“Kỹ nghệ” ăn xin: Kiếm tiền quá dễ
Trong các vai nhà sư, người tàn tật và thanh niên gặp khó khăn, phóng viên Báo Người Lao Động đã “thu nhập” gần 1 triệu đồng chỉ trong vòng 1 giờ xin tiền
Sau khi được “sư phụ” T.V.D chỉ cho một số mánh khóe, ngày 12-10, tôi hóa trang thành một thanh niên tàn tật, lê lết trên đường để xin tiền. Tuyến đường 27 trước cổng Trường THCS Ngô Chí Quốc (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) được tôi thử nghiệm đầu tiên.
Vô tư cho tiền
Khi tôi vừa lê lết được hơn 3 m, đã có hơn 10 học sinh lớp 6 bao quanh để hỏi thăm. Một số phụ huynh đang đón con gần đó cũng dõi mắt nhìn theo hình ảnh một nam thanh niên chân bị băng bó và phải lê lết dưới nền đất nóng ran. Ít phút sau, một học sinh đến hỏi thăm: “Anh bị gì vậy?”, tôi đáp: “Chân anh bị hoại tử nên không đi được”. Nghe vậy, rất nhiều học sinh đã gom góp tiền để cho và một số phụ huynh cũng chung tay hỗ trợ.
Tổng số tiền tôi có được sau khi “hành nghề” trước cổng Trường THCS Ngô Chí Quốc là 52.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, tôi đứng dậy đi thì rất nhiều học sinh bất ngờ trước việc một thanh niên tàn tật bỗng dưng trở lại bình thường. “Ê thằng kia, lừa đảo hả mày?” – một phụ huynh chỉ tay về phía tôi và quay sang càm ràm với những người xung quanh. Cạnh đó, rất nhiều học sinh trố mắt, khuôn mặt đầy sự tức giận.
Trong vai nhà sư và thanh niên gặp khó khăn, phóng viên đang “hành nghề” trên đường phố TP HCM Ảnh: Quốc Chiến – Lê Phong
Sau khi giải thích về hành động giả người tàn tật ăn xin của mình, tôi đã trả lại toàn bộ số tiền từ lòng hảo tâm cho mọi người kèm theo một quà tặng lưu niệm. “Vậy mà lâu nay cứ thấy ai tàn tật, xin ăn là tôi sẵn sàng cho tiền mà không hề nghi ngờ gì” – một người nói.
Video đang HOT
Tôi tiếp tục nhập vai người tàn tật lê lết vào một quán cà phê trên đường số 25, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Lần này, tôi tiếp cận một đôi nam nữ đang ngồi uống nước. Khi vừa đến bàn, tôi chìa tay để xin thì nhận được cái lắc đầu của họ kèm theo ánh mắt khó chịu. Nam thanh niên tỏ ý xua đuổi: “Đây không có tiền, còn khỏe lo mà đi làm ăn. Mấy cha đừng giả bộ ăn xin nữa?”. Nghe vậy, tôi giả vờ đau đớn và mệt mỏi, nói: “Ai mà muốn lê lết thân phơi nắng vậy đâu anh. Chân em bị hoại tử không đi được, chỉ mong anh cho ít tiền để về quê”.
Thấy bị làm phiền, nam thanh niên đành móc túi đưa cho tôi 10.000 đồng. Ngày 13-10, tôi “hành nghề” trên Quốc lộ 13 và đường Phạm Văn Đồng. Chỉ trong vòng 1 giờ, đã có gần 20 người cho tiền, trong đó chủ yếu mệnh giá 5.000 đồng và 10.000 đồng. Tổng số tiền nếu không trả lại cho những người có lòng hảo tâm thì tôi “thu nhập” cũng được khoảng 300.000 đồng. Trong khi đó, tại đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), chịu nằm vật vờ dưới nắng gắt, tôi được người đi đường cho 2 chai nước suối, tặng 1 ổ bánh mì và gần 80.000 đồng.
Bố thí để khỏi bị làm phiền!
Chỉ cần thuê một chiếc áo nhà sư và túi xách với giá 150.000 đồng/ngày, cộng với bình bát 70.000 đồng nữa là tôi có thể trở thành một “sư thầy” đi khất thực.
Sau gần 15 phút đứng ở giao lộ Nguyễn Thị Định – Đồng Văn Cống (quận 2), tôi được rất nhiều người cho tiền. Một phụ nữ bán vé số gần đó thấy “sư thầy” đứng giữa nắng nên đã động lòng, rút trong túi ra tờ tiền mệnh giá 20.000 đồng để cho và gập người, miệng lẩm bẩm: “Nam mô a di đà Phật”. Tiếp đó, một thanh niên đi xe máy cũng “làm công quả” 10.000 đồng. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút đứng tại đây, tôi đã được 4 người cho với số tiền gần 100.000 đồng. Thế nhưng, cũng có một thanh niên bỏ vào bình bát 10.000 đồng kèm theo câu hỏi cắc cớ: “Có phải sư thật không cha?” khiến tôi suýt bị lộ vì không nhịn được cười. Rời khỏi khu vực này, tôi về nút giao thông ngã ba Cát Lái (quận 2) tiếp tục “hành nghề”. Tại đây, tôi được nhiều người đi đường cho tiền, ít nhất là 10.000 đồng, thậm chí có người cho cả trăm ngàn đồng mà không chút nghi ngờ.
Trước đó, phóng viên Báo Người Lao Động cũng vào vai một thanh niên “lỡ đường” nên xin tiền ở khu vực Bến xe buýt Bến Thành (quận 1). Khi tôi tiếp cận với một nam thanh niên đang đợi xe buýt để trình bày việc mới từ quê lên thành phố nhưng bị trộm lấy hết tiền và giấy tờ tùy thân thì không do dự, người này liền móc ví lấy ra 50.000 đồng để cho và dặn dò cẩn thận. Tiếp đó, một cặp vợ chồng đang đổ xăng tại khu vực Bến Thành mặc dù tỏ vẻ nghi ngại nhưng cũng nhanh chóng cho tôi 10.000 đồng.
Khi tôi chuẩn bị rời đi, người chồng gọi với lại cho thêm 20.000 đồng vì sợ chưa đủ tiền về quê. Tại Công viên 23-9, hai cô gái đang ngồi nói chuyện thì tôi tới “nhờ giúp đỡ” với lý do đi đường lỡ hết tiền nên không thể về quê. Lúc đầu, hai người từ chối nhưng vì tôi nài nỉ nên cuối cùng cho 5.000 đồng. “Thấy bị làm phiền quá nên đưa mấy ngàn cho xong” – một trong hai phụ nữ nói sau khi biết tôi đóng vai và trả lại tiền.
“Coi chừng bị đánh chết” Ngày 14-10, phóng viên Báo Người Lao Động trong vai một thanh niên bị liệt hai chân, ăn xin ở khu vực ngã ba Mã Lò (quận Bình Tân). Khoảng 10 giờ cùng ngày, sau khi lê lết qua khu vực cây xăng nằm trên đường Tân Kỳ Tân Quý về giao lộ với Mã Lò, tôi bắt gặp một thanh niên chừng 25 tuổi cũng đang lết chiều ngược lại, trên tay cầm một xấp vé số. Khi đến gần khoảng nửa mét, người này mặt hầm hố nạt: “Mày là thằng nào mà qua đây? Coi chừng tao đập gãy lưng cho nằm bẹp luôn”. Vừa dứt lời, anh ta đẩy tôi lăn vào lề đường và dùng cùi chỏ để đánh. Sau đó, gã “tàn tật” gọi điện cho đồng bọn đến hỗ trợ. Tôi phải nhờ lực lượng “hiệp sĩ” đến giải vây. Khi xe máy chở tôi rời khỏi ngã ba Mã Lò thì phía sau, một số thanh niên dữ tợn rồ ga đến. Gã “tàn tật” bán vé số đe dọa: “Gặp lần nữa, tao đập”.
Trong quá trình nhập vai, có lần phóng viên bị đe dọa vì vào địa bàn của đối tượng khác Ảnh: Thành Đồng
Một tài xế taxi đậu gần đó nhắc nhở tôi: “Nó ở đây lâu rồi, hoạt động có bảo kê hết, không phải dễ gì là xuống đường ăn xin đâu. Coi chừng bị đánh chết”.
Theo Thành Đồng – Lê Phong – Quốc Chiến (Người lao động)
"Kỹ nghệ" ăn xin: "Tầm sư học đạo"
Sau nhiều ngày làm quen, chúng tôi được một số "sư phụ" đã giải nghệ truyền bí kíp để tranh thủ lòng hảo tâm của mọi người
Qua lời giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm gặp T.V.D (25 tuổi). Theo "giang hồ" đồn đại, trước kia D. từng tham gia một nhóm giả dạng tàn tật lê lết khắp các tuyến đường ở TP HCM để ăn xin.
Đồ nghề rất đơn giản
D. cho biết năm 2014, anh ta được một số người rủ từ quê vào TP HCM lập nghiệp bằng công việc làm "cái bang". "Khi nghe gợi ý theo nghề này, lúc đầu tôi ngại lắm. Nhưng sau đó, thấy cũng hái ra tiền nên theo học ngót một năm mới hành nghề được" - D. nói.
Phóng viên Báo Người Lao Động đang học lê lết dưới sự chỉ dẫn của T.V.D và mua "đồ nghề" để giả nhà sư Ảnh: Quốc Chiến
Sau một lúc nghe thuyết phục và thấy sự tha thiết "học nghề" của tôi, D. gật đầu, đồng thời khẳng định sẽ giúp "đệ tử" trở thành một "cái bang" thực thụ. Sau khi truyền đạt xong phần lý thuyết, D. dạy: "Cái này phải chơi đồ cũ, chứ đồ mới là bể liền". Sau đó, "sư phụ" dẫn chúng tôi ra chợ chuyên bán đồ cũ ở quận 11 mua 1 áo sơ mi dài tay, 1 quần tây bạc màu và 1 chiếc nón tai bèo cũ với tổng giá chỉ 150.000 đồng. Nhập môn, "sư phụ" cho biết địa bàn hoạt động phải tập trung ở các tuyến đường lớn, xa lộ hoặc khu chợ đông người mua bán. Sau khi có những thứ cần thiết, D. lấy một cục than củi bôi lên nón tai bèo và dùng dao lam rạch tạo thành những vết sần sùi, rồi giải thích: "Đội nón tai bèo vừa che được mặt không cho ai thấy vừa tránh nắng". Tiếp đến, D. yêu cầu tôi ngồi bệt xuống để lấy băng gạc quấn 4 vị trí trên người, gồm: cùi chỏ tay trái, cổ tay, xương chậu và cổ chân. "Mục đích dùng băng quấn lên những vị trí này nhằm hạn chế bị tổn thương khi bò lết. Nhiều người không biết, chỉ cần nằm xuống đất di chuyển chừng 20 m là da trầy, chảy máu ngay" - D. giải thích.
Đâu vào đó, D. lấy một ít thuốc đỏ bôi lên băng gạc ngay cổ chân giống như đang bị thương và yêu cầu tôi ra bãi đất gần nhà lăn lộn 3 vòng cho nhuần nhuyễn. Thấy tôi luống cuống, D. nạt: "Người tàn tật khi di chuyển phải dùng lực ở hông và cổ tay chứ không ai dùng lực chân. Nếu lấy sức ở chân, người ta phát hiện mình giả tật ngay. Phải dùng tay và hông đẩy cùng lúc, cách này ít tốn sức mà giống bị tàn tật". Để minh chứng, D. nằm xuống làm mẫu, cánh tay trái cong lại thành hình chữ U để lên mặt đường và gồng sức trườn người về phía trước. Chỉ trong vòng 10 giây, D. di chuyển được 4 m. Tiếp đó, D. yêu cầu tôi thử bò nhiều lần nữa để kiểm tra. "Giống rồi đấy, nhưng cần khổ luyện thêm cách bò như thế nào cho nhuần nhuyễn hơn nữa là có thể "lượm" tiền được rồi" - D. phán. Trả lời thắc mắc vì sao nhiều người bị loét tay, loét chân ngồi ăn xin năm này qua tháng nọ nhưng vết thương vẫn bình thường, D. khẳng định tất cả là giả. Cụ thể, những vết thương được làm bằng sáp có bán đầy ở chợ Bình Tây, tạo hình và bôi máu gà lên. "Để được như thế, trình độ phải cao hơn, còn chú mày cứ làm như anh chỉ là được rồi" - D. nói.
Không được lắm chuyện!
Trong vai người thất nghiệp, tôi tìm đến một con hẻm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) để học nghề. Cứ tầm khoảng 11 giờ 30 phút đến 13 giờ là các sư giả hành nghề lại đến con hẻm này để "lột xác" trước khi về nhà. Sau nhiều ngày làm quen, tôi được một "sư thầy" nhận làm đệ tử với học phí là một ly cà phê và 2 chai nước suối.
"Sư thầy" cho biết trước đây có làm công đức tại một ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai, sau đó không làm nữa. Khi rời chùa, ông được một sư thầy cho chiếc áo nhà sư để làm kỷ niệm nên giờ mới có "hành trang" để vào nghề. "Sư thầy" giới thiệu tên Khuyên, quê Thái Bình và không có vợ, con. Khi chúng tôi hỏi có thể mua đồ này ở đâu thì "sư thầy" chỉ: "Nghe nói ở quận 5 có bán, giá khoảng 300.000 đồng". "Nghề này cũng khó thầy nhỉ?" - tôi hỏi. Lập tức, "sư thầy" gằn giọng: "Nói nhỏ thôi, đừng lắm chuyện, người ta nghe". Sau khi đe nẹt tôi về cái tội tò mò, "sư thầy" cho biết trước hết, khuôn mặt phải luôn điềm tĩnh, chân bước ngắn, hai bàn chân nối tiếp nhau, thẳng hàng chứ không phải theo kiểu vòng kiềng, tay không được đánh như người đi bình thường. Mắt luôn nhìn về phía trước, không cười, nói lung tung. "Người đi đường nhìn vào mà thấy mặt mình có gì đó là nghĩ ngợi liền" - "sư thầy" lưu ý. Vừa nói, Khuyên vừa gấp từng đồng tiền mới xin được và liếc xung quanh dò xét. Sau đó, "sư thầy" đưa vạt áo quẹt mồ hôi trên trán, giảng tiếp: "Thật ra cũng chẳng có gì khó đâu, miễn đi đứng thận trọng, không nhìn lung tung. Tốt nhất là khi đứng một chỗ thì nhắm mắt lại để người ta đỡ dò xét. Khi đi "hành nghề" thì nên đến các chợ buôn bán lớn hoặc bệnh viện vì ở đây người ta làm phước nhiều. Những ngày giữa tháng hoặc cuối tháng thì đi về các chùa vì khách hành hương đông, cầu tự cũng lắm. "Coi chừng bị đưa về đồn nha cha, dạo này họ làm căng lắm" - "sư thầy" dặn.
Cũng theo Khuyên, nghề này được mùa nhất là dịp rằm tháng bảy hoặc trước và sau Tết Nguyên đán, mỗi ngày cũng được 3-4 triệu đồng. "Bất đắc dĩ mới theo cái "nghề" này chứ hay ho gì. Sơ suất là vào trung tâm bảo trợ xã hội như chơi" - Khuyên tâm tư. Sau khi uống nốt ít nước còn lại trong chai, Khuyên làm mặt nghiêm: "Có bao nhiêu nói với ông cả rồi đấy, từ nay đừng có bám tôi nữa, thích thì qua mấy bàn bên kia mà ngồi". Nói xong, Khuyên lấy trong túi một chiếc nón lưỡi trai và đôi dép rồi đi ra đường Hải Thượng Lãn Ông để đón xe buýt về lại Đồng Nai, kết thúc một ngày "khất thực".
Bỏ nghề vì quá "bạc" D. cho biết chỉ cần đầu tư bộ quần áo thì mỗi tháng kiếm được gần chục triệu đồng. Năm 2009, D. và băng nhóm hoạt động ở khu vực quận 5, quận 8 và một đoạn gần Bến xe Miền Tây chứ không lấn chiếm địa bàn của "cái bang" khác vì dễ bị xử. "Sau đó, mình bỏ nghề vì thấy "bạc" quá dù có tiền thật. Lẽ nào mình cứ sống cuộc đời giả dối mãi sao, khi nào cũng ghì cái mặt xuống đất. Tôi chỉ cách giả làm ăn xin để cậu biết thôi, chứ không phải đi lừa người ta nhé" - D. căn dặn.
Theo Thành Đồng - Lê Phong - Quốc Chiến (Người lao động)
"Kỹ nghệ" ăn xin Còn biết bao hoàn cảnh khó khăn cần xã hội giúp đỡ nhưng cũng có không ít trường hợp sử dụng nhiều chiêu trò lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi Sau một thời gian bị truy quét, tệ nạn ăn xin ở TP HCM đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người ăn xin tái xuất....