Kỳ lạ, rừng lộc vừng mọc ở ao nước xanh tốt hơn 400 năm, đạo chích nhòm ngó suốt
Ít ai biết được rằng, tại làng Phú Thọ, xã An Thủy ( huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), một bàu mưng (lộc vừng) xanh tốt đã tồn tại suốt hàng trăm năm qua như một chứng tích lịch sử.
Với người dân nơi đây, bàu mưng không chỉ là tài sản vô giá ông cha để lại mà còn là niềm tự hào, là “linh hồn” của làng quê và dẫu trải qua bao thăng trầm, biến động, họ vẫn quyết giữ cho bàu mưng ấy mãi xanh.
Bức bình phong bảo vệ làng
Lời giới thiệu hấp dẫn của một người bạn thôi thúc chúng tôi vượt chặng đường gần 50 cây số từ thành phố Đồng Hới đến làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) để được mục sở thị bàu mưng-”trái tim” của vùng vời ven sông Kiến Giang bốn mùa ngập nước này.
Với người dân làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) bàu mưng chính là niềm tự hào, là “trái tim” của làng quê.
Dẫn chúng tôi đi thăm bàu mưng, ông Nguyễn Thanh Thủy, Bí thư Đảng bộ bộ phận kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phú Thọ tự hào chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên mà người làng Phú Thọ dành những mỹ từ như: báu vật, linh hồn, trái tim hay lá phổi xanh… để nói về bàu mưng làng mình. Sự trường tồn của nó suốt hàng trăm năm qua đã minh chứng cho một sức sống mãnh liệt và những tình cảm thiêng liêng mà người dân nơi đây dành cho “báu vật” ông cha để lại”.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọ, vị cao niên của làng, người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về bàu mưng Phú Thọ, bàu mưng có từ khoảng 400 năm trước (cũng là khoảng thời gian lập làng) do người địa phương tự trồng.
Thời ấy, mảnh đất mà các bậc tiền nhân đến cắm lều khai cơ, lập địa là một bãi cồn, nằm giữa vùng sình lầy nước nổi, bốn bề sóng nước mênh mông. Mỗi mùa mưa lũ, sóng từ phá Hạc Hải dồn vào, làng phải “trần lưng” chống đỡ. Có lẽ, bởi thế mà ngay từ khi lập làng, các bậc tiền nhân đã đi lấy cây mưng ở rừng về trồng thành từng hàng, từng lối ngay ngắn, thẳng tắp, bao phủ làng quê.
Bàu mưng Phú Thọ có quy mô chừng 1ha với khoảng 100 cây lộc vừng tỏa bóng um tùm trên mặt nước, có những cây to phải hai người ôm. Tận mắt chứng kiến bàu mưng với những thân cây xù xì, thô sần mới hình dung được sức chống chịu của loại cây quý này trước những khắc nghiệt của thời tiết, nhất là mỗi mùa mưa lũ xứ Lệ.
Video đang HOT
400 năm tồn tại và phát triển, bàu mưng trở thành “lá phổi xanh” bảo vệ làng trước những biến động của thời tiết, của ngoại xâm. Vào mùa mưa lũ, bàu mưng giúp người làng Phú Thọ giữ nhà, giữ vườn trước những đợt nước lũ từ phá Hạc Hải. Những năm kháng chiến, bàu trở thành nơi trú ẩn của bộ đội.
“Thời chống Pháp, bàu mưng cách đồn An Lạc của địch khoảng 1 cây số. Phong trào chống Pháp nổi lên mạnh mẽ, du kích đêm đêm về bàu mưng ẩn náu, đánh địch nhiều trận táo bạo. Thực dân Pháp thấy vậy, sai quân chặt phá bàu mưng không sót một cây. Người làng xót xa như chính da thịt mình bị cắt, tưởng như bàu mưng thế là… xong. Ấy vậy mà, những gốc mưng bị chặt được phù sa nuôi dưỡng, vẫn đâm chồi, tái sinh một cách mãnh liệt…”, ông Ngọ chia sẻ.
Theo ông Ngọ, Đến kháng chiến chống Mỹ, bàu mưng lại trở thành thao trường để bộ đội, dân quân tập luyện. Và đến hôm nay, sau hơn 4 thế kỷ trường tồn, bàu mưng vẫn như một bức bình phong sừng sững, bảo vệ Phú Thọ trước những trận cuồng phong của bão lũ…
Quyết giữ bàu mưng xanh
Người làng Phú Thọ quý bàu mưng như chính sinh mệnh của mình. Họ bảo, bàu mưng chính là “linh hồn”, là “trái tim” của làng. Và dĩ nhiên, tình yêu đó đã biến thành sức mạnh để họ bảo vệ “trái tim” ấy trong suốt mấy thập kỷ qua.
Ngày trước, mưng chẳng mấy quý giá. Nhưng độ chục năm trở lại đây, mưng (cây lộc vừng) trở thành loài cây quý, được bán với giá rất cao trên thị trường. Dân chơi cây cảnh xem mưng là cây phát tài, phát lộc nên chơi mưng (cây lộc vừng) trở thành phong trào khá rầm rộ.
Đường về bàu mưng làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình).
Không ít lần, thương lái đến Phú Thọ thuyết phục làng bán mưng (cây lộc vừng) với giá có khi lên đến vài tỷ đồng, nhưng họ chỉ nhận được những cái lắc đầu bởi người dân nhất quyết không bán. Bàu mưng Phú Thọ cũng trở thành đối tượng trong tầm ngắm của những tay “đạo chích”. Điều này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho người dân địa phương trong việc bảo vệ tài sản quý của làng.
Ban cán sự thôn đã họp bàn, quyết định thành lập đội bảo vệ bàu mưng giao cho Chi hội Cựu chiến binh thôn quản lý. Các thành viên đội bảo vệ đã phối hợp với lực lượng đoàn viên thanh niên cắt cử nhau ngày đêm tuần tra, bảo vệ, không cho đối tượng lạ thâm nhập bàu mưng. Nhờ đó, đến nay, gần 1ha bàu mưng với khoảng 100 cây vẫn nguyên vẹn.
“Hiện nay, đội bảo vệ bàu mưng vẫn được duy trì, hoạt động thường xuyên và được giao cho Công an thôn quản lý. Với người làng Phú Thọ, bảo vệ bàu mưng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng với tổ tiên, với ông cha. Bảo vệ bàu mưng được đưa vào hương ước của làng và những ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết.
Theo ông Phan Thanh Lương, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy, hiện tại, xã đang chỉ đạo thôn Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bàu mưng; đồng thời chỉ đạo thôn thường xuyên cải tạo, chăm sóc bàu mưng nhằm hướng tới quy hoạch bàu mưng trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.
Chia tay chúng tôi, Bí thư Đảng bộ bộ phận Phú Thọ Nguyễn Thanh Thủy không quên nhắn nhủ: “Thật tiếc vì cháu lên không đúng mùa hoa mưng nở, lên đúng mùa thì được chiêm ngưỡng cảnh đẹp miên man, chẳng muốn về luôn ấy chứ!”.
Lời nhắn nhủ hấp dẫn ấy chắc chắn sẽ mời gọi bước chân chúng tôi trở lại đây vào mùa hoa mưng năm sau để được chiêm ngưỡng những thảm hoa mưng đẹp đến nao lòng như lời bạn tôi đã giới thiệu. Và hy vọng, đến lúc đó, những dự định của chính quyền, người dân nơi đây với bàu mưng Phú Thọ sẽ trở thành hiện thực.
Theo Tâm An (Báo Quảng Bình)
Quảng Bình: Hết cảnh lộn xộn nhờ mô hình "cổng trường an toàn-thân thiện"
Nếu trước đây khi tan trường, rất đông phụ huynh với đủ các loại phương tiện từ ô tô, xe máy, xe đạp... đón con, gây tắc nghẽn cả đoạn đường, thì nay, tại Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), các phương tiện được sắp xếp theo từng khối lớp rất trật tự.
Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý là trường có số học sinh lớn thứ hai tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) với gần 1.000 học sinh. Những năm qua, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông trước cổng trường là nỗi băn khoăn, trăn trở của cán bộ, giáo viên và phụ huynh nơi đây.
Ngôi trường này đóng trên trục đường giao thông chính của thành phố, gần khu công nghiệp và có mật độ dân cư cao nên hàng ngày, lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn, trong đó có các loại xe tải, xe buýt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt trong thời điểm tan tầm cũng là giờ học sinh tan học.
Khu vực để xe được kẻ sẵn trước cổng trường.
Để tránh tình trạng nhốn nháo, lộn xộn trước cổng trường, Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý đã triển khai xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn-thân thiện". Nếu trước đây khi tan trường, rất đông phụ huynh với đủ các loại phương tiện từ ô tô, xe máy, xe đạp... đón con, gây tắc nghẽn cả đoạn đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, thì nay, thay vào đó là từng dãy xe máy, xe đạp được sắp xếp theo từng khối lớp kẻ sẵn, xe ô tô đỗ ở đoạn đường xa khu vực cổng trường.
Với học sinh, nhà trường đã quy định các em theo hiệu lệnh trống để ra cổng. Cụ thể, khi nghe một tiếng trống, khối lớp 1 sẽ đi ra cổng và đứng ở vị trí quy định của khối mình để đợi phụ huynh; tiếp theo là các khối 2, 3, 4, 5 cũng căn cứ vào hiệu lệnh trống tương ứng, lần lượt tan trường.
Phụ huynh xếp xe tại khu vực quy định để chờ đón con.
Quy định này đã giúp cho quá trình tan trường ở ngôi trường có gần 1.000 học sinh này trở nên nền nếp. Cộng với việc phụ huynh đợi ở cổng trường cũng được quy định theo khu vực của các khối, về cơ bản, tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông trước đây đã chấm dứt.
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý cũng cho biết, bên cạnh quy định cấm ô tô, xe máy vào trong sân trường, kể cả ô tô của cán bộ, giáo viên, trường đã cử giáo viên, nhân viên có mặt tại cổng trường trong giờ tan tầm để hướng dẫn phụ huynh.
Tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông trước đây đã chấm dứt.
Làm tốt mô hình này, Trường Tiểu học số 2 Bắc Lý cũng góp phần xây dựng văn hóa giao thông, đặc biệt là đối với các em học sinh, để các em ý thức được tầm quan trọng và cần thiết của văn hóa giao thông để hành động đúng đắn.
Đặng Tài
Theo Dân trí
Quảng Bình là điểm đến du lịch hấp dẫn và mến khách Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình tiếp tục là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương nhằm góp phần đưa du lịch Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững; là điểm đến hấp dẫn và mến khách. Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình lần thứ III, nhiệm...