Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hùng - Tổ công tác Y4/141 đang làm nhiệm vụ thì hay tin vợ sắp sinh nên đành vội vã xin phép chỉ huy, về đưa vợ vào viện. Một lát sau, đồng đội lại thấy người chiến sỹ này quay trở lại tham gia tổ công tác. Hỏi ra mới biết, chàng lính trẻ sau khi gọi điện cầu cứu người thân trông nom vợ mới sinh, đã tức tốc trở lại vị trí chiến đấu.
Đối với lực lượng vũ trang, việc đón giao thừa xa gia đình đã không còn là việc lạ lẫm. Nhưng với những cán bộ chiến sỹ đang tham gia kế hoạch 141 thì khoảnh khắc đón năm mới Quý Tỵ 2013 sẽ xen lẫn vô vàn cảm xúc. Riêng những cán bộ chiến sỹ đã tham gia 5 tổ công tác thành lập từ giữa năm 2011 thì tết này sẽ là lần thứ 2 họ gắn bó với nhiệm vụ được mệnh danh là "Quả đấm thép", đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo Thủ đô. Giao thừa trước, khi pháo hoa rực sáng bầu trời Hà Nội, cả tổ công tác làm nhiệm vụ ở chốt giao thông lại ôm chầm lấy nhau, gửi trao những lời chúc tân xuân đầy may mắn. Còn với hơn 200 cán bộ chiến sỹ mới tham gia 10 tổ công tác tăng cường, Tết này cũng sẽ hứa hẹn nhiều ý nghĩa.
Theo ANTD
Mang Xuân tin yêu đến nhà giàn Sáng 13-1, tại Vũng Tàu, Vùng B Hải Quân đã tổ chức 2 chuyến tàu HQ 624 và HQ 626 chở đoàn công tác đi chúc tết, tặng quà cán bộ, chiến sỹ các nhà giàn DK1 dịp xuân Quý Tỵ. Tàu HQ-624 sẽ đi chúc tết các nhà giàn Cụm Tư Chính, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Ba Kè tàu HQ-636...