Kỷ luật hàng loạt giám đốc vụ cao tốc sắp thông xe kém chất lượng
Phó Tổng Giám đốc của VEC, các giám đốc và phó giám đốc cùng nhiều kỹ sư thực hiện Dự án cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vừa bị cảnh cáo, kỷ luật và đình chỉ công tác do có liên quan tới gói thầu bị “tố” là kém chất lượng.
Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), ngày 26/12, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) và VEC đã khẩn trương kiểm tra, tổ chức khắc phục các khiếm khuyết trong thi công các hạng mục móng hộ lan và tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm về sự việc.
Kết quả kiểm tra cho thấy việc tổ chức khắc phục các khiếm khuyết về chất lượng thi công hạng mục móng cột hộ lan đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn khai thác trước khi tổ chức thông xe kỹ thuật và khai thác tạm thời Dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Về xử lý trách nhiệm, các cá nhân và tập thể có liên quan gồm: VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (EPMU HLD), Tư vấn giám sát dự án-Liên doanh Nippon Koci-TediSouth, Nhà thầu Gói thầu 3-Công ty TNHH Posco E&C (Hàn Quốc).
VEC đã ra quyết định cảnh cáo nhà thầu thi công Posco E&C và đưa Đội thi công hạng mục móng cột hộ lan đoạn cầu Ruột Ngựa ra khỏi công trường và cấm tham gia các dự án do VEC làm chủ đầu tư; phê bình Ban QLDA đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây và Tư vấn giám sát liên doanh Nippon Koei – TediSouth.
Đối với Chủ đầu tư, kỷ luật khiển trách ông Phạm Hồng Quang – Phó Tổng Giám đốc VEC; Lê Mạnh Hùng – Giám đốc EPMU HLD; ông Ngô Tấn Quang – Phó Giám đốc EPMU HLD; ông Phạm Hồng Lĩnh – Kỹ sư phụ trách hiện trường (chuyên viên EPMU HLD).
Video đang HOT
Với Tư vấn giám sát liên doanh Nippon Koei-Tedi South, kỷ luật cảnh cáo ông Tatsuya Okamura – Giám đốc dự án; ông Nguyễn Thế Vương – Trợ lý Kỹ sư thường trú Gói thầu 3 và đình chỉ công tác đối với ông Đặng Quốc Thắng – Kỹ sư giám sát đường 15 và có trách nhiệm khắc phục triệt để các tồn tại sau khi kiểm tra.
Đối với Nhà thầu thi công Posco E&C, kỷ luật cảnh cáo ông Sang Hoon Lee – Giám đốc Dự án Gói thầu 3; đình chỉ công tác ông Cho Yang Cook – Giám đốc thi công Gói thầu 3 và có trách nhiệm khắc phục triệt để các tồn tại sau khi kiểm tra; Đội thi công hộ lan mềm đoạn cầu Ruột Ngựa nhận hình thức kỷ luật đình chỉ công việc, buộc Nhà thầu chính đưa ra khỏi công trường.
Ngoài ra, VEC cấm các nhân sự chủ chốt là ông Nguyễn Nhất Nguyên – Đội trưởng và ông Trần Minh Cường – Đội phó Đội thi công hộ lan mềm đoạn cầu Ruột Ngựa không được tham gia các dự án của VEC.
Như Dân trí đã đưa tin, trước thời điểm thông xe (ngày 28/12), Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây bị phát hiện kém chất lượng thi công hạng mục móng cột hộ lan, tại một số vị trí trên tuyến thuộc gói thầu số 3 của Dự án.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu VEC phải đánh giá, xác định nguyên nhân và xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan (Chủ đầu tư, Tư vấn, Nhà thầu) đã để xảy ra khiếm khuyết về chất lượng trước 30/12/2013.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hoàn thành 3,5 km cầu cạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Sau 3 năm thi công (từ tháng 12.2009), gói thầu đầu tiên (1A) của dự ánđường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành.
Gói thầu này có giá trị 1.382 tỉ đồng. Đây là gói thầu xây lắp cầu cạn đi qua Q.9, TP.HCM (3,5 km), rộng 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, với vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Sáng nay 21.12, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức lễ công bố hoàn thành xây lắp gói thầu 1A , đồng thời tổ chức lễ động thổ dự án thành phần I thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đã đến dự.
Gói thầu đầu tiên 3,5 km cầu cạn của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành - Ảnh: Mai Vọng
Năm 2007, dự án thành phần I đoạn An Phú (Q.2, TP.HCM) đến đường Vành đai II (dài 4 km) được giao cho TP.HCM đầu tư. Tuy nhiên, theo đề nghị của UBND TP.HCM, Bộ GTVT đã chuyển giao dự án này cho VEC làm chủ đầu tư (tháng 7.2010).
Sau một thời gian thu xếp, nguồn vốn của dự án thành phần này đã được sự chấp thuận của nhà trợ JICA (Nhật Bản).
Dự án được chia làm 3 gói thầu, gồm: gói thầu số 7 (2 km) bao gồm 1 nút giao, hơn 600 m cầu..., do Liên danh Tổng công ty Xây dựng đường thủy - Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành thi công, với giá trị trúng thầu hơn 1.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong 715 ngày.
Gói thầu số 8 (2 km) bao gồm 1 nút giao liên thông, hơn 500 m cầu..., do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường thi công, với giá trị trúng thầu hơn 1.100 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong 24 tháng.
Gói thầu số 9 xây dựng toàn bộ đường nhánh nút giao gồm 7,6 km đường (2 làn), 3,9 km cầu (2 làn)..., do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 thi công, giá trị trúng thầu hơn 2.400 tỉ đồng, thời gian thực hiện trong 24 tháng.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các nhà thầu triển khai ngay việc thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ theo hợp đồng, để thông xe toàn tuyến vào năm 2014.
Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, nối liền đại lộ Đông Tây và tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, qua TP.HCM và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất (cùng của tỉnh Đồng Nai).
Theo TNO